Dạy học tại thực địa: Thực tiễn và giải pháp
Thực hiện tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển phẩm chất và năng lực cho người học, các cơ sở GD đã xây dựng mô hình Trường học gắn với cuộc sống.
Một trong những giải pháp để thực hiện tốt mô hình này là tổ chức hoạt động dạy học tại thực địa.
“Mắt thấy, tai nghe” những kiến thức đang nghiên cứu
Dạy học tại thực địa (còn có tên gọi khác là dạy học tại hiện trường) là hình thức dạy học tại môi trường có hiện vật và các hoạt động thực tiễn liên quan chặt chẽ với nội dung bài học.
Qua đó, tạo thuận lợi cho việc hình thành kiến thức, kỹ năng, thái độ của học sinh theo mục tiêu bài học đã xác định. Thông thường dạy học thực địa được cụ thể hóa ở hai dạng thức là thực địa di sản và thực địa sản xuất kinh doanh. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ nói về dạy học tại thực địa sản xuất kinh doanh.
Dạy học thực địa có thể tổ chức tại trung tâm nghiên cứu cây trồng, vật nuôi; trang trại chăn nuôi, trồng trọt; doanh nghiệp, nhà máy chế tạo, sản xuất, chế biến sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp hay làng nghề; siêu thị, cửa hàng, nhà hàng…
Khi dạy học tại thực địa, học sinh được “mắt thấy, tai nghe” những kiến thức mà các em đang nghiên cứu, được trực tiếp tiếp xúc với các hiện vật, đối tượng lao động, con người và các hoạt động thực tế lao động sản xuất đang diễn ra, thậm chí có thể tham gia trực tiếp vào một số hoạt động thực tiễn khác nhau tại cơ sở sản xuất kinh doanh với tư cách là chủ thể hoạt động.
Nhờ đó, các em có cơ hội hiểu rõ hơn thực tế hoạt động đang diễn ra ở nơi mình sinh sống, học tập và có cơ hội gắn các kiến thức lý thuyết trong sách vở với thực tiễn sinh động.
Không những thế, khi học tập tại thực địa, học sinh có thể tự khám phá được nhiều điều mới lạ mà nội dung trong sách không thể mô tả hết được. Vì thế, các em hứng thú hơn, khả năng tiếp nhận lĩnh hội bài học cũng hiệu quả hơn.
Mặt khác tổ chức dạy học tại thực địa sẽ tạo điều kiện cho các em bộc lộ năng lực, sở trường, hứng thú của mình đối với một lĩnh vực, ngành nghề, công việc nào đó. Thông qua đó, giáo viên định hướng cho học sinh xác định con đường phát triển sau khi tốt nghiệp THPT như chọn ngành học ở ĐH, CĐ; chọn ngành nghề trong học nghề hoặc trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh địa phương…
Tăng cường dạy học thay vì tham quan
Video đang HOT
Ảnh minh họa.
Mặc dù có giá trị giáo dục sâu sắc, song hình thức dạy học thực địa hầu như ít được chú trọng tại các nhà trường phổ thông. Thực tiễn cho thấy, việc dạy học gắn với sản xuất kinh doanh trong nhà trường nếu có thì chỉ được thực hiện ở hình thức tham quan các cơ sở sản xuất, kinh doanh (ngoại khóa). Còn tổ chức dạy học tại hiện trường, hầu như hiếm thấy.
Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là do hình thức dạy học này đòi hỏi phải có điều kiện thời gian, khâu tổ chức, quản lý học sinh tương đối phức tạp, kinh phí tốn kém. Đặc biệt là giáo viên chưa được trang bị cách thức, kỹ năng để tổ chức hoạt động dạy học thực địa. Chính những điều này dẫn đến sự ngần ngại của các trường phổ thông khi xây dựng và thực hiện hình thức dạy học này.
Từ thực tiễn trên, xin đề xuất một số biện pháp để nâng cao hiệu quả dạy học tại thực địa góp phần phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh.
Trước hết, nhà trường cần rà soát các môn học, bài học có thể tổ chức dạy học thực địa.
Soi chiếu các bài học có tiềm năng để tổ chức dạy học thực địa vào thực tiễn lao động sản xuất của địa phương để xem xét mức độ đáp ứng, tổ chức dạy học.
Thực địa được lựa chọn để đưa học sinh đến học tập phải bảo đảm các yêu cầu như: Có môi trường, hiện vật, đối tượng lao động và các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với nội dung bài học; Địa điểm tương đối gần trường học để không mất quá nhiều thời gian cho việc di chuyển và bảo đảm an toàn cho học sinh; Thực địa có đủ không gian và điều kiện cơ sở vật chất để triển khai việc học tập của học sinh.
Sau khi khảo sát, nếu thấy thực địa phù hợp với đặc điểm bài học và nhu cầu học tập của học sinh, nhà trường cần thực hiện các khâu chuẩn bị cho buổi học như liên hệ với người phụ trách thực địa về mục đích, yêu cầu, nội dung và thời gian đưa học sinh đến cơ sở học tập, đề nghị họ giúp đỡ, hỗ trợ để buổi học được thuận lợi. Cùng với đó, giáo viên xây dựng kế hoạch và thiết kế bài học để thực hiện dạy học tại thực địa.
Triển khai tổ chức cho học sinh học tập tại thực địa
Dạy học tại thực địa là hình thức dạy học cần thiết nhất trong thực hiện nhiệm vụ “Học đi đôi với hành”. Đó cũng là giải pháp hữu hiệu cho mục tiêu dạy học phát triển phẩm chất năng lực người học mà ngành Giáo dục đang hướng tới.
Trước buổi học tại thực địa, giáo viên cần tập trung học sinh để phổ biến mục đích, yêu cầu, nội dung và cách thức học tập/thực hành. Hướng dẫn học sinh ghi lại những thông tin thu thập được trong buổi học.
Trong quá trình học tập tại thực địa, học sinh học tập/thực hành theo kế hoạch dưới sự hướng dẫn của giáo viên và người đại diện cơ sở sản xuất kinh doanh. Chú ý bám sát mục tiêu, nội dung của bài học trong suốt quá trình bài học tại hiện trường. Khi học sinh có thắc mắc hoặc có nội dung nào chưa hiểu rõ, giáo viên cần phối hợp với người của cơ sở sản xuất giải thích hoặc chỉ dẫn cụ thể.
Khi kết thúc bài học, cần tổ chức nhận xét, đánh giá kết quả học tập tại hiện trường. Có thể yêu cầu một số học sinh báo cáo những thông tin thu thập được qua buổi học. Sau đó, đánh giá tinh thần, thái độ và kết quả học tập của học sinh.
Tổng kết, đánh giá hoạt động dạy học tại thực địa (cần chỉ rõ ưu điểm và nhược điểm). Rút kinh nghiệm để tiến hành bài học tiếp theo đạt kết quả tốt hơn.
Dạy học từ trải nghiệm thực tế
Để dạy học gắn với thực tiễn mang lại hiệu quả cao cho học sinh, trong những năm qua, các giáo viên Trường THPT Kỳ Anh chủ động "trải nghiệm trước". Nhờ đó, giờ học luôn cuốn hút, học sinh hào hứng tham gia.
Học sinh Trường THPT Kỳ Anh thực nghiệm trồng hoa hướng dương trong một giờ học.
Học hỏi để trò có những giờ trải nghiệm hứng thú
Những ngày này, thầy Nguyễn Xuân Hồng, giáo viên bộ môn Sinh - Công Nghệ của Trường THPT Kỳ Anh (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đang miệt mài với mô hình trồng nấm, để chuẩn bị cho chủ đề "Sản xuất một số sản phẩm thuộc lĩnh vực nông lâm ngư" cho học sinh trong trường trải nghiệm.
Vào các năm trước, thầy cùng với giáo viên trong tổ bộ môn tiến hành trồng hoa thạch thảo và hướng dương. Năm nay, do thời tiết không thuận lợi, thầy chuyển sang nghiên cứu mô hình trồng nấm để chuẩn bị áp dụng vào dạy học.
Theo thầy Hồng, ở địa phương cứ sau mỗi vụ thu hoạch lại có một lượng lớn rơm rạ bị đốt bỏ. Điều này vừa gây ô nhiễm môi trường vừa lãng phí nguồn nguyên liệu. Vì vậy, thầy đã nghiên cứu đề tài sản xuất nấm để đưa vào chương trình Công nghệ 10.
Đây không phải là lần đầu tiên, thầy Hồng tiến hành hoạt động thực nghiệm. Nhiều lần trước đó, để có thể thực hiện được chủ đề trồng trọt và sản xuất kinh doanh, thầy đã lặn lội ra Viện nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam để tìm hiểu thêm về cây giống, kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc. Sau đó tiến hành gieo trồng thử nghiệm, rồi đánh giá, rút kinh nghiệm.
Trải qua nhiều lần thử nghiệm thất bại vì cây không hợp thổ nhưỡng, thời tiết, cuối cùng thầy đã tìm ra giống hướng dương cao để học sinh đưa vào trồng đại trà, phục vụ nhiệm vụ học tập.
Năm nay, từ việc kết hợp kiến thức trong chương trình và quá trình tìm hiểu thực tế sản xuất, thầy Hồng đã đến các trang trại trồng nấm ở địa phương và vùng lân cận để học hỏi kinh nghiệm. Sau đó về nhà tự nghiên cứu thêm để thực nghiệm, tạo ra sản phẩm.
Thầy Nguyễn Xuân Hồng thực nghiệm trồng nấm để chuẩn bị bài dạy cho học trò.
"Thực tế trên địa bàn thị xã Kỳ Anh, việc sản xuất nấm ở các hộ gia đình không còn xa lạ. Nhưng đối với nhiều học sinh, đây là những trải nghiệm thú vị, phục vụ hữu ích cho hoạt động dạy học gắn với thực hành", thầy Hồng cho hay.
Cũng theo thầy Hồng, ngoài kiến thức sản xuất nông nghiệp, học sinh trong trường còn được trải nghiệm thêm mô hình kinh doanh thông qua việc bán các sản phẩm học tập.
Những tín hiệu vui
Để có được thành quả phục vụ chủ đề bài học thiết thực và hấp dẫn, thầy cô giáo của bộ môn Sinh - Công nghệ, Trường THPT Kỳ Anh đã trải qua nhiều lần thực nghiệm, với hàng loạt lần thất bại, cùng bao mồ hôi và công sức trên vườn thực nghiệm. Thế nhưng, với các thầy cô, sự đánh đổi này hoàn toàn xứng đáng. Khi nhờ vào đó các em học sinh có được những giờ học bổ ích.
Theo các giáo viên trong tổ Sinh - Công nghệ, đối với phương pháp dạy học gắn với thực tiễn, người thầy luôn giữ vai trò là người hướng dẫn, cố vấn. Bên cạnh việc truyền kiến thức, người thầy còn phải truyền được cả đam mê, nhiệt huyết cho trò.
"Nhờ những nỗ lực và quyết tâm đổi mới dạy và học, học sinh, đội ngũ giáo viên học được nhiều hơn, năng động, tự tin hơn trong cuộc sống. Các hoạt động mà thầy cô tổ Sinh - Công nghệ đang áp dụng thực sự mang lại hiệu quả cao trong việc hình thành kỹ năng và phẩm chất, bồi đắp tâm hồn, tư tưởng cho học sinh", cô Nguyễn Thị Lệ Thủy - Hiệu trưởng nhà trường thông tin.
Việc dạy học gắn với thực hành mang lại nhiều ý nghĩa tích cực. Thông qua việc vận dụng lý thuyết vào thực hành, học sinh trong trường có điều kiện khắc sâu thêm kiến thức đã học. Đồng thời có thể tự mình đặt ra và giải quyết các nhiệm vụ mới trong quá trình học tập.
Bên cạnh đó giúp học sinh rèn luyện kỹ năng tự học và giải quyết vấn đề, kỹ năng hợp tác và làm việc nhóm. Ngoài ra, các em còn được phát huy các kỹ năng Tin học, vận dụng công nghệ thông tin vào quá trình hình thành sản phẩm học tập.
Dựa trên cách làm đó, Trường THPT Kỳ Anh đã xây dựng được mô hình kinh doanh nhỏ cho học sinh. Các em sẽ kinh doanh sản phẩm do mình làm ra, như: Bán hoa thạch thảo trong lễ hội xuân; bán vé tham quan và chụp ảnh vườn hoa hướng dương, bán sản phẩm nấm và phôi nấm... Điều này mang lại nhiều trải nghiệm học tập khá thú vị, đồng thời tạo được sự quan tâm, đồng tình từ phía phụ huynh. Với học sinh, không chỉ có thêm kiến thức mà là dịp áp dụng điều đã học vào thực tế; tiệm cận việc lựa chọn ngành nghề, tự tin trong giao tiếp...
Tìm hướng đi cho ngành xuất bản Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - cho rằng nâng cao tỷ lệ đọc sách cho người dân là giải pháp mấu chốt quyết định sự phát triển của toàn ngành. Năm 2021, cũng như nhiều lĩnh vực khác, ngành xuất bản chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Trong hoàn cảnh đó, các đơn vị...