Dạy con phản kháng khi bị bắt nạt ở trường học
Con trai quá hiền lành nên hay bị bạn cùng lớp trêu ghẹo, bắt nạt, chị Lan quyết định đào tạo tính phản kháng cho con.
10 năm ám ảnh vì bị bắt nạt ở trường tiểu học
Vào lớp 1, Minh Hiếu – con trai chị Lan (Hà Nội) hay bị bạn nam cùng lớp trêu chọc, huých khuỷu tay vào người và hất sách vở trên bàn xuống đất. Hiếu vốn nhút nhát lại thấp còi nhất lớp nên chỉ biết òa khóc, không dám làm gì. Nhờ cô giáo can thiệp, nhắc nhở nhẹ nhàng nam sinh kia không được, chị Lan quyết định dạy con cách phản kháng.
Chị Lan nhờ em chồng (sống cùng nhà) cứ mỗi lần gặp Hiếu lại trêu đi trêu lại một câu “cháu gái bé bỏng mít ướt của cô”. Ban đầu, Hiếu chỉ cãi “không phải là cháu gái”, rồi “không chơi với cô nữa”. Sau một tuần hậm hực, ngày thứ bảy bị trêu chọc cả buổi chiều, cậu bé xông vào đấm đá cô. Khi đến lớp, Hiếu không còn òa khóc khi bị trêu nữa mà sẵn sàng kháng cự, khiến bạn nam kia sợ.
Một phụ huynh khác để chứng minh con mạnh mẽ, không yếu đuối dễ bị bắt nạt như con nghĩ, đã dạy trẻ thử làm đau mẹ bằng cách cắn thật lực. Khi nhìn thấy vết bầm tím trên tay mẹ, con mới tin mình mạnh thật và từ đó tự tin hơn.
Nhiều phụ huynh khác cho con đi học võ để mạnh mẽ hơn và sẵn sàng tự vệ trước những trò trêu trọc, tấn công của bạn.
Nhiều học sinh bị bạn bắt nạt ở trường học. Ảnh minh hoạ: En.wikipedia.org.
TS Vũ Thu Hương (Đại học Sư phạm Hà Nội) phân tích, phần lớn trẻ bị bắt nạt tính nhút nhát, không có kỹ năng kết giao bạn bè nên thường bị cô lập. Việc cha mẹ giúp con tự tin, kết giao nhiều bạn là cách để thoát khỏi việc bị chèn ép. “Chiêu” giúp con kết bạn là mỗi ngày đưa con một gói kẹo chia cho các bạn, thường xuyên hỏi về bạn trong lớp để con hình thành thói quen trò chuyện, tìm hiểu về những người gần gũi với mình.
“Bố mẹ không nên can thiệp vào chuyện nội bộ của trẻ. Sự can thiệp của người lớn có thể khiến mọi chuyện trở nên căng thẳng, thậm chí dẫn đến những vụ việc lớn như nhiều người nhà kéo đến trường đánh, chửi bạn bè của con”, TS Hương nói. Việc phụ huynh mách cô giáo hoặc xúi con mách cô cũng không phải cách làm hay. Cháu của TS Hương từng bị bạn xịt nước nóng vào người để trả thù khi phụ huynh và giáo viên bắt tay giải quyết vụ bắt nạt.
“Hãy để trẻ tự xử lý các vấn đề riêng của mình”, chuyên gia giáo dục khuyên. Phương pháp này chị Hương đã áp dụng thành công với con gái mình khi cháu hay bị bạn bắt nạt ở trường.
Video đang HOT
“Học lớp 3, con được làm tổ trưởng nhưng vì hiền quá nên liên tục bị bạn trêu chọc. Anh Thư về nhà kêu khóc, tôi đã nói rằng: Mẹ biết việc này cực kỳ khó chịu song mẹ là người ngoài, không thể can thiệp vào việc của con được. Con hãy tự nghĩ cách xử trí nhé”, nữ tiến sĩ kể.
Chị đồng thời chỉ cho con thiệt hơn nếu mách giáo viên chuyện bạn bắt nạt mình. Mấy hôm sau Anh Thư đi học về thủ thỉ “đã xử lý được các bạn”. Cách mà em đã dùng là đứng trước lớp nói không làm tổ trưởng nữa vì hay bị bạn trêu chọc. Khi cô giáo hỏi để ai thay thế, Anh Thư chỉ vào người trêu mình nhiều nhất. Cậu bạn đó sợ phát khóc, nhưng vẫn bị bắt làm tổ trưởng và việc bắt nạt chấm dứt.
“Khi ra đời, các con sẽ phải đối phó với nhiều tình huống bị người khác chèn ép, nên thay vì ra tay giúp con, chúng ta hãy để trẻ tự nghĩ cách hoặc hướng dẫn một số chiêu trò để con tự thoát thân và mạnh mẽ hơn. Có những cách giải quyết chỉ đám trẻ mới nghĩ ra và hợp lý”, TS Hương nói.
*Tên nhân vật đã thay đổi.
Theo VNN
10 dấu hiệu trẻ bị bắt nạt ở trường
Thường xuyên mất đồ hay nhịn đi vệ sinh tới khi về nhà là dấu hiệu cho thấy trẻ có thể là nạn nhân của bắt nạt học đường.
Khi bị bắt nạt, trẻ bị tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần. Trong nhiều trường hợp, trẻ chọn cách giấu người lớn vì lo sợ trả thù. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tâm lý hoặc hoạt động trong lĩnh vực giáo dục chỉ ra bố mẹ có thể nắm được tình hình của con ở trường qua các dấu hiệu cụ thể.
1. Thường xuyên đau ốm
"Trẻ không muốn đến trường vào đầu năm học hay sau một kỳ nghỉ là chuyện bình thường. Điều bất thường là sau khi đi học khoảng 8-10 tuần, trẻ đang vui vẻ bỗng đau dạ dày liên tục và không muốn đến trường nữa", bác sĩ nhi khoa Meg Meeker (Mỹ), tác giả cuốn "12 nguyên tắc nuôi dạy một đứa trẻ tốt" cho biết trên trang Today.
Có thể trẻ kiếm cớ trốn học, không tham gia hoạt động chung, cũng có thể việc bị bắt nạt khiến tâm sinh lý thay đổi và ảnh hưởng xấu đến các cơ quan trong cơ thể.
Phụ huynh nên quan tâm đến những dấu hiệu như đau dạ dày hoặc đau đầu, nếu diễn ra thường xuyên thì có thể là vấn đề lớn. Tuy nhiên, trẻ bị ốm mà vẫn vui vẻ và kể chuyện về trường lớp trong suốt bữa tối cùng gia đình thì điều đó không đáng ngại.
2. Thay đổi hành vi
Bên cạnh dấu hiệu thể chất nói trên, bác sĩ Meeker nhấn mạnh biểu hiện liên quan đến hành vi cảm xúc. Nếu hiểu con, phụ huynh có thể đọc được nét mặt và quan sát được sự thay đổi tâm trạng của trẻ, biểu hiện qua các hành vi.
Vì lo lắng phải tỉnh dậy và đi học vào sáng hôm sau, trẻ khó ngủ, thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm hoặc gặp ác mộng. Tâm trí không thoải mái cũng khiến trẻ làm mọi thứ không được suôn sẻ. Ngôn ngữ cơ thể của chúng nói lên rằng: "Mẹ ơi, con không ổn".
Nhiều trẻ âm thầm chịu đựng chuyện bị bắt nạt khi đi học mà không dám nói với bố mẹ. Ảnh: El Tribuno
3. Điểm số xuống dốc
Nếu trẻ thường có kết quả học tập tốt nhưng điểm số đang dần đi xuống trong thời gian gần đây, đó có thể là dấu hiệu của việc bị bắt nạt. Trẻ bất an khi ở trường thường gặp khó khăn trong việc tập trung nghe giảng hoặc làm bài tập về nhà.
4. Nghỉ chơi với bạn bè
Trẻ con thường xuyên thay đổi bạn theo từng giai đoạn, tuy nhiên nếu trẻ không có bất cứ người bạn nào, đây là dấu hiệu xấu. Bạn có thể nhận ra bằng cách biết con ăn trưa một mình ở trường hoặc không thấy những người bạn từng thân thiết của con ghé nhà chơi như trước.
Khi trẻ nói "Không ai thích con cả", bạn đừng nên coi nhẹ. Những kẻ bắt nạt thường muốn cô lập nạn nhân.
5. Không hứng thú với những thứ từng rất thích
Cảm giác không thỏa mãn là dấu hiệu quan trọng của sự bế tắc, chán nản. Nếu trẻ mất cảm giác với món ăn, trò chơi hoặc thú vui từng rất thích, bạn cần chú ý. "Nỗi buồn nhỏ luôn tồn tại trong cuộc sống. Nhưng khi bắt đầu trở nên tuyệt vọng, thiếu niềm vui và vẻ rạng rỡ, con bạn đang có nhiều nỗi buồn sâu kín bên trong. Điều này có thể xuất phát từ việc bị bắt nạt hoặc rất nhiều nguyên nhân khác. Bạn không có cách nào biết sự thật nếu không hỏi", Stan Davis, nhà nghiên cứu về nạn bắt nạt người Mỹ nói trên Real Simple.
6. Thường xuyên mất đồ
Ngoài dấu hiệu dễ nhận ra như các vết xước hay thâm tím trên cơ thể, trẻ có thể bị bắt nạt theo cách đe dọa trấn đồ. Nếu thấy con thường xuyên mất đồ chơi, dụng cụ học tập, quần áo, tiền, điện thoại hoặc thậm chí ăn ngấu nghiến khi trở về nhà (do bị cướp bữa trưa), bạn nên tìm hiểu nguyên nhân. Khi bị bắt nạt liên tục, trẻ thường nói dối làm mất đồ hoặc không bịa ra được nguyên nhân hợp lý.
7. Sợ đi xe buýt của trường
Với những đứa trẻ thích bắt nạt bạn học, xe buýt của trường là địa điểm hoàn hảo. Giám sát nhiều đứa trẻ cùng lúc là việc khó khăn, nhất là khi người lớn duy nhất trên xe lại là tài xế. Hơn nữa, một đứa trẻ bị bắt nạt trên chiếc xe buýt đang chạy sẽ không có cách tẩu thoát để bảo vệ bản thân.
Dấu hiệu đáng lo ngại là trẻ tỏ ra sợ hãi khi phải lên xe buýt, cố tình nhỡ chuyến hay tìm lý do để đi phương tiện khác. Trẻ cũng có thể nói bóng gió về "một người bạn" bị bắt nạt trên xe buýt. Nếu tình trạng kéo dài, trẻ dễ né tránh các tình huống tương tự như đi ôtô đông người.
8. Nhịn đi vệ sinh đến khi về nhà
Phụ huynh cần nhìn vào thực tế rằng các vụ bắt nạt ít khi diễn ra ngay trên sân trường mà ở những nơi kín đáo, không có người lớn giám sát như cổng sau, góc khuất chân cầu thang, hành lang, đặc biệt là nhà vệ sinh. Trừ trường hợp đặc biệt, không học sinh nào muốn nhịn giải quyết nhu cầu ở trường.
9. Tự ti
Bị bắt nạt ảnh hưởng xấu đến lòng tự trọng của mỗi người, hoặc sự tự ti cũng chính là nguyên nhân khiến trẻ rơi vào "tầm ngắm" của những kẻ bắt nạt ngay từ đầu. Jan Urbanski (Đại học Clemson, Mỹ) giải thích: "Một khi trẻ trở thành nạn nhân của bắt nạt học đường, chúng bắt đầu nghĩ có lẽ mình làm sai, có lẽ mình chưa đủ tốt".
10. Bắt nạt trẻ nhỏ hơn
Đối với một số trẻ, khi không thể phản kháng kẻ bắt nạt mình, chúng tìm cách giải tỏa bằng cách bắt nạt những đứa trẻ khác hoặc anh chị em trong gia đình. "Nếu phát hiện con bắt nạt người khác, bạn hãy bắt con chịu trách nhiệm, nhưng đồng thời tìm hiểu con có bị ai bắt nạt như vậy hay không", Urbanski khuyên.
Theo VNN
Chưa bỏ biên chế, giáo viên đã bị hiệu trưởng dọa cho 'đứng đường' Theo TS Vũ Thu Hương, nếu bỏ biên chế, hiệu trưởng là người có quyền tuyển dụng và quyết định số phận của giáo viên. Ai dám đảm bảo hiệu trưởng sẽ công tâm, làm việc trách nhiệm? Thông tin Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra tại buổi tiếp xúc cử tri tại Bình Định sẽ thí điểm bỏ biên...