Dạy kiến thức song song rèn kỹ năng sống cho học sinh
Trước vấn nạn bạo lực học đường và tình trạng học sinh vi phạm quy định về an toàn giao thông ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây, nhiều trường học ở Hà Nội đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền về kỹ năng sống, ý thức chấp hành pháp luật ngay trong những tuần đầu của năm học 2022-2023.
Nhiều chủ đề phong phú được truyền tải bằng phương pháp trực quan trở nên dễ hiểu, mang lại hiệu quả thiết thực.
Buổi tuyên truyền pháp luật tại Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú – Đống Đa (quận Đống Đa). Ảnh: TTXVN phát
Chủ đề đa dạng, hình thức phong phú
Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Phan Huy Chú – Đống Đa (quận Đống Đa) Cao Thanh Nga cho biết, công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh là một trong những hoạt động quan trọng của nhà trường trong mỗi năm học. Sau 2 năm bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm học 2022-2023, khi học sinh được đi học trực tiếp nhà trường tiếp tục nối lại hoạt động tuyên truyền về pháp luật để giúp các em hiểu thêm những kiến thức cơ bản về một số quy định của pháp luật, kỹ năng sử dụng mạng xã hội thông minh.
Với chủ đề “Phòng, chống bạo lực, xâm hại và những nguy cơ từ không gian mạng”, học sinh Trường Trung học Phổ thông Phan Huy Chú – Đống Đa đã được tiếp thu nhiều kiến thức bổ ích từ Thiếu tá Lê Mạnh Cường, cán bộ Tổ Tội phạm học, Viện Khoa học cảnh sát thuộc Học viện Cảnh sát nhân dân và Thiếu tá Nguyễn Hữu Huy đến từ Đội Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an quận Đống Đa.
Để giúp học sinh có nhận thức rõ hơn về các hành vi gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mà trẻ từ 14 tuổi có thể đã phải chịu trách nhiệm hình sự, cán bộ công an đã lựa chọn hình thức trực tiếp giao lưu, đặt câu hỏi với học sinh về một số tình huống thực tế liên quan đến bạo lực học đường, xâm hại tình dục và kỹ năng khi tham gia mạng xã hội. Sau buổi tuyên truyền, nhiều học sinh chia sẻ, mặc dù các em sử dụng mạng xã hội thành thạo, nhưng vẫn không ngờ có quá nhiều cạm bẫy trên không gian mạng. Nếu học sinh không đủ tỉnh táo để phân biệt thông tin thật hay thông tin giả, rất dễ bị xử lý hành chính, thậm chí bị xử lý hình sự.
Tại Trường Trung học Phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), ngay sau khi khai giảng, trường đã triển khai nhiều hoạt động chuyên đề thiết thực vào giờ chào cờ của mỗi thứ hai hàng tuần. Các lớp sẽ nối tiếp thực hiện theo tuần với các chủ đề khác nhau như: “Kỹ năng giao tiếp ứng xử”, “Thanh niên học tập, rèn luyện vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, “Quan điểm sống của thanh niên ngày nay”, “Sử dụng mạng xã hội văn minh, an toàn” và gần đây nhất là chuyên đề “Kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Thủ đô”.
Theo Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Cầu Giấy Lê Thị Hồng, các chuyên đề với nội dung phong phú được học sinh thể hiện bằng nhiều hình thức như hát, múa, diễn kịch… không chỉ cung cấp kiến thức lịch sử, kiến thức xã hội, mà còn gửi gắm thông điệp ý nghĩa để lại cảm xúc ấn tượng, sâu lắng trong lòng cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong toàn trường. Đây cũng là hoạt động được học sinh háo hức chờ mong vào mỗi buổi sáng thứ hai hàng tuần.
Rèn đạo đức song song với thể lực
Video đang HOT
Học sinh Trường phổ thông Võ thuật Bảo Long (huyện Gia Lâm) hào hứng tham gia cuộc thi tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: TTXVN phát
Ngay trong những ngày đầu năm học 2022-2023, Trường Phổ thông Võ thuật Bảo Long (huyện Gia Lâm) đã tổ chức Chương trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh toàn trường. Tại buổi tuyên truyền, học sinh đã được nghe cán bộ đội Công an giao thông, Công an huyện Gia Lâm chia sẻ về tình hình trật tự an toàn giao thông tại địa phương, ý thức chấp hành quy định an toàn giao thông của học sinh trong giai đoạn hiện nay.
Những nội dung khó nhớ, khó thuộc trong Luật Giao thông đường bộ đã được các cán bộ Công an làm “mềm hóa” bằng những mẩu chuyện nhỏ, ví dụ thực tế. Với hình thức tiếp cận khéo léo đó, học sinh đã bị cuốn hút vào nội dung buổi nói chuyện và dễ dàng ghi nhớ nội dung quy định liên quan đến lứa tuổi học sinh.
Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên của nhà trường còn tổ chức cuộc thi vẽ tranh, bích báo tuyên truyền về an toàn giao thông, trang bị kiến thức, hiểu biết cho học sinh, từ đó hình thành ý thức trách nhiệm trong thực hiện văn hóa giao thông. Cuộc thi cũng tạo điều kiện cho học sinh có dịp giao lưu, học hỏi, phát huy tính sáng tạo, thể hiện ý tưởng, năng khiếu, suy nghĩ của mình về an toàn giao thông qua những tác phẩm hội họa.
Hiệu trưởng Trường Phổ thông Võ thuật Bảo Long Đoàn Hoàng Giang cho biết, thông qua hoạt động tuyên truyền, nhà trường đã cung cấp cho học sinh kiến thức cơ bản về Luật Giao thông đường bộ, giúp các em nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Không chỉ vậy, nhà trường mong muốn mỗi học sinh sẽ là những tuyên truyền viên tích cực nhắc nhở người thân trong gia đình, người dân tại địa phương tham gia giao thông đúng quy định, phòng ngừa tai nạn giao thông.
Tại Trường Trung học Phổ thông Lê Lợi (quận Hà Đông), nhiều hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh cũng được tổ chức đa dạng. Điển hình như lễ trao tặng 1.500 lá cờ Tổ quốc cho các chiến sĩ ngoài hải đảo. Nhà trường đã mời đại diện của Trung tâm đào tạo trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam về trường để tiếp nhận và trực tiếp chia sẻ những trải nghiệm, khó khăn, gian khổ của các chiến sĩ đang canh giữ nơi đảo xa. Qua đó, học sinh đã hiểu hơn về tinh thần yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc và giá trị của hòa bình được đánh đổi bằng sự hy sinh của bao lớp cha anh đi trước…
Song song với việc dạy kiến thức, nhiều trường cũng quan tâm, đẩy mạnh hoạt động văn nghệ, thể thao để tạo sự gắn kết, đồng thời nâng cao thể lực, tăng cường sức khỏe cho học sinh, hỗ trợ việc học tập văn hóa tốt hơn như: Trường Trung học Phổ thông Trần Hưng Đạo – Thanh Xuân (quận Thanh Xuân) với Giải bóng đá cấp trường và sự kiện “Chốn mộng” chào đón học sinh lớp 10. Trường Phổ thông võ thuật Bảo Long thực hiện đa dạng các hoạt động, câu lạc bộ thể thao trường học và khuyến khích học sinh tham gia hoạt động thể thao ngoại khóa; đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức các giải thi đấu thể thao cấp trường như Giải vô địch cờ vua Bảo Long mở rộng năm 2022, tham gia hoạt động giao lưu bóng đá với đoàn thanh niên địa phương…
“Thông qua quá trình rèn luyện và thi đấu, học sinh đã học được tính kỷ luật cao, tinh thần trách nhiệm của mình với đội nhóm, biết nỗ lực nhiều hơn, không ngừng cố gắng vì thành tích chung của cả đội. Đó là điều mà không có con chữ nào có thể giúp các em hiểu trọn vẹn ý nghĩa nếu không từng trải qua”, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Võ thuật Bảo Long Đoàn Hoàng Giang chia sẻ.
Giáo dục đạo đức lối sống cho học trò qua sân chơi lành mạnh
Sân khấu hóa hoạt động tuyên truyền, tạo sân chơi cho học trò..., nhiều trường THPT ở Thanh Hóa đã giúp các em phát huy khả năng của mình.
Học sinh Trường THPT Hoằng Hóa 4 hào hứng tham gia hoạt động ngoại khóa về chủ đề "Bảo vệ môi trường".
Tạo sân chơi lành mạnh
Năm học 2022-2023, Trường THPT Hoằng Hóa 4 (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) có tổng số 34 lớp với hơn 1.400 học sinh (HS). Với mục tiêu giáo dục toàn diện, nên bên cạnh nâng cao chất lượng giáo dục, Ban giám hiệu nhà trường cũng quan tâm đến việc rèn luyện tác phong, đạo đức cho HS.
Thầy Lê Văn Chí - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong năm học này nhà trường đã xây dựng kế hoạch cho các hoạt động ngoại khóa, mỗi tuần sẽ thực hiện một chủ đề. Tuy nhiên, với những chủ đề gồm nhiều nội dung, thì có thể kéo dài khoảng vài tuần hoặc hơn.
Theo thầy Chí, đối với khối lớp 10 (khóa mới), Ban giám hiệu nhà trường cũng giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ nhiệm gần gũi với các em, để nắm bắt hoàn cảnh và hỗ trợ HS tiếp cận nhanh với môi trường học tập mới.
"Đoàn trường cũng tham gia tích cực trong công tác hỗ trợ HS lớp 10 hòa nhập nhanh với môi trường học tập mới. Nhìn chung, đến thời điểm này, các em đã quen và đi vào nề nếp sinh hoạt chung của trường", thầy Chí nói.
Hàng năm, Trường THPT Hoằng Hóa 4 cũng phối kết hợp với các đơn vị, như: Công an, Trung tâm hướng nghiệp tổ chức tuyên truyền, phổ biến về pháp luật và định hướng nghề nghiệp cho HS nhà trường.
"Thuận lợi đối với nhà trường đó là đặc điểm dân cư trên địa bàn rất thuần nông, chủ yếu là nông dân và công nhân. Xung quanh nhà trường được đảm bảo về an ninh, gần như không có quán chơi điện tử. Đội ngũ giáo viên tận tâm, nhiệt tình với công việc và học trò. Học sinh chăm ngoan, ý thức học tập tốt", thầy Chí nói thêm.
Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Trường THPT Hoằng Hóa 4 cũng chú trọng xây dựng môi trường học tập hạnh phúc thông qua việc tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học,...
Học sinh Trường THPT Hoằng Hóa 4 (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) thực hiện đổ rác đúng nơi quy định.
Phụ trách buổi sinh hoạt ngoại khóa đầu tiên của năm học mới, cô Đặng Thị Hoài Thu (giảng dạy môn Tiếng Anh) cảm thấy rất hài lòng trước sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của HS.
Theo cô Thu, hoạt động ngoại khóa về chủ đề "Bảo vệ môi trường" có sự tham gia của đại diện 34 lớp thông qua phần thi trình diễn thời trang với trang phục được làm từ phế thải, như: túi ni lông, bao tải, giấy đã qua sử dụng,... Chương trình cũng được lồng ghép bằng Tiếng Anh nên vô cùng sinh động.
"Tổ chức các hoạt động này, chúng tôi mong muốn trang bị cho các em kỹ năng phát triển tinh thần tự học, tự chủ, khả năng giao tiếp, sáng tạo và tìm giải pháp bảo vệ môi trường. Đồng thời, nâng cao ý thức cho các em trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường bằng hành động, việc làm cụ thể", cô Thu chia sẻ.
Trang bị kỹ năng cho học trò
"Với mục tiêu giáo dục toàn diện, nhà trường rất chú trọng tới công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS. Tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa HS với nhau và giữa thầy cô với học trò". Đây là chia sẻ của thầy Đặng Quang Thanh - Hiệu trưởng Trường THPT Hậu Lộc 2 (Hậu Lộc, Thanh Hóa).
Theo thầy Thanh, ngay trong tuần lễ sinh hoạt đầu năm học, nhà trường đã phổ biến cho HS, đặc biệt là các em khối lớp 10 nắm bắt về nội quy, quy định của trường, lớp. Xuyên suốt năm học, công tác giáo dục đạo đức, lối sống vẫn được duy trì và tổ chức thường xuyên với hình thức đa đạng.
Cụ thể, hoạt động sinh hoạt dưới Cờ vào mỗi sáng thứ Hai hàng tuần hay các buổi sinh hoạt ngoài giờ lên lớp theo chủ đề. Ngoài ra, Ban giám hiệu cũng giao cho Đoàn trường tổ chức các hoạt động tuyên truyền theo hình thức sân khấu hóa.
Học sinh Trường THPT Hậu Lộc 2 (Hậu Lộc, Thanh Hóa) dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Hậu Lộc.
"Nhà trường thường xuyên phối kết hợp với Công an xã Thuần Lộc, Công an huyện Hậu Lộc để tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, nâng cao hiểu biết về ma túy, HIV. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Y tế huyện trong công tác phòng, chống dịch bệnh, trang bị kỹ năng cho các em về sức khỏe sinh sản vị thành niên,...
Thuận lợi đối với nhà trường là HS chăm ngoan, có ý thức học tập tốt. Đặc biệt, nhà trường luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của phụ huynh học sinh, cộng đồng trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống", thầy Thanh chia sẻ.
Cùng với các hoạt động sân khấu hóa, hàng năm Trường THPT Hậu Lộc 2 cũng thường xuyên tổ chức cho HS quét dọn, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Hậu Lộc vào các dịp lễ, Tết, ngày Thương binh liệt sỹ 27/7,... Đồng thời, tổ chức Lễ kết nạp Đảng viên tại Khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập (Hậu Lộc).
"Hoạt động này vừa giáo dục cho HS về truyền thống uống nước nhớ nguồn, vừa nâng cao trách nhiệm của các em đối với bản thân, gia đình và xã hội", thầy Thanh nói.
"Với mỗi chủ đề, Ban giám hiệu sẽ giao cho một nhóm hoặc tổ chuyên môn phụ trách. Hình thức thực hiện cũng rất đa dạng, nhưng chủ yếu là sân khấu hóa nhằm tạo ra sân chơi để HS được tham gia và thể hiện khả năng của mình", thầy Lê Văn Chí - Phó hiệu trưởng Trường THPT Hoằng Hóa 4 (Thanh Hóa).
Ôn tập mùa dịch: Trường vùng khó "đua nước rút" Dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ tới dạy học và ôn tập thi tốt nghiệp các trường THPT, đặc biệt trường vùng khó. Cô trò khối 12 Trường THPT A Túc (Hướng Hóa, Quảng Trị) vừa dạy kiến thức buổi sáng vừa ôn tập thi tốt nghiệp buổi chiều. Ảnh: NTCC Tùy theo điều kiện, thầy cô sẵn sàng phương án ứng phó...