Đầu Xuân gặp chàng sinh viên 5 năm học đại học, hiến máu gần 20 lần
Hai năm theo học ngành sư phạm tin học của Trường ĐH Đồng Tháp, nhưng vì đam mê công tác tình nguyện, năm 2017, Huỳnh Thanh Thương (23 tuổi; ngụ xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) quyết định thi lại đại học ngành công tác xã hội, để có chuyên môn tổ chức hoạt động thiện nguyện, mang yêu thương sẻ chia với cộng đồng.
Huỳnh Thanh Thương trong lần tham gia hiến máu tình nguyện
Thông qua các hoạt động tình nguyện đã giúp Thương nhận rất nhiều bằng khen, giải thưởng cao quý từ Trung ương Đoàn.
Đổi ngành để hoạt động xã hội
Từ những ngày học cấp 3, Thương thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách; tổ chức hoạt động cho thiếu nhi. Năm 2015, bước chân vào giảng đường đại học, môi trường rộng mở, Thương càng có nhiều cơ hội thỏa mãn đam mê công tác Đoàn. “Chọn học ngành công tác xã hội là cách giúp tôi trang bị cho bản thân những kiến thức, kỹ năng cần thiết để thực hiện tốt hơn các hoạt động tình nguyện xã hội và công tác Đoàn, hội”, Thương chia sẻ lý do đổi ngành học.
Đầu Xuân, ngồi uống cà phê và trò chuyện, Thương kể với tôi: “Trong một lần đến thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, vừa bước chân vào cổng, những đứa trẻ ùa ra ôm chặt lấy tôi, gọi: “ba, ba”… thực sự lúc đó làm tôi rất xúc động”.
Huỳnh Thanh Thương nhận rất nhiều danh hiệu trong hoạt động công tác Đoàn
Thương nhớ lại ngày xưa mình cũng từng là đứa trẻ mồ côi, thiếu thốn tình cảm như các em. Từ chuyến đi thực tế đó, hình ảnh các em đã thôi thúc Thương gắn bó nhiều hơn với hoạt động từ thiện xã hội.
Ba mẹ ly hôn lúc mới 2 tuổi, Thương sống với ông bà nội. Đến tuổi đi học, Thương buổi đi học, buổi đi làm thuê, phụ giúp ông bà. “Lúc thi đại học lại có kết quả về nhà báo tin, bà nội biết đậu ngành công tác xã hội. Lúc đó, bà nội phản ứng dữ lắm! Bởi, bà thấy tiếc công 2 năm học hành tốn kém tiền bạc. Nhưng khi theo học ngành công tác xã hội thấy tôi đam mê và tổ chức được nhiều hoạt động tình nguyện giúp đỡ mọi người, bà nội rất vui vì thấy tôi làm việc có thiện nghĩa”, Thương tâm sự.
Video đang HOT
Huỳnh Thanh Thương (bìa trái) cùng các bạn đoàn viên đi thăm tặng quà người dân có hoàn cảnh khó khăn
Những chuyến đi hoạt động tình nguyện, Thương thấy các em có ba mẹ vỗ về, làm cho bản thân cảm thấy tủi trong lòng! Giờ, Thương vượt qua được những tháng ngày đó, nên muốn giúp đỡ, sẻ chia với những đứa trẻ thiệt thòi. Vì thế, trong những chuyến thiện nguyện, Thương đến nhiều nhất là các trung tâm bảo trợ xã hội, nơi có trẻ khuyết tật. Ở đó, sẽ giúp Thương có sự đồng cảm và được tiếp thêm động lực đi theo con đường thiện nguyện. “Trước đây, tôi từng trải qua nhiều khoảng thời gian khó khăn, nên giờ muốn thông qua việc tổ chức các hoạt động tình nguyện có thể giúp đỡ phần nào cho những hoàn cảnh khó khăn có thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống, qua đó giúp bản thân trưởng thành hơn”, Thương thổ lộ.
5 năm học đại học, hiến máu gần 20 lần
Với kinh nghiệm hoạt động Đoàn từ những năm học cấp 3, những ngày đầu bước vào môi trường đại học, Thương tích cực tham gia các hoạt động. Thương có thời gian 5 năm theo các hoạt động tình nguyện, chàng sinh viên đã liên tục tổ chức hàng loạt hoạt động tình nguyện. Trong đó, Thương tổ chức và tham gia chương trình “Giọt máu nghĩa tình”, “Ngày Chủ nhật đỏ”,… Thông qua các hoạt động đó, Thương trực tiếp tham gia hiến máu gần 20 lần, có năm hiến đến 4 lần, và vận động đoàn viên, hội viên của Trường ĐH Đồng Tháp hiến tặng hơn 100 đơn vị máu cứu người.
Thương còn tổ chức hàng loạt những hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho người già neo đơn, mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng; tổ chức chương trình “Rằm trung thu”, “Đêm hội trăng rằm”, “Trung thu cho em”, “Xuân tình nguyện”, “Đông ấm áp – Tết sẻ chia”. Trong đó, hoạt động “Đông ấm áp – Tết sẻ chia”, nhằm hỗ trợ và chia sẻ khó khăn với hộ nghèo, trẻ em, người già neo đơn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Thương đã vận động sinh viên, mạnh thường quân hỗ trợ hàng trăm suất quà và học bổng tặng cho học sinh nghèo, hộ nghèo với tổng giá trị gần 30 triệu đồng. “Ở môi trường đại học, con đường tình nguyện của tôi thật sự rộng mở. Môi trường tình nguyện là nơi đã giúp tôi rèn luyện đạo đức, bản lĩnh, kỹ năng sống. Đặc biệt, những chuyến đi, trải nghiệm gặp gỡ những mảnh đời kém may mắn, giúp bản thân sống có ý thức và trách nhiệm hơn, và biết trân trọng những gì mình đang có”, Thương trải lòng.
Từ tháng 1-2016, Huỳnh Thanh Thương được tín nhiệm bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Trường ĐH Đồng Tháp. Với trách nhiệm được giao, Thương đề xuất tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện hiệu quả và gương mẫu tham gia, vận động sinh viên, đoàn viên thực hiện. Thương còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ sinh viên ngoại trú, đảm nhiệm việc tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của sinh viên, và lên phương án tổ chức thực hiện các chương trình “Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè”, “Tiếp sức mùa thi”, “Kỳ nghỉ xanh”, hiến máu tình nguyện, giới thiệu việc làm cho sinh viên… do khoa, trường tổ chức đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. “Để tổ chức phong trào Đoàn – hội đạt hiệu quả, bản thân luôn dành tâm huyết và gương mẫu đi đầu trong thực hiện. Ngoài ra, căn cứ vào từng thời điểm để lập kế hoạch tổ chức hoạt động cụ thể, phù hợp thực tế và duy trì hoạt động hiệu quả lâu dài”, Thương chia sẻ kinh nghiệm công tác Đoàn.
Anh Lê Phước Vinh, Phó Bí thư Đoàn Trường ĐH Đồng Tháp, nhận xét: “Bạn Huỳnh Thanh Thương là cán bộ Đoàn – hội tiêu biểu của Trường ĐH Đồng Tháp. Với nhiệm vụ được giao, Thương tham gia trong vai trò ban tổ chức hỗ trợ thực hiện các phong trào, và góp phần rất lớn vào việc tổ chức các phong trào, hoạt động Đoàn – hội của trường đạt kết quả cao trong thời gian qua. Ngoài ra, Thương còn tích cực trong học tập và nhiệt tình trong tham gia các phong trào thể dục, thể thao của trường. Thương được công nhận huấn luyện viên cấp I Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam”.
Đam mê các hoạt động tình nguyện, giúp đỡ người khác nhưng Thương cũng nỗ lực từng ngày để tự lo cuộc sống, việc học tập của mình. Bởi, bà nội của Thương năm nay đã 75 tuổi, không giúp gì được nhiều cho Thương nữa. Từ những ngày bước chân vào giảng đường đại học, Thương làm thuê đủ các nghề, kiếm tiền trang trải việc ăn học.
Thời gian qua, Huỳnh Thanh Thương nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thành tích xuất sắc trong công tác chữ thập đỏ trường học, bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác hội và phong trào sinh viên của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, bằng khen cuộc vận động “Sinh viên Việt Nam – Những câu chuyện đẹp” của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, giấy chứng nhận “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” của Tỉnh đoàn Đồng Tháp,…
Bài và ảnh: NHA MÂN
Theo nld.com.vn
Nhóm sinh viên đầu tiên nghiên cứu về người song tính
"Rào cản trong công khai xu hướng tính dục của người song tính" là một trong những đề tài nghiên cứu khoa học đã xuất sắc giành giải Nhất sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2018.
Tác giả của đề tài là một nhóm sinh viên đang theo học ngành Công tác xã hội và ngành Thái Lan học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.
Đại diện nhóm nghiên cứu, Phạm Kim Anh - sinh viên K60 ngành Công tác xã hội, cho biết, LGBT là cộng đồng những người thuộc các thiên hướng tính dục và bản dạng giới thiểu số trong xã hội. LGBTQ là viết tắt của Lesbian - đồng tính luyến ái nữ , Gay - đồng tính luyến ái nam, Bisexual - song tính luyến ái, Transgender - người chuyển giới và Queer - là từ lóng chỉ các thiểu số tính dục khác (hoặc chỉ những hành vi, bản dạng ko theo quy chuẩn xã hội).
Thiên hướng tính dục của con người được chia thành ba loại chủ yếu: dị tính luyến ái, đồng tính luyến ái và song tính luyến ái, còn theo bản dạng giới thì phân thành: người chuyển giới và người không chuyển giới. Người song tính phải chịu nhiều những định kiến hơn không chỉ từ những người dị tính mà còn từ những người trong cộng đồng LGBTQ .
Kim Anh cho biết, sau khi triển khai đề tài, nhóm càng muốn đi sâu vào nghiên cứu về những rào cản trong việc công khai giới tính của người song tính (viết tắt là NST). Những rào cản chính ấy bao gồm: rào cản từ phía gia đình; rào cản từ phía bạn bè; trong các mối quan hệ về tình yêu; môi trường học đường và một số yếu tố khác.
Từ trước đến nay tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu chuyên sâu nào về rào cản trong công khai xu hướng tính dục của NST.
Nhóm sinh viên đầu tiên nghiên cứu về người song tính
Nhắc đến tính mới trong quá trình nghiên cứu đó chính là sự riêng biệt và chuyên sâu về NST dựa trên quyền và nhu cầu của họ. Cụ thể trong việc nghiên cứu về những rào cản trong quá trình công khai xu hướng tính dục - đây là vấn đề mà không chỉ NST nói riêng mà cộng đồng LGBTQ nói chung luôn quan tâm và mong muốn nhận được sự thấu hiểu từ xã hội.
Trong bài nghiên cứu, nhóm tác giả đã dựa trên những tài liệu thứ cấp về những tổ chức xã hội nghiên cứu về cộng đồng LGBTQ , kết hợp với những kết quả thu thập được từ phỏng vấn sâu, điều tra bằng bảng hỏi, trưng cầu ý kiến qua mạng Internet, qua đó nhận diện được những rào cản cản trong quá trình công khai xu hướng tính dục của người song tính trên các phương diện: gia đình, bạn bè, mối quan hệ tình yêu, môi trường học đường, tôn giáo, truyền thông, môi trường làm việc.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra các rào cản trong quá trình công khai xu hướng tính dục thì gia đình chính là rào cản lớn nhất mà họ gặp phải. Các rào cản đều có sự tác động qua lại lẫn nhau và đều có mức độ ảnh hưởng nhất định đến bản thân NST. Các yếu tố nêu trên chỉ thực sự trở thành rào cản khi trong nội tại NST coi đó là rào cản, bản thân NST là người quyết định cuối cùng có hay không công khai xu hướng tính dục của mình.
Qua nghiên cứu cho thấy đề tài có giá trị thực tiễn cao trong việc tạo một nguồn thông tin khoa học và đáng tin cậy, làm cơ sở cho việc xây dựng những mô hình trợ giúp NST nói riêng và cộng đồng LGBTQ nói chung. Để đảm bảo quyền cho cộng đồng LGBTQ thì khi xây dựng những mô hình trợ giúp cần chú ý thay đổi môi trường xung quanh thân thiện hơn, đó là thay đổi quan điểm của gia đình, bạn bè, tình yêu,... thay đổi quan niệm của xã hội đối với cộng đồng người NST và cộng đồng LGBTQ .
"Trong quá trình thực hiện đề tài này chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Rất nhiều lần khi mà tưởng chừng như mọi thứ đã dần hoàn thiện, thì một vấn đề mới lại nảy sinh buộc chúng tôi phải xem xét lại toàn bộ. Khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi có lẽ là tiếp cận khách thể nghiên cứu và làm thế nào để mọi người có thể mở lòng, chia sẻ câu chuyện của bản thân mình với chúng tôi. Thậm chí có những bạn chúng tôi phải làm quen, dần dần tiếp xúc và mất hàng tháng trời để có thể thu thập được thông tin. Càng đi sâu vào nghiên cứu, những khó khăn lại càng nhiều cùng với những áp lực từ trường lớp bài vở thực sự khiến chúng tôi nhiều lần nản chí nhưng vẫn cố gắng động viên nhau từng chút một để có thể đạt được thành quả như bây giờ" - đại diện nhóm tác giả chia sẻ.
Để bài nghiên cứu này được hoàn thiện và được ghi nhận bởi giải thưởng NCKH của ĐHQGHN, Kim Anh cũng không quên nhắc đến và gửi lời cảm ơn ThS. Bùi Thanh Minh - giáo viên hướng dẫn thực hiện đề tài. Trong quá trình hoàn thiện bài nghiên cứu, cả thầy và trò đã cùng nhau cố gắng, tạo nên sự hoàn thiện trong bài nghiên cứu này.
Hiện nay, các công bố, quyết định khẳng định quyền của cộng đồng LGBTQ đã dần được công nhận. Các tổ chức vận động và ủng hộ quyền của người LGBTQ được thành lập cũng như ngày càng có nhiều hoạt động xã hội nâng cao nhận thức cho nhiều đối tượng cũng thể hiện việc vận động quyền cho người LGBTQ đang được phát triển mạnh mẽ.
3 khó khăn khi hướng dẫn thực hiện đề tài
Trao đổi với ThS. Bùi Thanh Minh - giảng viên hướng dẫn cho nhóm sinh viên thực hiện đề tài cho biết, đề tài này được sinh viên Phạm Kim Anh, lớp K60 CTXH đề xuất từ năm học 2016-2017 nhưng không thể hoàn thành. Nhìn chung, đây là một vấn đề tương đối đa chiều, phức tạp với nhiều góc nhìn và quan điểm khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Nhưng có một sự thật không thể phủ nhận rằng, cộng đồng LGBT là một cộng đồng thiểu số, gặp phải nhiều rào cản xã hội trong việc thực hiện các quyền của mình.
Những rào cản lớn nhất đến từ sự kì thị của gia đình, bạn bè và các hệ thống xung quanh. Đặc biệt, người song tính cũng chịu sự kì thị từ trong chính cộng đồng LGBT, khi được coi là "đua đòi", "không chung thủy"... Do đó, nghiên cứu nhận diện các rào cản của người song tính để từ đó xây dựng các hoạt động hỗ trợ, biện hộ chính sách là một việc làm cần thiết.
Thầy giáo hướng dẫn và nhóm nghiên cứu
- Thưa anh, khó khăn của giảng viên khi hướng dẫn nhóm sinh viên thực hiện đề tài này là gì?
Có rất nhiều khó khăn khi thực hiện đề tài này và đó cũng là lý do mà nghiên cứu này không thể hoàn thành trong năm 2016-2017. Thứ nhất là khó khăn trong việc tiếp cận và thu thập thông tin từ các bạn sinh viên song tính. Có thể nói, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là một môi trường "nhân văn", cởi mở và tôn trọng sự khác biệt nên cũng có nhiều sinh viên thuộc cộng đồng LGBT công khai xu hướng tính dục của mình. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần rất nhỏ. Nhóm sinh viên phải sử dụng nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau dẫn đến khó khăn trong việc giúp các bạn xử lý thông tin, sắp xếp các nội dung theo logic vấn đề...
Khó khăn thứ hai là giúp sinh viên tạo ra sự khách quan trong nghiên cứu. Trong nhóm sinh viên có bạn Tuấn, là một người hoạt động rất tích cực trong phong trào bảo vệ quyền của người song tính nói riêng và cộng đồng LGBT nói chung nên ảnh hưởng đến sự khách quan của nghiên cứu. Trong khi đó, nghiên cứu khoa học là phải dựa trên bằng chứng nên không thể cảm tính.
Khó khăn thứ ba là thuyết phục hội đồng khi có các giảng viên, nhà nghiên cứu ở các lĩnh vực khác nhau như Triết học, Nhân học, Tôn giáo học...trước một vấn đề vẫn còn nhiều tranh cãi như chủ đề nghiên cứu này. Có đôi lúc cả thầy và trò phải đứng ra giải thích về phương pháp, về cách tiếp cận vấn đề để Hội đồng xem xét.
- Anh có nhận xét gì về nhóm sinh viên thực hiện đề tài?
Đây là nhóm sinh viên có sự bổ sung cho nhau rất tốt. Kim Anh là bạn chịu trách nhiệm chính có thành tích học tập và hoạt động rất tốt tại Khoa và trường. Tuấn và Linh là những bạn hoạt động tích cực trong các phong trào bảo vệ quyền của các nhóm thiểu số, trong đó có cộng đồng LGBT, phong trào bình đẳng giới...không chỉ trong phạm vi trường mà cả ngoài xã hội. Tất nhiên, còn có những hạn chế về việc quản lý thời gian, khả năng áp dụng lý thuyết, kỹ năng xử lý thông tin...nhưng với sự cố gắng không ngừng thì các bạn đều có thể có những thành tích tốt hơn trong nghiên cứu và hoạt động xã hội trong tương lai.
- Đôi điều suy nghĩ của Anh về việc hướng dẫn SVNCKH hàng năm?
Ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nói chung và Khoa Xã hội học nói riêng, nghiên cứu khoa học sinh viên luôn được chú trọng. Đây là một hoạt động giúp sinh viên có cơ hội rèn luyện, phát triển kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiên cứu, góp phần đạt được các chuẩn đầu ra, nhất là đối với các ngành khoa học cơ bản tại một trường đại học định hướng nghiên cứu. Do đó, sinh viên khi nghiên cứu khoa học luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các giảng viên, lãnh đạo Khoa cũng như lãnh đạo Nhà trường.
Thêm vào đó, việc hướng dẫn các nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học cũng giúp các giảng viên, nhất là giảng viên trẻ có thêm cơ hội để gần sinh viên, hiểu các khó khăn, rào cản của sinh viên, từ đó điều chỉnh việc giảng dạy, hỗ trợ nghiên cứu cho phù hợp.
Lê Minh Thúy - VNU Media
Theo Dân trí
Cam kết học sinh tốt nghiệp THPT được làm việc tại Nhật Bản Trung tâm giáo dục phổ thông thuộc Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cam kết 100% học sinh tốt nghiệp THPT sẽ được làm việc tại Nhật Bản với thu nhập từ 25-30tr/tháng. Học sinh trong giờ thực hành kỹ năng mềm Nhận bằng khen của UBND TP.HCM Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm giáo dục phổ thông, Trường...