Dạy học trực tuyến hiệu quả, thầy cô phải chuẩn bị gấp đôi gấp 3 dạy trực tiếp
Để áp dụng công nghệ thông tin được hiệu quả trong các công việc thì yếu tố quan trọng nhất là tâm huyết của những người làm công tác quản trị nhà trường.
Làm thế nào để duy trì việc dạy và học trong những ngày chống dịch Covid-19 là vấn đề đặt ra với ngành giáo dục và mỗi nhà trường. Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Nguyễn Cao Cường – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết:
“Khi có chỉ đạo cho học sinh nghỉ học để phòng chống dịch thì việc đầu tiên mọi người thường nghĩ đến là tiến hành tổng vệ sinh và cách phòng chống dịch đảm bảo an toàn, chứ chưa ai nghĩ đến việc học. Thời điểm đó công tác phòng chống dịch của nhà trường thì chúng tôi cũng đã thực hiện rất tốt.
Chuyện tiếp theo tôi suy nghĩ làm thế nào tiếp tục duy trì việc học khi học sinh được nghỉ ở nhà, với trách nhiệm nhà trường như một sợi dây kết nối đồng bộ với học sinh giúp các em không quên kiến thức.
Từ phải qua trái: Thầy Nguyễn Cao Cường – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh; cô giáo Nguyễn Nguyệt Ngư – Tổ trưởng ngoại ngữ; cô Phạm Thu Thủy – Phó hiệu trưởng và cô Đinh Thị Hồng Châm – Phó hiệu trưởng trong buổi dự giờ ghi hình dạy Online tại Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.
Phải nghĩ cách làm sao dạy học cho hiệu quả, đồng bộ từ nhà trường đến học sinh và các phụ huynh, chúng tôi thực hiện biện pháp giao phiếu bài ôn tập và chữa bài đó bằng những video của giáo viên nhà trường thực hiện.
Ban giám hiệu chỉ đạo đến các tổ trưởng chuyên môn, các nhóm chuyên môn cùng thảo luận để có phương án ra phiếu cho các tuần, trung bình mỗi tuần 2 phiếu giao đến học sinh từ mức độ cơ bản đến nâng cao một chút, với mục đích duy trì kiến thức cho các em.
Tất cả những nội dung ôn tập này đều được kiểm tra chặt chẽ các khâu rồi sau đó đưa lên trang Web của nhà trường, tất cả đều có tiêu đề đánh số thứ tự theo ngày giúp học sinh dễ nhận biết. Sau đó báo cho phụ huynh các khối 6, 7, 8, 9 bằng tin nhắn.
Đặc biệt chúng tôi chú trọng tập trung vào học sinh lớp 9, đây là khối cần sự ổn định về kiến thức để giúp các em thi vào lớp 10.
Trong khi học sinh làm bài ở nhà thì các thầy cô vẫn đến trường hàng ngày để chuẩn bị phiếu giao bài tiếp theo, một tổ thì tiếp tục ghi hình video tại trường để hướng dẫn chữa bài của những phiếu giao trước.
Trong khi ghi hình, ban giám hiệu nhà trường và tổ chuyên môn đã dự giờ trực tiếp, nếu có sai sót thì góp ý, dừng lại chỉnh sửa luôn.
Khi video hoàn thành thì tổ trưởng bộ môn kiểm tra lại, phó hiệu trưởng kiểm tra lần nữa và hiệu trưởng là người xem cuối cùng, chính vì vậy mà những video hướng dẫn học sinh đạt chất lượng rất cao về nội dung.
Tính cho đến thời điểm này nhà trường đã làm được hơn 40 video như vậy, việc này đã nhận được những phản hồi rất tích cực từ học sinh cũng như các phụ huynh của nhà trường.
Có thể nói Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh cũng là trường đầu tiên trong quận Đống Đa, đã chủ động tập huấn về ứng dụng các phương pháp dạy và học trực tuyến hiệu quả.
Chúng tôi mời chuyên gia dạy trực tuyến về để tập huấn cho hơn 60 giáo viên của nhà trường ngay từ tuần đầu học sinh được nghỉ học, đồng thời thực hiện đồng bộ 2 biện pháp là giao phiếu và ghi hình hướng dẫn chữa bài cho 1.500 học sinh toàn trường theo một định hướng chung.
Đồng thời giáo viên của trường tham gia dạy học trực tuyến theo phân lớp của từng thầy cô. Tôi cho rằng việc dạy trực tuyến này không có gì là quá khó, việc chính và cần thiết là mình phải tổ chức, hướng dẫn cho thầy cô vượt qua được nhận thức rằng dạy trực tuyến không phải là một vấn đề xa vời, không tưởng.
Việc nữa là giúp các thầy cô hiểu được việc dạy trực tuyến không phải là không có hiệu quả, trong khi thực tế thì ngược lại. Chúng tôi tấp huấn theo cách cầm tay chỉ việc, sau khi tập huấn xong là các thầy cô áp dụng được ngay.
Hiện nay mọi người đang bị quá nhiều thông tin và các công cụ dạy trực tuyến chi phối nên nghĩ là khó thực hiện, nhưng nhà trường chúng tôi chỉ tập chung vào 2 công cụ phần mềm theo ứng dụng Hangouts của Google và công cụ Zoom.
Trước khi tập huấn thì bản thân tôi đã có tìm hiểu rất kỹ và phân tích các công cụ này, chính vì vậy mà chúng tôi chỉ tập chung vào 2 công cụ cho hiệu quả nhất.
Công cụ Zoom và Hangouts để dạy trực tuyến rất đơn giản, một công cụ thì chặn số lượng người, còn một công cụ không chặn số lượng người nhưng lại hạn chế thời gian sử dụng.
Chính vì vậy chúng tôi kết hợp 2 công cụ này với nhau và ứng dụng cho nhóm từ 10 đến 20 học sinh, công cụ này không hạn chế thời gian nên giáo viên có thể thực hiện thoải mái.
Video đang HOT
Cô giáo Bùi Ngọc Hà – Giáo viên dạy môn Tiếng Anh trong giờ ghi hình dạy học trực tuyến tại Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.
Cô giáo Bùi Ngọc Hà (bên trái ảnh) và cô giáo Nguyễn Nguyệt Ngư – Tổ trưởng tổ ngoại ngữ Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội, trong giờ dạy trực tuyến. Ảnh: Tùng Dương.
Sau khi được tập huấn thì giáo viên chủ động liên hệ với cha mẹ học sinh để cung cấp địa chỉ Gmail, đồng thời hẹn lịch học hợp lý nhất đối với học sinh cũng như phụ huynh.
Việc học ở nhà cũng cần sự nhắc nhở, giúp đỡ của cha mẹ học sinh, đồng thời phụ huynh có thể theo dõi và góp ý chỉnh sửa những phần chưa hợp lý trong việc dạy qua mạng.
Tổ bộ môn sẽ phân công các giáo viên bộ môn dạy theo giờ, như Toán, Văn, Tiếng anh… và thường mỗi buổi chúng tôi tiến hành dạy 2 môn, mỗi môn 30 phút đồng hồ.
Cũng phải tính đến yếu tố tâm lý của học sinh, những ngày nghỉ phòng dịch cũng không nên ép các con quá, còn phải có thời gian nghỉ ngơi tạo tâm lý thoải mái, tạo độ hưng phấn trong học tập, vậy nên chúng tôi chỉ tiến hành dạy 2 tiết.
Hơn nữa tôi muốn để các thầy cô cũng như cha mẹ học sinh thay đổi nhận thức về tính hiệu quả, việc này chúng tôi đã có phân tích các tình huống trong buổi tập huấn về dạy trực tuyến.
Đây cũng là thời điểm chưa cần dạy bài mới, mà mục đích duy trì nếp học tập của các con, ôn lại bài cũ, định hướng về phương pháp cũng như dặn dò các con nề nếp giữ vệ sinh phòng dịch khi ở nhà, chứ không nhất thiết phải dạy bài mới”.
Ứng dụng lâu dài trong học tập
Việc dạy học qua mạng internet bắt buộc giáo viên phải có kịch bản nhiều gấp đôi, gấp ba so với dạy trực tiếp trên lớp, giáo viên phải chuẩn bị tài liệu trình chiếu (file powerpoint) để trình chiếu, rồi tài liệu văn bản (file word) cho các con xem, ngoài ra giáo viên phải thông thạo các công cụ như chụp ảnh màn hình, rồi tiếp nhận phản hồi của học sinh, xử lý phản hồi bằng cách nào…tất cả những việc đó giáo viên đều đã được tập huấn đầy đủ.
Để tiến hành lâu dài, nhà trường chúng tôi cũng đã tính đến việc áp dụng công nghệ trong việc ôn tập theo tình hình mới, cũng chưa thể biết được việc nghỉ học phòng dịch này có kéo dài nữa hay không, chính vì vậy chúng tôi cũng đã chuẩn bị nhiều kịch bản.
Những công cụ này rất hay, trước đây khi chưa có tình huống nào tương tự xảy ra thì mọi người thấy việc học trực tuyến này quá là xa vời, khó khăn. Nhưng khi được tập huấn và thực hiện hàng ngày thì điều đó cũng đã làm thay đổi suy nghĩ của mọi người.
Về lâu dài chúng tôi cũng sẽ áp dụng để họp trực tuyến, trước đây mình cứ nghĩ phải cần nhiều thiết bị cao siêu, nhưng nay các giáo viên đã có những góc nhìn khác hẳn.
Trong giai đoạn phòng dịch này, theo khuyến cáo tránh tụ tập đông người thì chúng tôi sẽ tiến hành họp giáo vụ trực tuyến, họp với giáo viên toàn trường để triển khai các kế hoạch chung.
Thầy giáo Đỗ Văn Bảo – Chuyên gia dạy học Online đang tập huấn dạy trực tuyến cho các giáo viên của Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Cao Cường.
Thầy giáo Nguyễn Cao Cường: “Để việc áp dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả trong các công việc của nhà trường, theo tôi yếu tố quan trọng nhất là tâm huyết của những người làm công tác quản trị nhà trường”. Ảnh:Cao Cường.
Các giáo viên của Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội. tham gia tập huấn dạy và học Online. Ảnh: Cao Cường.
Buổi tập huấn đã mở ra cho chúng tôi được nhiều ý tưởng để áp dụng, và sau đợt nghỉ này, chúng tôi dồn toàn bộ khả năng để đáp ứng và duy trì về mặt công nghệ thông tin trong các công việc chuyên môn của nhà trường.
Việc đầu tiên là liên quan đến ôn tập vào lớp 10, sẽ không ôn tập theo kiểu đại trà mà với từng học sinh của nhà trường. Đối với tốp các em có thể vươn cao hơn một chút thì chúng tôi có định hướng cho các giáo viên bộ môn cùng tìm hiểu những khó khăn của học sinh để mở rộng nâng cao kiến thức cho các em.
Có thể áp dụng đưa các câu hỏi lên trang Web cho các con giải, sau đó giáo viên sẽ xem và chữa, cũng như hướng dẫn cách giải chính xác. Vào thời gian học sinh cần ôn tập thì nhà trường sẽ đưa lên đó các câu hỏi và đáp án như một kho tư liệu đầy đủ các môn.
Với những môn mà trước đây học sinh có những mong muốn tìm hiểu sâu hơn, trong khi trên lớp các thầy cô không đủ thời gian để truyền đạt, thì giờ đây ôn tập Online sẽ giải quyết được vấn đề này một cách hiệu quả với những phần ôn tập nâng cao.
Còn đối với nhóm học sinh trung bình hoặc khá, thì nhà trường cũng sẽ áp dụng phương pháp tương tự ngoài những giờ học tập ở trên lớp.
Việc này giải quyết được vướng mắc về thời gian của học sinh cũng như giáo viên, tất cả không nhất thiết phải tập trung tại trường vào một giờ nhất định.
Với những video phần câu hỏi cũng như phương pháp giải đúng thì nhà trường đã đưa lên Web và học sinh có thể xem bất cứ lúc nào, không nhất thiết là trong giai đoạn nghỉ này, đó cũng là một lợi thế của học Online.
Về tâm lý học sinh trong đợt học Online này thì các em rất thích, nhiều phụ huynh và học sinh không nghĩ rằng nhà trường làm kịp thời và đồng bộ nhanh như vậy, vừa ra bài nhưng đồng thời có video hướng dẫn giải đáp án.
Chính việc đồng bộ như vậy đã giúp học sinh có hứng khởi, không nhàm chán, vướng mắc ở đâu thì các em được thầy cô giúp đỡ ngay.
Hơn nữa mặc dù nghỉ học nhưng các em vẫn được gặp thầy cô, các bạn trong lớp hàng ngày thông qua các ứng dụng công nghệ, việc đó giải tỏa rất nhiều về tâm lý của học sinh. Các con cho biết là nhớ thầy cô, nhớ bạn, nhớ trường lắm rồi.
Quan trọng nữa là phải có đội ngũ giáo viên nhiệt huyết, năng động, có trình độ và sẵn sàng tìm hiểu, áp dụng những phương pháp mới vào công việc giảng dạy. Ngoài ra cũng rất cần sự hợp tác, phản hồi từ học sinh và cha mẹ các em. Ảnh: Cao Cường.
Để việc áp dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả trong các công việc của nhà trường, theo tôi yếu tố quan trọng nhất là tâm huyết của những người làm công tác quản trị nhà trường.
Khi người quản trị nhà trường đưa ra các vấn đề thì cần nhìn xa hơn, tính xa hơn và cần đồng hành, truyền được cảm hứng, động viên cũng như đưa ra các phương án để giáo viên làm theo sao cho hiệu quả nhất, thiết thực nhất, tránh hình thức.
Quan trọng nữa là phải có đội ngũ giáo viên nhiệt huyết, năng động, có trình độ và sẵn sàng tìm hiểu, áp dụng những phương pháp mới vào công việc giảng dạy. Ngoài ra cũng rất cần sự hợp tác, phản hồi từ học sinh và cha mẹ các em.
Hiện nay trên thế giới thì việc học Online chỉ đạt hiệu quả khi các đối tượng học có trình độ cao, nhân cách tốt và việc học Online là bổ sung và nâng cao một môn nào đó thì việc này có thể được.
Còn theo quan điểm của cá nhân tôi thì việc dạy và học Online này chắc chắn không thể thay thế được việc học trực tiếp trên lớp.
Việc dạy học trực tiếp có những cái mà dạy Online không thể thay thế được, đó là cử chỉ, ánh mắt trìu mến, nụ cười lời nói, nhân cách của giáo viên… có ảnh hưởng rất nhiều đến sự định hướng và hình thành nhân cách của học sinh. Đó là những điều mà Online không làm được.
Vừa qua thì Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa cũng đã tổ chức dạy tập huấn cho những giáo viên cốt cán của các trường trong quận, và chắc chắn sau đợt này sẽ có nhiều trường trong quận triển khai dạy trực tuyến, cũng như có linh hoạt hơn trong ứng biến các tình huống giảng dạy”.
Tùng Dương
Theo giaoduc.net
Học sinh nghỉ học do dịch Covid-19: Không dạy bài mới, không tổ chức kiểm tra
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến thời gian nghỉ học của học sinh kéo dài, gây xáo trộn việc học tập và sinh hoạt của hàng triệu gia đình
. Nhằm giúp phụ huynh và học sinh an tâm, biết cách phân bổ thời gian hợp lý trong thời gian nghỉ học, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM.
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, theo ghi nhận thực tế ở các trường học, hiện tại, hoạt động dạy học trực tuyến đang có nhiều bất cập, thiếu đồng bộ giữa các đơn vị trường học. Vậy Sở GD-ĐT TP đã có những chỉ đạo gì nhằm giúp các trường triển khai hiệu quả hình thức dạy học này?
Ông NGUYỄN VĂN HIẾU: Sở GD-ĐT TP đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu tất cả đơn vị trường học trên địa bàn TP triển khai các hình thức dạy học trực tuyến, dạy học online cho học sinh trong thời gian các em nghỉ học vì dịch bệnh.
Trong đó, mục tiêu học tập chủ yếu là ôn tập, củng cố nội dung các bài đã học, hệ thống kiến thức quan trọng trong chương trình, tuyệt đối không được dạy bài mới, không tổ chức kiểm tra, lấy điểm cho học sinh.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM
Như vậy, hiện nay trường nào đang tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra qua mạng, tổ chức cho học sinh làm kiểm tra trên giấy rồi scan/chụp hình bài làm gửi thầy, cô để lấy điểm kiểm tra 15 phút hoặc kiểm tra miệng là không đúng tinh thần chỉ đạo, trừ các trường hợp giáo viên tổ chức cho học sinh tham gia các dự án học tập, đánh giá điểm số không qua một bài kiểm tra mà thông qua cả quá trình làm dự án.
Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, bộ sẽ tính toán lùi thời gian kết thúc năm học 2019-2020. Việc này đồng nghĩa với việc học kỳ II năm học 2019-2020 chỉ thay đổi về mặt thời gian, thay vì bắt đầu từ tháng 2 đến cuối tháng 5 thì nay có thể điều chỉnh lại từ tháng 3, 4 kéo dài đến tháng 6, 7, nhưng vẫn đảm bảo khung chương trình và thời gian phân bổ trong năm học.
Do đó, ngay khi Bộ GD-ĐT chính thức công bố thời gian kết thúc năm học, Sở GD-ĐT TP sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể các trường trong việc phân bổ kế hoạch năm học, tổ chức lịch học bù. Do đó, các trường không nên quá lo lắng dạy trước nội dung chương trình mà chỉ cần hỗ trợ học sinh duy trì nề nếp học tập, không dạy thêm kiến thức mới, không tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh.
Lẽ ra trong thời gian này, TPHCM sẽ triển khai tập huấn giáo viên lớp 1 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, diễn biến bất ngờ của dịch bệnh liệu có làm ảnh hưởng công tác chuẩn bị và triển khai sách giáo khoa (SGK) mới không, thưa ông?
Trước khi xảy ra dịch bệnh, Sở GD-ĐT TP đã chỉ đạo các đơn vị trường học tổ chức cho giáo viên tìm hiểu, tiếp cận nội dung 32 đầu SGK đã được Bộ GD-ĐT thẩm định và phê duyệt ở các bộ môn; riêng môn tiếng Anh có 5 đầu sách được Bộ GD-ĐT phê duyệt.
Theo đó, các trường sẽ chủ động phân công tổ trưởng chuyên môn, giáo viên khối 1 tìm hiểu kỹ các đầu sách SGK để chọn ra sách phù hợp nhất với các tiêu chí theo chỉ đạo của UBND TP.
Cụ thể, việc chọn SGK phải phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội tại địa phương và điều kiện dạy học thực tế tại đơn vị, thể hiện được phương pháp làm việc tích cực của thầy và trò theo định hướng phát triển năng lực người học.
Trong đó, học sinh được trực tiếp tham gia quá trình dạy học chứ không chỉ tiếp nhận kiến thức một chiều, thụ động ngồi nghe giáo viên giảng.
Trường học có thể tham khảo ý kiến phụ huynh, học sinh trước khi thành lập hội đồng chọn SGK và tổ chức cho giáo viên bỏ phiếu. Hiệu trưởng sẽ là người quyết định danh mục SGK và chịu trách nhiệm việc triển khai các đầu sách.
Các trường sẽ công bố và niêm yết công khai danh mục SGK lớp 1 năm học 2020-2021 trước ngày 1-5, đồng thời phối hợp với các nhà xuất bản cung ứng đầy đủ SGK các môn học cho học sinh trước ngày 15-8-2020.
Như vậy, việc trường học tạm đóng cửa không ảnh hưởng tiến độ chọn SGK ở các trường học. Học sinh tạm nghỉ học có thể giúp giáo viên có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu, lựa chọn SGK theo phân công của hiệu trưởng.
Một học sinh trường quốc tế đang học tương tác qua màn hình và camera. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Riêng về công tác tổ chức tập huấn giáo viên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, hiện nay toàn bộ giáo viên cốt cán đã tập huấn xong. Công tác tập huấn giáo viên đại trà đang tạm hoãn do các trường tập trung phòng, chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, song song với hình thức bồi dưỡng trực tiếp, TP còn tổ chức bồi dưỡng gián tiếp thông qua phần mềm trực tuyến với đầy đủ nội dung, cơ sở dữ liệu cung cấp cho giáo viên.
Dự kiến các hoạt động bồi dưỡng tập trung giáo viên sẽ tái khởi động trong hai tháng 3 và 4-2020, không ảnh hưởng tiến độ thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Để đón học sinh trở lại trường học, các cơ sở giáo dục đã có những chuẩn bị gì để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho học sinh, thưa ông?
Hiện nay, tất cả đơn vị trường học đã chuẩn bị kỹ lưỡng việc sát trùng, khử khuẩn phòng học, đồ dùng, trang thiết bị dạy học cũng như tổ chức các phương án tiếp nhận, kiểm tra sức khỏe học sinh trong ngày đầu tiên quay trở lại trường học.
Ngoài ra, một số trang thiết bị cần thiết hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh như máy đo thân nhiệt, khẩu trang y tế, nước rửa tay cũng được trang bị đầy đủ cho học sinh, giáo viên.
Trường học còn phối hợp với cơ quan y tế địa phương tổ chức khu vực cách ly tại phòng y tế đề phòng trường hợp phát hiện học sinh có biểu hiện nghi ngờ về sức khỏe.
THU TÂM
Theo SGGP
Nghỉ học tránh Covid-19: Có nên hợp thức hóa quy định học online và tại nhà ? Trong những ngày học sinh nghỉ học kéo dài để tránh dịch Covid-19, các trường tăng cường dạy học online, là một cơ hội để bàn đến việc hợp thức hóa học online và tại nhà (homeschooling) ở Việt Nam. Giáo viên một trường học tại TP.HCM thực hiện dạy học trực tuyến trong thời gian học sinh nghỉ ở nhà do dịch...