Đầu tư vào giáo dục: Tiềm năng nhiều, cơ hội lớn
Hoạt động đầu tư vào lĩnh vực giáo dục của Việt Nam thời gian qua đã diễn ra khá sôi động với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Xu hướng này được dự báo sẽ vẫn tiếp diễn trong thời gian tới do ngày càng có nhiều người Việt có nhu cầu cho con em theo học tại các trường quốc tế.
Ngày càng nhiều gia đình khá giả muốn cho con theo học các trường quốc tế
Nhộn nhịp rót vốn cho giáo dục
Báo cáo phân tích về cơ hội và thách thức đầu tư giáo dục tại Việt Nam do Công ty Savills Việt Nam thực hiện cho thấy, TP.HCM là 1 trong 27 thành phố trên toàn thế giới có trên 50 trường học quốc tế. Các trường học này không chỉ giảng dạy cho con em của các gia đình người nước ngoài tại Việt Nam mà cả các gia đình người Việt mong muốn cho con mình theo học tại các cơ sở cấp chứng chỉ quốc tế. Phần lớn các trường quốc tế tại TP.HCM đều nhận được rất nhiều hồ sơ xin theo học của học sinh Việt Nam. Tuy vậy, do quy định của nhà nước, số lượng học sinh trong nước theo học tại các trường này hiện đang bị giới hạn.
Mới đây, Nghị định 86/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/8/2018) đã nâng hạn mức số lượng học sinh Việt Nam tại các trường học có vốn đầu tư nước ngoài. Nghị định này cho phép tối đa 50% học sinh Việt Nam tại các trường quốc tế, thay đổi đáng kể so với giới hạn trước đó là 10% đối với trường tiểu học và 20% đối với trường THCS và THPT.
Sửa đổi trong Nghị định 86 đem đến một cơ hội lớn cho các nhà đầu tư quan tâm đến việc xây dựng trường học quốc tế tại Việt Nam. Giới hạn này đã từng là một cản trở lớn cho nguồn vốn nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là tại các tỉnh thành khác ngoài Hà Nội và TP.HCM, nơi có nhiều gia đình Việt khá giả muốn đầu tư vào việc học tập của con cái.
“Các trường quốc tế tại Việt Nam dự kiến sẽ đón nhận một “làn sóng” hồ sơ xin theo học lớn của học sinh Việt Nam sau khi Nghị định nới lỏng giới hạn tỷ lệ học sinh Việt tại các trường này” – ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam nhận định.
Các trung tâm dạy tiếng Anh đã phát triển đáng kể trong những năm qua. Thống kê của Savills cho thấy, TP.HCM và Hà Nội có khoảng 450 trung tâm tiếng Anh; trong đó ILA đang dẫn đầu thị trường, và thị phần của APAX đang tăng nhanh.
Video đang HOT
Hoạt động đầu tư vào lĩnh vực giáo dục cũng khá sôi động trong thời gian qua với ngày càng nhiều nhà đầu tư chen chân vào lĩnh vực này. Cognita, một quỹ giáo dục, đã mua Trường Quốc tế TP.HCM và Trường Tiểu học Saigon Pearl vào năm 2011 và 2013; Quỹ North Anglia đã mua Trường Quốc tế Anh Quốc và TPG – một quỹ đầu tư Mỹ, đã sát nhập Trường Việt – Úc.
Trong năm 2016, Tập đoàn EQT (Thụy Điển) đầu tư vào ILA, một chuỗi trung tâm tiếng Anh lớn tại Việt Nam; IFC đầu tư vào chuỗi trung tâm tiếng Anh Hội Việt – Mỹ. Tiếp đó, năm 2017, Mekong Capital đầu tư vào trung tâm tiếng Anh YOLA… Luồng vốn đầu tư lớn vào các trường quốc tế cho thấy tiềm năng phát triển của giáo dục quốc tế tại Việt Nam.
Theo ông Troy Griffiths, các trường đại học và cao đẳng công ở Việt Nam chỉ có thể nhận 600.000 trong số 1,8 triệu hồ sơ trong kỳ xét tuyển đại học quốc gia hàng năm, cho thấy nhu cầu giáo dục cấp sau THPT đang rất lớn.
Trong khi đó, số lượng học sinh Việt Nam đi du học vẫn tiếp tục tăng mạnh. Điều này mở ra cơ hội đầu tư lớn trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.
Còn nhiều thách thức
Dù có nhiều cơ hội, song việc đầu tư vào giáo dục tại Việt Nam còn tồn tại một số thách thức, bao gồm một số hạn chế về các chương trình và một số những quy định về thủ tục.
Giáo dục được ghi nhận là một trong những ngành vẫn còn tồn tại khá nhiều vấn đề cần xử lý triệt để như hối lộ nhập học, nâng điểm thi và kết quả học tại tất cả các cấp, sao chép, đạo văn, gian lận thi cử, giả mạo bằng cấp và khai khống ngân sách giáo dục để trục lợi cá nhân… Điều này đòi hỏi sự tham gia của các cấp ban ngành, tiến hành điều tra một cách minh bạch và kỷ luật nghiêm minh để ngăn chặn và giải quyết vấn đề này.
Ông Troy Griffiths cũng chỉ ra rằng, những quy định khắt khe của Việt Nam cũng có thể là một thách thức cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này. Vốn đầu tư tối thiểu cho từng loại tổ chức và hợp tác giáo dục, yêu cầu về nhân lực và quy trình cấp phép phức tạp chính là những rào cản ban đầu cho bất kỳ nhà đầu tư nào.
Nguyễn Hiền
Theo baohaiquan
Có 1 tỷ đồng, học không phải "siêu nhân", có nên du học Mỹ?
"Tôi chỉ có thể đầu tư 1 tỷ và con gái tôi cũng không phải là "siêu nhân học". Vậy tôi có nên định hướng cho con đi du học Mỹ hay không?", một phụ huynh băn khoăn đặt câu hỏi.
Trả lời thắc mắc của người mẹ trên, anh Trần Đắc Minh Trung (Tốt nghiệp thạc sĩ giáo dục tại ĐH Harvard, Mỹ) nhấn mạnh: "Câu trả lời lúc nào cũng là có hết, vì chúng ta không biết các cơ hội phía trước thế nào".
Theo thạc sĩ Minh Trung, 1 tỷ đồng là khoảng 50.000 USD, chia cho 4 năm học đại học ở Mỹ, mỗi năm sẽ có khoảng 13.000 đô la - đây là số tiền cơ bản vừa đủ để trang trải sinh hoạt phí ở Mỹ.
Như vậy nhìn con số trên, ta phải hiểu được, học bổng mình cần là toàn bộ số tiền học phí thì mình mới có khả năng đi học Mỹ được. Bởi lẽ, để học ở Mỹ, cá nhân phải lo đủ học phí và sinh hoạt phí.
"Mỗi trường ở Mỹ có nhiều tiêu chí xét tuyển khác nhau. Anh nghĩ mình không cần phải là siêu nhân để mình có được học bổng, ăn thua là mình chọn được trường ở mức độ nào và trường đó họ thích mình đến đâu", anh Trung chia sẻ.
Theo các chuyên gia, với số tài chính hạn hẹp và điểm số không cao, học sinh vẫn hoàn toàn có khả năng du học Mỹ nếu biết điểm mạnh của bản thân để "lội ngược dòng".
Từ chính câu chuyện của bản thân mình, em Nguyễn Duy Đức (tân sinh viên Đại học Ohio Wesleyan, Mỹ) cho biết, bản thân em cũng không phải là một "siêu nhân". Hồ sơ của em gửi các trường đại học Mỹ có điểm SAT, TOEFL ibt, GPA không cao - đó là điểm bất lợi cho hồ sơ của em. Nhưng em có điểm mạnh bù lại, đó là những kinh nghiệm, kỹ năng em tích lũy được ở lĩnh vực mình đam mê - kinh doanh.
Biết điểm yếu của mình, em tìm cách "khắc phục" cho bớt đi. Em dành nhiều thời gian trải nghiệm, tìm mục đích sống, tìm hiểu ngành kinh doanh và bước đầu thực hiện ước mơ của mình. Điều đó một phần giải thích "vì sao điểm số của em không cao", được em nêu ra trong bài luận để hội đồng tuyển sinh Mỹ hiểu.
Em Nguyễn Thế Quỳnh, nam sinh Việt xuất sắc chinh phục học bổng toàn phần lên tới 6,7 tỷ đồng của Học viện công nghệ số 1 thế giới MIT - Massachusetts Institute of Technology ở mùa tuyển sinh năm nay tiết lộ, hồ sơ của em cũng có điểm yếu. Đó là điểm SAT và TOEFL không cao.
Tuy nhiên, theo Quỳnh, điểm số không phải là tất cả bận tâm của nhà tuyển sinh Mỹ. Điều quan trọng là những hoạt động ngoại khóa của bản thân có liên quan đến ngành học lựa chọn và đam mê của mình không? Và nếu có, bạn có thể gỡ lại điểm yếu về điểm số, đặc biệt trong bài luận.
Vì em chọn học ngành Khoa học vật liệu nên tất cả các hoạt động ngoại khóa của em chủ yếu liên quan đến khoa học và các hoạt động nghiên cứu. Em đã thêm chi tiết kì thi Olympic Vật lý quốc tế thêm vào hồ sơ như một hoạt động ngoại khóa.
Bởi lẽ, trong thời gian thi Olympic Vật lý quốc tế, em được học tập trong các phòng thí nghiệm của trường ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Bách khoa Hà Nội. Cái ấy cũng được xem là hoạt động ngoại khóa phục vụ đam mê và em nghĩ, trường đại học MIT thích.
"Với số tiền hạn chế và "hồ sơ không có gì đặc biệt" là do mình nghĩ như vậy thôi. Tại vì nhìn vào điểm số SAT không cao, GPA không cao, có thể bạn nghĩ mình nghĩ không có gì đặc biệt nhưng trước tiên, cách suy nghĩ của bạn phải thay đổi.
Chẳng hạn trường hợp của Đức, ví dụ về mặt điểm số không có gì đặc biệt nhưng có kỹ năng về kinh doanh. Các bạn khác cũng vậy, mình phải xác định tư tưởng ngay từ đầu là bao nhiêu tiền mình vẫn có thể đi Mỹ được, miễn mình có chiến thuật vào các trường. Phải nhìn được điểm mạnh của mình ở đâu.
Nếu hồ sơ của mình không có bất kì điểm mạnh nào nhưng vẫn muốn vào trường này, trường khác ở Mỹ du học thì gần như bộ hồ sơ đó không thể thành công.
Ngược lại, nếu mình nhìn được bản thân điểm không cao nhưng có thế mạnh ở đâu và trường này cần thế mạnh của tôi thì hoàn toàn có thể khả thi được", thạc sĩ Trần Đắc Minh Trung kết lại lời đáp.
Lệ Thu
Theo Dân trí
1.000 tỷ đồng trở lên mới được mở trường đại học nước ngoài tại Việt Nam Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải có tổng số vốn thiểu là 1.000 tỷ đồng (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục phổ thông phải có suất đầu tư ít nhất là 50 triệu đồng/học...