Dạy con để không bị bạo hành ở trường mầm non
Theo TS Vũ Thu Hương, trước khi đi học mầm non, con cần thành thạo các kỹ năng cơ bản như tự xúc ăn, đi vệ sinh, biết gọi cô giáo khi có chuyện bất ổn.
Từ đầu năm 2017, nhiều vụ bạo hành trẻ em gây xôn xao dư luận. Theo một số phụ huynh, khi trẻ mầm non bị đánh, cha mẹ cũng nên xem xét lại nguyên nhân từ phía gia đình.
Nếu cha mẹ có tư tưởng giao phó hoàn toàn con cho các cơ sở mầm non, áp lực nghề nghiệp khiến các cô dễ “nổi khùng”.
Không ‘trông cậy’ hết vào trường mầm non
Chị Hồng Linh (Đống Đa, Hà Nội) nêu quan điểm phụ huynh cũng nên thấu hiểu cho giáo viên, đừng thấy con mình bị bầm tím là nghĩ ngay việc cô giáo bạo hành.
Nhìn lại các vụ việc, có thể thấy nguyên nhân cô giáo đánh trẻ thường xuất phát từ nhu cầu của con như ăn, ngủ, đi vệ sinh. Vậy trước khi giao phó cho nhà trẻ, cha mẹ cần bảo vệ con bằng cách dạy một số kỹ năng cần thiết để bé ăn, ngủ ngoan.
Video đang HOT
Clip giáo viên trường Sen Vàng dùng dép đánh trẻ khiến nhiều người bức xúc. Ảnh cắt từ clip.
Từ câu chuyện trường Mầm non Sen Vàng (Hà Nội), chị Linh cho biết bản thân không thấy sợ khi các cô xịt nước lạnh vào người cháu để làm vệ sinh. Trên thực tế, nhiều câu chuyện đáng sợ hơn.
“Có những cô giáo dọa trẻ không được đi vệ sinh tại lớp học mà phải ‘nhịn’ đến khi về nhà, từ đó mà gây ra bệnh”, chị Linh kể.
Bạn Yến Nhi bình luận: “Nếu ai làm giáo viên mầm non mới có thể thấy được áp lực của nghề. Một cô giáo cùng lúc phải trông khoảng 30 trẻ, lại soạn giáo án, làm đồ chơi cho các con”.
Theo bạn Yến Nhi, cha mẹ có tâm lý trông cậy tất cả vào cô giáo mầm non sẽ tạo nên áp lực lớn cho giáo viên, đồng thời thiếu sự chăm sóc, dạy dỗ của cha mẹ, các bé cũng không có các kỹ năng tốt.
Cách dạy con để không bị bạo hành
TS Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, cho hay ở Việt Nam, lớp học quá đông, kỹ năng chăm sóc trẻ của nhiều cô còn kém. Vì thế, các con cần được học kỹ năng sống cơ bản trước khi đến trường.
TS Vũ Thu Hương cho rằng trước khi học mầm non, trẻ cần phải biết một số kỹ năng cơ bản như tự xúc ăn, tự đi vệ sinh, biết gọi cô giáo khi có chuyện bất ổn.
Ngoài ra, con cần có những kỹ năng tự vệ đơn giản như không cho ai động vào vùng kín của mình, không nhận quà của người lạ, không chạy ra đường, biết mách cha mẹ khi có ai làm con hoảng sợ.
Khi mới đi học lớp mầm non, con còn quá nhỏ để biết làm thế nào không bị cô giáo đánh. Nếu cha mẹ nói có những cô giáo bạo hành, bé sẽ rất sợ đi lớp. Vì vậy, cha mẹ cần lắng nghe và quan sát thái độ của con khi lần đầu gặp mặt cô giáo.
Có những cô mà trẻ yêu quý, nghĩa là những người rất yêu thương con. Con đã nhận được tín hiệu tình yêu từ họ. Với những người mà con mới nhìn thấy đã khóc thét, có thể giáo viên đó bạo hành trẻ.
Khi về nhà, cha mẹ nên theo dõi hay giám sát để biết cô giáo có bạo hành con hay không bằng cách chơi trò tập kịch hàng ngày. Cha mẹ đóng vai học sinh, con đóng vai cô giáo. Lúc đó, con diễn lại mọi việc xảy ra trong ngày cho bố mẹ xem mà không cần phải hỏi han gì cả.
Cách chọn trường học an toàn
TS Vũ Thu Hương tư vấn để trẻ đi học mầm non không bị đánh, trước tiên, cha mẹ cần thông thái trong cách chọn trường cho con.
Thứ nhất, về giấy phép hoạt động của trường: Nếu là trường công lập, cha mẹ không cần lo lắng. Trường tư thục cần có biển hiệu ghi rõ phòng GD&ĐT quận. Cha mẹ tuyệt đối không đưa con vào các cơ sở trông giữ trẻ không có biển hiệu hay giấy phép.
Thứ hai, phụ huynh khéo léo yêu cầu giấy phép về chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, các cơ sở chui thường không có loại giấy này.
Thứ ba, cha mẹ yêu cầu về bằng cấp của cô giáo.
Thứ tư, khuôn viên trường cần sạch và phù hợp với con. Ví dụ, cầu thang cần thấp, sân rộng rãi và được trồng bằng cỏ, đồ chơi an toàn. Phụ huynh nên ưu tiên chọn những trường có sân chơi cát vì giúp con phát triển tốt các kỹ năng.
Thứ năm, khuôn viên lớp học cần rộng, bố trí phù hợp và không quá ngăn nắp. Lý do là nếu lớp học có nhiều đồ chơi mà ngăn nắp quá, chứng tỏ chỉ để đó cho phụ huynh nhìn thấy và các con cũng không được chơi.
Bố mẹ quan sát thấy trường đảm bảo các điều kiện trên thì có thể yên tâm gửi con.
Theo Zing