Dạy gì thì dạy, trước 10 tuổi cha mẹ nhất định phải dạy con 5 nguyên tắc ứng xử này
Giáo dục gia đình đối với trẻ nhỏ chính là tạo những nề nếp cho trẻ từ thuở sơ khai nhất. Đặc biệt trong giai đoạn trước 10 tuổi, bạn nhất định phải dạy con 5 nguyên tắc ứng xử này để tạo nền tảng tốt cho sự phát triển về sau.
Những nguyên tắc ứng xử mà bố mẹ và người lớn trong nhà tập cho trẻ chính là cơ sở để nuôi dưỡng những phẩm chất lẫn thói quen tích cực khi trẻ trưởng thành. Tuy vậy, những quy tắc sống và cách ứng xử còn phải căn cứ theo độ tuổi của trẻ. Nếu bạn áp đặt tùy tiện không những không đạt hiệu quả mà còn có thể phản tác dụng, khiến trẻ khó tiếp thu và sinh ra tâm lý phản kháng.
Giai đoạn trước 10 tuổi, bạn nhất định phải tập cho trẻ 5 nguyên tắc ứng xử này để tạo nền tảng tốt cho sự phát triển về sau (Ảnh minh họa).
Chọn độ tuổi thích hợp để tạo cho trẻ thói quen tốt là một trong những cách giáo dục gia đình khôn ngoan nhất. Đối với giai đoạn khi trẻ dưới 10 tuổi, bạn nên tập cho trẻ 5 nguyên tắc ứng xử sau đây, bởi vì chúng vừa phù hợp, vừa giúp ích không nhỏ đối với sự trưởng thành và phát triển của trẻ về sau.
1. Dạy trẻ gặp ai cũng phải biết chào hỏi
Chỉ cần mỗi khi đưa trẻ ra ngoài hay gặp ai đó, bạn làm gương chào hỏi trước, sau đó nhẹ nhàng khuyến khích trẻ cũng chào hỏi đối phương như bạn (Ảnh minh họa).
Không ít phụ huynh đều có thói quen nhắc nhở con mình phải chào hỏi khi gặp người khác. Nhưng có điều, đôi khi bạn chỉ tập cho trẻ thói quen chào người lạ mà cảm thấy không cần thiết với những người đã quá thân quen. Điều này là một thiếu sót không nhỏ.
Khi bạn không để trẻ tập được thói quen chào hỏi khi gặp người quen, dần dần khi lớn lên có thể khiến trẻ thiếu sự tôn trọng với họ. Trẻ sẽ có tâm lý người đó đã quá quen thuộc rồi thì muốn làm sao cũng được. Chính vì vậy, bạn nên giúp trẻ hình thành phép lịch sự chào hỏi bất cứ ai mà trẻ gặp. Hãy nói với trẻ hành động đó là sự lễ phép và trẻ sẽ được hoan hô, khen ngợi.
Nếu con của bạn bình thường ở nhà đã khá nhút nhát và có phần hướng nội thì bạn đừng quá vội ép trẻ phải vào nề nếp. Chỉ cần mỗi khi đưa trẻ ra ngoài hay gặp ai đó, bạn làm gương chào hỏi trước, sau đó nhẹ nhàng khuyến khích trẻ cũng chào hỏi đối phương như bạn. Dần dần tự nhiên trẻ sẽ biết phải làm thế nào dù trong tình huống trẻ gặp người khác mà không hề có mặt bạn.
2. Dạy trẻ chú ý lời nói và hành động ở nơi công cộng
Video đang HOT
Nên bắt đầu rèn cho trẻ cách cư xử văn minh khi ở nơi công cộng từ sớm (Ảnh minh họa).
Nhiều phụ huynh, đặc biệt là các bà mẹ với tâm lý cưng chiều con mà để trẻ vô tư có những hành động thái quá, ảnh hưởng đến người xung quanh ở nơi công cộng. Bạn cho rằng trẻ con thì được phép nghịch ngợm và đáng được bao dung? Đừng để cách nghĩ này khiến con bạn trở thành kẻ tự cao, tự đại và thiếu tôn trọng mọi người khi trưởng thành!
Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, thậm chí là chưa đến 10 tuổi, bạn đã nên bắt đầu rèn cho trẻ cách cư xử văn minh khi ở nơi công cộng. Khi thấy trẻ có lời nói hay hành động không đúng đắn, thậm chí gây phiền hà cho người khác, bạn nên giữ trẻ bên mình và nhẹ nhàng giải thích với trẻ rằng điều đó là không tốt, là không ngoan và sẽ bị chê cười.
Những chú ý và răn dạy kịp thời, kiên nhẫn của bạn sẽ giúp trẻ ngày càng nhận thức được lời ăn tiếng nói và cử chỉ của mình. Trẻ sẽ biết điều gì nên làm để trở thành một đứa trẻ ngoan và được khen ngợi.
3. Dạy trẻ khi đến nhà người khác không được nghịch ngợm và tùy tiện lấy đồ
Nên ngăn hành động của trẻ lại, và giải thích cho trẻ biết đồ vật đó là của ai, và trẻ cần xin phép khi muốn làm bất cứ điều gì (Ảnh minh họa).
Trẻ con vốn rất nghịch ngợm và hiếu kỳ đối với mọi đồ vật hay sự việc xung quanh. Nhưng không vì thế mà bạn để trẻ vô tư chạy lung tung hay sờ nắm, thậm chí làm hỏng đồ đạc nhà người khác, bất kể đó là nhà người lạ hay người thân quen.
Trong giai đoạn trước 10 tuổi, có thể ý thức về quyền sở hữu ở trẻ chưa phát triển hoàn thiện. Trẻ thường cảm thấy rằng đồ của người khác đều là của nhà mình, mình thích thì mình lấy và chơi thôi. Những lúc này, bạn nên ngăn hành động của trẻ lại, và giải thích cho trẻ biết đồ vật đó là của ai, và trẻ cần xin phép khi muốn làm bất cứ điều gì.
Không chỉ là ở nhà người khác, ngay cả trong gia đình, bạn cũng nên thường xuyên nhắc nhở trẻ có thói quen “hỏi” người lớn trước khi muốn lấy thứ gì.
4. Dạy trẻ không nên chỉ nhìn vào khuyết điểm của người khác
Khuyến khích trẻ tìm thấy những ưu điểm của người khác, lấy đó làm gương học tập (Ảnh minh họa).
Nói xấu sau lưng người khác hoặc kể lể khiếm khuyết hay bí mật của ai đó có thể khiến trẻ thành thói quen. Sau khi trưởng thành, trẻ sẽ trở thành người chỉ biết nhìn vào khuyết điểm của người xung quanh, thậm chí có tư tưởng khinh khi, đố kỵ.
Vì vậy, ngay khi trẻ còn nhỏ, bạn nên nhẫn nại giảng giải để trẻ hiểu hành động đó là không tốt. Bạn có thể khuyến khích trẻ tìm thấy những ưu điểm của người khác, lấy đó làm gương học tập.
Đặc biệt, bố mẹ và người trong nhà phải làm gương trước, không nên cãi vã, đả kích nhau hoặc xúm lại nói điều không hay về ai đó trước mặt con trẻ. Khi bạn còn làm chưa tốt thói quen này thì rất khó để trẻ nghe theo lời dạy của bạn.
5. Dạy trẻ làm sai phải xin lỗi, hoặc nếu bị phạm lỗi cũng có quyền yêu cầu người khác xin lỗi mình
Phải cho trẻ hiểu rằng trẻ cũng có quyền được người khác xin lỗi nếu trẻ bị ức hiếp hay ngược đãi (Ảnh minh họa).
Người lớn còn không tránh khỏi lúc phạm sai lầm, huống chi là con trẻ. Cho nên, khi trẻ phạm lỗi, bạn cần dạy trẻ thói quen dũng cảm nhận lỗi và thành khẩn cải thiện. Ngược lại, bạn cũng phải cho trẻ hiểu rằng trẻ cũng có quyền được người khác xin lỗi nếu trẻ bị ức hiếp hay ngược đãi.
Muốn tập cho trẻ nguyên tắc ứng xử lành mạnh này, trước hết bạn phải là người làm gương thật tốt. Cho dù bạn là người trưởng bối nhưng nếu bạn trách lầm trẻ hoặc làm gì không đúng, bạn vẫn phải xin trẻ một cách nghiêm túc, chân thành.
Nguồn: Sohu
Theo Helino
Từ một thợ may, người mẹ này lấy bằng giáo sư và nuôi dạy con trở thành tiến sĩ của trường ĐH Cambridge danh giá
Cha mẹ đóng vai trò gì đối với sự trưởng thành của con? Đó hẳn là một câu hỏi không dễ trả lời. Người mẹ này đã không chỉ tìm được câu trả lời cho riêng mình, mà còn truyền cảm hứng cho hàng triệu cha mẹ khác từ hành trình tỏa sáng cùng con.
"Tôi yêu con mình nhưng không muốn chỉ là ngọn nến soi sáng đường con đi, tôi còn muốn ngọn nến của cuộc đời mình vì con mà trở nên sáng tươi, rực rỡ" - Tôi có một ấn tượng vô cùng sâu sắc và thấm thía đối với câu nói này của Giáo sư Dương Văn, tác giả cuốn sách "Mẹ luôn đồng hành cùng con" - nó vừa là một sự đồng cảm, nhưng cũng đồng thời là sự thức tỉnh đối với những ai đang làm cha mẹ - những người luôn sẵn sàng "yêu thương con vô điều kiện", "hi sinh vì con", "dành tất cả những gì tốt đẹp nhất mà mình có cho con".
Nhiều năm trở lại đây, câu hỏi thường trực và khiến chúng ta băn khoăn, ngẫm ngợi nhiều nhất có lẽ là mình sẽ "nuôi dạy con theo kiểu gì?". Có quá nhiều trường phái, quan điểm, tư tưởng; quá nhiều phương pháp, quá nhiều các hội thảo, các lớp học, các khóa huấn luyện để giúp chúng ta tìm được con đường phù hợp với mình và từ đó trở thành những cha mẹ tốt, nuôi dạy con đúng cách và dẫn dắt chúng trở thành những người hạnh phúc và thành công. Đó là một hành trình mà chúng ta khát khao tìm kiếm những thứ từ bên ngoài, hi vọng vào sự thay đổi đến từ những người khác thay vì dành thời gian để nhìn sâu vào bản thân mình và chiêm nghiệm những vốn quý mà mình đang có, theo một cách như vậy, chúng ta đã quên đi ý nghĩa nền tảng vô cùng quan trọng của giáo dục gia đình và những điều tuyệt vời mà nó mang đến cho tất cả mọi thành viên trong gia đình chứ không riêng gì lũ trẻ. Cuốn sách "Mẹ luôn đồng hành cùng con" của tác giả Dương Văn chính là một lời nhắc nhở sâu sắc và đầy rung động dành cho cha mẹ về sẽ lạc lối đó.
Tại sao giáo dục gia đình lại quan trọng đối với trẻ? Theo bà Dương Văn, đó là bởi vì "con trẻ chính là cuốn sách về sự sống đòi hỏi cha mẹ phải có một quá trình đọc hiểu công phu. Bản thân trẻ chính là người dẫn đường chỉ lối cho cha mẹ trong quá trình cha mẹ nuôi dạy con". Và nếu cha mẹ không phải là người gần gũi với trẻ nhất, thấu hiểu trẻ nhất, yêu thương trẻ nhất, kiên nhẫn với trẻ nhất, tôn trọng trẻ nhất, luôn đặt mình vào vị trị của trẻ để tìm hiểu tâm lý và nhu cầu của trẻ - thì làm sao chúng ta có thể mong con mình trở thành một đứa trẻ vui tươi, lương thiện và toàn diện?
Bà luôn tâm niệm: "Cha mẹ phải làm gương cho con. Trong gia đình, mọi lời nói, hành động của cha mẹ, sự bền bỉ vượt khó trong công việc và cuộc sống hàng ngày đều thấm hút vào con. Muốn con thay đổi tích cực, cha mẹ phải nỗ lực thay đổi tích cực. Chính vì vậy, muốn thực hiện tốt vai trò người làm gương, cha mẹ phải không ngừng tu dưỡng bản thân, song song với quá trình nuôi dạy con, còn cần phải tự giáo dục mình".
Giáo sư Dương Văn từng là một thợ may, rồi trở thành sinh viên đại học, sau đó ra đi du học, trở thành giáo viên dạy tiếng Anh cho trẻ em, giảng viên đại học rồi sáng lập ra trường đại học dân lập với 20.000 sinh viên. Bà thừa nhận mình không phải là người thông minh bẩm sinh, nhưng lại là một người rất nỗ lực. " Nhan sắc và sự thông minh bẩm sinh chưa chắc đã đảm bảo cho một người có thể thực hiện được mục tiêu cuộc đời, nhưng sự nỗ lực hết mình, nghiêm khắc với bản thân, nghị lực, tinh thần hợp tác... lại là những phẩm chất có giá trị nhất để một người khẳng định giá trị cá nhân. Tôi đã cố gắng truyền đến cho con trai những phẩm chất tốt đẹp ấy bằng phương thức phù hợp để con có thể tiếp nhận một cách dễ dàng nhất", tác giả chia sẻ trong cuốn sách của mình.
Xuyên suốt từ đầu đến cuối cuốn sách, bên cạnh những chia sẻ và bài học nhỏ, giản dị, dễ thấu hiểu về dinh dưỡng khoa học, chơi với con, hình thành những thói quen tốt, nuôi dưỡng đam mê cho con, dành thời gian cho con, học cách khen ngợi, khích lệ trẻ, chăm sóc thế giới tinh thần... khi con còn nhỏ là những bài học lớn về quá trình giáo dục tố chất cho con trẻ, những rắc rối trong quá trình trưởng thành cùng con được tác giả áp dụng trong thực tiễn nuôi dạy con của mình. Tinh thần bao trùm lên tất cả những điều đó là mục tiêu nuôi dạy con trở thành một người có sức khỏe, có tâm lý lành mạnh và có khả năng thích nghi tốt với xã hội bởi theo Giáo sư Dương Văn, quá trình giáo dục là thúc đẩy sự trưởng thành về tinh thần của trẻ một cách vui vẻ, âm thầm dẫn dắt con vào kho tàng văn hóa tinh thần của nhân loại. Giáo dục trẻ không phải là giáo dục rập khuôn cứng nhắc, mà là giáo dục tùy cơ ứng biến. Cha mẹ không nên dành hết toàn bộ tình yêu cho con, bao bọc con quá mức. Đôi khi, cha mẹ cần giấu đi một nửa tình yêu của mình, để con va vấp với cuộc sống, dần dần tiếp xúc với những khó khăn mà sau này trẻ sẽ gặp phải.
Đối với vai trò của cha mẹ và giáo dục gia đình đối với sự trưởng thành của con cái, bà Dương Văn khẳng định rằng: "Cha mẹ là người có ảnh hưởng sâu sắc đối với con trẻ trong quá trình trưởng thành. Trong quá trình này, rất nhiều kiến thức, khả năng, trí tuệ hay tính cách, phẩm chất đạo đức, tác phong và khuynh hướng của trẻ đều được hình thành dưới sự ảnh hưởng của cha mẹ. Không ngừng học tập, học tập suốt đời là một thái độ sống. Cùng là đứa trẻ đó, nếu được lớn lên trong gia đình theo mô hình học tập và môi trường không đề cao sự học tập, sau 8-10 năm, lượng thông tin mà trẻ tiếp nhận sẽ khác nhau, thói quen, trí tuệ, trải nghiệm...cũng sẽ khác nhau, số phận con người có thể cũng vì thế mà có sự thay đổi".Trong lời mở đầu viết cho cuốn sách của mẹ mình, Tiến sĩ Đại học Cambridge Hạ Dương có viết: " Chưa bao giờ họ vẽ ra một tương lai giả định cho tôi, có lẽ họ có lý do để tin rằng, con trai của họ đã có thể đưa ra sự lựa chọn có trách nhiệm với bản thân mình", và đó có lẽ chính là điều mà bất cứ cha mẹ nào cũng mong có ngày được nghe từ chính những đứa con của mình. Và để bắt đầu hành trình hạnh phúc đó, điều quan trọng nhất mà cha mẹ nên làm, đó là hãy trở thành người mà chúng ta mong muốn con mình trở thành khi chúng lớn lên!
Theo Helino
Mẫu câu tiếng Anh khi bắt chuyện với người lạ "Nice room", bạn có thể làm quen một người nào đó bằng câu nhận xét đơn giản về không gian xung quanh. Khi đến các bữa tiệc, đám cưới hay hội thảo, bạn sẽ gặp nhiều người lạ. Bài viết trên EF English Live cung cấp lời khuyên để "break the ice" (phá vỡ bầu không khí ngượng ngùng) một cách dễ dàng....