Dạy học tiếng Anh ở trường phổ thông: Nhiều bất cập, yếu kém
Giáo viên thiếu và yếu, chương trình, sách giáo khoa lạc hậu, học sinh không có điều kiện thực hành là những vấn đề cho thấy sự yếu kém của việc dạy và học môn tiếng Anh hiện nay.
Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 được đầu tư khoảng 9.400 tỷ đã đi quá nửa chặng đường. Tuy nhiên, nếu nhìn từ kỳ thi THPT quốc gia và thực trạng dạy, học tiếng Anh trong trường phổ thông hiện nay, đề án này đã thất bại.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong số 472.000 bài thi môn tiếng Anh THPT quốc gia 2016, 10 bài đạt điểm 10; 2.444 bài trong khoảng 9 – 10 (chiếm 0,52%). Điểm trung bình là 3,48. Điểm nhiều nhất là 2,4.
Một thống kê khác cho thấy 90% thí sinh ở hai cụm thi đại học và tốt nghiệp có điểm thi tiếng Anh dưới trung bình.
Năm 2015, cũng theo phổ điểm của Bộ GD&ĐT, 74.151 thí sinh đạt 2,25 điểm môn thi tiếng Anh.
Kết quả của những kỳ thi được xem là rất quan trọng với “đời học sinh” phần nào nói lên hiệu quả của việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông hiện nay.
Theo phổ điểm thi THPT môn tiếng Anh năm 2016, điểm nhiều nhất là 2,4. Nguồn: Bộ GD&ĐT.
Học không hành
Nguyễn Hồng Tâm (học sinh lớp 9, trường THSC Trương Định, TP.HCM) cho biết em phải đi học thêm ở các trung tâm bên ngoài để được nghe, nói nhiều hơn, nhiều trò chơi vui hơn. Học ở trường, thầy cô chỉ chú trọng ngữ pháp, từ vựng và thi viết. Học sinh gần như không được thực hành nghe, nói, thảo luận…
Theo cô Đoàn Thị Huyền, giáo viên dạy tiếng Anh tại một trường THPT ở TP.HCM, học sinh không có điều kiện luyện tập kỹ năng như nghe, nói vì không có phòng thực hành. Kiến thức trong sách giáo khoa đã cũ, không được chỉnh sửa. Chương trình học quá nặng về ngữ pháp, biến các em thành “cuốn ngữ pháp biết đi”.
Cùng quan điểm trên, cô Nguyễn Thị Hòa, giáo viên tiếng Anh trường THPT số 2 (Tuy Phước, Bình Định) băn khoăn: “Học sinh đã lên mạng ầm ầm mà thầy cô đi dạy tiếng Anh vẫn xách theo cái đài cũ kỹ”.
Trình độ ngoại ngữ của Việt Nam so với một số nước và mặt bằng chung của khu vực châu Á. Số liệu của EF – tổ chức giáo dục quốc tế – đưa ra năm 2016. Theo đó, Việt Nam (54,06) kém chỉ số trung bình của khu vực (55,94). Đồ họa: Nguyễn Sương.
Một rào cản nữa cần được phá bỏ nếu muốn nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh chính là cách kiểm tra, đánh giá năng lực người học.
Cô Đoàn Thị Huyền đề xuất nội dung kiểm tra nên giảm bớt phần ngữ pháp cứng nhắc, chú trọng các kỹ năng thực hành (ngay cả kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay cũng chỉ kiểm tra trên giấy).
Khâu tuyển chọn và đào tạo giáo viên cần được xem là quan trọng nhất, mang tính đột phá trong việc tạo ra môi trường dạy và học ngoại ngữ sinh động trong nhà trường.
Video đang HOT
Theo cô Huyền, các trường cần siết chặt khâu đào tạo sinh viên sư phạm và tuyển chọn kỹ hơn. Ngoài ra, hầu như giáo viên hiện nay đều không có thời gian tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nếu có được đi học thì cũng phải “tự bỏ tiền túi”.
Khi đã có giáo viên tốt, chương trình – sách giáo khoa được cải tiến, thầy cô cần giúp học sinh vượt qua nỗi sợ tiếng Anh. Tâm lý sợ sai, xấu hổ khiến nhiều em không dám nói, chỉ thích làm bài tập ngữ pháp.
Từ những phân tích đó, chính những người đang giảng dạy bộ môn này khẳng định rằng nhà trường chỉ có thể tạo ra môi trường dạy và học tiếng Anh năng động khi kết hợp được các yếu tố: Giáo viên giỏi, chương trình – sách giáo khoa tiên tiến, ưu tiên thực hành và cơ sở vật chất đảm bảo.
Theo Zing
'Mục tiêu đề án ngoại ngữ 9.400 tỷ đồng xa rời thực tế'
Sau hơn 8 năm thực hiện, Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 chưa đạt hiệu quả và được dự đoán khó thành công do mục tiêu ban đầu xa rời thực tế.
Tháng 9/2008, thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, giai đoạn 2008-2020", còn gọi là Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020.
Đề án hướng tới đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo.
Những mục tiêu lý tưởng
Đề án ngoại ngữ 2020 đặt ra mục tiêu cho từng giai đoạn. Cụ thể, đến năm 2015, nước ta đạt bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên.
Đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa.
Đề án cũng hướng tới mục tiêu biến ngoại ngữ thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Để thực hiện mục tiêu trên, đề án nêu ra 7 nhiệm vụ quan trọng của việc dạy và học ngoại ngữ ở nước ta.
Một trong số đó là xây dựng và triển khai chương trình mới đào tạo ngoại ngữ bắt buộc ở cấp học phổ thông đạt theo các bậc trình độ tốt nghiệp tiểu học đạt bậc một, trung học cơ sở bậc 2, trung học phổ thông bậc 3 (B1).
Tiếng Nhật được dạy thí điểm tại trường Tiểu học Chu Văn An (Hà Nội) từ tháng 9/2016. Ảnh: Nguyễn Sương.
Đề án cũng đưa ra nhiệm vụ cụ thể đối với việc nâng cao trình độ cho giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục đại học với mục tiêu đến năm 2020, 60% học sinh trung cấp, 100% sinh viên cao đẳng đạt trình độ bậc 3. Năm 2025, 90% học sinh trường trung cấp đạt trình độ bậc 3, có thể sử dụng tiếng Anh làm việc.
Đối với người tốt nghiệp đại học, nhiệm vụ đặt ra là 100% sinh viên chuyên ngữ đạt chuẩn bậc 5, 70% sinh viên không chuyên ngữ đạt bậc 3.
Ngoài ra, đề án cũng nêu nhiệm vụ nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức sao cho đến năm 2020, 40% đạt bậc 2, 20% đạt bậc 3 và nâng tỷ lệ này lên 60%, 40% vào năm 2025.
Nguồn kinh phí để thực hiên những mục tiêu trong đề án khoảng 9.400 tỷ đồng.
Thiếu thực tế và đào tạo tiếng Anh 'chết'
Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đã đi qua hơn nửa chặng đường, tiêu hết khoảng 5.400 tỷ đồng nhưng chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.
GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng mục tiêu của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 xa rời thực tế. Ảnh: Quyên Quyên.
Hiện nay, đội ngũ giáo viên ngoại ngữ nước ta thiếu trầm trọng, trình độ yếu. Năm 2016, chỉ 33% giáo viên cấp THCS và 26% giáo viên THPT đạt chuẩn. Tại một số địa phương như Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, tỷ lệ này thấp hơn nhiều.
Thầy Nguyễn Quốc Tuấn, giáo viên ở Hà Tĩnh, cho rằng Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 hiệu quả rất thấp. Với tiến độ như hiện nay, đến năm 2050, ngành giáo dục cũng không đạt được mục tiêu của đề án.
Giáo viên này cho biết thêm dù đề án triển khai được 5 năm, số tiết học tăng lên, nội dung bài học có thay đổi theo hướng chú trọng thực hành hơn, việc học ở trường không thể đáp ứng nhu cầu thi cử và sử dụng tiếng Anh của người học.
Trả lời báo chí về vấn đề này, TS Lương Hoài Nam từng khẳng định "thầy còn chưa ra thầy thì trò học tốt thế nào được". Theo ông, chất lượng giáo viên tiếng Anh là nguyên nhân đầu tiên khiến đề án khó thành công.
Sau hơn 8 năm thực hiện đề án, cả nước có khoảng 1,6 triệu học sinh lớp 3, 4, 5 trên tổng số gần 7,8 triệu học sinh được học tiếng Anh 4 tiết/tuần.
Trong khi đó, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, 100% học sinh lớp 3 học chương trình tiếng Anh 10 năm và tiến tới phổ cập tiếng Anh tại các trường phổ thông vào năm 2025.
Đặc biệt, kết quả thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp và THPT quốc gia những năm gần đây một lần nữa chứng minh việc "phổ cập tiếng Anh trong trường phổ thông các cấp" vào năm 2025 như đề án đặt ra là không tưởng.
Năm 2015, phổ điểm môn ngoại ngữ tập trung ở 2,5 đến 3 điểm, hơn 70% thí sinh đạt điểm dưới trung bình.
Năm 2016, gần 90% thí sinh đạt điểm ngoại ngữ dưới trung bình.
Ông Nguyễn Tuấn Hải - nhà sáng lập Eton Grammar School - nhận xét phổ điểm ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 cho thấy sự thất bại toàn diện của đề án trong những năm qua.
Theo chuyên gia giáo dục này, đề án chỉ tập trung đào tạo tiếng Anh "chết".
"Đó là sự lãng phí tiền của cấp quốc gia. Nó làm chúng ta lỡ nhịp thời đại trong nhiều năm qua và sẽ tiếp tục lỡ nhịp thời đại trong nhiều năm nữa", ông Hải nêu quan điểm.
Theo một số chuyên gia giáo dục, mục tiêu quá cao so với thực tế là nguyên nhân khiến đề án hoạt động không hiệu quả.
"Mục tiêu của dự án rất lý tưởng. Nếu thực hiện được, đây sẽ là sự bứt phá ngoạn mục của ngành giáo dục và đem lại hạnh phúc lớn lao cho học sinh, sinh viên nước ta", GS Nguyễn Lân Dũng khẳng định với Zing.vn.
Đó là sự lãng phí tiền của cấp quốc gia. Nó làm chúng ta lỡ nhịp thời đại trong nhiều năm qua và sẽ tiếp tục lỡ nhịp thời đại trong nhiều năm nữa.
Ông Nguyễn Tuấn Hải
Tuy nhiên, ông cho rằng với tình trạng giáo viên tiếng Anh vừa thiếu, vừa chưa đạt chuẩn là chủ yếu mà yêu cầu "có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin giao tiếp, học tập làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hoá, biến ngoại ngữ thành thế mạnh của người dân Việt Nam" thì quá lãng mạn.
GS Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ Hà Nội (nay là ĐH Hà Nội), nhận định việc đưa người dân từ trình độ ngoại ngữ còn thấp lên đến mức sử dụng thông thạo, hiệu quả chỉ trong 10 năm là điều không thể.
Có cái nhìn bi quan hơn, TS Dennis Berg, người có kinh nghiệm 20 năm cố vấn giáo dục tại Việt Nam, từng nói với báo Thanh Niên rằng đề án ngoại ngữ 2020 thất bại ngay từ khi công bố do mục tiêu đặt ra không phù hợp thực tế.
Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về đề án dạy và học ngoại ngữ hồi tháng 10/2016, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận mục tiêu của đề án thiếu thực tế.
Tại phiên chất vấn hôm 16/11/2016, ông Nhạ một lần nữa khẳng định đến năm 2020, nước ta chưa thể thực hiện các mục tiêu đặt ra trong đề án.
6 nhiệm vụ của Đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2016-2020:
- Đến năm học 2020-2021, 100% học sinh lớp 3, 70% học sinh 6 và 60% học sinh lớp 10 được học chương trình mới (10 năm). Năm 2025, tiếng Anh được phổ cập trong trường phổ thông các cấp.
- Đến năm 2020, 60% học sinh trường trung cấp, 100% sinh viên trường cao đẳng và tới năm 2025 có 90% học sinh trường trung cấp đạt trình độ bậc 3 (B1) và có thể sử dụng tiếng Anh làm việc.
- Đến năm 2018-2019, 100% trường đại học triển khai đào tạo chương trình tiếng Anh tăng cường; 100% sinh viên chuyên ngữ tốt nghiệp đạt chuẩn bậc 5.
Năm 2020, 70% sinh viên không chuyên ngữ và đến năm 2025, 100% sinh viên không chuyên ngữ đạt chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp (bậc 3).
- Đến năm 2020, 50% người học đạt chuẩn đầu ra. Năm 2025, 100% người học đạt chuẩn đầu ra theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
- Đến năm 2020, 40% cán bộ, công chức, viên chức nói chung có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và 20% có trình độ bậc 3. Năm 2025, tỷ lệ tương ứng là 60% và 40% .
- Tiếp tục dạy và học các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh như ngoại ngữ 1 và triển khai thí điểm việc dạy và học ngoại ngữ 2 trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo Zing
Tiếng Anh: Hạn chế lớn của trường chuyên Sau 5 năm triển khai đề án phát triển trường THPT chuyên, không ít mục tiêu của đề án này vẫn chưa làm được. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho hay nhiều trường chuyên đang trong tình trạng thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Trong khi đó, việc dạy và học môn ngoại ngữ vẫn là...