Dạy học bằng tiếng Anh: Chồng chất nỗi lo
Việc dạy toán và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh đã không còn lạ lẫm đối với một số trường THPT ở TP.HCM, vì có trường đã thực hiện từ nhiều năm nay. Thế nhưng, việc thống nhất một chương trình của Sở GD-ĐT TP.HCM khiến các trường lo lắng.
Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP.HCM, các trường thực hiện thí điểm dạy toán và các môn khoa học tự nhiên (KHTN) bằng tiếng Anh sử dụng chương trình của ĐH Cambridge ủy nhiệm cho Công ty EMG thực hiện tại Việt Nam với hai phương thức: hợp đồng với EMG thực hiện toàn bộ chương trình; sử dụng lực lượng giáo viên sẵn có hoặc do trường tự hợp đồng (tài liệu dạy và học sẽ do EMG cung cấp theo mức giá thỏa thuận).
Thời lượng: hai tiết/tuần/môn học cho học sinh khối 10, 11. Chuẩn đầu ra sẽ dựa trên chuẩn của ĐH Cambridge: học sinh sẽ dự các kỳ thi của Cambridge do EMG thực hiện tại Việt Nam.
Lo chương trình nặng, chi phí cao
TP.HCM hiện có 10 trường THPT thực hiện thí điểm dạy toán và các môn KHTN bằng tiếng Anh. Hầu hết các trường đều tự biên soạn chương trình để dạy và sử dụng một phần giáo viên biên chế trong trường, một phần mời giáo viên thỉnh giảng. Đây được xem như một chương trình tự chọn (không lấy điểm để đánh giá, xếp loại học lực học sinh) nên mức học phí cũng do các trường tự thỏa thuận với phụ huynh, dao động từ 100.000-150.000 đồng/tháng/môn học.
Một tiết học toán bằng tiếng Anh của học sinh lớp 10A2 Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM – Ảnh: Như Hùng
Ông Phạm Văn Nam – hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân – cho biết: “Việc thống nhất một chương trình chung cho tất cả các trường là cần thiết. Phụ huynh cũng muốn con em họ sau khi học phải có bằng cấp, chứng chỉ của ĐH Cambridge được nước ngoài công nhận – về mặt pháp lý là ổn rồi. Có một chương trình rõ ràng, giáo viên không phải tự mày mò biên soạn mà có “đối tượng” để tiếp cận, để nghiên cứu, học hỏi cũng mang ý nghĩa tích cực. Tuy nhiên, việc dạy toán và KHTN bằng tiếng Anh vẫn chưa hấp dẫn học sinh vì chương trình chính khóa đã quá nặng đối với các em. Như trường tôi, học kỳ 1 năm học 2012-2013 có 19 học sinh học toán, vật lý bằng tiếng Anh thì sang học kỳ 2 chỉ còn tám em. Nếu triển khai dạy chương trình của Cambridge thì phải đợi đến đầu năm học sau, chúng tôi họp phụ huynh, phân tích cụ thể mới cho học sinh đăng ký”.
Video đang HOT
Tương tự, ở Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, ông Trần Trung Kiên, hiệu trưởng nhà trường, thông tin: “Năm nay chúng tôi thí điểm một lớp 10 (lớp này có 40 học sinh/tổng số hơn 1.000 học sinh lớp 10) có trình độ tiếng Anh tương đối khá để dạy môn toán bằng tiếng Anh với mức học phí 120.000 đồng/tháng/học sinh. Nếu thực hiện chương trình của ĐH Cambridge, chúng tôi sẽ chọn phương án sử dụng giáo viên thỉnh giảng và giáo viên hiện có chứ không hợp đồng với Công ty EMG để thực hiện toàn bộ chương trình vì chi phí sẽ rất cao. Sang học kỳ 2, nhà trường sẽ làm việc lại với phụ huynh về vấn đề này. Điều làm tôi lo lắng là phụ huynh trường tôi không khá giả, nếu học phí cao quá họ sẽ rút tên”.
Ông Kiên cũng cho biết thêm: “Muốn sử dụng chương trình của ĐH Cambridge, hằng năm các trường phải đóng một khoản phí gọi là phí thành viên thì Cambridge mới chuyển giao giáo trình, tài liệu giảng dạy. Như vậy, ngoài khoản phí mua sách cao gấp nhiều lần so với học phí hiện nay, khoản phí thành viên cũng sẽ được chia đều trên đầu học sinh. Nếu số lượng học sinh đăng ký đông còn đỡ, chứ 20, 30 học sinh thì các em phải gánh phí rất nặng”.
Trong khi đó, ban giám hiệu Trường THPT Gia Định lại tỏ ra thận trọng: “Mỗi trường có đặc thù riêng nên thời điểm thực hiện chắc chắn sẽ khác nhau. Trường Gia Định mới bắt đầu thí điểm từ đầu năm học 2012-2013, chúng tôi cho học sinh đăng ký, hiện có hơn 100 học sinh học trái buổi từ 1-2 môn/tổng số bốn môn: toán, lý, hóa và kinh tế. Giáo viên thì thỉnh giảng từ các nơi khác với điều kiện đã từng học ở nước ngoài về, từng dạy các môn trên bằng tiếng Anh. Học phí 150.000 đồng/môn/tháng. Chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa thăm dò xem tình hình học sinh như thế nào. Ban đầu có em đăng ký học ba môn nhưng sau một thời gian thì rút lại còn một, hai môn vì bài vở chương trình chính khóa đã quá nhiều mà các em phải hoàn thành. Chúng tôi không dám áp dụng chương trình của ĐH Cambridge ngay vì sợ học sinh sẽ quá tải”.
Có vội vàng không?
Hiệu trưởng một trường THPT nêu ý kiến: “Việc thực hiện chương trình của Cambridge chắc chắn phải có một lộ trình chứ chưa thể thực hiện ngay. Có vội vàng quá không khi sở chưa chuẩn bị gì về cơ sở vật chất, giáo viên đã “áp” văn bản kêu các trường thực hiện? Cách nay nhiều năm khi thực hiện việc dạy toán, lý bằng tiếng Pháp, giáo viên phải đi tu nghiệp một năm ở Pháp rồi mới về dạy. Trong khi đó, bây giờ mình chưa tiến hành bồi dưỡng gì, chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Làm ngay cũng được nhưng mức phí cao quá, liệu phụ huynh có đồng thuận?”.
Hầu hết hiệu trưởng đều cho rằng đây là chương trình không bắt buộc, làm được hay không phụ thuộc vào sự đồng lòng của phụ huynh và học sinh. Ngay cả một số trường THPT nổi tiếng ở TP.HCM, thời gian qua lớp 10 mở được nhưng đến lớp 11 thì học sinh xin rút hết.
Theo Vũ Xuân (Tuổi Trẻ)
Dạy khoa học bằng tiếng Anh: Thiếu trăm bề
Chương trình dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh được TPHCM triển khai cách đây 4 năm và tiếp tục mở rộng ra 10 trường THPT trong năm học này. Nhưng đến nay vẫn trong tình trạng đụng đến đâu lúng túng đến đó.
Ngày 2/10, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức hội thảo "Dạy các môn Toán và khoa học bằng tiếng Anh". Trong năm học này, sẽ có hơn 1.600 HS ở 10 trường THPT tham gia học Toán và các môn khoa học tự nhiên (KHTN) bằng tiếng Anh. Nhưng thực tế, chương trình dạy học song ngữ này còn rất nhiều khó khăn, bất cập.
"Tự bơi" đủ thứ
Khó khăn chung mà các trường gặp phải khitriển khai chương trình dạy Toán và các môn KHTN bằng tiếng Anh là chưa có giáo trình chính thức và thiếu giáo viên đảm bảo năng lực. Thế nên các trường vừa thực hiện vừa theo sau mày mò theo kiểu thiếu ở đâu thì "tự bù" đến đó.
Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai là một trong những trường đầu tiên của TP triển khai chương trình này nhưng đến nay vẫn còn nhiều "bỡ ngỡ" như đang làm quen. Bà Phạm Thị Lệ Nhân - Hiệu trưởng nhà trường cho biết hiện nay chưa có giáo trình dạy Toán và các môn KHTN bằng tiếng Anh cụ thể, giáo viên (GV) phải tự nghiên cứu tài liệu chủ yếu là qua Internet. Còn đội ngũ GV chưa qua các lớp đào tạo chính quy và chuyên biệt về phương pháp giảng dạy nên thầy cô phải "tự bơi".
Việc dạy học các môn KHTN bằng tiếng Anh còn thiếu rất nhiều thứ.
Trường THPT Gia Định có 270 HS tham gia chương trình với 9 lớp cho bốn môn học gồm Toán, Lý, Hóa, Kinh tế. Trường có 5 GV tham gia giảng dạy, tuy nhiên trong đó chỉ 1 GV tại trường còn 4 thầy cô thỉnh giảng nên còn bị động về nhân sự.
Đại diện nhiều trường cho rằng, nội dung chưa thống nhất, hiện nay mỗi trường thực hiện mỗi kiểu. Có trường thực hiện chương trình giảng dạy theo cách dịch lại kiến thức từ sách giáo khoa, có trường chọn chương trình quốc tế nội dung kiến thức tương đồng với Việt Nam hoặc dạy theo chuyên đề do GV chọn lọc.
Về trình độ GV có tình trạng người có chuyên môn thì năng lực tiếng Anh hạn chế, còn GV có kỹ năng Ngoại ngữ chưa hẳn chuyên môn đã tốt. Nên ngoài nhân sự tại chỗ, các trường phải tìm GVbên ngoài. Việc hợp tác về nhân sự giữa các trường là cần thiết nhưng nội dung giảng dạy khác nhau nên cũng không dễ để hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm.
Chú trọng chất lượng giáo viên
Đại diện Trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng chương trình dạy các môn KHTN bằng tiếng Anh đang thiếu định hướng chiến lược lâu dài cũng như các vấn đề pháp lý chưa rõ ràng. Chẳng hạn như chương trình nên áp dụng từ bậc học nào, lớp 6 hay lớp 10? Với HS tham gia chương trình này các em sẽ thi bằng tiếng Anh hay tiếng Việt trong kỳ thi chuyển cấp?
Người này cũng đặt ra vấn đề, GV giảng dạy là nhân tố quan trọng để chương trình đạt hiệu quả. Chế độ bồi dưỡng cho GV thấp mà còn không được hỗ trợ về chuyên môn như tạo điều kiện được đi giao lưu, tham khảo cùng các trường trong khu vực hay giữa các trường trong nước thì sẽ khó thu hút người dạy. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả chương trình.
Ông Lê Hồng Sơn - giám đốc Sở GD- ĐT TPHCM cho biết, do đang trong quá trình thí điểm nên các trường khó tránh khỏi các khó khăn. Thời gian tới, Sở GD-ĐT cũng sẽ lên kế hoạch tính toán về thời lượng, tài liệu, chương trình thống nhất để hướng dẫn các trường. Đặc biệt sẽ chú trọng đến việc hợp tác để nâng cao chất lượng GV đáp ứng cho chương trình vì đây là yếu tốt quan trọng nhất.
Ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD- ĐT cho hay trình độ GV là yếu tố quan trọng nhưng không nên quá cứng nhắc. Việc dạy học song ngữ có nhiều cấp độ, có thể xen kẽ tiếng Việt một cách linh hoạt và phù hợp. Đó cũng là cách để nâng cao dần về mức độ, tỷ lệ sử dụng tiếng Anh.
Đối với GV tham gia chương trình, theo ông Hiển các trường nên tính toán để giảm giờ dạy để họ có thêm thời gian trau dồi phương pháp giảng dạy, đầu tư chuyên môn và nâng cao tiếng Anh.
Hoài Nam
Theo dân trí
Để giáo dục công dân thành môn chính Theo dự kiến đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015, cùng ngữ văn, toán, ngoại ngữ, giáo dục công dân sẽ là môn học bắt buộc từ tiểu học đến hết THPT. Tiết thỉnh giảng môn GDCD của thầy Trần Tuấn Anh (Trường THCS Bạch Đằng, Q.3) tại Trường THPT tư thục Nhân Việt, Q.Tân Phú. Đây...