Dạy học qua truyền hình: Học sinh hứng thú, phụ huynh lo lắng con học không hiệu quả
Nhiều địa phương đang tổ chức dạy học qua truyền hình cho học sinh và vấn đề nhiều phụ huynh quan tâm là liệu phương pháp giảng dạy này có thực sự hiệu quả?
Bài giảng gắn gọn, dễ hiểu
Học trực tuyến, học qua truyền hình là giải pháp được nhiều địa phương trong cả nước áp dụng khi học sinh nghỉ học dài ngày vì dịch Covid-19.
Theo ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, từ ngày 9/3 Sở phối hợp với Đài phát thanh- truyền hình thành phố tổ chức xây dựng và ghi hình chương trình dạy học các môn của năm học 2019- 2020 cho học sinh lớp 9 và lớp 12 qua truyền hình.
Sở huy động gần 50 cán bộ, giáo viên THCS, THPT biên tập nội dung, thiết kế bài giảng đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng, theo chương trình giáo dục hiện hành. Chương trình được phát sóng từ thứ 2 đến thứ 7 mỗi tuần với thời lượng 45 phút/môn học.
Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội. (Ảnh: QĐND)
“Đây là các bài giảng mới, tiếp nối các bài học mà các em học trước kỳ tạm nghỉ chống dịch Covid-19 chứ không phải ôn lại các bài đã học“, ông Quang nói.
Theo ghi nhận của VTC News, sau ba ngày tổ chức học tập qua truyền hình nhiều học sinh tỏ ra thích thú với các bài giảng.
Em Lê Thảo My, học sinh trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) cho biết, bản thân khá hào hứng với nội dung bài giảng, kiến thức nhẹ nhàng, không bị dàn trải, các thầy cô giảng ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu.
Thảo My cho rằng, đầu mùa dịch Covid-19 bản thân thấy khá hoang mang khi kỳ nghỉ kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến kết quả học và ôn tập. “Tuy nhiên đến nay việc học các môn chính phục vụ cho kỳ thi THPT quốc gia đã được giảng dạy, nên phần nào yên tâm hơn để tập trung ôn luyện nghiêm túc”, Thảo My nói.
Tương tự, em Trần Hoàng Nhật, học sinh trường THPT Thanh Trì (Hà Nội) chia sẻ, việc học trực tiếp trên truyền hình có thể dễ dàng xem lại nhiều lần, trên tinh thần xem nhiều, nghe nhiều để dễ nhớ, dễ thuộc bài.
Hoàng Nhật cũng cho biết, đây là thời gian nước rút, nên tự đặt ra kế hoạch học bài và ôn tập theo nhóm nhỏ 3-5 bạn, vừa nghe giảng, vừa cùng nhau thảo luận để hiểu bài hơn. Riêng với các phần bài tập khó, các bạn sẽ nhờ giáo viên bộ môn ở trường giải đáp thêm.
Giờ học trên truyền hình của học sinh Hà Nội.
Phụ huynh lo lắng
Tuy nhiên, không ít phụ huynh lo lắng về chất lượng giờ học và hiệu quả tiếp thu kiến thức của con mình.
Chị Nguyễn Thuý Quỳnh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, việc học qua truyền hình chỉ là giải pháp tạm thời lúc này, không thể thay thế học trực tiếp trên lớp. Dù gia đình luôn theo sát lịch phát sóng chương trình học, thậm chí cắt cử người đốc thúc, theo sát quá trình học bài của con nhưng vẫn không hoàn toàn yên tâm về hiệu quả giờ giảng.
Chị Quỳnh thẳng thắn nói: “Sau khi kết thúc bài giảng “Vợ nhặt” môn Ngữ văn lớp 12, tôi yêu cầu con làm bài kiểm tra trình bày cảm nhận về ý nghĩa của tác phẩm và đánh giá chi tiết đắt nhất trong bài. Con mơ hồ, viết bài không quá nổi một mặt giấy với lý do “cô giáo chỉ dạy có thế, con chưa kịp cảm nhận”. Tôi thực sự lo lắng về chất lượng bài học khi đây là một trong những kiến thức trọng tâm trong kỳ thi THPT quốc gia tới đây”.
Cùng tâm lý trên, chị Hoàng Hà Mai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, học qua truyền hình, các cô giáo ở trường giao cho các con rất nhiều bài tập bổ trợ để ôn luyện. Tuy nhiên, việc các con học bài không có sự hướng dẫn trực tiếp rất khó để có hiệu quả. Mỗi em có một mức độ hiểu bài khác nhau, nên chất lượng đánh giá cũng khó có được sự đồng đều dù chỉ là những bài học cơ bản nhất.
“Tôi nghĩ cần có một giải pháp tốt hơn dành cho học sinh lớp 9 và lớp 12, củng cố kiến thức trong khi thời gian thi vượt cấp không còn nhiều”, chị Hà Mai nêu quan điểm.
Theo thầy giáo Phạm Quốc Toản, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội), việc học ở nhà có hiệu quả hay không phụ thuộc vào ý thức của học sinh. Bởi giáo viên không trực tiếp dạy, phương pháp dạy học hạn chế nên việc giao đi giao lại bài tập sẽ khiến học sinh không hứng thú.
Do đó, để đem lại hiệu quả, học sinh cần chủ động đọc sách, hệ thống lại kiến thức theo từng phần và luyện nhiều đề thi thử THPT quốc gia học kỳ I của các trường THPT, thầy giáo cho hay.
Cần thống nhất dạy học và đánh giá
Tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Bộ GD&ĐT vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường hướng dẫn địa phương và các trường xây dựng kế hoạch dạy học từ xa đảm bảo nề nếp, chất lượng.
Trong đó, cần làm rõ những nội dung có thể dạy và học từ xa, phương thức triển khai cho từng nhóm đối tượng, đặc biệt phải tính đến phương án cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để các em không bị thiệt thòi.
Các trường sư phạm được giao nhiệm vụ hỗ trợ nguồn học liệu cho các địa phương, cơ sở giáo dục phổ thông để triển khai việc dạy và học từ xa một cách bài bản. Nếu học sinh tiếp tục nghỉ lâu hơn do dịch, Bộ GD&ĐT sẽ chuẩn bị các phương án phù hợp.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, thầy giáo Phan Hữu Mạnh (Hà Nội) đề xuất, Bộ GD&ĐT nên sớm có phương án chỉ đạo tập trung các địa phương dạy trực tuyến qua truyền hình. Không nên để mỗi nơi dạy một hướng như hiện nay sẽ kém hiệu quả, không thống nhất về mặt kiến thức, thời lượng bài giảng không đảm bảo.
“Cùng với đó, muốn học sinh cả nước tích cực tham gia học trực tuyến thông qua máy tính, truyền hình… thì Bộ GD&ĐT nên sớm tính đến phương án công nhận kết quả học trực tuyến, lấy đó làm động lực để các em chuyên tâm chuyện học hành thay vì lơ là “cưỡi ngựa xem hoa” như hiện nay”, thầy Mạnh nói.
Video: Học sinh tự học bài qua truyền hình
Theo VTC
Bài dạy trên truyền hình cho học sinh Hà Nội: Dễ hiểu, đúng trọng tâm
Trong ngày đầu tiên phát sóng, chương trình dạy trên truyền hình cho học sinh lớp 9 và lớp 12 ở Hà Nội nhận được phản hồi khá tích cực về nội dung cũng như phương pháp truyền đạt của giáo viên.
Các bài giảng trên truyền hình là các bài tiếp nối trong chương trình lớp 9 và lớp 12 năm học 2019 - 2020 do các giáo viên giàu kinh nghiệm và có chuyên môn cao giảng dạy, góp phần củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh trước các kỳ thi tuyển sinh và tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia năm học 2019-2020. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Ngày 10/3, thông tin của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, từ ngày 9/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội phối hợp sản xuất, phát sóng Chương trình học trên truyền hình các môn học năm học 2019-2020 dành cho học sinh lớp 9 và 12 nhằm giúp các em chủ động ôn luyện, học tập trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19.
Trong ngày đầu tiên phát sóng, chương trình nhận được phản hồi khá tích cực về nội dung cũng như phương pháp truyền đạt của giáo viên.
Cùng theo dõi tiết họcTiếng Anh với con gái đang học lớp 9, chị Nguyễn Thu Hằng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng giáo viên giảng tốc độ vừa phải, nội dung dễ hiểu. Tuy nhiên, chị Hằng cho rằng thời lượng 30 phút/tiết học là hơi ngắn.
"Mỗi môn nên kéo dài 45 phút, nhất là với hai môn Ngữ văn và Toán. Bình thường, thời khóa biểu sẽ xếp 2 tiết Ngữ văn hoặc Toán liền nhau để bài giảng được liền mạch, học sinh không bị ngắt quãng sự chú ý. Hơn nữa, học trên lớp có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, còn việc dạy học trên truyền hình thiếu sự tương tác nên cần có sự đảm bảo rằng học sinh hiểu bài," chị Thu Hằng bày tỏ.
Em Trần Đỗ Phương Ngọc (học sinh lớp 9, Trường Trung học cơ sở Ngô Sỹ Liên, quận Hoàn Kiếm) cũng cho rằng bài giảng dễ hiểu, có ví dụ, dẫn chứng sinh động, cụ thể. Giáo viên giảng đúng trọng tâm, bám sát chương trình học. Tiết học đã hệ thống lại kiến thức của học kỳ 1 để buổi sau bắt đầu học bài mới.
Sau buổi học đầu tiên với hai môn Ngữ văn và Tiếng Anh, em Lại Khánh Ngọc (học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông Yên Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết, em thấy dễ hiểu, nhất là môn Ngữ văn. Giáo viên dạy chậm nên có thể nhớ bài luôn. Bài giảng được tiếp nối với các bài đang học trên lớp nên không bị gián đoạn do nghỉ học quá lâu.
"Em rất thích cách cô giáo hệ thống kiến thức, một số ý dạy theo sơ đồ tư duy, dễ hiểu, dễ nhớ. Một số hình thức sơ đồ tư duy theo kiểu cán cân một bên nặng bên nhẹ giúp học sinh hiểu cái nào cần đẩy mạnh, cái này phản ánh được cái kia. Cô dạy khá truyền cảm nên em hứng thú học hơn. Môn Tiếng Anh thì dạy tương đối giống trên lớp. Phần cuối có lồng ghép về dịch COVID-19 mang tính thời sự, cho người xem thấy được tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo liên quan đến bài học, giúp học sinh hứng thú hơn, tìm hiểu sâu hơn bài học" - em Khánh Ngọc nhận xét.
Bố mẹ của em Khánh Ngọc cũng đánh giá rằng điểm cộng của việc học trên truyền hình là giờ phát sóng hợp lý, học sinh tiếp thu tốt. Trong thời gian chuyển tiếp giữa hai tiết học có bản tin về dịch COVID-19, học sinh có thể xem và cập nhật những thông tin nóng.
Tuy nhiên, hạn chế chung của học trên truyền hình là thời gian ngắn, học sinh đang hứng thú học thì hết thời lượng chương trình.
Theo lịch học, học sinh lớp 9 sẽ học các môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh vào lúc 9 giờ 15 phút, mỗi ngày học một môn.
Học sinh lớp 12 sẽ học các môn Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Tiếng Anh, theo các khung giờ học 14 giờ 30 phút, 15 giờ 15 phút và 16 giờ. Mỗi tiết học trên truyền hình có thời lượng 30 phút.
Bài giảng trên truyền hình là các bài tiếp nối trong chương trình lớp 9 và lớp 12 năm học 2019-2020 do giáo viên giàu kinh nghiệm, có chuyên môn cao giảng dạy. Điều này góp phần củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh trước các kỳ thi quan trọng.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó trưởng ban Ban biên tập Chương trình truyền hình (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội), cho biết để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trong điều kiện nghỉ học do dịch COVID-19 quá dài và giải tỏa lo lắng của nhiều phụ huynh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội triển khai chương trình dạy học trên truyền hình cho các em lớp 9 và 12.
Qua ngày đầu tiên phát sóng, nhiều phụ huynh bày tỏ muốn có chương trình dạy học cho các lớp khác, tuy nhiên trước mắt những người làm chương trình chỉ đáp ứng được hai lớp 9 và 12. Để triển khai chương trình này với nhiều môn học, tiết học, số lượng phát sóng là 4 buổi/ngày, chúng tôi đã nỗ lực trong điều kiện triển khai rất gấp.
Các êkíp sản xuất đã làm việc cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật, mỗi ngày quay từ 8 đến 12 tiết học, quay đến đâu làm hậu kỳ đến đó. Các thầy, cô cũng sẵn sàng túc trực cùng với êkíp để có được những tiết học chất lượng phục vụ học sinh toàn thành phố.
Tham gia ghi hình môn Sinh học ngày 10/3, thầy giáo Vũ Đình Lâm (Trường Trung học phổ thông Kim Liên, quận Đống Đa) cho biết, để thực hiện chương trình, các giáo viên cùng tổ bộ môn đã họp với cán bộ, chuyên viên của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để phân công lịch ghi hình, thống nhất nội dung giảng dạy của từng giáo viên.
Việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai học trên truyền hình cho gần 200.000 học sinh lớp 9 và 12 từ ngày 9/3 khiến phụ huynh, học sinh hào hứng. Bởi lẽ các em có thể cập nhật kiến thức mới thay vì chỉ ôn lại kiến thức cũ qua hình thức trực tuyến hoặc từ sự hướng dẫn gián tiếp của giáo viên qua email, điện thoại hay mạng xã hội thời gian qua.
Theo đánh giá của nhiều hiệu trưởng, hình thức học tập này khá thuận tiện bởi các gia đình đều có điều kiện tiếp cận. Đội ngũ giáo viên giảng dạy trên truyền hình cũng được ngành giáo dục chuẩn bị kỹ, các bài giảng do giáo viên giỏi của thành phố đảm nhiệm nên thu hút được học sinh. Đây cũng là dịp để giáo viên toàn thành phố cùng xem và học tập, rút kinh nghiệm cho công tác giảng dạy.
Trước đó, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã quyết định để học sinh các cấp học trên địa bàn nghỉ học đến ngày 15/3, sau đó tùy tình hình thực tế mà thành phố sẽ quyết định thời gian đi học trở lại.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, sở đã có cuộc họp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội về việc ghi hình, biên tập để triển khai dạy học qua truyền hình cho học sinh lớp 9 và 12.
Bên cạnh đó, Sở bố trí giáo viên xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp, phối hợp ghi hình ngay từ trưa 7/3 để đảm bảo tiến độ./.
Việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai học trên truyền hình cho gần 200.000 học sinh Hà Nội lớp 9 và 12 từ ngày 9/3 đã khiến phụ huynh, học sinh hào hứng khi có thể cập nhật kiến thức mới thay vì chỉ ôn lại kiến thức cũ qua hình thức trực tuyến hoặc qua sự hướng dẫn gián tiếp của các giáo viên qua email, điện thoại hay mạng xã hội trong thời gian qua. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Hình thức học tập này khá thuận tiện bởi các gia đình học sinh đều có điều kiện để tiếp cận, cũng là dịp để giáo viên toàn thành phố cùng xem và học tập, rút kinh nghiệm cho công tác giảng dạy. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Các bài giảng trên truyền hình là các bài tiếp nối trong chương trình lớp 9 và lớp 12 năm học 2019 - 2020 do các giáo viên giàu kinh nghiệm và có chuyên môn cao giảng dạy, góp phần củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh trước các kỳ thi tuyển sinh và tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia năm học 2019-2020. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Các bài giảng trên truyền hình là các bài tiếp nối trong chương trình lớp 9 và lớp 12 năm học 2019 - 2020 do các giáo viên giàu kinh nghiệm và có chuyên môn cao giảng dạy, góp phần củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh trước các kỳ thi tuyển sinh và tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia năm học 2019-2020. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Để thực hiện chương trình, các giáo viên cùng tổ bộ môn đã họp với cán bộ, chuyên viên của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để phân công lịch ghi hình, thống nhất nội dung giảng dạy của từng giáo viên. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội sản xuất và phát sóng Chương trình học trên truyền hình. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội sản xuất và phát sóng Chương trình học trên truyền hình. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Để thực hiện chương trình, các giáo viên cùng tổ bộ môn đã họp với cán bộ, chuyên viên của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để phân công lịch ghi hình, thống nhất nội dung giảng dạy của từng giáo viên. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Nguyễn Cúc
Theo TTXVN/Vietnamplus
Thanh Hóa: Đề xuất tạm dừng kỳ thi học sinh giỏi để phòng chống dịch SARS-CoV-2 Do tình hình dịch bệnh SARS-CoV-2 đang có nhiều diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hóa mới đây vừa có tờ trình UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét tạm dừng kỳ thi học sinh giỏi THPT, bổ túc THPT và THCS cấp tỉnh năm học 2019-2020. Ngày 4/3, thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa...