Dạy học sinh hư: Đừng để “giận quá mất khôn”
Khi đánh giá, nhận xét học sinh, người thầy nên chú ý đến bối cảnh không gian đưa đẩy các em đến hành vi sai sót. Cũng là nội dung phê bình, cũng là sự nghiêm khắc trước cái sai nhưng nếu thầy cô không chọn thời điểm thích hợp thì kết quả không như mong muốn.
Thầy trò cùng chăm sóc cây cảnh.
Tiết 2 sáng hôm đó, tôi chuyển sang lớp 8A theo thời khóa biểu với tâm trạng thoải mái vì tiết một đã dạy lớp 9A – một lớp có tiếng là ngoan và học tốt của trường.
Khi các bạn đã đứng lên và hô to lời chào thầy thì Q vẫn quay ngang, quay dọc chọc phá các bạn như không hề biết tôi đã đến lớp. Tôi đứng yên, chưa cho các em ngồi xuống. Cả lớp biết tôi chưa hài lòng vì sự mất trật tự của Q. Một vài tiếng nhắc Q điều chỉnh tác phong để thầy bắt đầu giờ dạy nhưng Q vẫn không thay đổi.
Qua tìm hiểu trước đó, tôi biết Q 3 năm liền hạnh kiểm chỉ được xếp ở mức trung bình. Lỗi lớn nhất là không chăm chỉ học tập và hay phản ứng với thầy cô. Những việc sai trái do cá nhân gây ra, Q thường né tránh, đổ cho các bạn, ít khi em chịu nhìn nhận.
May mắn là cha mẹ Q luôn có thái độ hợp tác với nhà trường trong việc giáo dục con: dự họp cha mẹ học sinh của lớp đầy đủ, giữ liên lạc với nhà trường thường xuyên, mỗi lúc có thư mời đến trao đổi về sai phạm của Q, cha mẹ đều có mặt. Chỉ vì cả hai bận lo sinh kế suốt ngày nên Q chậm tiến bộ.
Mới hai ngày trước đây, tôi thấy cô giáo quản lý nề nếp nhà trường mời mẹ em vào trao đổi về việc cô giáo bộ môn phản ảnh em sử dụng điện thoại trong giờ học mà không nhận, đổ lỗi cho bạn.
Dự định bước qua đóng góp vài câu về việc học và hạnh kiểm của Q nhưng lại thôi, tôi nghĩ đồng nghiệp đã tận tâm, tận lực giúp Q tiến bộ, sai phạm của Q ghi đầy trong sổ cần gì nói thêm. Hơn nữa nhìn vào thái độ của mẹ Q, tôi tin người phụ nữ đó đặt hết niềm tin vào thầy cô trong việc giáo dục Q nên người.
“Con dại, cái mang”, tôi đoan chắc mẹ Q biết trách nhiệm của gia đình trong việc hợp tác với nhà trường nhưng quỹ thời gian quá ít, cha mẹ chưa làm Q chuyển đổi được.
Tôi yêu cầu Q trật tự để bắt đầu tiết học. Q vẫn cố làm ồn. Bực mình, tôi nói lớn:
- Thầy vừa gặp mẹ em. Vì thầy cô dạy lớp này chưa nói hết sai phạm của em nên mẹ em tưởng em là học sinh ngoan đấy! Thầy tiếc là chưa trao đổi gì với mẹ em.
Tôi vừa dứt lời, Q đấm tay xuống mặt bàn, gây tiếng vang cả lớp. Các bạn lao xao quay xuống chỗ Q ngồi. Tôi nghiêm mặt:
- Không được đập tay lên bàn, em có nghe không?
Trả lời tôi bằng hành động, Q ném mạnh cuốn sách giáo khoa xuống bàn lần nữa. Vẻ mặt Q lầm lì. Tôi nhìn Q nghiêm khắc:
- Em không được ném sách xuống bàn như thế!
Video đang HOT
Những tưởng trước sự nghiêm khắc của thầy, Q phải nhượng bộ nhưng không. Tất cả ngoài sự tiên đoán của tôi, lần này em lôi cả chiếc ba-lô chứa tập vở cá nhân ra quẳng mạnh xuống mặt bàn lần nữa. Cả lớp lặng thinh trước thái độ của Q.
Dù lớp mà Q đang theo học không có được thiện cảm của thầy cô vì đa phần học sinh chưa ngoan nhưng tỏ thái độ vô lễ như Q thì chưa em nào có. Tôi nhìn thẳng vào em, nghiêm sắc mặt, nói to từng tiếng:
- Thầy yêu cầu em bước lên đây. Em quá vô lễ. Thầy chưa bao giờ đập bàn quát học sinh mà em ba lần dám đập bàn trước mặt thầy.
Thật lòng mà nói, nếu Q không bước lên, tôi cũng chưa biết giải quyết ra sao. Nhìn Q khệnh khạng bước lên bàn giáo viên, tôi liên tưởng đến những vụ việc trò hành hung thầy, thầy sử dụng vũ lực với trò, thoáng chốc tôi thấy bất an. Q bước lên đến bàn giáo viên rồi đứng yên đó. Tôi đặt câu hỏi với Q:
- Đập bàn trước mặt thầy, hành động đó của em đúng hay sai?
Q nhìn tôi rồi thản nhiên trả lời tiếng một:
- Đúng!
Tôi truy đến cùng:
- Em thấy đúng chỗ nào?
- Vì thầy nói đụng chạm đến mẹ em trước lớp! Em sai, kệ em!
Tôi giật mình nhớ lại lời phê phán Q lúc nãy, bèn chuyển sang cách sử dụng sức mạnh tập thể để tranh luận với Q. Tôi mời một số em trong lớp nêu nhận xét về thái độ của Q. Tất cả đều thống nhất hành vi của Q là sai.
Ngay cả nhóm bạn của Q cũng đều phát biểu không đồng tình với thái độ của Q. Nét mặt của Q chuyển sắc không ngừng, từ đỏ bừng sang xanh tái.
Tôi biết Q đang hoang mang vì thấy không bạn nào ủng hộ mình dù trước nay cả lớp từng bị thầy cô nhận xét là hay bao che cho lỗi lầm của nhau.
Chưa hết, Q còn đặt câu hỏi với tôi:
- Sao có nhiều bạn cũng không chăm chỉ học, hay phá phách mà thầy chỉ nêu tên mình em? Hơn nữa “lôi” mẹ em vào để làm gì?
Biết Q đang cố lý sự. Tôi trả lời:
- Bạn nào sai, bạn nào không chăm học cũng đều được nhắc nhở, không chỉ riêng mình em. Cái chính là để các em tiến bộ chứ không phải để thầy cô có được lợi ích gì. Thầy nhắc mẹ em để cho em biết mẹ mỗi lần được mời vào trường là mang theo cả sự khổ tâm vì dạy con không nên người.
Q đứng yên, chưa tỏ thái độ gì biểu hiện là đã nhận thức được sai lầm của mình.
Thấy tình hình chưa ổn, tôi cho Q về chỗ ngồi, nhắc cả lớp trật tự chuẩn bị bài. Tôi bước ra hành lang, hít thở mấy hơi dài. Tôi nghĩ nhanh trong đầu, Q cũng có mấy phần đúng. Nếu tôi chọn thời điểm thích hợp có lẽ lời phê bình của tôi sẽ được Q tiếp nhận. Thái độ của Q chẳng qua là muốn chọn làm anh hùng trước lớp nên dù biết sai và biết cả lớp không ai đồng tình với hành vi của mình, Q vẫn giữ thái độ cố chấp.
Nhớ lại sắc mặt của Q biến đổi liên tục, tôi tin nhận xét của bản thân là đúng. Lẽ ra tôi nên chọn thời điểm khác và bằng lời nói tâm tình, nhỏ nhẹ trước sai sót của Q chắc chắn kết quả sẽ khác.
Một kinh nghiệm khác rút ra từ chuyện của Q là không nên dồn học sinh đến đường cùng vì khi ấy các em có thể có lời nói, hành vi không kiểm soát được, rất bất lợi cho việc giáo dục học sinh. Tạm cho học sinh sai về chỗ, bản thân người thầy có thời gian tự tìm lấy sự bình tĩnh thoát khỏi cơn nóng giận sẽ giúp việc giáo dục học sinh hiệu quả hơn.
Khi trở lại vào lớp, tôi tiến hành tiết dạy như chưa có gì xảy ra. Cả lớp hoàn thành tiết học như yêu cầu của thầy. Đến cuối giờ, tôi mới gọi Q lên. Tôi đề nghị em suy nghĩ kỹ rồi tự nêu nhận xét về hành vi của em. Trước đó, thi thoảng liếc nhìn, tôi thấy Q viết bài mà vẻ mặt căng thẳng lắm. Tôi biết Q đang đấu tranh giữa cái đúng và cái sai trong đầu về hành động đã làm. Q lí nhí:
- Dạ em sai.
Tôi mừng như mở cờ trong bụng. Tôi nói với cả lớp nếu bình tĩnh nhận sai thì đâu có một tiết học vừa qua là nặng nề với Q và với cả lớp. Tôi nhắn nhủ: Thôi các em hãy xem đây là bài học kinh nghiệm cho mình. Riêng Q, thầy cũng vui vì cuối cùng đã nhận thấy sai, hãy tự cố gắng sửa sai cho gia đình và thầy cô vui lòng.
Sau đó, qua trao đổi với cô giáo chủ nhiệm của Q, tôi cũng không yêu cầu đưa Q ra hội đồng kỷ luật vì đã vi phạm những điều học sinh không được làm trong nhà trường dù có tình tiết tăng nặng là lặp lại hành vi vô lễ với giáo viên nhiều lần.
Khi đánh giá, nhận xét học sinh, người thầy rất nên chú ý đến tâm sinh lý lứa tuổi các em. Có thể các em biết sai nhưng vẫn liều lĩnh không nhận, bất chấp hậu quả. Bên cạnh đó, thầy cô nên chú ý bối cảnh không gian đưa đẩy các em đến hành vi sai sót.
Cũng là nội dung phê bình, cũng là sự nghiêm khắc trước cái sai nhưng nếu thầy cô không chọn thời điểm thích hợp thì kết quả không như mong muốn. Tôi may mắn rút ra được kinh nghiệm từ đồng nghiệp và vận dụng được vào thực tế của bản thân. Tôi thấy nhẹ nhàng trong cuộc sống và công việc giảng dạy hàng ngày.
Nguyễn Hữu Nhân (GV Trường THCS Võ Thị Sáu – Sa Đéc, Đồng Tháp)
Theo GDTĐ
Giáo viên lên tiếng: Tôi phản đối phạt quỳ, nhưng...
Tranh cãi "muốn để học sinh quỳ hay học sinh hư" trên báo Dân trí một lần nữa khơi lên chủ đề chưa có hồi kết lâu nay: Có nên duy trì hình thức phạt roi, phạt quỳ trong giáo dục? Bức ảnh cùng câu chuyện học sinh Trường THCS Thường Tín (Hà Nội) bị phạt quỳ đã làm nóng các diễn đàn suốt mấy hôm nay.
Ảnh minh họa
Phải thẳng thắn thừa nhận rằng dư luận vẫn đang chia thành hai "chiến tuyến" và ngay trong đội ngũ nhà giáo vẫn có người ủng hộ cũng như phản đối hình thức xử phạt học sinh bằng cách đánh roi hoặc quỳ gối.
Lâu nay, xung quanh vấn đề này vẫn luôn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều. Người ủng hộ lập luận rằng "không đánh không nên người", "quỳ một tí có chết ai đâu", thậm chí là thẳng thừng khẳng định "nếu không chấp nhận hình phạt ở trường, phụ huynh giữ con ở nhà mà dạy"...
Còn người phản đối hành động phạt quỳ cũng ra sức đả kích, ném đá hành động của cô giáo, cho rằng đó là "sự bất lực của giáo dục", là "hành động phản sư phạm", là "sự sỉ nhục, xúc phạm nhân cách người học"...
Là một phụ huynh có con đang tuổi đến trường, tôi cũng cật lực phản đối các hành vi xử phạt mang tính tiêu cực xuất hiện trong thời gian qua, chẳng hạn yêu cầu học sinh tát nhau, bắt uống nước giặt khăn lau bảng hoặc là phạt roi trò đến mức thâm tím tay chân và chấn động não...
Còn hành động phạt quỳ ư? Nó không làm bọn trẻ đau về mặt thể xác nhưng nó khiến các con bị tổn thương lớn về mặt tâm hồn. Khi cô giáo yêu cầu 2 học sinh trường Tô Hiệu quỳ gối, một em chấp hành còn em kia thì không thực hiện bởi chính em lập luận "quỳ là sự sỉ nhục".
Nhìn nhận thẳng thắn thì lập luận ấy có phần đúng khi mà hành động quỳ gối giữa lớp học, ngay trước mặt các bạn cùng trang lứa là một sự trừng phạt nặng nề. Hành động quỳ gối trước tập thể ấy chỉ khiến sự bất mãn trong lòng học sinh dâng cao, và mục đích giáo dục học sinh thông qua biện pháp phạt quỳ hoàn toàn phản tác dụng!
Tôi không hoàn toàn phủ nhận tác dụng của các cách phạt truyền thống trong giáo dục. Chúng tôi cũng lớn lên, trưởng thành từ trong phương pháp giáo dục nghiêm khắc của thầy cô. Thời ấy, việc học sinh "ăn" roi, bị phạt quỳ gối là việc thường xuyên.
Ở thời điểm ấy, trong giai đoạn ấy, việc thầy cô và bố mẹ sử dụng đòn roi cùng các hình phạt nghiêm khắc như một lẽ thường và được chấp nhận. Nhưng trong thời điểm hiện tại, khi mà quyền con người được ý thức hơn, bọn trẻ lại tiếp nhận nhiều luồng thông tin về nhân quyền hơn thì các phương pháp giáo dục truyền thống đã thực sự không còn phù hợp.
Đặc biệt là toàn ngành giáo dục đã phát động phong trào "trường học thân thiện", nghiêm cấm các hành vi "xúc phạm nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học" thì những đòn roi và hành động phạt quỳ của cô giáo vấp phải sự phản đối của cộng đồng là lẽ tất nhiên.
Tuy nhiên, là một nhà giáo trực tiếp đứng lớp gánh nhiệm vụ "trồng người", tôi thấu hiểu hơn ai hết nhiệm vụ nhọc nhằn của người thầy trong bối cảnh hôm nay. Dạy chữ không vất vả bằng dạy người. Người thầy hôm nay phải gánh lấy áp lực khủng khiếp trên con đường gieo chữ, trồng nhân cách.
Tâm sinh lý của học sinh đang thay đổi theo những biến động của xã hội, thời đại. Sự ủng hộ, đồng hành của một bộ phận gia đình cũng biến chuyển theo chiều hướng công kích mọi biện pháp giáo dục của người thầy. Bên cạnh đó là áp lực từ cấp trên, sự đơn độc trong tìm kiếm phương pháp giáo dục tích cực... khiến người thầy mất phương hướng thật sự.
Không ít giáo viên đã ca thán "xã hội đang tước dần quyền giáo dục của người thầy". Từng có giáo viên buông xuôi "mặc kệ nó", "lương tâm không bằng lương tháng"... Đó là hệ quả tất yếu khi mà gia đình sẵn sàng kiện tụng, dư luận hả hê "ném đá" mỗi lúc phát hiện người thầy đánh trò, phạt trò.
Chính nó sẽ khiến nghề giáo bỏ rơi nhiệm vụ "dạy người" mà chỉ chuyên tâm "dạy chữ". Và nó cũng sẽ để lại những hậu họa khủng khiếp về nhân cách thế hệ trẻ tương lai. Không ai muốn điều ấy xảy ra!
Bởi vậy, người thầy rất cần sự đồng hành, hỗ trợ từ nhà trường, gia đình và xã hội trên con đường giáo dục nhân cách trẻ.
Nguyễn Thùy
Theo Dân trí
"Nhiều gia đình có con bất trị vì hay bênh vực con trước mặt cô giáo" Câu chuyện về cô giáo trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) phạt học sinh quỳ gối đã thu hút dư luận trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng hình phạt này mang tính xúc phạm danh dự học sinh, song cũng có không ít ý kiến đồng cảm với những áp lực của giáo viên. Phạt quỳ chắc chắn không phải...