Dạy học tích hợp: Tránh ‘bình mới rượu cũ’
Đối với hai môn học Khoa học tự nhiên và Lịch sử – Địa lý ở cấp THCS, giải pháp tình thế trong năm học 2021-2022 là có thể 2-3 giáo viên sẽ cùng dạy một môn học.
Tuy nhiên, về lâu về dài cần một kế hoạch về việc đào tạo lại và đào tạo mới để đảm bảo đội ngũ giáo viên chuyên trách dạy học môn tích hợp.
Dạy học chương trình mới đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn từ phía giáo viên.
Khó đạt kỳ vọng 100% của các nhà viết sách
Thời điểm này, mỗi nhà trường, mỗi địa phương đang có những tính toán riêng để chuẩn bị cho năm học 2021-2022. Đặc biệt là với lớp 2 và lớp 6, bên cạnh việc chọn bộ sách nào để dạy học, việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên cũng hết sức quan trọng khi lớp 6 năm nay, lần đầu tiên môn học tích hợp được đưa vào giảng dạy. Ai sẽ giảng dạy môn học này và giảng dạy như thế nào là câu hỏi được đặt ra bởi đa số giáo viên hiện nay khi được đào tạo trong trường sư phạm đều là để phục vụ cho việc giảng dạy đơn môn.
Cô giáo Nguyễn Thị Huệ ( Trường THCS Mỗ Lao, Hà Đông) cho biết chuyên ngành đào tạo của mình là Hóa – Sinh nên việc giảng dạy hai môn này cô hoàn toàn tự tin. Song nếu kiêm nhiệm luôn cả môn Vật lý, để đảm bảo dạy tốt thì là việc không đơn giản trong thời gian ngắn.
Chia sẻ quan điểm này, cô giáo Đỗ Thị Lan Anh, giáo viên Hóa – Sinh, Trường THCS Nguyễn Du cho biết trong năm học tới, cô được phân công dạy bộ môn Khoa học tự nhiên của khối 6. Hiện cô đã được tiếp cận với 3 bộ SGK mới bản mềm. Với Khoa học tự nhiên, lần đầu tiên kiến thức Hóa học được đưa vào giảng dạy ở lớp 6. Điều này không hề làm khó cô Lan Anh bởi ở trường Sư phạm cô đã được đào tạo chuyên môn sâu về Hóa – Sinh nhưng với Vật lý, cô sẽ phải dành nhiều thời gian hơn tìm tòi, nghiên cứu. Cùng với đó là tham gia tập huấn, trao đổi trực tiếp với các giáo viên trong tổ chuyên môn, các giáo viên vật lý… nhằm giải đáp những vấn đề còn băn khoăn.
Video đang HOT
Cô Nguyễn Thị Thái Hà ( Trường THCS Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, ở năm học đầu tiên triển khai dạy học môn tích hợp, nhà trường bố trí những thầy cô có chuyên môn tốt nhất để giảng dạy để giảm thiểu tối đa những gì là sự lắp ghép cơ học. Song song với đó là quá trình tập huấn đối với các giáo viên để dần dần có thể đảm nhiệm giảng dạy các môn học này trong những năm học sau đó một cách bài bản, nhuần nhuyễn. Tuy nhiên, cô Hà cũng cho rằng trong một sớm một chiều giáo viên chưa thể chủ động nắm bắt hết kiến thức cũng như kỹ năng giảng dạy ở các lĩnh vực và khó đạt được 100% kỳ vọng của những nhà viết sách.
Giáo viên, nhà trường cùng thay đổi
Theo các chuyên gia, trong chương trình hiện hành, nhiều kiến thức có ở môn Hóa rồi nhưng vẫn bị lặp lại ở cả Vật lý và Sinh học. Do đó, khi tích hợp 3 môn Lý, Hóa, Sinh vào Khoa học tự nhiên thì sẽ tránh được sự trùng lặp. Có những vấn đề thực tiễn chỉ được giải quyết khi kết hợp kiến thức của cả 3 môn. Vì vậy, dạy học tích hợp là sự thay đổi có lợi cho học sinh. Đồng thời việc tích hợp liên môn sẽ giúp giảm tải lượng kiến thức bị trùng lặp ở các bộ môn đơn lẻ như chương trình hiện hành, giúp học sinh và giáo viên có thời gian hơn để tìm hiểu các nội dung khác.
Theo thiết kế chương trình, mỗi môn học cũng có từng phần tương ứng với kiến thức thuộc lĩnh vực chuyên môn đảm bảo mỗi thầy cô sẽ giảng dạy phần của mình và phối hợp cùng với 2-3 giáo viên nữa để hoàn thành môn học. Với cách này, mỗi giáo viên sẽ dạy một tiết học thay vì 2-3 giáo viên cùng đứng 1 lớp trong cùng 1 khung giờ như nhiều người lo ngại.
Song đó chỉ là giải pháp tình thế trong năm học tới còn về lâu dài, đội ngũ giáo viên đang có cần được tập huấn, bồi dưỡng để có thể đảm nhiệm môn học tích hợp. Riêng với các trường sư phạm, việc đào tạo giáo viên liên môn đã được triển khai những năm gần đây. Nhiều trường sư phạm cũng đã “đón đầu” bằng cách đào tạo những ngành học mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới phổ thông, như: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP HCM, Trường ĐH Sư phạm Huế, Trường ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội…
Đối với các trường chưa kịp mở ngành mới đào tạo giáo viên tích hợp, giải pháp đưa ra là chỉnh sửa chương trình để sinh viên các ngành đơn môn có thể tham gia giảng dạy chương trình tích hợp sau khi tốt nghiệp.
Tại Trường ĐH Sư phạm TP HCM, sinh viên trúng tuyển ngành sư phạm tin học sẽ được học thêm một số học phần về công nghệ. Trường CĐ Sư phạm Huế tuyển ngành sư phạm Vật lý nhưng ghép thêm Hóa học, sư phạm Lịch sử ghép thêm Địa lý…
Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế cho biết trường này đang đào tạo giáo viên ngành sư phạm Khoa học tự nhiên, sư phạm Lịch sử và Địa lý. Ngoài đào tạo, trường còn được giao nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên đang dạy đơn môn có thể chuyển sang dạy tích hợp để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.
Khó khăn sẽ có là đương nhiên khi bắt đầu một điều mới, huống hồ ở đây là cả chương trình, SGK, môn học mới nên quan trọng nhất là sự nỗ lực, chủ động của mỗi giáo viên tự cập nhật, nâng cấp kiến thức của mình nhằm đáp ứng yêu cầu công việc. Có như vậy, những kỳ vọng đặt ra đối với chương trình GDPT 2018 mới có thể hoàn thành.
Môn học tích hợp không phải là 'cộng gộp'
Từ năm học 2021-2022, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (hay còn gọi là Chương trình GDPT mới) chính thức triển khai dạy đại trà đối với lớp 6.
Hai môn học tích hợp gồm Khoa học tự nhiên và Lịch sử và Địa lý bắt đầu được đưa vào giảng dạy. Nhiều ý kiến lo lắng giáo viên có kịp chuyển đổi để thích ứng với việc dạy tích hợp hay không?
Tích hợp là xu hướng
Chương trình GDPT hiện hành, bậc trung học cơ sở (THCS) đang quy định môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học là riêng biệt và được giảng dạy bởi các giáo viên khác nhau. Tuy nhiên, với chương trình GDPT mới, các môn học này sẽ tích hợp thành hai môn chính gồm: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý. Nhiều băn khoăn được đặt ra đối với việc giảng dạy môn học mới mà cũ này ở cấp THCS, nhất là trong năm đầu tiên triển khai ở lớp 6.
PGS.TS Mai Sỹ Tuấn - chủ biên chương trình giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên, Tổng chủ biên sách giáo khoa (SGK) Khoa học tự nhiên lớp 6 bộ Cánh Diều thông tin: Đối với môn Khoa học tự nhiên nhiều người quan niệm đây là sự cộng vào của 3 môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học. Nhưng dưới con mắt của nhà khoa học giáo dục thì đây không phải là 3 môn cộng vào mà cần nhìn nó ở logic ngược lại. Đối với học sinh ở bậc tiểu học, THCS, các em chỉ cần học các môn Khoa học mang tính tổng hợp. Đến bậc THPT mới chia ra các lĩnh vực riêng.
Trên thế giới hiện có khoảng 68 nước tổ chức dạy tích hợp ở bậc THCS. Ngay các nước láng giềng như Lào, Campuchia hay Singapore... đã tổ chức dạy học tích hợp và có môn Khoa học tự nhiên từ lâu.
Đối với Việt Nam, theo PGS Tuấn, dạy học tích hợp đã được đặt ra từ khi xây dựng chương trình GDPT năm 2000. Tuy nhiên, khi đó điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên và nhận thức xã hội còn nhiều hạn chế nên chưa thể triển khai được. Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học vẫn tồn tại là những môn độc lập. Đến nay, điều kiện đã chín muồi để có thể tổ chức dạy học tích hợp.
Lúng túng chờ hướng dẫn, tập huấn
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, đồng Tổng chủ biên SGK Lịch sử và Địa lý lớp 6 (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống) cho biết: SGK được thiết kế thành hai phần Lịch sử, Địa lý riêng, nên khi triển khai chương trình, giáo viên Lịch sử và Địa lý sẽ dạy phần nội dung phù hợp với ngành đào tạo của mình trên cơ sở phân công của nhà trường. Trong quá trình thực hiện chương trình, giáo viên có thể học thêm một số tín chỉ ở trường sư phạm để có thể đảm nhiệm dạy trọn vẹn một môn học. Hiện việc đào tạo giáo viên dạy các môn tích hợp như Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên đang được triển khai tại các trường sư phạm.
Tương tự, ở bộ sách Cánh Diều, SGK mới bộ môn Khoa học Xã hội kiến thức 2 môn học có phần giao nhau nhưng vẫn đảm bảo phân môn từng môn học.
"Xuyên suốt chương trình Lịch sử và Địa lý THCS có 4 chủ đề tích hợp, bao gồm: Phát kiến địa lý - Đô thị trong lịch sử, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long và Chủ quyền biển đảo. Bốn chủ đề tích hợp trên được thiết kế từ lớp 7 đến lớp 9, còn lớp 6 mới chỉ dừng lại ở 2 phân môn", TS Nguyễn Văn Ninh, Chủ biên sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 6 bộ Cánh Diều cho biết.
SGK đã "trình làng" và hiện các trường, các giáo viên đang tập trung để nghiên cứu nội dung, phương pháp, các chủ đề trong sách. Ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng hệ thống giáo dục Lômônôxốp (Hà Nội) cho biết, nhà trường đã giao cho giáo viên bóc tách từng phần trăm modul của mỗi môn để nghiên cứu. Trong thời gian đó, trường chờ hướng dẫn của Sở GDĐT Hà Nội. Nếu Sở quy định một hay 3 giáo viên dạy môn tích hợp, lúc ấy không còn bỡ ngỡ.
Đây cũng là lo lắng của nhiều người về việc mỗi tiết học sẽ có 2-3 giáo viên đứng lớp? Sau này việc đánh giá điểm số, xếp loại ra sao vì thực tế đây sẽ chỉ là 1 môn học với 1 đầu điểm?
Ngược lại, nếu chỉ 1 giáo viên dạy môn tích hợp, thời gian gấp gáp liệu có đủ để thầy cô bổ sung vốn kiến thức? Bởi đa số khi học tập tại trường sư phạm, các thầy cô được đào tạo trước đây để dạy đơn môn chứ không phải liên môn như hiện nay. Việc tập huấn, hướng dẫn chính thức đến nay vẫn chưa có nên nhiều giáo viên rất lúng túng, băn khoăn.
Khẳng định không có chuyện một giờ học Khoa học tự nhiên sẽ có 3 thầy cô giáo cùng lên lớp dạy, PGS.TS Mai Sỹ Tuấn cho biết mỗi giáo viên sẽ chỉ dạy một giờ. Với môn Khoa học tự nhiên khi xây dựng chương trình đã tính đến điều kiện tối thiểu mỗi một giáo viên có thể dạy được một phần nội dung trong SGK. Ví dụ giáo viên Hóa học có thể dạy nội dung về "chất và sự biến đổi của chất", giáo viên Sinh học dạy mảng kiến thức về "Vật sống"... Tuy nhiên, về lâu dài giáo viên phải được đào tạo, bồi dưỡng để có thể dạy được nhiều mảng kiến thức khác nhau.
Chưa có giáo viên tích hợp thì 2-3 thầy cô dạy 1 môn là hợp lý Chúng ta chưa có giáo viên đào tạo bài bản về chương trình tích hợp, vì vậy, trước mắt vẫn cần nhiều giáo viên phụ trách một môn học trong chương trình mới. Năm học 2021 - 2022, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai ở lớp 2 và lớp 6. Theo đó, đối với chương trình lớp 6,...