Dạy học tích cực: Giáo viên phải nỗ lực nhiều hơn (2)
Để dạy học theo phương pháp tích cực thì giáo viên phải nỗ lực nhiều hơn so với dạy theo phương pháp thụ động.
LTS: Chia sẻ về những vấn đề đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục phổ thông để nâng cao chất lượng giáo dục tại hội thảo:
“Đổi mới giáo dục và đào tạo vì mục tiêu phát triển bền vững” do Hội đồng quốc gia phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh – Ủy ban về Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua;
Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã gửi đến tham luận bàn về đổi mới nội dung và phương pháp dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả.
Trong dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, giáo viên phải vận dụng các phương pháp dạy học tích cực để tổ chức hoạt động học của học sinh.
Phương pháp dạy học tích cực ở chương trình giáo dục phổ thông mới buộc giáo viên phải nổ lực nhiều hơn. Ảnh: AN
Phương pháp dạy học tích cực hướng tới việc hoạt động hoá, tích cực hoá hoạt động nhận thức của người học, nghĩa là tập trung vào phát huy tính tích cực của người học chứ không phải là tập trung vào phát huy tính tích cực của người dạy.
Tuy nhiên để dạy học theo phương pháp tích cực thì giáo viên phải nỗ lực nhiều hơn so với dạy theo phương pháp thụ động.
Phương pháp dạy học tích cực nhấn mạnh việc lấy hoạt động học làm trung tâm của quá trình dạy học, nghĩa là nhấn mạnh hoạt động học và vai trò của học sinh trong quá trình dạy học.
Khác với cách tiếp cận truyền thống lâu nay là nhấn mạnh hoạt động dạy và vai trò của giáo viên.
Mặc dù có thể được thể hiện qua nhiều phương pháp khác nhau, nhưng nhìn chung các phương pháp dạy học tích cực đều có những đặc trưng cơ bản sau:
Video đang HOT
Dạy học là tổ chức các hoạt động học tập của học sinh : Trong phương pháp dạy học tích cực, học sinh được cuốn hút vào các hoạt động học tập do giáo viên tổ chức và chỉ đạo.
Qua đó, tự lực khám phá những điều mình chưa rõ chứ không phải thụ động tiếp thu những tri thức đã được giáo viên sắp đặt.
Được đặt vào những tình huống của đời sống thực tế, học sinh trực tiếp quan sát, thảo luận, làm thí nghiệm, giải quyết vấn đề đặt ra theo cách suy nghĩ của mình.
Từ đó vừa nắm được kiến thức kĩ năng mới, vừa nắm được phương pháp chiếm lĩnh kiến thức, kĩ năng đó, không rập theo những khuôn mâu sẵn có, được bộc lộ và phát huy tiềm năng sáng tạo.
Dạy theo cách này thì giáo viên không chỉ giản đơn truyền đạt tri thức mà còn hướng dẫn hành động.
Dạy học chú trọng rèn luyện phương pháp tự học : Các phương pháp dạy học tích cực coi việc rèn luyện phương pháp học tập cho học sinh không chỉ là biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học mà còn là một mục tiêu dạy học.
Trong các phương pháp học thì cốt lõi là phương pháp tự học. Nếu rèn luyện cho người học có được phương pháp, kĩ năng, thói quen, ý chí tự học thì sẽ tạo được cho họ lòng ham học, khơi dậy nội lực vốn có trong mỗi con người, kết quả học tập sẽ được nhân lên gấp bội.
Vì vậy, cần phải nhấn mạnh mặt hoạt động học trong quá trình dạy học, nỗ lực tạo ra sự chuyển biến từ học tập thụ động sang tự học chủ động.
Đặt vấn đề phát triển tự học ngay trong trường phổ thông, không chỉ tự học ở nhà sau bài lên lớp mà tự học cả trong tiết học có sự hướng dẫn của giáo viên.
Dạy học tăng cường học tập cá thể, phối hợp với học tập hợp tác : Trong một lớp học mà trình độ kiến thức, tư duy của học sinh không thể đồng đều tuyệt đối thì khi áp dụng phương pháp tích cực phải có sự phân hoá về cường độ, tiến độ hoàn thành nhiệm vụ học tập.
Nhất là khi bài học được thiết kế thành một chuỗi hoạt động độc lập. Áp dụng phương pháp tích cực ở trình độ càng cao thì sự phân hoá này càng lớn.
Tuy nhiên, trong học tập, không phải mọi tri thức, kĩ năng, thái độ đều được hình thành bằng những hoạt động độc lập cá nhân.
Lớp học là môi trường giao tiếp giáo viên – học sinh và học sinh – học sinh, tạo nên mối quan hệ hợp tác giữa các cá nhân trên con đường chiếm lĩnh nội dung học tập.
Thông qua thảo luận, tranh luận trong tập thể, ý kiến mỗi cá nhân được bộc lộ, khẳng định hay bác bỏ, qua đó người học nâng mình lên một trình độ mới.
Được sử dụng phổ biến trong dạy học hiện nay là hoạt động hợp tác trong nhóm nhỏ.
Học tập hợp tác làm tăng hiệu quả học tập, nhất là lúc phải giải quyết những vấn đề gay cấn, lúc xuất hiện thực sự nhu cầu phối hợp giữa các cá nhân để hoàn thành nhiệm vụ chung.
Dạy học có sự kết hợp đánh giá của thầy với tự đánh giá của trò : Trong quá trình dạy học, việc đánh giá học sinh không chỉ nhằm mục đích nhận định thực trạng và điều chỉnh hoạt động học của trò mà còn đồng thời tạo điều kiện nhận định thực trạng và điều chỉnh hoạt động dạy của thầy.
Trong phương pháp tích cực, giáo viên phải hướng dẫn học sinh phát triển kĩ năng tự đánh giá để tự điều chỉnh cách học.
Liên quan với điều này, giáo viên cần tạo điều kiện thuận lợi để học sinh được tham gia đánh giá lẫn nhau. Trong dạy học tích cực, giáo viên không còn đóng vai trò đơn thuần là người truyền đạt kiến thức.
Giáo viên trở thành người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn các hoạt động độc lập hoặc theo nhóm nhỏ để học sinh tự lực chiếm lĩnh nội dung học tập, chủ động đạt các mục tiêu kiến thức, kĩ năng, thái độ theo yêu cầu của chương trình.
Trên lớp, học sinh hoạt động là chính, giáo viên có vẻ “nhàn” hơn nhưng trước đó, khi soạn giáo án, giáo viên đã phải đầu tư công sức, thời gian rất nhiều so với kiểu dạy và học thụ động.
Lúc đó, mới có thể thực hiện bài lên lớp với vai trò là người gợi mở, xúc tác, động viên, cố vấn, trọng tài trong các hoạt động tìm tòi hào hứng, tranh luận sôi nổi của học sinh.
Giáo viên phải có trình độ chuyên môn sâu rộng, có trình độ sư phạm lành nghề mới có thể tổ chức, hướng dẫn các hoạt động của học sinh mà nhiều khi diễn biến ngoài tầm dự kiến của giáo viên.
Đổi mới kiểm tra, đánh giá phải thông báo trước cho học sinh
Đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định đa dạng hình thức đánh giá không có nghĩa bắt buộc tất cả các cơ sở giáo dục thực hiện giống nhau, và dù đánh giá theo cách nào cũng phải có tiêu chí và thông báo trước cho học sinh.
Một giờ học trải nghiệm của học sinh Hà Nội. Không chỉ đổi mới dạy học, nhiều trường cũng đã thay đổi cách đánh giá theo hướng hiện đại hơn - ẢNH: L.P
Tránh lạm dụng, cần tiêu chí cụ thể
Dù học sinh (HS) hào hứng với cách đánh giá mới qua các sản phẩm từ bài học trải nghiệm thực tế, nhưng không ít ý kiến cũng cho rằng kết hợp hài hòa giữa thực tế và lý thuyết vẫn là điều mà các trường cần phải lưu ý, tránh lạm dụng 1 trong 2 hình thức. Trên thực tế, một số cơ sở giáo dục cũng tỏ ra lo ngại: Chưa đủ điều kiện để kiểm tra HS bằng "sản phẩm" thay vì bài viết, thì có phải chưa thực hiện đúng Thông tư 26 hay không?
PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết: "Quy định mới không yêu cầu giáo viên (GV) bỏ hình thức kiểm tra viết như truyền thống. Mà bên cạnh đó, GV có thể đánh giá HS qua quá trình tổ chức các hoạt động học với nhiều hình thức đa dạng như hỏi - đáp ngay trong tiết dạy bài học mới, trong tiết ôn tập, hoặc giao nhiệm vụ cho HS/nhóm HS thực hiện các yêu cầu cụ thể và đánh giá qua phần thuyết trình, báo cáo kết quả thực hiện, sản phẩm thực hành, thí nghiệm...".
Sẽ quy định về đánh giá mới
PGS Nguyễn Xuân Thành cho biết Thông tư 26 dù sửa theo hướng tiệm cận với yêu cầu của chương trình mới nhưng chỉ áp dụng cho việc kiểm tra, đánh giá theo chương trình giáo dục phổ thông cũ. Khi áp dụng dạy học theo chương trình mới, Bộ sẽ ban hành quy định về kiểm tra, đánh giá mới hoàn toàn để phù hợp với mục tiêu mà chương trình này đặt ra.
Ông Thành lưu ý: "Việc xây dựng tiêu chí đánh giá bài thực hành, dự án học tập cần bảo đảm phù hợp với các mức độ yêu cầu đối với kiến thức, kỹ năng mà HS phải sử dụng để thực hiện những bài thực hành, dự án học tập đó".
Ông Thành còn nhấn mạnh: "Tùy theo mỗi điều kiện, đối tượng HS và yêu cầu cụ thể của nội dung học tập, có thể lựa chọn cách dạy học, đánh giá khác nhau. Nhưng cần lưu ý với mỗi hình thức, khi đánh giá bằng điểm số phải thông báo trước cho HS về các tiêu chí đánh giá và định hướng cho HS tự học".
Xung quanh việc các trường còn chưa áp dụng được việc xây dựng đề kiểm tra theo ma trận, đặc tả trong học kỳ 1, vì chưa được tập huấn cách làm mới, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết Bộ vừa ban hành hướng dẫn xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường. Trong đó, hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá định kỳ.
Nên kiểm tra theo hướng chấm dứt thuộc bài mẫu
PGS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn ngữ văn trong chương trình giáo dục phổ thông mới, tán thành hướng giảm bớt các bài kiểm tra để công việc chấm bài của GV nhẹ nhàng hơn theo Thông tư 26.
Nói riêng về đề kiểm tra môn ngữ văn, ông Thống nêu quan điểm: "Đánh giá định kỳ chủ yếu tập trung vào năng lực đọc hiểu và viết. Như vậy, đề kiểm tra ngữ văn cần có 2 phần: phần 1 đánh giá năng lực đọc hiểu, phần 2 đánh giá năng lực viết. Tùy vào thời gian làm bài mà chia tỷ lệ cho các phần đọc hiểu và viết cho phù hợp. Ví dụ, nếu thời gian làm bài là 90 phút thì nên dành cho đọc hiểu 30 phút và viết 60 phút".
Cũng theo ông Thống, yêu cầu đọc hiểu có thể ra theo hướng trắc nghiệm với một văn bản có dung lượng vừa phải, tối đa khoảng 400 chữ với cấp học THCS, 500 chữ với THPT. Yêu cầu viết, tùy theo thời gian, có thể ra 1 hay 2 câu; có thể viết đoạn văn tối đa khoảng 400 - 500 chữ, hoặc bài văn ngắn khoảng 800 - 1.000 chữ. Kiểu văn bản căn cứ vào chương trình mỗi lớp. Nội dung, đề tài có thể gắn với vấn đề đặt ra trong văn bản đã đọc hiểu hoặc một vấn đề độc lập. Hình thức ra nên theo hướng mở để khuyến khích ý kiến riêng, sáng tạo của HS.
Riêng với nghị luận văn học, ông Thống đề xuất cần chú ý dùng ngữ liệu mới (xác định hoặc HS tùy chọn), những trích đoạn chưa được học để đo được năng lực thực sự của HS trong tiếp nhận, phân tích, nhận xét văn bản văn học.
Đáng chú ý, ông Thống cho rằng cần mạnh dạn nêu lên các yêu cầu mở; yêu cầu đòi hỏi phải biết vận dụng tổng hợp nhiều kiến thức, kỹ năng; phải biết so sánh, liên hệ, đối chiếu... và nhất là phải vận dụng được vào tình huống mới, ngữ liệu mới. "Nếu chỉ loanh quanh ra lại các văn bản - tác phẩm đã học như cách ra đề lâu nay, thì mãi mãi không chấm dứt được tình trạng học thuộc các tài liệu có sẵn và chép lại văn mẫu. Khi đó, mỗi năm có yêu cầu HS viết 8 hay 18 bài văn cũng vô nghĩa, mục tiêu phát triển năng lực đọc và viết của HS cũng sẽ thất bại", ông Thống cảnh báo.
GS Đỗ Đức Thái, chủ biên môn toán, nhiều lần nhấn mạnh việc thay đổi cách thức ra đề kiểm tra, thi cử, nhất là các kỳ thi quan trọng như tuyển sinh vào lớp 10, thi THPT... sẽ tác động trực tiếp tới cách dạy học trong trường phổ thông. GS Thái nêu ví dụ việc đổi mới cách ra đề môn toán trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của TP.HCM những năm gần đây đã khiến các nhà trường buộc phải chuyển từ dạy theo hướng truyền tải nội dung sang dạy học giúp HS hình thành và phát triển năng lực toán học. GV đã dần dạy học theo hướng "ứng dụng toán học vào thực tiễn".
Giáo viên và học sinh cùng học hỏi từ hoạt động cụm trường Chương trình hoạt động cụm trường THPT huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định năm học 2020 - 2021 được tổ chức tại Trường THPT Trần Văn Bảo, kết thúc ghi nhận nhiều giá trị tích cực. Sinh hoạt cụm trường, một hoạt động chuyên môn bổ ích. Sự kiện thu hút đông đảo các thầy cô giáo và học sinh của 6 trường...