Dạy chữ Việt ở Savanakhet: Những “đại sứ” gắn kết tình hữu nghị Việt – Lào!
Với niềm khát khao đứng lớp, các giáo viên Quảng Trị đã tình nguyện sang Savanakhet (Lào) dạy học. Đội ngũ giáo viên trẻ đã vượt qua những trở ngại về khác biệt ngôn ngữ, đời sống văn hóa… để hoàn thành tốt nhiệm vụ trên đất nước bạn Lào.
Những “đại sứ” tình nguyện
Thực hiện sự hợp tác, thỏa thuận giữa chính quyền tỉnh Quảng Trị, Sở GD-ĐT và Hội Những người Việt Nam tại Savanakhet (Lào), hàng năm ngành Giáo dục đều cử giáo viên sang dạy chữ cho con em cộng đồng người Việt tại Lào. Hoạt động này đã được duy trì 10 năm qua, góp phần nâng cao khả năng tiếng Việt cho học sinh.
Dạy chữ Việt ở Savanakhet.
Sau quá trình chọn lọc ở địa phương, Phòng Giáo dục giới thiệu, các giáo viên phải trải qua vòng tuyển chọn do Sở GD-ĐT chủ trì. Việc cử giáo viên dựa vào yêu cầu, số lượng do Hội Những người Việt Nam tại Lào đưa ra.
Dựa vào các tiêu chí trên, ngành Giáo dục tiến hành phỏng vấn, xét chọn những cá nhân đáp ứng yêu cầu về chuyên môn để ưu tiên cử sang Lào dạy học, cũng là thực hiện nhiệm vụ với nước bạn.
Buổi học của cô và cháu trường Mẫu giáo Lạc Hồng tại tại Savanakhet (Lào).
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, các giáo viên được cử đi ngoài việc có chuyên môn tốt, có khả năng giao tiếp, nhằm đảm bảo uy tín, sự tin tưởng của phía Lào.
Để thuận tiện trong việc tìm hiểu về hoạt động dạy học tại Lào, TS. Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị đã trực tiếp liên hệ, giới thiệu chúng tôi với Hội Những người Việt Nam tại tỉnh Savanakhet của Lào, nơi có đông đảo cộng đồng người Việt sinh sống.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Trần Sái – Phó Chủ tịch Hội Những người Việt Nam tại tỉnh Savanakhet (Lào) nói rằng, tại thành phố có khoảng 750 hộ dân gốc Việt, với dân số khoảng 4.000 người. Việc cho con học tiếng Việt là nhu cầu của đông đảo phụ huynh ở đây.
Chia sẻ về việc dạy chữ Việt cho học sinh tại Lào, ông Sái cho hay, tại Savanakhet có 4 cơ sở giáo dục có học sinh Việt theo học, gồm: Trường mẫu giáo Lạc Hồng, trường Tiểu học Thống Nhất, trường hữu nghị Lào – Việt. Tại thị trấn Sê Nô còn có trường Tiểu học Nguyễn Trãi.
Ngoài ra, có thêm trường tư nhân Tiểu học Hoàng Oanh, dạy mầm non và tiểu học. Số lượng học sinh tại các cơ sở này gần 900 học sinh.
Các trường học được đặt tiếng Việt, cũng là cách để nhớ về quê hương bản xứ, về đất nước, nhớ tới truyền thống của dân tộc.
Trường học mang tên tiếng Việt, có đông đảo học sinh con em Việt kiều và con em người Lào theo học.
Ông Trần Sái cho biết, học sinh theo học tại các trường này chủ yếu là học sinh Việt kiều, có một số học sinh Lào. Các cháu học tập song ngữ, theo chương trình của Bộ Giáo dục Lào và Việt Nam.
Yêu trẻ như con!
Dẫn chúng tôi đến thăm trường mẫu giáo Lạc Hồng tại trung tâm tỉnh Savanakhet, ông Sái cho hay, ngôi trường này có từ trước giải phóng và tồn tại đến tận ngày nay.
Dù đã quá trưa nhưng tiếng đọc chữ vẫn vang vọng trong các phòng học. Dẫu tiếng đọc vẫn chưa tròn vần, những lời hát chưa thuần thục nhưng mọi người vẫn có thể cảm nhận được tiếng quê hương trên đất bạn Lào.
Cô Sương cùng cộng sự hướng dẫn cho các cháu.
Tham gia dạy học tại Savanakhet năm thứ hai, cô giáo Hoàng Thị Mai Sương (SN 1996, quê ở xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã quen và thân thiện hơn với học trò. Cô Sương không còn thấy bỡ ngỡ như lần đầu mới sang đây dạy chữ.
Cô Sương tâm sự: “Hồi mới sang đây em thấy rất bỡ ngỡ, mọi thứ đều lạ lẫm. Đời sống văn hóa khác, ngôn ngữ chưa thành thạo, chưa hiểu về cách học tập tại trường này. Khó khăn về ngôn ngữ cũng là trở ngại cho chúng em trong công việc. Tuy nhiên, chúng em đã cố gắng học hỏi nhau để thích ứng dần với sự thay đổi, nhằm thực hiện nhiệm vụ tốt hơn”.
Cô giáo Sương cho hay, dẫu dạy học ở đâu thì chúng em đều xem các cháu như con, em của mình.
Trong quá trình giảng dạy học sinh, nhờ có đội ngũ giáo viên Việt kiều nên mọi việc cũng trở nên dễ dàng hơn. Vì các cô giáo tại đây quen với học sinh nên hai bên có sự hỗ trợ qua lại, góp ý, trao đổi với nhau về ngôn ngữ, chương trình dạy học.
Với sự giúp đỡ, hỗ trợ của giáo viên Việt kiều, các giáo viên Quảng Trị nhanh chóng nắm bắt cách quản lý và giảng dạy tốt hơn.
Người cộng sự cùng đứng lớp với cô Sương là cô giáo Châu Thị Kim Xuân (SN 1995, sinh ra ở Lào). Kim Xuân cho biết, ba mẹ cô đều là người Việt, nhưng cô sinh ra và lớn lên ở Lào.
“Trong quá trình dạy, chúng em cũng thường xuyên trao đổi với nhau về cách quản lý lớp, cách truyền dạy kiến thức cho các cháu. Vì bậc mầm non nên việc truyền đạt cho các cháu hiểu về ngôn ngữ rất quan trọng. Làm sao để các cháu yêu thích thì việc học mới hiệu quả”, cô Xuân nói.
Tận tâm với học trò, gắn nhiệm vụ với trách nhiệm
Được cử sang Lào dạy học, cô giáo Lê Thị Nhãn (SN 1996, quê ở xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong) xác định, đây vừa là nhiệm vụ nhưng còn là trách nhiệm với học sinh, với cộng đồng người Việt tại Lào. Nhiệm vụ này góp phần thắt chặt thêm tình hữu nghị lâu bền giữa hai nước.
Cô Nhạn cho hay, lúc mới sang do chưa hiểu biết nhiều tiếng Lào nên việc giao tiếp có phần khó. Nhưng được sự hỗ trợ của các giáo viên trong trường và Hội Những người Việt Nam tại Lào nên quen dần, hoạt động dạy học cũng tốt hơn nhiều.
Sau quá trình giảng dạy, cô và trò trở nên thân thiện hơn.
Sau một năm công tác tại Lào, điều cô giáo Nhạn cũng như các giáo viên khác mong muốn là học sinh hiểu được nhiều tiếng Việt, giao tiếp tốt, khả năng sử dụng ngôn ngữ thuần thục hơn.
Cô giáo Nguyễn Thị Hương – Hiệu trưởng trường Mầm non Lạc Hồng cho biết: Nhằm tạo điều kiện cho học sinh nâng cao khả năng hiểu biết về tiếng Việt, nhà trường cũng bố trí số lượng tiết học hợp lý, có thể tăng lên trong mỗi tuần.
Tuy vậy, việc dạy học tiếng Việt cũng có nhiều khó khăn vì có con em của người Lào cùng tham gia học tập. Nhưng với sự nỗ lực cố gắng của cô và trò, các khó khăn dần được khắc phục, khả năng nghe và nói tiếng Việt của học sinh dần tốt hơn.
Theo Hội Những người Việt Nam tại tỉnh Savanakhet, tham gia dạy học tại các trường học có khoảng 50 giáo viên. Trong đó, giáo viên từ Việt Nam sang dạy học khoảng 11 người (10 giáo viên Quảng Trị và 1 giáo viên của Bộ GD-ĐT). Khoảng 10 giáo viên là người Việt kiều, số còn lại là giáo viên người Lào.
Đăng Đức
(còn nữa)
Theo Dân trí
'Cái tát' vào bệnh thành tích: Sẽ chấn chỉnh lệch lạc trong phong trào thi đua
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng việc thi đua trong ngành vẫn cần thiết nhưng Bộ sẽ tăng cường rà soát để chấn chỉnh những lệch lạc trong việc tổ chức thi đua ở cơ sở.
Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT
Bà Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng mục tiêu giáo dục không phải chỉ "dạy chữ" mà quan trọng hơn là phải "dạy người". Nhiệm vụ giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh (HS) là yêu cầu bắt buộc, vì thế mọi thành viên trong nhà trường đều phải có trách nhiệm. Các phong trào thi đua của tổ chức Đoàn, Hội, Đội cũng hết sức quan trọng, luôn thu hút được đông đảo HS tham gia, qua đó các em được học tập, rèn luyện và trưởng thành. Việc thi đua "dạy tốt, học tốt" trong nhà trường từ xưa đến nay vẫn là động lực và mục tiêu phấn đấu của mỗi giáo viên (GV), HS.
Không có quy định nào đánh giá, xếp loại GV bằng tỷ lệ hs giỏi
Thưa bà, dù phong trào "Nói không với bệnh thành tích trong GD-ĐT" đã được thực hiện nhiều năm qua nhưng GV và các cơ sở giáo dục vẫn nhiều lần lên tiếng cho rằng quá áp lực bởi các phong trào thi đua. Theo bà, các cuộc thi như vậy có cần thiết?
Hiện nay, toàn ngành giáo dục đang triển khai phong trào thi đua "đổi mới sáng tạo trong dạy và học" với những nội dung và tiêu chí đánh giá thi đua rất cụ thể cho từng tập thể, cá nhân, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, HS, sinh viên.
Bộ đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục cụ thể hóa nội dung, tiêu chí đánh giá phù hợp với điều kiện của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, cấp học, trình độ đào tạo, đảm bảo hiệu quả thiết thực, tránh phô trương hình thức. Việc triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua "đổi mới sáng tạo trong dạy và học" sẽ có tác động rất lớn trong việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã quyết liệt chỉ đạo, từng bước khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong toàn ngành. Với tính chất và biểu hiện phức tạp của căn bệnh thành tích, đòi hỏi phải kiên trì, có các giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc không chỉ ngành giáo dục mà cả các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Đối với các cuộc thi dành cho GV và HS, Bộ đã chỉ đạo rà soát, tinh giảm từ nhiều năm qua. Yêu cầu các địa phương, đơn vị chỉ tổ chức một số cuộc thi gắn liền với hoạt động dạy học của chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo, phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực GV và HS; không tổ chức đội tuyển, không xét giải tập thể và lấy thành tích của cuộc thi để xét thi đua đối với đơn vị tham gia.
"Bộ GD-ĐT tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông tới người dạy, người học, cha mẹ học sinh và toàn xã hội về yêu cầu dạy và học thực chất"
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa
Thực hiện yêu cầu này, mỗi cuộc thi nếu được tổ chức sẽ bảo đảm đúng là sân chơi dành cho GV, HS có sở trường, hứng thú, hoàn toàn tự nguyện và không có bất kỳ áp lực nào.
Việc đánh giá, xếp loại GV, cơ sở giáo dục có nên căn cứ vào tỷ lệ HS giỏi, đỗ đạt hay nên có những thước đo khác sát sao hơn, hướng tới sự tiến bộ của người học hơn, thưa bà?
Theo quy định của luật Thi đua khen thưởng, Bộ GD-ĐT không quy định tiêu chuẩn, tiêu chí thi đua, công nhận các danh hiệu thi đua và xét khen thưởng cho GV, cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông của các địa phương. Việc hướng dẫn tiêu chuẩn, tiêu chí thi đua, xét khen thưởng hằng năm cho GV, cơ sở giáo dục của địa phương thuộc thẩm quyền của UBND cấp quận/huyện, tỉnh/thành phố. Bộ GD-ĐT chỉ quy định việc khen thưởng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông qua phong trào thi đua "Đổi mới sáng tạo trong dạy và học"; khen thưởng chuyên đề; khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đột xuất.
Việc đánh giá xếp loại GV được thực hiện theo quy định của luật Viên chức, Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 9.6.2015 của Chính phủ; Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành các quy định về chuẩn nghề nghiệp GV, chuẩn hiệu trưởng các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; quy định về tiêu chuẩn, quy trình công nhận trường chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông... Các văn bản này thường xuyên được rà soát, sửa đổi để loại bỏ những quy định có thể dẫn đến bệnh thành tích.
Trong các văn bản quy phạm pháp luật quy định về đánh giá, xếp loại GV, không có quy định đánh giá, xếp loại GV căn cứ vào tỷ lệ HS giỏi, đỗ đạt để làm thước đo. Các tiêu chuẩn, tiêu chí đều hướng tới mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực HS, tạo ra sự tiến bộ của HS trong học tập, rèn luyện, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh dân chủ, phòng, chống bạo lực học đường, văn hóa nhà trường.
Dự giờ không còn là mục tiêu xếp loại giáo viên
Từ nhiều năm qua, Bộ GD-ĐT chỉ đạo đổi mới tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn trong trường phổ thông theo hướng tăng cường tự chủ xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường, trong đó tăng cường sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn dựa trên phân tích hoạt động học của HS. Việc dự giờ hiện nay không còn là mục tiêu để đánh giá, xếp loại GV mà tập trung phân tích, rút kinh nghiệm để đổi mới phương pháp dạy học.
Không áp đặt chỉ tiêu thi đua quá cao so với năng lực
Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã có những thay đổi gì về việc ban hành các quy định, chính sách, hướng dẫn... để giúp công tác thi đua khen thưởng trở nên thực chất và trở về đúng mục tiêu của các phong trào thi đua hơn?
Ngày 28.8.2018, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 22 về hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành giáo dục. Thông tư đã được xây dựng theo hướng đổi mới: coi trọng khen đột xuất, khen thành tích xuất sắc, khen thưởng qua phong trào thi đua; thành tích đến đâu, khen đến đó. Công khai minh bạch thông tin, thành tích của tập thể, cá nhân trên website, phương tiện thông tin của đơn vị trước khi đề nghị khen thưởng. Chú trọng khen thưởng người trực tiếp lao động (bảo đảm không quá 1/3 là cán bộ quản lý), lấy kết quả đánh giá, xếp loại công chức, viên chức, người lao động làm căn cứ chủ yếu để xét thi đua, khen thưởng.
Đổi mới cơ bản việc xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn thi đua sát thực tế, ngắn gọn, bảo đảm tính định lượng, rõ ràng, công khai, có minh chứng, sản phẩm khi đánh giá. Các tiêu chí thi đua tập trung đánh giá sự tiến bộ của chính cá nhân, tập thể so với năm trước. Cơ quan quản lý giáo dục các cấp không áp đặt chỉ tiêu thi đua quá cao so với năng lực thực tế của mỗi tập thể, cá nhân, không chạy theo thành tích.
Bộ sẽ giám sát việc thực hiện những thay đổi đó như thế nào ở cấp cơ sở?
Thời gian tới, Bộ GD-ĐT tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông tới người dạy, người học, cha mẹ HS và toàn xã hội về yêu cầu dạy và học thực chất. Cổ vũ, động viên, tôn vinh gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học, tạo môi trường lành mạnh và sự đồng thuận trong nhà trường và cả xã hội để phát triển giáo dục.
Chú ý tới việc hướng dẫn tổ chức thực hiện ở cấp cơ sở không cực đoan, máy móc, tạo áp lực, hình thức trong thực hiện phong trào thi đua. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức và thực hiện thi đua khen thưởng ở các địa phương, đơn vị trường học để kịp thời chấn chỉnh những lệch lạc trong việc tổ chức các phong trào thi đua.
Theo thanhnien
Lời khuyên giúp trẻ 18-24 tháng tuổi phát triển ngôn ngữ Đọc cùng con, luôn coi chúng là đứa trẻ thông minh, sử dụng câu hoàn chỉnh và ngữ pháp phù hợp là những cách khiến con nói tốt hơn. Trẻ mới biết đi liên tục học ngôn ngữ từ bố mẹ. Bác sĩ Jamie Loehr và Jen Meyers (Mỹ), tác giả cuốn sách nổi tiếng về nuôi dạy con - Raising your child,...