Dạy học trực tuyến: Tìm đường vượt khó
Hai tháng triển khai thử nghiệm, trải nghiệm dạy học trực tuyến đã cho một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, chúng ta mới tiếp cận ở những cấp độ ban đầu của phương thức này.
Học qua truyền hình và Internet giúp học sinh nâng cao ý thức tự học. Ảnh: IT
Trên thực tế, các nguyên tắc sư phạm của dạy học số đặt ra yêu cầu, thách thức mới, rất khác so với sư phạm truyền thống, khó khắc phục trong ngày một, ngày hai.
Nguyên tắc dạy học: Chưa đồng bộ, đầy đủ
Nhiều năm nghiên cứu về công nghệ giáo dục, TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng: Dạy học trực tuyến hiện có những khó khăn, bởi chưa có gì bảo đảm về quản lý việc học tập của học sinh một cách bài bản, hệ thống; phần lớn mang tính riêng lẻ cho từng môn học, từng lớp hay cá nhân từng giáo viên, phụ thuộc vào sự nhạy bén, tích cực của một số bộ phận đội ngũ giáo viên.
Bên cạnh đó, hệ thống bài giảng mới chỉ được chuyển đổi cơ học từ những nội dung dạy học trước đây, còn “cứng” theo phân phối chương trình và tiến trình bài học có trong sách giáo khoa; Nội dung chưa đồng bộ theo các yêu cầu của việc số hóa nội dung. Phương pháp sư phạm của giáo viên còn hạn chế, cấu trúc tiến trình bài dạy còn mang tính ứng phó; Các nguyên tắc dạy học trực tuyến chưa được áp dụng và thực hiện đồng bộ, đầy đủ. Đặc biệt, yếu tố công nghệ chưa đồng bộ, bảo đảm sự tiếp cận đầy đủ, công bằng cho học sinh. Lịch trình, thời gian dạy học chưa được tính toán, cân nhắc phù hợp với bối cảnh xã hội, gia đình, tâm sinh lý, an toàn vệ sinh học đường…
“Quan sát một số giờ dạy của giáo viên có thể đưa ra vài nhận định sơ bộ: Thầy cô vẫn áp dụng cách dạy như trong điều kiện giáp mặt trực tiếp; Nói nhanh như khi giảng trên lớp; Khó thể hiện cảm xúc vì bị hạn chế tâm lý khi ngồi trước màn hình, máy quay; Ít dừng lại hỏi han, quan tâm đến học sinh xem có theo kịp bài giảng không.
Nhiều thầy cô vẫn sử dụng các bài giảng đã soạn sẵn từ trước, chưa tích hợp nội dung đa phương tiện tăng tính trực quan cho logic nội dung bài giảng, phù hợp với các kênh đa giác quan của học sinh. Vấn đề quản lý lớp qua màn hình trong các giờ lên lớp trực tuyến theo thời gian thực bị hạn chế do kỹ năng sử dụng giải pháp công nghệ. Các bài tập thực hành, kiểm tra nhanh chưa được tích hợp trong quá trình đánh giá thường xuyên trên lớp trực tuyến; tương tác với học sinh bị hạn chế khá nhiều…” – TS Tôn Quang Cường chia sẻ.
Không chuyển đổi cơ học
Video đang HOT
Đề xuất giải pháp, TS Tôn Quang Cường cho rằng: Ban giám hiệu nhà trường cần khẩn trương thống nhất và điều chỉnh lịch học, thời khóa biểu học các môn. Chuyển từ thời khóa biểu cho từng lớp sang lịch học theo môn và áp dụng chung cho từng khối lớp. Điều này có 2 điểm ưu việt: Tối ưu hóa việc bố trí thời gian, phân công giáo viên dạy (bố trí những giáo viên “ăn hình, ăn tiếng”, giỏi chuyên môn để dạy chung cho toàn khối). Đồng thời, điều chỉnh lại kế hoạch nhà trường, sắp xếp lại lịch học cho hợp lý.
Tuyệt đối không chuyển đổi cơ học các tiết dạy (trước đây) thành các tiết dạy trực tuyến theo thời gian thực với thời lượng tương đương; ví dụ: 5 tiết (45 phút) thành 225 phút dạy trực tuyến liên tục trong một buổi. Nên bố trí xen kẽ các môn học, mỗi môn kéo dài khoảng 35 – 40 phút, giữa có giải lao 10 – 15 phút, mỗi buổi chỉ nên 3 tiết, ngày 2 buổi, thời gian bắt đầu và kết thúc buổi học linh hoạt, phù hợp với thời gian sinh hoạt gia đình học sinh hiện nay.
Về phía tổ chuyên môn, cần tập trung xây dựng các bài giảng chung theo hướng: Lựa chọn các nội dung cốt lõi nhất trong chương trình, tái cấu trúc các nội dung môn học thành các bài giảng theo hình thức khác nhau. Số hóa tối đa nội dung bằng các công cụ công nghệ ( video, mô phỏng, hình ảnh, bài giảng PowerPoint, hệ thống câu hỏi kiểm tra đánh giá…). Lựa chọn giáo viên có năng lực phù hợp với từng loại bài lên lớp để dạy trực tuyến theo thời gian thực cho học sinh toàn khối. Lập kế hoạch phân công cụ thể cho giáo viên phụ trách môn học của từng lớp tiếp tục bám sát tiến trình học tập của lớp.
Về nguyên tắc sư phạm, phương pháp triển khai, TS Tôn Quang Cường lưu ý, cách dạy học trực tuyến cần tuân theo nguyên tắc lớp học đảo ngược, dạy học hỗn hợp và dạy học cá nhân hóa. Theo đó, trước mỗi bài học trực tuyến phải cung cấp nội dung học tập, yêu cầu, tài liệu học tập trước cho học sinh. Trong quá trình giảng bài không ôm đồm, sa đà vào phân tích, giảng giải nội dung mà chủ yếu quan tâm xem học sinh tiếp thu được đến đâu, lưu ý đến các điểm học sinh chưa rõ. Thường xuyên nhắc lại nhiệm vụ yêu cầu của bài học; bố trí riêng một số giờ dạy trực tuyến để giải đáp, hướng dẫn học bài; giới thiệu, cung cấp và hướng dẫn đầy đủ các tài nguyên học tập (không chỉ là nội dung của SGK).
Bố trí thiết lập ngay hệ thống quản lý học tập (LMS), trước mắt có thể là những công cụ đơn giản và miễn phí. Tập hợp các tài nguyên dạy học, kể cả các tài nguyên để cho học sinh xem đi xem lại khi cần (video dạy học, bài giảng PowerPoint, văn bản, âm thanh, hình ảnh…). Thiết lập kênh liên lạc thường xuyên với cha mẹ học sinh để có các điều chỉnh và phối hợp kịp thời. - TS Tôn Quang Cường
Hiếu Nguyễn
Chuyên gia RMIT: Bài giảng cho dạy online phải giúp người học cảm nhận người thật, giao tiếp thật
Theo giảng viên Đại học RMIT Việt Nam Phạm Công Hiệp, một nhiệm vụ quan trọng của người dạy trực tuyến là chuẩn bị bài giảng hội đủ 3 yếu tố của sự "hiện diện trực tuyến", tạo ra môi trường học trong đó người học cảm nhận được người thật, giao tiếp thật.
Theo Tiến sĩ Phạm Công Hiệp, việc dạy và học trực tuyến đang là lựa chọn tối ưu với ngành giáo dục không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều quốc gia khác.
Giải pháp tối ưu cho ngành giáo dục
Thực hiện phương châm "Tạm dừng đến trường, không dừng việc học" của ngành giáo dục, đến nay, bên cạnh 14 kênh truyền hình phát sóng các bài giảng giáo dục phổ thông, đã có nhiều trường phổ thông trong cả nước đẩy mạnh ứng dụng các hệ thống quản lý học tập (LMS) để tổ chức dạy, quản lý dạy và học trực tuyến; 92/240 trường đại học đang áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến.
Ở góc độ của một chuyên gia đã 10 năm nghiên cứu, áp dụng CNTT trong giáo dục và đang giảng dạy nhiều môn học trực tuyến tại Đại học RMIT Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Công Hiệp nhận định, dạy và học trực tuyến đang là lựa chọn tối ưu với ngành giáo dục, không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều quốc gia khác.
Tuy nhiên, những điều kiện tiên quyết nào cần có với hình thức dạy học trực tuyến để có thể đảm bảo hiệu quả như hình thức học truyền thống đang là mối quan tâm của nhiều cơ sở giáo dục, nhiều giáo viên, giảng viên.
Theo phân tích của vị giảng viên cấp cao Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam, hình thức học trực tuyến có ưu điểm lớn là các tài liệu học tập, câu hỏi thảo luận, bài kiểm tra, điểm thi đều được lưu trữ trên một nền tảng quản lý nội dung trực tuyến nên người học có thể truy cập những nội dung này vào bất kỳ thời gian nào, ở bất cứ đâu.
Bài giảng sẽ được phát trực tiếp để người học có thể tham gia ngay tại thời điểm đó, đồng thời cũng được ghi hình lại để làm tài liệu hỗ trợ có thể sử dụng khi cần. Tùy theo số lượng người tham gia, người dạy và người học vẫn có thể tương tác với nhau trên nền tảng này.
"Những ưu điểm trên sẽ giúp người học có thể bắt kịp chương trình khi không thể trực tiếp đến lớp, hoặc có thể xem lại bài dễ dàng nếu không hiểu hay chưa theo kịp bài giảng", Tiến sĩ Hiệp nhận định.
Tuy nhiên, chuyên gia RMIT cho hay, học trực tuyến cũng cho thấy một số nhược điểm riêng như: người học có thể mất tập trung do trong môi trường trực tuyến, họ sẽ không được ai nhắc nhở, không có thời gian biểu cụ thể để tuân theo; môi trường học thiếu ổn định do bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài như tốc độ đường truyền kém, âm thanh không rõ, hình ảnh không đủ chất lượng; thiếu sự tương tác trực tiếp giữa người học với người dạy và giữa người học với nhau...
Làm sao để dạy và học trực tuyến hiệu quả?
Tiến sĩ Phạm Công Hiệp cho rằng, để khắc phục thiếu tính tương tác trực quan và cảm quan trong lớp học được dạy trực tuyến, người dạy nên chuẩn bị bài giảng hội tụ đủ 3 yếu tố của sự "hiện diện trực tuyến", gồm hiện diện người dạy, hiện diện yếu tố xã hội, hiện diện nhận thức.
Trong đó, hiện diện người dạy liên quan tới việc tạo ấn tượng với người học qua chia sẻ thông tin về tính cách, sở thích cá nhân trước buổi học đầu tiên cũng như phong thái dạy thể hiện cá tính riêng. Người dạy phải đóng vai trò kiến tạo và kết nối người học với nhau qua các hoạt động bổ trợ, cách đặt câu hỏi nhóm, cung cấp phản hồi cả trực tuyến và sau lớp học. Người học sẽ dễ kết nối và hứng thú hơn với bài giảng nếu họ hiểu và đón nhận tính cách cũng như biểu cảm của người dạy trực tuyến.
Hiện diện yếu tố xã hội giúp người học trực tuyến kết nối và có cảm xúc với cả nhóm, tạo sự hiện diện tương tự như ngoài đời thật nhờ tương tác, thảo luận qua tính năng đàm thoại, nhắn tin trực tiếp trên nền tảng dạy học, hay thậm chí là tạo nhóm thảo luận trực tuyến ngay giữa bài giảng.
Còn về hiện diện nhận thức, đây là việc kết nối bài giảng trực tuyến với những kiến thức sẵn có của người học, giúp họ kiến tạo thông tin và tri thức mới qua các hình thức trắc nghiệm, kiểm tra kiến thức ngay trong bài giảng, trả lời câu hỏi qua hình ảnh, âm thanh hay tin nhắn.
"Kiến tạo "hiện diện trực tuyến" sẽ tạo ra môi trường học trong đó người học cảm nhận được người thật, giao tiếp thật và sự hiện diện của bản thân người học cũng được quan tâm. Điều này giúp người học kết nối với thầy cô và bạn học như trong môi trường thực", Tiến sĩ Hiệp chia sẻ.
Hiện tại, Đại học RMIT Việt Nam đã chuyển toàn bộ việc học lên môi trường online.
Để chuẩn bị tốt cho việc học trực tuyến, Tiến sĩ Hiệp khuyến nghị người dạy chuẩn bị chi tiết các hoạt động, tài liệu hỗ trợ trước và sau bài giảng trực tuyến để giúp người học nắm được chủ đề trước khi tham gia buổi học và ôn tập lại kiến thức sau đó; kiểm tra, sử dụng các thiết bị giảng dạy và tài liệu buổi học xem có tương thích với phần mềm giảng dạy trực tuyến không; bố trí máy ghi hình và máy ghi âm di động để người dạy có thể thoải mái di chuyển đến bảng viết...
Với người học, chuyên gia RMIT cho rằng, cần chú trọng chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị hỗ trợ việc học như máy tính, các phần mềm cần thiết, thiết bị ghi hình, thiết bị hội thoại để tham gia lớp học trực tuyến. Đặc biệt, nên truy cập bằng đường truyền Internet tốc độ cao để có thể đạt hiệu quả tối đa khi học trực tuyến.
Bên cạnh đó, người học nên chuẩn bị tất cả những thứ cần thiết khác như nước uống, bút, sổ ghi chép để tránh di chuyển ngoài ý muốn, dẫn đến gián đoạn trong việc tiếp thu bài giảng. Nên tìm không gian phù hợp không bị ảnh hưởng bởi yếu tố ngoại cảnh để không khiến cả người học và người dạy bị sao nhãng.
Người học cũng nên hiểu rõ các nguyên tắc lịch sự trực tuyến như không bật thiết bị ghi hình nếu không mặc trang phục phù hợp, để chế độ im lặng trên thiết bị hội thoại nếu chưa cần thảo luận, phản hồi khi được yêu cầu trả lời, chủ động tham gia thảo luận trong phòng thoại khi được nêu tên, thông báo với những người đang cùng tham gia khi bản thân phải dừng buổi học sớm.
Chuyên gia RMIT cũng lưu ý thêm, các thiết bị phần mềm hỗ trợ bài giảng trực tuyến đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đạt hiệu quả cao nhất khi học trực tuyến. Microsoft Teams, Google Meet, Collaborate Ultra và Zoom là những phần mềm chuyên dụng giúp dạy và học trực tuyến hiệu quả được vị chuyên gia này giới thiệu.
M.T
Bộ GD&ĐT hướng dẫn chi tiết dạy học qua internet, trên truyền hình Tối nay (26/3), Bộ GD&ĐT đã phát đi văn bản hướng dẫn dạy học qua internet, trên truyền hình đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên trong giai đoạn dịch Covid-19. Đề cao tính tương tác Theo đó, trong công văn gửi các sở GD&ĐT, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã hướng dẫn chi...