Dạy học online: Bậc ĐH vẫn chưa thích nghi
Dạy và học online tưởng chừng như dễ dàng trong thời đại số nhưng thực tế cho thấy hiệu quả không cao khi cả thầy lẫn trò đều bỡ ngỡ
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khiến trường học phải ngưng đón học sinh, sinh viên trở lại trường trong thời gian dài và hiện nhiều trường ĐH đã cho sinh viên nghỉ hết tháng 3. Trước tình huống này, nhiều trường tổ chức dạy online nhưng nhìn chung vẫn còn rất nhiều hạn chế từ phía thầy lẫn trò.
Không dám dạy bài mới
Để phòng chống dịch Covid-19, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM là trường mạnh dạn ra thông báo sớm cho sinh viên nghỉ dài hạn và chưa tính đến phương án dạy online ngay cả đến thời điểm này. Theo lãnh đạo nhà trường, không riêng gì sinh viên của trường mà phần lớn sinh viên khác cũng chưa quen với hình thức đào tạo này. Mặt khác, điều kiện của sinh viên khác nhau nên nếu áp dụng dạy online thì nhiều sinh viên sẽ thiệt thòi.
Cụ thể, PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho rằng chưa cần đề cập tính tự giác của sinh viên, nếu trường tổ chức dạy online thì hình thức đào tạo này cũng chỉ đáp ứng cho một bộ phận sinh viên ở những nơi có điều kiện. Sinh viên của trường không chỉ có ở các TP, đô thị lớn mà có cả những vùng nông thôn khó khăn. Nhiều gia đình không lắp đặt internet hoặc nếu có thì tốc độ đường truyền thấp không đủ đáp ứng để học online nên nếu tổ chức thì bộ phận này sẽ thiệt thòi.
Tại Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐHQG TP HCM), từ cuối tháng 2, trường đã triển khai dạy online. Một đại diện của trường cho biết các bài giảng của giảng viên vừa có dạng phát trực tiếp vừa có dạng ghi hình, biên tập hoàn chỉnh rồi cho phát, tùy theo tính chất môn học sẽ có cách thức phù hợp. Theo kết quả khảo sát của trường, có khoảng 10%-15% sinh viên không thể theo dõi hết bài giảng do tốc độ đường truyền thấp. Do vậy, sinh viên cần biết rõ trường sẽ dạy online đến khi nào để sắp xếp chỗ học…
TS Đặng Thị Ngọc Lan, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing, cho biết trước tình hình kéo dài thời gian nghỉ của sinh viên, trường cũng tổ chức dạy online nhưng mục đích chính là củng cố kiến thức, giúp các em ôn tập để tránh tụ tập chứ không đặt vấn đề tổ chức dạy học nội dung mới vì nếu dạy nội dung mới, sinh viên ở khu vực xa xôi không lắp đặt internet sẽ không thể tiếp cận được.
Giảng viên đang giảng bài tại Phòng Dạy và học số của Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐHQG TP HCM). Ảnh: HUY LÂN
Cần kết hợp nhiều phương thức
PGS-TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, thông tin: Trường đã đầu tư nhiều tỉ đồng, đồng thời phải mất 6 năm mới xây dựng được cơ bản thói quen học online cho sinh viên. Thế nên, với những trường chỉ mới áp dụng sẽ khó có thể đạt kết quả và chất lượng như mong đợi trong một sớm một chiều.
Theo ông Dũng, vấn đề nhiều trường dễ mắc phải nhất là chưa hình dung hết những khó khăn khi dạy online. Một số đơn vị cứ hiểu rằng học online nghĩa là học từ xa nhưng không phải. Dạy online đúng nghĩa không phải kiểu dạy như trên truyền hình và một số trường hiện nay đang làm là giáo viên cứ quay video dài hàng giờ rồi đưa lên internet cho sinh viên nghe giảng. “Một bài giảng cứ quay video một lèo 1-2 giờ thì sao sinh viên xem và học cho được. Việc thiết kế bài giảng online phải chia nhỏ học phần thành các chủ đề kéo dài khoảng 10-15 phút, ngay sau 10 phút học, phải có đánh giá xem học sinh có hiểu bài không. Sau đó mới phát tiếp nội dung học tập khác” – ông Dũng nói.
Video đang HOT
Chính vì thế, PGS-TS Đỗ Văn Dũng chỉ rõ khó khăn về tư duy của người lãnh đạo chưa hiểu đúng bản chất của dạy online, giảng viên chưa có kinh nghiệm giảng dạy, sinh viên chưa có thói quen học; hệ thống dạy học chưa chuyên nghiệp nên gây nhàm chán, không tạo ra hứng thú tương tác giữa giảng viên và người học… Đặc biệt, giảng viên phải tâm huyết và dành nhiều thời gian cho việc xây dựng bài giảng, kiểm tra bài tập và trao đổi với sinh viên. Đây là vấn đề cần thời gian để thầy và trò cùng thích nghi.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 10-3, TS Lê Viết Khuyến, Trưởng Ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam), cho rằng với tình hình dịch bệnh hiện nay, không thể biết trước được học sinh, sinh viên sẽ nghỉ học đến bao giờ, vì thế cần chủ động đối phó bằng cách dạy học từ xa. Ông Khuyến cho rằng nếu chỉ dựa vào dạy trên truyền hình thì không ổn mà kinh nghiệm thế giới cho thấy trong điều kiện dịch Covid-19 như hiện nay, việc kết hợp cả 2 phương thức dạy học trực tiếp và từ xa sẽ mang lại hiệu quả cao hơn là chỉ áp dụng một phương thức. Đánh giá học sinh cũng là việc của nhà trường chứ không thể đánh giá từ xa vì học sinh, sinh viên chưa đủ tự giác. “Người học có thể đến trường làm bài kiểm tra tập trung để có kết quả chính xác nhất” – ông Khuyến nói.
Theo chuyên gia này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nên khuyến khích và công nhận kết quả học trực tuyến của các trường đã chủ động triển khai nghiêm túc cũng như việc dạy học từ xa sau này. Có như thế, các trường mới quyết tâm vào việc dạy học, thay vì chỉ là ôn lại kiến thức cũ.
Chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Tại phiên họp mới nhất Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Bộ GD-ĐT ngày 10-3, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định bộ sẽ tăng cường hướng dẫn việc dạy và học từ xa bảo đảm nền nếp và chất lượng.
Để việc triển khai dạy và học từ xa đồng bộ và hiệu quả, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các đơn vị thuộc bộ tiếp tục tăng cường hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục gắn với hoạt động dạy học theo hình thức từ xa bảo đảm nền nếp và chất lượng. Trong đó, cần làm rõ những nội dung có thể dạy và học từ xa, phương thức triển khai cho từng nhóm đối tượng, đặc biệt phải tính đến học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để các em không bị thiệt thòi.
Bộ GD-ĐT đề nghị các trường sư phạm hỗ trợ nguồn học liệu cho các địa phương, cơ sở giáo dục phổ thông để triển khai việc dạy và học từ xa.
Đề nghị triển khai phương thức giáo dục từ xa
Hiệp hội Các trường ĐH – CĐ Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam vừa có kiến nghị khẩn gửi tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cho các trường triển khai phương thức giáo dục từ xa trong mùa dịch Covid-19.
Hiệp hội cho rằng đối với khu vực giáo dục, mặc dù Chính phủ đã giao trách nhiệm cho ngành giáo dục chủ động quyết định thời gian trở lại nhà trường cho học sinh, sinh viên nhưng dường như nhiệm vụ đó cho tới nay vẫn là vấn đề rất khó khăn đối với ngành. Hiện trong xã hội vẫn đang tồn tại 2 quan điểm trái ngược nhau, một là cần cho học sinh, sinh viên tiếp tục nghỉ học vì tình hình dịch bệnh rất nghiêm trọng, trong khi trường học là nơi tập trung học sinh nên nguy cơ lây lan sẽ rất lớn. Hai là phải cho học sinh, sinh viên đi học trở lại ngay vì khung thời gian đã kịch trần, kéo dài thời gian nghỉ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn thể hệ thống giáo dục và còn kéo theo nhiều hậu quả tiêu cực khác.
“Như vậy, bài toán đặt ra đối với giáo dục Việt Nam hiện nay là cần sớm có được một giải pháp vĩ mô để chủ động đối phó với mọi diễn biến xấu có thể của đại dịch. Giải pháp đó một mặt không đòi hỏi nhà trưởng phải ngừng hoạt động nhưng mặt khác không đòi hỏi phải tập trung đông học sinh, sinh viên tại trường để tránh nguy cơ lây lan” – bản kiến nghị nêu rõ.
Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam cũng cho hay qua theo dõi trên các kênh thông tin truyền thông, việc thay thế phương pháp dạy truyền thống trên lớp bằng các phương thức dạy học từ xa (bao gồm dạy qua truyền hình, dạy trực tuyến online…) đã được Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác triển khai, song song với lệnh đóng cửa trường học đại trà.
“Trên tinh thần như Thủ tướng đã chỉ đạo “chống dịch Covid-19 như chống giặc”, trong tình hình nước sôi lửa bỏng về dịch Covid-19, trong bản kiến nghị lần 3, hiệp hội xin kiến nghị Thủ tướng sớm có quyết định chỉ thị cho Bộ GD-ĐT phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, Truyền hình Việt Nam và UBND các tỉnh, TP khẩn trương bàn bạc để lên kế hoạch triển khai việc dạy học từ xa, trước hết là dạy học qua truyền hình, cho khối giáo dục phổ thông trước ngày học sinh đến trường đại trà như quyết định của bộ trưởng Bộ GD-ĐT” – bản kiến nghị nêu rõ.
Xung quanh kiến nghị này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Bộ GD-ĐT xem xét và sớm có ý kiến về kiến nghị cho các trường triển khai phương thức giáo dục từ xa trong thời gian có dịch Covid-19.
Huy Lân – Yến Anh
Theo Người lao động
Vượt qua "1001" tình huống bi hài, thầy giáo tìm ra cách dạy học online hiệu quả
Có những học sinh trong lớp học online của thầy Hiếu tranh thủ "tang hình" để làm việc riêng, có những học sinh xin phép thầy đi vệ sinh nhưng rồi mất hút, cũng có cả những học sinh vừa học vừa tranh thủ ngủ...
Chia sẻ về kinh nghiệm dạy học online hiệu quả, thầy Hoàng Minh Hiếu - giáo viên dạy tiếng anh tại một trường THPT tại Hà Nội cho hay: "Bài giảng online phải được thiết kế khoa học, đảm bảo đẹp mắt là yếu tố đầu tiên thu hút được sinh viên".
Thầy Hiếu kể, có những buổi học được thông báo là bắt đầu lúc 9h sáng nhưng tại thời điểm 9h chỉ có khoảng 40% học sinh online.
"Ngay lập tức tôi lướt qua xem còn thiếu học sinh nào, tôi phải gọi điện cho các em để biết vì sao chưa sẵn sàng tham gia buổi học. Như vậy trước buổi học đã mất khoảng 15 phút để "tìm học sinh vào học".
Có những bạn khi tôi gọi đến vẫn còn đang ngái ngủ. Đó là chưa kể quá trình học online lớp học khoảng 40 học sinh thì giáo viên khó bao quát, kiểm soát và tương tác với học sinh".
Học sinh điểm danh khi học online
Vậy là có những học sinh của thầy Hiếu tranh thủ "tang hình" để làm việc riêng hay có những học sinh xin phép thầy đi vệ sinh nhưng rồi cũng ...mất hút. Cũng có cả những học sinh vừa học, vừa tranh thủ ngủ.
"Có những buổi dạy tôi cảm thấy thực sự bất lực vì vô vàn thứ âm thanh xen vào bài giảng. Đang say sưa giảng thì có những bạn bị mẹ quát "tranh thủ xuống ăn sáng nhanh" hay "M.N ơi, dắt giúp mẹ cái xe ra ngoài", rồi âm thanh mèo kêu, chó sủa cũng không thiếu... nhưng thi thoảng mới xảy ra trường hợp đó", thầy Hiếu tâm sự.
Học sinh vừa học online vừa ngủ
Tuy nhiên, có một điều làm tôi rất phấn khởi là qua giảng dạy vài tuần, rất nhiều em tỏ ra thích thú với bài giảng online, nhiều em tiến bộ vượt bậc, làm rất tốt những bài tập được giao.
"Thầy ơi, nếu không có những bài dạy online của thầy thì không biết thời gian nghỉ vừa rồi em sống nhạt nhẽo đến mức nào và có khi kiến thức cũng quên hết mất rồi", một tâm sự của học sinh làm thầy Hiếu rất phấn khởi.
Còn thầy Vũ Trọng Nghĩa - Giảng viên ĐH Kinh tế Quốc dân cho hay: "Học online bậc đại học hiệu quả hay không phụ thuộc lớn vào sự chủ động và tự giác của sinh viên chứ không nhất thiết phải gom cả lớp học vào một khung giờ cố định nào đó.
Sinh viên có thể ngồi nghe và học lại bất cứ lúc nào. Ngoài ra, học sinh có thể điều chỉnh dừng lại, nghiền ngẫm bài giảng, khi nào hiểu lại tiếp tục học. Còn bạn nào học tốt thì có thể tua nhanh bài giảng qua đoạn khác".
Theo thầy Vũ Trọng Nghĩa, việc dạy học online các thầy cô phải tăng cường sử dụng công cụ online tốt nhất, làm cho bài giảng hay nhất, sinh động nhất để sinh viên không cảm thấy chán khi tự học. Nếu nhàm chán, ngay lập tức sinh viên sẽ đóng máy tính lại và tâm lý ngại học.
Có khó khăn là một số sinh viên ở các tỉnh miền núi, nơi internet vẫn còn yếu thì thông tin đến các em sinh viên dễ bị chập chờn.
"Thời gian vừa qua đội ngũ giáo viên lớn tuổi của ĐH Kinh tế Quốc dân cũng nỗ lực vượt bậc vì hầu hết các thầy cô quen dạy phương pháp truyền thống nên phải dành nhiều thời gian đầu tư cho bài giảng online.
Có những thầy cô dành cả đêm để thiết kế bài giảng online cho sinh viên. Thậm chí, sẵn sàng học hỏi từ phía sinh viên cách làm bài giảng sinh động, phương pháp thiết kế bài giảng hiệu quả", thầy Nghĩa cho hay.
Theo infonet
Nhiều trường đại học thông báo khẩn cho sinh viên nghỉ học do dịch COVID-19 Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều trường đại học quyết định cho sinh viên nghỉ học, một số trường chuyển sang học trực tuyến. Theo thông báo của Ban Chỉ đạo chống dịch COVID-19 của Đại học Quốc gia Hà Nội: Do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trong đó có địa bàn Hà Nội,...