Dạy học tiếng Anh: Còn khoảng cách xa giữa chính sách và thực tế
“Nếu không tập trung vào tiếng Anh, khó có thể hội nhập. Tuy nhiên, làm sao để cải thiện chất lượng tiếng Anh trong hệ thống giáo dục hiện nay”. Đó là ý kiến của GS. TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tại hội thảo “Dạy và học tiếng Anh tiểu học trong chương trình giáo dục phổ thông mới” vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Chính sách nghiêm túc nhưng cần sử dụng
Bên lề hội thảo “Dạy và học tiếng Anh tiểu học trong chương trình giáo dục phổ thông mới”, do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vừa tổ chức, một số chuyên gia nêu ý kiến quanh đề xuất đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam.
Trong đó, phần đa cho rằng, không nên đặt nặng vấn đề ngôn ngữ thứ nhất hay thứ hai, hãy xem tầm quan trọng của tiếng Anh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ra sao, để có đầu tư tương xứng.
Theo GS. TS Hoàng Văn Vân – Tổng chủ biên bộ sách giáo khoa tiếng Anh hiện hành, Phó trưởng ban phát triển chương trình môn tiếng Anh của Chương trình Giáo dục phổ thông mới, nếu nghiên cứu kĩ, ở Tây Âu, nhiều giáo viên ngoại ngữ chưa có trình độ ĐH. Ở Indonesia, học trò cấp 3 có thể dạy tiếng Anh cho cấp 1, cấp 2.
Chỉ có ở Việt Nam, chính sách rất nghiêm túc nhưng theo GS Vân, chính sách đến mấy mà không đưa vào sử dụng, chắc gì đã được. Ông đặt vấn đề: “Giữa chính sách và thực tế là khoảng cách rất xa”.
Về điều này, GS Nguyễn Văn Minh cho hay, xu thế của thời đại, nếu không tập trung vào tiếng Anh thì khó có thể hội nhập. Vì vậy, cần tìm ra giải pháp, cách thức để chọn lọc tài liệu góp phần cải thiện chất lượng tiếng Anh trong hệ thống giáo dục, thế hệ tương lai của đất nước.
Nhiều chuyên gia cho rằng, không nên đặt nặng vấn đề ngôn ngữ thứ nhất hay thứ hai, nên đầu tư tương xứng với tầm quan trọng trong bối cảnh hội nhập. (Ảnh: Minh họa)
Chia sẻ với báo chí trước đó, PGS.TS Nguyễn Thám (giảng viên cao cấp ĐH Sư phạm Huế) đưa câu chuyện cố Thủ tướng Lý Quang Diệu khi đưa tiếng Anh về Singapore cũng gặp trở ngại nhưng cuối cùng đã thành công.
“Nhất là trong quá thời kì hội nhập như hiện nay, tiếng Anh là ngôn ngữ quan trọng, là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển và hội nhập của Việt Nam”, PGS Nguyễn Thám khẳng định.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông cũng khẳng định, hiện Việt Nam đã tham gia ASEAN và ngôn ngữ để giao tiếp trong khối là tiếng Anh.
Vậy nên, nếu không phải toàn dân học tiếng Anh thì ít nhất, việc chú trọng tiếng Anh sẽ thúc đẩy quá trình học ngôn ngữ này trong lớp trẻ, để sau này Việt Nam có thế hệ công dân sử dụng ngôn ngữ này giao tiếp với bạn bè trong khối ASEAN.
“Không còn ranh giới số 1 hay số 2″
Nhận xét về việc dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông thời gian qua, và những kì vọng của Chương trình tiếng Anh phổ thông mới sắp tới có giúp cải thiện việc dạy/học tiếng Anh, ông Nguyễn Tuấn Hải (nhà sáng lập và giám đốc chiến lược giáo dục Eton Grammar School; tham gia giảng dạy tiếng Anh và Toán tiếng Anh) cho rằng, Đề án ngoại ngữ quốc gia cũ đã được nhiều người thừa nhận là thất bại và đề án mới đã được đưa ra.
Tuy nhiên, những thay đổi trong cách tiếp cận đó chưa đủ và cũng chưa chính xác để chúng ta có thể mạnh dạn và yên tâm theo đuổi nó mà không gặp phải tình trạng “đẽo cày giữa đường”.
Tiếng Anh hiện rất quan trọng và không còn ranh giới ngôn ngữ số 1 hay số 2 (Ảnh: Minh họa)
Tiến sĩ Hương Quỳnh, khoa tiếng Anh, Trường ĐHSP Hà Nội lại cho rằng, hướng đi của Chương trình tiếng Anh phổ thông mới là hoàn toàn đúng đắn.
Video đang HOT
Cũng theo giáo viên này, tinh thần chỉ đạo, bộ môn này là Ngoại ngữ chứ không phải ngôn ngữ thứ hai thay thế hoặc tồn tại song song như tiếng mẹ đẻ.
“Tuy nhiên, có thể thấy hiện nay tiếng Anh rất quan trọng và không còn ranh giới ngôn ngữ số 1 hay số 2, hay nói cách khác, ranh giới này rất mong manh.
Hiện, số lượng các nguồn tri thức trong nhân loại chiếm tiếng Anh chiếm số lượng lớn. Với tầm quan trọng đó, người học phải tự nâng cao năng lực là thiết yếu và học tốt để khám phá thế giới”, TS Hương Quỳnh cho biết.
Một chuyên gia cho rằng, tại sao cũng người dạy ấy nhưng ở trường phổ thông hay ĐH họ làm không tốt, trong khi ra ngoài họ lại tạo nên sự khác biệt? Một trong những yếu tố quan trọng tác động đến chất lượng dạy học ngoại ngữ, đó là giáo trình và phương pháp.
Giáo viên phổ thông phải dạy theo chương trình cố định, đảm bảo kiến thức ra sao, nên khó tạo ra sự khác biệt.
Về điều này, thầy Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội từng cho rằng, học tiếng Anh cũng như học bơi, nếu không có phương pháp thì không thể bơi xa, bơi đúng được.
“Học tiếng Anh cũng như học bơi, nếu không có phương pháp thì không thể bơi xa, bơi đúng được”
Ông đưa ra quan điểm về việc giảng dạy Ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng trong thế kỉ 21 thay đổi, đó là thế kỉ tập hợp các kĩ thuật dạy tiếng Anh và chọn những kĩ thuật ưu việt, có hiệu quả nhất chứ không phải dạy bằng các kĩ thuật riêng rẽ như trước đây nữa.
“Ở các nước ngoài, nếu nghiên cứu kĩ, việc dạy tiếng Anh có những nước hiệu quả, có nước chưa. Tuy nhiên, điểm khác biệt là họ có giáo trình được thiết kế phù hợp.
Chẳng hạn Trung Quốc, người ta thuê hẳn nhà xuất bản viết giáo trình riêng cho người dân nên rất phù hợp.
Chúng ta cũng có giáo trình của mình nhưng tôi thấy chưa hay, vì vậy có thể lấy giáo trình từ nước ngoài mới hiệu quả”, ông khẳng định.
Chia sẻ về quan điểm có nên đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2, thầy Hùng cho rằng, không nên đặt nặng vấn đề ngôn ngữ 1 hay 2, bởi nếu đặt ra nhưng đi chệch hướng thì không được.
Tuy nhiên, ngôn ngữ này quá quan trọng trong khu vực và trên thế giới, nên cần nâng cao chất lượng tiếng Anh và phải có chiến lược.
Theo chuyên gia này, chiến lược phải tập trung 2 yếu tố: Chất lượng giáo viên, phải nâng cao kĩ thuật dạy trên lớp, không tập trung quá nhiều vào lý thuyết.
Thứ hai là giáo trình, có thể lấy từ nước ngoài nhưng phải cải tiến để phù hợp với văn hóa, chính trị trong nước.
“Với nền tảng của Chương trình phổ thông mới môn tiếng Anh, theo tôi hướng đi này là đúng và chuẩn. Nhưng từ đó, triển khai ở lớp ra sao, có đạt yêu cầu không, mới có chất lượng tốt”, thầy Nguyễn Quốc Hùng nói.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Vì sao trẻ học tiếng Anh chưa hiệu quả?
Tại hội thảo "Dạy và học tiếng Anh tiểu học trong chương trình giáo dục phổ thông mới" vừa được tổ chức tại Hà Nội, một số chuyên gia thừa nhận, phương pháp dạy/học tiếng Anh phổ thông hiện còn lạc hậu, phần đa chạy theo ngữ pháp và điểm số.
Một trong các khuyến nghị được đưa ra tại hội thảo để trẻ học tốt môn tiếng Anh: Ngoài nghe, nói, các em cần được dạy khả năng giao tiếp thông qua ngôn ngữ.
Phương pháp dạy lỗi thời
Nhận xét về phương pháp dạy/học tiếng Anh hiện nay ở các trường phổ thông và khả năng học sinh của chúng ta có thể học tốt tiếng Anh được không, TS Trần Hương Quỳnh, khoa Tiếng Anh (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết, cách dạy cũ kiểu dịch Anh/Việt hiện nay không còn phù hợp.
Học sinh phải tiếp cận từ những thứ có ích trong cuộc sống và từ giao tiếp chứ không phải tiếp cận từ vỏ bên ngoài là ngữ pháp.
"Hiện chương trình tiếng Anh phổ thông mới đang đi rất đúng hướng. Đặc biệt, khi triển khai cần hỗ trợ từ nhiều bên như: giảng viên, chuyên gia..., để cùng nhau phát triển bởi từ trước đến nay, đội ngũ giáo viên chưa cùng đi sâu vào sự phát triển bộ môn này ở cấp tiểu học", TS Quỳnh cho hay.
Học sinh cần được dạy có hệ thống theo phương pháp communication /giao tiếp từ các lớp tiểu học. (Ảnh: Minh họa)
Cũng theo chuyên gia này, để nâng cao chất lượng của môn học, phụ huynh có thể tạo được môi trường và giúp con nâng cao năng lực ngôn ngữ nhưng không giao phó hết cho nhà trường.
Phụ huynh có thể có các hoạt động đồng hành cùng các bài học của con trên lớp, những điều này, có thể với người không giỏi tiếng Anh cũng làm được.
Hiện đang sinh sống tại Mỹ, xung quanh môi trường đa ngôn ngữ, bà Đinh Thu Hồng, Thạc sĩ Giáo dục, chuyên ngành Dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (ESL - English as Second Language), đồng thời là giáo viên tiểu học tại Georgia (Mỹ) cho hay, phương pháp dịch - ngữ pháp (grammar translation method) hiện nay đã quá cũ.
Do đó, học sinh cần được dạy có hệ thống theo phương pháp communication/giao tiếp từ các lớp tiểu học.
"Sẽ còn một chặng đường khá xa để Việt Nam có thể biến tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai vì điều kiện văn hoá xã hội.
Việc dạy tiếng Anh trong nhà trường chủ yếu đáp ứng mục tiêu học thuật, thi cử; trong khi bối cảnh và điều kiện xã hội không hỗ trợ việc sử dụng tiếng Anh trong đời sống hàng ngày như hiện nay", Thạc sĩ Hồng cho hay.
Thay đổi quan điểm dạy/học
Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Đinh Thu Hồng, là chặng đường khá xa nhưng điều đó không có nghĩa là không làm được bởi theo chuyên gia này, học sinh Việt Nam rất có tiềm năng để học tốt tiếng Anh.
Chia sẻ về câu hỏi: "Có ý kiến cho rằng, một trong những điểm khó khăn khi trẻ học tiếng Anh là do phần lớn giáo trình ở nước ngoài. Trong khi đặc trưng của ngôn ngữ người Việt có thanh sắc?", bà Hồng cho rằng, không nên e ngại bởi chúng ta cùng hệ ngôn ngữ La tinh.
Đặc biệt, người Việt vốn cũng rất cần cù, chịu khó và phụ huynh luôn lo lắng cho con cái, đấy là điểm mạnh để giúp trẻ học tốt ngoại ngữ.
Tuy nhiên, để việc học tập hiệu quả hơn, theo nhiều chuyên gia, cần thay đổi nhận thức và cách tiếp cận phương pháp dạy học, không quá nóng vội.
Cũng theo phân tích của Thạc sĩ Đinh Thu Hồng, lâu nay người Việt vẫn theo phương pháp dịch - ngữ pháp. Do đó, cần dạy có hệ thống theo phương pháp communication - tức giao tiếp từ các lớp tiểu học để nâng cao năng lực học tiếng Anh cho mỗi trẻ em.
Học sinh tiếp cận tiếng Anh từ cuộc sống chứ không phải từ lớp vỏ bên ngoài là ngữ pháp (Ảnh: Minh họa)
Đặc biệt, chuyên gia này cho rằng, cần chuẩn hóa đội ngũ giáo viên bằng cách tăng cường tập huấn, đào tạo nghiệp vụ. Điều này thực sự quan trọng vì yếu tố con người có thể thay đổi hiệu quả học tập của học sinh. Có giáo trình hay mà không có người giỏi, việc truyền đạt cũng vô ích.
Ngoài ra, theo Thạc sĩ Hồng, việc chuẩn hóa giáo viên còn giúp xoá bỏ khoảng cách khác biệt lớn giữa các vùng miền của Việt Nam. Cần đặt chuẩn đầu ra một cách minh bạch, cho cả giáo viên và học sinh.
Cũng trên quan điểm này, cô Hương Quỳnh cho hay, cần thay đổi phương pháp dạy tiếp cận theo hướng giao tiếp và phải có ích trong cuộc sống: "Các bạn nhỏ tiếp cận từ cuộc sống chứ không phải từ lớp vỏ bên ngoài là ngữ pháp".
6 khuyến nghị đối với giáo viên trong việc dạy tiếng Anh ở tiểu học
- Giáo viên vận dụng các hoạt động học vui và có tính tương tác ca
- Tạo nhiều loại hình hoạt động để học sinh tham gia
- Hiệu chỉnh hoạt động học tập hướng đến cá thể hóa việc học tập
- Thiết kế các hoạt động học tập có ý nghĩa, gần gũi với đời sống của học sinh.
- Giúp học sinh khám phá thế giới, cuộc sống và văn hóa
- Vận dụng các phương pháp và kĩ thuật dạy học, giúp học sinh thành công.
TS Trần Hương Quỳnh, Khoa Tiếng Anh (Trường ĐH SP Hà Nội)
Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Giáo dục Phạm Thị Cúc Hà, Giám đốc Hệ thống giáo dục Just Kids, Phó Chủ tịch HĐQT Trường Hanoi Adelaide School cho hay, trẻ hoàn toàn có thể học tốt tiếng Anh chỉ cần thay đổi quan điểm học.
Theo đó, tuỳ vào điều kiện học sinh vẫn có thể đi học trung tâm để rèn về tiếng Anh nhưng nên đọc thêm, nghe thêm thông tin trên tivi, internet và quan trọng là phải tập trung vào việc mình sẽ nói cái gì thay thì học thuộc- tức là nên tập trung vào việc sử dụng ngôn ngữ để nói điều mình muốn nói hơn là học thuộc, mới có thói quen sử dụng ngôn ngữ vào đúng mục đích. Điều này khiến tiếng Anh trở thành ngôn ngữ "sống", chứ không phải ngôn ngữ "chết".
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Những "sóng gió" tranh cãi giáo dục năm 2018 Có nên đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam; độc quyền xuất bản sách giáo khoa nhưng vẫn kêu lỗ; Công nghệ giáo dục vì sao 40 năm vẫn chỉ dừng lại ở thí điểm..., là những câu chuyện tạo nên "sóng gió" tranh cãi không hồi kết trong năm 2018. Đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai:...