Dạy học trải nghiệm kết hợp liên môn: Trang bị khả năng tư duy độc lập
Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới sắp tới đưa nội dung dạy học trải nghiệm vào dạy ở các khối lớp. Phương pháp dạy học trải nghiệm kết hợp dạy học liên môn sẽ trang bị cho HS khả năng tư duy độc lập để các em chủ động tìm lời giải cho các vấn đề trong các môn học đồng thời biết vận dụng các kiến thức này vào thực tế cuộc sống.
HS tham gia làm thí nghiệm.
Bắt đầu từ kiến thức thực tế
Trong dạy học trải nghiệm, người học sẽ được tham gia tích cực vào việc đặt câu hỏi, tìm tòi, trải nghiệm, giải quyết vấn đề để từ đó lĩnh hội, khắc sâu kiến thức. Bởi vậy, để các em HS cọ xát, nắm được vấn đề, các bài giảng của giáo viên thường được bắt đầu từ thực tế.
Cô giáo Ngô Mỹ Châu, Nhóm trưởng Nhóm Vật lý Trường THCS Chu Văn An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ cho biết: Hướng tới vấn đề đổi mới phương pháp dạy học theo CTGDPT mới, việc dạy học theo hướng nghiên cứu bài học được thống nhất chung trong tổ bộ môn của nhà trường. Trên cơ sở nghiên cứu các hoạt động trải nghiệm, những thí nghiệm nào cần thiết trong bài giảng, giáo viên sẽ đưa ra các nội dung để thiết kế bài dạy phù hợp với hoạt động của HS. Các tiết học áp dụng tối đa việc dạy học thông qua hình thức trải nghiệm, nhằm giúp các em có cơ hội tiếp cận kiến thức bắt đầu từ thực tế. Thông thường giáo viên sẽ chuẩn bị các dụng cụ thí nghiệm, các phiếu học tập để học sinh chuẩn bị cho bài học sắp tới.
Tiết học bắt đầu bằng hoạt động khởi động với các câu hỏi nhằm hướng học sinh vào bài học. Với những tiết học có thể sử dụng thí nghiệm, các GV yêu cầu học sinh thực hiện thí nghiệm theo hướng dẫn, sau đó mới đặt vấn đề vào bài học liên quan.
“Việc học sinh được trải nghiệm qua quá trình quan sát thực tế cùng với số liệu khi làm thí nghiệm sẽ giúp học sinh khắc sâu kiến thức. Bài giảng nhờ đó hấp dẫn vì thu hút được học sinh. Tuy nhiên, khó khăn trong dạy học bằng phương pháp trải nghiệm là hạn chế về thời gian, nên việc gợi ý HS quan sát, tìm hiểu thực tế khi ở nhà là hết sức cần thiết. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cũng cần linh hoạt thiết kế các thí nghiệm cho phù hợp với điều kiện của lớp học”, cô Mỹ Châu chia sẻ.
Kết hợp dạy học liên môn
Theo cô giáo Ngô Mỹ Châu, việc giảng dạy trong thực tế nhiều năm qua cho thấy: Tích hợp kiến thức giữa các môn học vào giải quyết một vấn đề nào đó trong một môn học là việc làm cần thiết. Điều đó đòi hỏi giáo viên khi giảng dạy không chỉ nắm bắt nhuần nhuyễn kiến thức bộ môn mình giảng dạy mà còn phải học hỏi, trau dồi kiến thức của những bộ môn học khác, để giúp HS giải quyết các tình huống, vấn đề đặt ra trong môn học nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Video đang HOT
Cô giáo Ngô Mỹ Châu. Ảnh: TG
Trên thực tế giảng dạy, cô giáo Nguyễn Thị Bạch Yến, Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên – Công nghệ, Trường THCS Trà An, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ cho rằng: “Trong bộ môn Hóa học của mình, tôi luôn cố gắng tìm mối liên hệ giữa các môn học nhằm giúp học sinh có cái nhìn toàn diện hơn. Dạy học liên môn giúp học sinh tăng khả năng tìm tòi, khám phá.
Tôi cũng cho các em tìm hiểu kiến thức ở các bộ môn khác; chẳng hạn như: Ở môn Sinh học, học sinh biết được quá trình quang hợp của cây xanh trong bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Ở môn Công nghệ là cách thu hoạch và bảo vệ nông sản, vệ sinh chuồng nuôi trong chăn nuôi. Ở môn Giáo dục công dân là ý thức bảo vệ môi trường và xử lý tình huống gặp phải liên quan đến bảo vệ môi trường.
Cô giáo Hoàng Thị Hồng Phương – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trà An luôn đánh giá cao vấn đề dạy học liên môn. Bởi các môn học sẽ hỗ trợ rất tốt trong quá trình hình thành nội dung kiến thức và các kỹ năng cho người học. Học sinh sẽ có cái nhìn toàn diện hơn.
Cô Phương cho biết: Để đáp ứng CTGDPT mới, với việc dạy học theo hướng liên môn, BGH nhà trường bên cạnh việc bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên đã chia tách lại các tổ bộ môn cho phù hợp. Tiêu chí chia tách dựa trên các đặc điểm: Mối liên hệ tương quan giữa các môn học để làm sao các môn học này có sự gắn kết cùng tác động tích cực lẫn nhau với mục tiêu nâng cao năng lực và phát triển toàn diện cho học sinh. Theo đó, các tổ được cơ cấu bao gồm Tổ KHTN (gồm Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ), Tổ KHXH (gồm Sử, Địa,) Tổ Hoạt động giáo dục (gồm Âm nhạc, Thể dục, Mỹ thuật), Tổ Văn -GDCD, Tổ Toán – Tin.
Trong quá trình giảng dạy, việc tích hợp kiến thức liên môn vào một môn học nào đó là việc làm cần thiết, có hiệu quả rõ rệt đối với học sinh. Khi tích hợp kiến thức liên môn giúp các em không chỉ giỏi một môn mà còn biết kết hợp kiến thức các môn học lại với nhau để có cái nhìn thấu đáo hơn, trở thành một con người phát triển toàn diện. Đồng thời, việc thực hiện những sản phẩm này sẽ giúp giáo viên không ngừng trau dồi kiến thức của các môn học khác để dạy bộ môn mình tốt hơn, đạt hiệu quả cao hơn. – Cô Ngô Mỹ Châu, GV bộ môn Vật lý – Trường THCS Chu Văn An, TP Cần Thơ
Minh Châu
Theo giaoducthoidai
Dạy học trải nghiệm tích hợp liên môn với "Cuộc đua kỳ thú"
"Ngoài phương pháp học truyền thống, còn hướng đi nào để trang bị kiến thức cho học trò? Làm thế nào để học sinh vừa tiếp thu kiến thức vừa rèn luyện kĩ năng?"
Đó là những trăn trở suốt những năm qua của các thầy cô giáo trong Tổ Xã hội Trường Trung học phổ thông Ban Mai (quận Hà Đông, Hà Nội) và cũng là động lực để các thầy cô nơi đây xây dựng những dự án dạy học trải nghiệm bổ ích cho học trò của mình.
Vào tháng 11/2019, thầy trò Trường Trung học phổ thông Ban Mai đã triển khai hoạt động học tập trải nghiệm tích hợp liên môn: Ngữ văn - Lịch sử - Địa lí - Giáo dục công dân với mô típ của "Cuộc đua kỳ thú".
Đây là một trong những hoạt động nằm trong dự án học tập "Cùng học sinh Ban Mai ôn thi Trung học phổ thông Quốc gia" được triển khai cho học sinh khối 11, hướng tới việc bồi dưỡng kiến thức liên môn.
Đoàn thầy cô và học sinh khối 11 Trường Trung học phổ thông Ban Mai dâng hương tại Văn Miếu Mao Điền.
Hoạt động với điểm đến là những địa điểm gắn với các địa danh văn hóa - văn học - lịch sử của tỉnh Hải Dương. Theo đó các thầy cô và học sinh khối 11 Trường Trung học phổ thông Ban Mai đã được đến thăm Ga xép Cẩm Giàng - nơi có dấu ấn của nhà văn Thạch Lam và tác phẩm "Hai đứa trẻ" trong chương trình Ngữ văn lớp 11, Làng Tiến Sĩ Mộ Trạch (huyện Bình Giang) và dâng hương tại Văn Miếu Mao Điền (huyện Cẩm Giàng) - nơi thờ 637 vị Tiến sĩ, ghi dấu ấn của rất nhiều Nho sĩ của đất nước dưới triều Lê.
Ngoài việc dâng hương và tham quan tại những địa danh nổi tiếng của Hải Dương, các em học sinh còn được tham gia một hoạt động trải nghiệm vô cùng thú vị với tên gọi "Cuộc đua kỳ thú" tổ chức ngay tại Văn Miếu Mao Điền.
Trong hoạt động này, học sinh khối 11 được tham gia vào các chặng đấu. Mỗi chặng đấu kiểm tra kiến thức ở những môn học riêng biệt thuộc các môn xã hội. Nhờ vậy không chỉ củng cố kiến thức mà còn hình thành nhiều kỹ năng cho học sinh như: Hoạt động nhóm, hợp lực, chủ động, trách nhiệm, đoàn kết...
Các em học sinh thuyết trình về sản phẩm của đội mình.
Cụ thể, với bộ môn Ngữ văn, học sinh sẽ được tham gia một "Bữa tiệc văn học" bằng việc phải sử dụng những thực đơn xoay quanh kiến thức Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Ngữ văn đã được học về các tác phẩm: Hai đứa trẻ, Chữ người tử tù... để hoàn thành thực đơn của bữa tiệc.
Tuy nhiên, để đến được với các thực đơn, các đội phải giải được mật thư, mật thư sẽ chỉ dẫn đội hoàn thiện thực đơn. Thực đơn bao gồm: Sơ lược về tác giả, hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa nhan đề, giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm hoặc đoạn trích. Mỗi đội sẽ có 5 phút để thuyết trình về sản phẩm của mình. Sau khi hoàn thiện sẽ được nhận lệnh bài qua chặng.
Với bộ môn Giáo dục công dân và Địa lí, học sinh sử dụng kiến thức về môn học để hoàn thành mảnh ghép. Những mảnh ghép có thể thuộc địa danh Hải Dương hoặc những kiến thức liên quan đến các tác phẩm văn học như: Hai đứa trẻ, Chữ người tử tù... Sau đó mỗi đội sẽ có 3 phút để thuyết trình về sản phẩm. Đội nhanh nhất sẽ giành chiến thắng. Khi hoàn thiện các đội sẽ được cấp lệnh bài qua chặng.
Các đội phục dựng lại mô hình kiến trúc lịch sử.
Với bộ môn Lịch sử, các đội sẽ phải hợp lực sử dụng những kiến thức và sự khéo léo của mình để phục dựng lại mô hình kiến trúc Văn Miếu hay những kiến trúc lịch sử giai đoạn 1930 - 1945 tùy theo yêu cầu của đề bài. Vật liệu để các đội hoàn thiện có thể là đất nặn, giấy bìa cứng, màu vẽ... Sau khi hoàn thành xong mô hình, mỗi đội cũng sẽ có 3 phút để giới thiệu phẩm của đội mình. Đội nào hoàn thiện sớm nhất sẽ giành chiến thắng.
Mặc dù cuộc thi mới chỉ nằm trong quy mô của Tổ Xã hội Trường Trung học phổ thông Ban Mai nhưng đã khơi dậy tinh thần và làm sôi động không khí thi đua, học tập ở tất cả các lớp. Nhờ vậy, các em học sinh hiểu được rằng, đây là một cuộc thi nhưng cũng là cơ hội để được thể hiện tinh thần đoàn kết, được trải nghiệm trên những "con người" mà chính mình là người vun đắp, xây dựng.
Dự án dạy học trải nghiệm tích hợp liên môn ngoài mục đích giúp học sinh khắc ghi và nhớ sâu được kiến thức các môn Khoa học xã hội đã được học, các thầy cô còn hướng đến hình thành được cho học sinh những kỹ năng, năng lực cần thiết khi giải quyết một vấn đề đặt ra trong cuộc sống như: Hợp lực, thuyết trình, dự báo, ghi nhớ... và đó cũng chính là điểm nhấn của dự án mà một tiết học trên lớp không thể làm được.
Theo laodongthudo
Thi được 1 điểm vẫn đạt học sinh giỏi cấp huyện Trong danh sách 285 học sinh giỏi lớp 9 của Phòng GD&ĐT huyện Châu Thành, Bến Tre, có em đạt 1 điểm (thang điểm 20). Theo Phòng GD&ĐT huyện Châu Thành, 566 học sinh khá, giỏi ở khối lớp 8, 9 thuộc 13 trường THCS trên địa bàn tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 năm học 2019-2020. Kết quả,...