Dạy học ở 6 nước, giáo viên người Anh tiết lộ bí quyết thu hút học sinh
Có hơn 11 năm kinh nghiệm giảng dạy khối lớp 6 đến lớp 12 tại các trường học ở Jordan, Romania, Qatar, Ukraine và Anh, nay là giáo viên giảng dạy môn Kinh doanh tại TH School, thầy Gordon William Robertson chia sẻ những kinh nghiệm thú vị giúp mỗi giờ học luôn được học sinh mong đợi.
Thầy Gordon cùng đồng nghiệp trong lễ khai giảng tại TH School
- Môn Kinh doanh không được dạy trong các trường công lập nên với hầu hết học sinh Việt Nam đây là khái niệm mới, lạ lẫm. Thầy có gặp nhiều khó khăn khi dạy học môn này?
Vì Kinh doanh là môn học hoàn toàn mới ở Việt Nam, do đó khi bắt đầu học A Level, các em không có hiểu biết gì về môn học hay những khái niệm căn bản.
Thêm nữa, yêu cầu trình độ Tiếng Anh sử dụng trong môn học này rất cao, ngay cả người nói Tiếng Anh bản ngữ hay những người học Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2 đều gặp khó khăn này.
Ngoài ra, với môn Kinh doanh, học sinh luôn được kỳ vọng là phải hiểu, phân tích các văn bản. Các em đồng thời được yêu cầu phải xây dựng những câu hỏi theo kiểu tiểu luận phức tạp; như vậy cần phải sắp xếp lại kiến thức và có khả năng rút thông tin và dữ liệu từ các tài liệu nghiên cứu case study thực tế.
Chúng tôi phải làm rất nhiều bài luận, báo cáo, vốn từ tiếng Anh phải vận dụng vô cùng phức tạp.
Bạn biết đó, thuật ngữ chuyên ngành thường rất khác biệt. Thông thường, với học sinh chọn môn A level Toán, Lý, Hóa…, các em đã có những kiến thức căn bản và đã quen với vốn từ vựng đó.
Nhưng với môn Kinh doanh, khi bắt đầu học, các em không có kinh nghiệm gì, đây quả là thách thức. Vì thế, chúng tôi phải có cách tiếp cận, giải thích cho học sinh để các em thu thập được kiến thức nhanh nhất có thể.
Thầy Gordon và học trò trong giờ học môn Kinh doanh tại TH School
- Vậy thầy đã làm thế nào để giúp học sinh vượt qua thử thách với tiếng Anh cũng như hiểu các khái niệm khi dạy môn Kinh doanh?
Điều tôi yêu cầu học sinh của mình làm để nâng cao vốn từ vựng là đặt câu hỏi của riêng mình; học và hiểu các từ khóa; chăm chỉ thực hành nói; học những kiến thức cơ bản, ôn tập lại. Điều quan trọng là các em phải thật sự hiểu định nghĩa và giải thích được những từ khóa (key words/definition); cần phải hiểu, làm bài tập để giải thích những khái niệm đó.
Sau đó, tôi sẽ đưa những ví dụ về trường hợp kinh doanh thực tế và yêu cầu các em tạo ra những tình huống kinh doanh liên quan đến từ khóa đó. Điều đó giúp các em hiểu chính xác khái niệm đó như nào.
Thực sự là một thách thức khi các em phải học đến 1.000 từ khóa. Nhưng một khi hiểu những khái niệm đó thì các em có thể phát triển ra rất nhiều thứ.
Ví dụ như khái niệm về marketing. Marketing thực chất là cách tìm hiểu và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Video đang HOT
Trước tiên, các em cần hiểu marketing là gì; sau đó tất cả sẽ cùng thảo luận về việc đó và sẽ phát triển thêm hiểu biết của mình từ những khái niệm đó. Phải hiểu thì các em mới có thể phát triển được.
Bên cạnh việc hiểu định nghĩa thì các em cần áp dụng vào những ngữ cảnh thực tế, cần phân tích tình huống và đưa ra những đánh giá. Khi tôi đưa ra câu hỏi cho học sinh, tôi luôn muốn học sinh phải tiếp cận từ nhiều hướng và các em có những cách nhìn khác.
Khi đưa ra các tình huống, tôi nghĩ rằng các em sẽ hứng thú và học được nhiều hơn từ ngoài những kiến thức trong sách vở. Chúng tôi làm rất nhiều nghiên cứu, giải quyết vấn đề, tìm kiếm thông tin từ những ví dụ thực tế trong cuộc sống.
Tôi cũng luôn cố gắng giúp học sinh tự tin vào chính mình. Thời gian đầu, các em chưa từng học môn này nên có những suy nghĩ khá trừu tượng.
Khi tôi đưa ra câu hỏi, các em thường có những câu trả lời không chắc chắn, lúc thì phương án này, lúc phương án kia. Tôi thường đưa các em ngữ cảnh để chọn lựa và yêu cầu phân tích những điểm được, chưa được, từ đó đưa ra kết luận.
Đôi khi, với một tình huống, những lý lẽ và lựa chọn các em đưa ra là đúng, nhưng tôi vẫn muốn tạo thêm thử thách cho các em bằng cách nói là nó không đúng.
Một số em sẽ phủ nhận lại nhận định của tôi; tôi yêu cầu các em đưa ra các lý lẽ chứng minh. Kiên trì đi theo định hướng, lý luận của mình sẽ giúp các em tự tin vào chính mình. Dựa vào những kiến thức đã học, các em sẽ tự xây dựng được công thức để khiến mình hiểu rõ hơn.
Thầy Gordon và học sinh lớp 11 TH School
- Với lượng kiến thức như vậy, thầy làm thế nào để học sinh không cảm thấy mệt mỏi, chán nản?
Tôi phải nghĩ ra nhiều cách thức và cần linh động để khiến các học sinh luôn hứng thú với chủ đề được học.
Ví dụ, vào 7 giờ sáng thứ 2, các em tràn trề năng lượng để tiếp thu kiến thức mới thì tôi sẽ dạy các em về khái niệm mới. Nhưng vào buổi chiều thứ 6, sự hào hứng và năng lượng đó phần nào giảm đi, tôi phải cho các em hoạt động bằng cách đi lại trong lớp, thảo luận.
Phòng tôi thường hơi lộn xộn vì học sinh của tôi luôn bận rộn. Thông thường trong bài học, mỗi bàn tôi sẽ giao một nhiệm vụ khác nhau. Học sinh sẽ đi xung quanh, sau khi hoàn thành xong nhiệm vụ của nhóm mình, các em sẽ đi tới từng bàn và thảo luận cùng nhau.
Có thể nói, các bài giảng của tôi đều khá vui vẻ và có sự hài hước, thú vị trong đó. Tôi cũng luôn cố để kể những câu chuyện liên quan trực tiếp đến cuộc sống gần gũi của học sinh để các em có thể hiểu hết các khái niệm.
Tất cả các bài học đều có sự tham gia thảo luận nhóm, những câu hỏi tôi dành cho học sinh đều được định hướng cẩn thận và phù hợp với từng học sinh.
Tôi cũng luôn động viên các em luôn hỗ trợ nhau tối đa trong lớp và luôn cố để đem sự hứng thú của học sinh vào trong bài học bất cứ đâu có thể.
Cách tiếp cận trong giảng dạy của tôi rất linh hoạt. Dù đã chuẩn bị giáo án cho mỗi tiết học, tôi vẫn thường thay đổi để phù hợp với tâm trạng, mối quan tâm của học sinh theo mỗi chủ đề. Tất nhiên, nếu học sinh của tôi không hiểu rõ một khái niệm nào đó, tôi sẽ đi sâu vào phân tích để giúp các em thật sự hiểu vấn đề.
Thầy Gordon giao lưu cùng học sinh trong một sự kiên của trường
- Là giáo viên dạy môn Kinh doanh, nhưng đây có phải là mục tiêu duy nhất của thầy đặt ra trong mỗi giờ lên lớp của mình?
Đôi khi dạy lý thuyết, và đưa ra những kết luận là điều khá đơn giản. Tôi là người thích đặt câu hỏi và thường tôi không đưa câu trả lời. Học sinh sẽ là người làm điều này.
Là giáo viên dạy môn Kinh doanh, nhưng tôi không chỉ dạy các em những kiến thức trong kinh doanh mà cả tiếng Anh, kỹ năng trong cuộc sống, cách thuyết trình, làm việc nhóm, các kỹ năng giao tiếp và cả cách làm nghiên cứu (với trình độ tương đương như đại học).
Học sinh luôn sẵn sàng và hào hứng làm những việc tôi giao vì các em rất tin tưởng tôi; các em tin những gì tôi yêu cầu là đang giúp các em hoàn thiện mình.
Rất nhiều học sinh của tôi ở các nước trên thế giới, sau khi đỗ các trường ĐH ở Mỹ, ở Anh hay ở bất kỳ đâu đều nói rằng việc học ĐH rất dễ dàng.
Vì sao lại dễ? Vì các em biết nhiều kỹ năng, có thể làm báo cáo, nghiên cứu. Một phần là vì chương trình học A-level khá chuyên sâu, rất nhiều nội dung học trong A level là chương trình học tại đại học.
Nhiệm vụ quan trọng nhất trong việc dạy của tôi là tôi cố dạy học sinh mọi thứ. Khi có một vấn đề, tôi dạy học sinh cách làm nghiên cứu, nơi tìm nguồn thông tin, nguồn nào đáng tin, nguồn nào không, cách trình bày cách kết luận.
Tôi không chỉ là giáo viên dạy môn Kinh doanh. Tôi là giáo viên của học sinh, tôi dạy các em kỹ năng và cách tư duy để giải quyết mọi vấn đề.
- Xin cảm ơn thầy vì những chia sẻ hết sức thú vị!
Hiếu Nguyễn
Theo GDTĐ
Nghệ An sẽ xây dựng đề án nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh tầm nhìn 10 năm
Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh, củng cố nền tảng ngoại ngữ trong các cấp học phổ thông bằng một đề án được nghiên cứu cẩn thận, gắn lộ trình rõ ràng, thực hiện kiên trì, bền bỉ với sự đầu tư của tỉnh là giải pháp cần thiết để tạo chuyển biến về trình độ, năng lực Tiếng Anh tại Nghệ An.
Trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, Nghệ An đạt tỷ lệ tốt nghiệp thứ 36/63 tỉnh, thành, tăng 6 bậc so với năm 2018. Ảnh tư liệu
Chất lượng giáo dục tốt, nhưng tiếng Anh kém
Báo cáo về kết quả năm học 2018 - 2019 tại phiên họp thường kỳ tháng 7 của UBND tỉnh mới diễn ra hôm 23/7, đồng chí Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, Nghệ An tiếp tục duy trì được vị trí tốp đầu về chất lượng giáo dục.
Năm học vừa qua, có 90/102 học sinh Nghệ An dự thi đạt giải HSG quốc gia, xếp thứ 2 toàn quốc; có 4 học sinh tham gia và đạt giải các kỳ thi HSG quốc tế và khu vực. Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, tỷ lệ tốt nghiệp toàn tỉnh đạt 95,24% đứng thứ 36 cả nước, tăng 6 bậc so với năm 2018; toàn tỉnh có 650 thí sinh đạt điểm 9,5 trở lên.
Tuy nhiên, lãnh đạo ngành giáo dục bày tỏ trăn trở bởi khi phân tích phổ điểm, vẫn thấy thấp nhất là điểm tiếng Anh (chỉ 3,75), khẳng định Sở sẽ có giải pháp để đề xuất UBND tỉnh triển khai, đẩy mạnh nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong nhà trường.
Quan tâm thảo luận về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh, Đại biểu Quốc hội đồng tình rằng chất lượng giáo dục của Nghệ An rất tốt, nhưng tiếng Anh còn kém.
"Trong xu hướng hội nhập mà để cho Nghệ An của chúng ta tụt hậu về tiếng Anh thì cơ hội cho học sinh Nghệ An tìm kiếm việc làm hoặc hội nhập ở tầm cao hơn là rất khó. Trong khi ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh tiếng Anh rất phổ cập, nên cơ hội giao lưu, tìm việc làm của các cháu sau này rất dễ", Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu phát biểu và đề nghị ngành giáo dục cần quan tâm nâng cao khả năng tiếng Anh của học sinh, tăng chất lượng dạy tiếng Anh tại Nghệ An.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 7 của UBND tỉnh sáng 23/7. Ảnh: Thu Giang
Có lộ trình dài hơi để nâng cao năng lực tiếng Anh
Chủ trì phiên họp, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tái khẳng định sự quan tâm của các cấp, ngành, của toàn xã hội đối với việc chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.
Ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục trong thời gian qua, biểu dương những kết quả nổi bật của đội ngũ giáo viên, học sinh trên địa bàn tỉnh trong năm học 2018 - 2019, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo ngành cần quan tâm thêm đến khía cạnh dạy và học tiếng Anh.
Thẳng thắn chỉ ra rằng, nền tảng tiếng Anh trong giai đoạn học phổ thông là rất quan trọng, song hiện vẫn còn rất yếu, UBND tỉnh bày tỏ ủng hộ Sở Giáo dục và Đào tạo có giải pháp mạnh để tạo chuyển biến trong vấn đề này. "Chúng ta sẽ dành nguồn lực để đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo hãy nghiên cứu, đặt hàng. Việc này không thể làm trong 1 - 2 năm mà cần lộ trình 10 năm. Cần phải kiên trì, bền bỉ, bắt đầu từ thái độ, nhận thức của giáo viên, chuyển dần sang học sinh, rồi phụ huynh, gia đình, xã hội" - đồng chí Thái Thanh Quý nhấn mạnh, đồng thời chỉ đạo ngành phải vào cuộc ngay, không để đề cập nhiều về vấn đề này nhưng chưa bắt tay vào làm, chưa có giải pháp mạnh, mang tính căn cơ, nghiêm túc, gắn lộ trình rõ ràng.
Nêu ví dụ thực tế rằng trong thời hội nhập, sinh viên tốt nghiệp có trình độ ngoại ngữ tốt dễ tìm được việc làm sau khi ra trường với mức lương khá hơn, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo ngành giáo dục phải xây dựng đề án tổng thể nâng cao năng lực Tiếng Anh, tạo thành phong trào học Tiếng Anh rộng rãi.
Giờ học Tiếng Anh của học sinh Trường thực hành Sư phạm Đại học Vinh. Ảnh: Mỹ Hà
Cũng tại phiên họp, đồng chí Thái Thanh Quý yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch đánh giá lại hệ thống trường chuẩn quốc gia, khi Nghệ An có 70% số trường đạt chuẩn nhưng có những trường 10 năm chưa đánh giá lại, cơ sở vật chất xuống cấp, đội ngũ, chất lượng giáo viên biến động...
Về giáo dục miền núi, người đứng đầu chính quyền tỉnh lưu ý cần hết sức quan tâm đến cơ sở vật chất, lưu ý đến tính đặc thù của các địa phương để tính toán cẩn thận trong quy hoạch mạng lưới trường lớp, không để học sinh, phụ huynh gặp khó khăn khi đến trường.
Thu Giang
Theo boanghean
Bí quyết học không áp lực của nữ sinh giành học bổng tại Mỹ, Australia Nguyễn Châu Anh (Nghệ An) và Trần Khánh Mai (Hà Tĩnh) luôn tập trung vào học bản chất từng môn học, gắn với thực hành tại lớp. Từng là cô học trò gầy gò, quê miền núi Quỳ Hợp, Nghệ An, Nguyễn Châu Anh (sinh năm 2001) chưa bao giờ nghĩ có ngày được học bổng du học bốn năm 237.000 USD (hơn...