Dạy học sinh cá biệt: Lạt mềm buộc chặt
Làm sao dạy học sinh cá biệt nên người luôn là câu hỏi khó tìm lời giải. Nhưng có những giáo viên vẫn chịu khó, sáng tạo để tìm ra “thuốc đặc trị”.
Đồng cảm và bảo vệ
Ông Trần Tấn Tài – Phó phòng Giáo dục Q.5, TP.HCM, nhiều năm làm Hiệu trưởng Trường THCS Trần Bội Cơ cho biết, ông đã từng phát hiện, xử lý rất nhiều vụ học sinh (HS) liên quan đến trộm tiền bạn học. Nhưng có điều khá đặc biệt là khi tìm ra thủ phạm, ông không công khai danh tánh mà lại bảo vệ các em. Điều này mới nghe qua có vẻ nghịch lý, nhưng ông cho rằng, nếu nêu tên, bạn học biết mình là kẻ cắp, các em sẽ mặc cảm và ghét bỏ cả thầy cô. Chẳng những thế, khi bị bạn bè chế giễu là kẻ ăn cắp thì các em sẽ bị ảnh hưởng tâm lý rất lớn, dễ dẫn đến chán học.
Tìm cách giải tỏa năng lượng
5 năm trở về trước, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, TP.HCM nằm trong tình trạng “báo động đỏ”. Ông Trần Ngọc Minh – nguyên Hiệu trưởng, cho biết: “Chuyện “choảng” nhau của HS trường này trước kia như cơm bữa. Một ngày đánh nhau mấy lần, đánh trong trường, đánh ngoài đường, lôi cả giang hồ vào đánh”… Trước thực trạng này, ông cho thành lập hàng loạt các CLB âm nhạc, hội họa, võ thuật… và tìm cách tuyên truyền để HS cá biệt tham gia. Ông ví HS như năng lượng hạt nhân, mình sử dụng theo mục đích nào là do mình. “Khi vui chơi, hoạt động trong các CLB, các em sẽ hết năng lượng, và khi về nhà là các em ngủ, nghỉ, không đi quậy phá, lâu ngày sẽ thành thói quen. Đồng thời thầy cô giáo phải có quá trình theo dõi sự thay đổi của các em”, ông Minh nói.
Mặt khác, ông cũng nhận ra rằng, những HS lớp 10 thường xuyên đánh nhau nhất. Bởi các em đến từ nhiều trường, nhiều nơi khác nhau nên chưa có thời gian hiểu nhau. Do vậy, cứ mỗi đầu năm học, ông lại sinh hoạt cho HS tự giới thiệu để tạo sự gần gũi.
Tìm hiểu tâm lý từng đối tượng
Video đang HOT
Trong các trường giáo dục thường xuyên, tình hình phức tạp hơn. Theo ông Phan Minh Khoa – Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.Tân Bình (TP.HCM), HS giáo dục thường xuyên thường có học lực yếu, hoàn cảnh cá biệt (nghèo, nhập cư từ các tỉnh, đã nghỉ học, vừa đi học vừa đi làm, lớn tuổi…) nên giáo dục HS này không vi phạm đạo đức là điều rất khó.
Hiểu đặc điểm của HS, ông đề ra biện pháp: giáo viên khi tiếp cận một trường hợp HS hư phải xác định lứa tuổi, giới tính để nắm được tâm sinh lý của HS, nguyên nhân dẫn HS đến chỗ cá biệt (do mâu thuẫn gia đình; cha mẹ thường xuyên cãi vã, ly hôn; cha mẹ nuông chiều; mồ côi cha, mẹ; ở xa gia đình…). Từ đó, giáo viên tiếp cận HS vi phạm bằng cách lắng nghe HS giải trình, thái độ tôn trọng và hòa nhã. Ông Khoa khẳng định: “Đối tượng HS này mình cần phải tìm giải pháp tâm lý sẽ hiệu quả hơn là kỷ luật nghiêm khắc”.
Tiến sĩ Trương Công Thanh – Viện Nghiên cứu giáo dục, cho rằng: “Để giáo dục HS cá biệt khó hơn rất nhiều so với dạy HS khá giỏi. Người thầy phải có cái tâm mới có thể chuyển hóa được HS cá biệt, yếu kém thành ngoan hiền. Hiện nhiều trường chỉ có phần thưởng cho những thầy cô giáo bồi dưỡng HS giỏi mà không chú ý đến giáo viên dạy HS cá biệt. Điều này khiến giáo viên không có động lực trong việc cảm hóa, dạy bảo tâm huyết HS cá biệt”.
Theo Minh Luân
Thanh Niên
Nghịch lý tại trường tiểu học Bình Minh
Không chỉ lạm thu tiền xây dựng, tiểu học Bình Minh còn giấu số lượng học sinh thực tế, trả lương cho cán bộ đã nghỉ việc hơn 2 năm...
Gần đây, nhiều giáo viên Tiểu học Bình Minh, (thành lập năm 1993 dưới sự quản lý của Sở GD&ĐT) gửi đơn tới VnExpress.net tố cáo những sai phạm liên quan tới thu chi tài chính, phí xây dựng, khoản thu của học sinh...
Theo đó, từ nhiều năm nay, số học sinh các lớp của Tiểu học Bình Minh đều lên tới gần 60 em nhưng trường chỉ báo cáo với Sở sĩ số mỗi lớp là 45 em, và số học sinh thừa ra này được gọi là học sinh "dự thính".
"Mỗi khi Sở về kiểm tra, số học sinh này thường được đưa ra... công viên ngồi chơi. Hằng tháng, một học sinh phải đóng học phí và tiền ăn là gần 900.000 đồng, vậy khoản tiền thu của các học sinh ngoài sổ sách này có được kê khai đầy đủ?", một giáo viên đặt câu hỏi.
Trước mỗi năm học, Sở GD&ĐT Hà Nội đều yêu cầu các trường công lập không được phép thu tiền xây dựng trường của học sinh nhưng theo phản ánh của giáo viên, nhiều năm nay Tiểu học Bình Minh vẫn đều đặn thu tiền xây dựng theo mức: lớp 1 thu 500.000 đồng, lớp 2 đến lớp 5 thu 200.000 đồng. Thậm chí, ngay cả học sinh khuyết tật mới vào trường cũng phải nộp 200.000 đồng tiền xây dựng.
Là trường công lập trực thuộc Sở GD&ĐT nhưng lâu nay Tiểu học Bình Minh vẫn đưa ra những khoản thu vô lý, thậm chí, đối với cả học sinh khuyết tật. Ảnh: Tiến Dũng.
Trong buổi làm việc với VnExpress.net, Hiệu phó Đinh Văn Đoàn cho biết, Tiểu học Bình Minh là một trong 3 cơ sở dạy trẻ khuyết tật của thành phố. Hiện trường có 830 học sinh và chừng 70 cán bộ, giáo viên, trong đó 195 em khuyết tật và 30 biên chế cho khối này. "Là trường công lập tự chủ một phần về tài chính nên tất cả những gì liên quan đến trẻ khuyết tật đều được Nhà nước cấp. Còn những chi phí liên quan đến học sinh tiểu học bình thường một phần nguồn thu từ cha mẹ học sinh", ông Đoàn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trước những chứng từ chứng minh nhà trường đã thu tiền của học sinh khuyết tật, ông Đoàn bộc bạch: " Quy định thì chung, nhưng khi vận dụng thì phải hết sức đặc thù. Tất cả việc này đều có ý kiến của Sở".
Theo ông, cơ sở được nhà nước cấp từ năm 1993 nay đã cũ nát nên nếu không có nguồn thu, nguồn hỗ trợ nào thì trường không thể duy trì hoạt động. Hơn nữa, "đây chỉ là chia sẻ một phần chứ không phải là tiền xây dựng".
Lý giải việc trường báo cáo sai sĩ số học sinh, ông Đoàn nói: " Quy định là mỗi lớp 45 cháu nhưng trường ở nội thành, có uy tín nhất định nên nhu cầu xin vào đông. Cũng theo ông, do giấu số lượng học sinh nên khi đoàn kiểm tra đến, trường phải chuyển các cháu "dự thính" ra ngoài bởi: "Rõ ràng là khi đã giấu thì phải làm từ đầu đến cuối. Người ta sẽ đếm đầu học sinh, nếu thừa thì phải nhắc các cháu ra".
Trường Tiểu học Bình Minh nằm cách văn phòng Sở GD&ĐT chừng 100 mét. Ảnh: Tiến Dũng.
Đáng lưu ý, bà Đặng Thị Thúy (49 tuổi) - nhân viên nhà bếp - đã không làm việc ở trường được hơn 2 năm nhưng đến quý III năm 2010, bà Thúy vẫn có tên trong bảng lương của trường. Theo đó, mỗi tháng bà Thúy được nhận là 1,9 triệu đồng.
Trả lời về vấn đề này, ông Đoàn khẳng định không hề biết việc bà Thúy nghỉ việc mà vẫn có lương.
Trao đổi qua điện thoại với VnExpress.net, bà Đặng Thị Thúy cho biết, đã xin nghỉ việc không lương hơn 2 năm qua để chữa bệnh và làm việc nhà, cách Hà Nội 50 km. "Từ hồi nghỉ, tôi chưa về trường và cũng chưa nhận tháng lương nào. Tôi cũng không hiểu sao không còn làm việc ở trường mà vẫn có lương", bà Thúy nói.
Chiều 22/11, trả lời VnExpress.net, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Ngọc Bích cho biết, ở Tiểu học Bình Minh, học sinh khuyết tật thuộc hệ công lập còn học sinh bình thường là bán công, phải thu tiền để bù đắp chi phí. Do là hệ công lập nên học sinh khuyết tật không phải đóng gì, kể cả phí xây dựng trường. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc trường vẫn thu tiền xây dựng của học sinh khuyết tật, bà Bích nhắc lại: "Các trường công lập không thu khoản xây dựng. Trường Bình Minh xin phép ở đâu thì tôi không biết".
Tiến Dũng
Theo VnExpess
Hai nữ sinh Hà Nội đánh nhau đang dần tiến bộ Hai nữ sinh Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) từng gây náo động học đường đầu năm 2010 vì đánh bạn và clip ghi lại vụ việc được phát tán trên mạng, nay đã có nhiều tiến bộ. Không đẩy các em ra ngoài xã hội Năm học 2009 - 2010, Chu Minh Huyền và Vũ Ngọc Diệp đều có học lực...