Đầu tư giáo dục, trước mắt phải chịu lỗ
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trò chuyện về việc bà tham gia Hội đồng quản trị ĐH Phan Châu Trinh, với lời khẳng định, trường đã trở về đúng với định hướng ban đầu: phi lợi nhuận, tạo không khí dân chủ, trung thực, phát huy hết mức khả năng của thầy và trò để đạt hiệu quả đào tạo cao nhất…
Rắc rối vì những người không cùng chí hướng
Vì sao bà quyết định tham gia HĐQT trường ĐH Phan Châu Trinh vào năm 2010?
Tôi biết đến trường từ khi ý tưởng bắt đầu được khởi xướng vào năm 2002. Nhưng khi đó tôi còn đương chức, rồi tôi lại tập trung làm một số việc khác, nên chỉ theo dõi chứ không tham gia. Đến năm 2007 trường mới chính thức được giấy phép.
Năm năm từ khi Hội đồng sáng lập ra đời đến lúc trường chính thức được cấp phép, thời gian khá dài, khiến một số người sẵn sàng tham gia lúc đầu, đóng góp những ý tưởng tốt đẹp, đã phải bận những việc khác, không thể tiếp tục đồng hành. Vì thế nhà văn Nguyên Ngọc đã mời một số người khác cùng góp vốn, tham gia HĐQT để trường có thể bắt đầu hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Bình – Nguyên Phó Chủ tịch nước
Tiếc thay, một số người trong đó không vì cùng một mục đích như những sáng lập viên đầu tiên, khiến một thời gian dài trường có những lủng củng, rắc rối.
Khi biết chuyện, tôi lo lắng, nghĩ xem mình có thể đóng góp gì vào đây. Tôi bắt đầu tham gia vào việc gỡ rối cho trường. Vấn đề rất rõ thôi, có một số người không vì mục đích giáo dục mà chỉ muốn kinh doanh để có lời lớn và nhanh, không cùng chí hướng với những người sáng lập.
Tôi từng là Bộ trưởng GD, từ đó đến nay càng ngày càng hiểu rõ tầm quan trọng của sự nghiệp GD – ĐT đối với sự phát triển của đất nước. Ý tưởng, tâm huyết của những người sáng lập trường đã hoàn toàn thuyết phục tôi, tôi sẽ rất tiếc nếu những ý tưởng đó không thực hiện được.
Trường lại mang tên ông ngoại của tôi: Nhà chí sĩ Phan Châu Trinh, người hết sức chú ý đến văn hóa – giáo dục, luôn quan niệm trường học phải có tinh thần khai sáng. Những người sáng lập trường đã lấy tên trường là Phan Châu Trinh chính là vì tinh thần như vậy. Tôi thấy mình cần có trách nhiệm tham gia xây dựng nhà trường theo phương hướng tốt đẹp đó. Dù tuổi tôi đã cao, nhưng đây là sự nghiệp rất lớn, rất đáng để mình đóng góp công sức. Vì thế năm 2010 khi củng cố lại HĐQT của trường, tôi chính thức tham gia HĐQT.
Bà cũng vừa nhắc đến giai đoạn trường Phan Châu Trinh có những lùm xùm, lủng củng. Có thể tin chắc từ nay trường sẽ đi đúng theo tinh thần “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của cụ Phan Châu Trinh không?
Đúng là trường vừa qua giai đoạn khó khăn, và hiện nay vẫn cần củng cố về nhân sự, về cơ sở vật chất… Nhưng trước hết riêng về quan niệm, tôn chỉ mục đích của trường, tất cả đều thống nhất trở lại tôn chỉ mục đích mà những người sáng lập đã đặt ra, đúng với tinh thần khai sáng dân tộc của cụ Phan, không vì lợi nhuận mà để phục vụ đất nước.
Trước thực trạng giáo dục còn chậm bước so với yêu cầu phát triển của đất nước, chúng tôi mong muốn xây dựng ngôi trường theo phương hướng tiến bộ, với đội ngũ giảng dạy có chất lượng, có tầm cỡ về khoa học, để đào tạo ra những con người đủ phẩm chất, năng lực phục vụ đất nước. Chúng tôi chủ trương tạo không khí dân chủ, trung thực, phát huy hết mức khả năng của thầy và trò để đạt hiệu quả đào tạo cao nhất. Vẫn biết không dễ để tạo một không khí như vậy trong xã hội hiện nay, nhưng trường làm được cũng sẽ là một điểm sáng, đóng góp cho sự nghiệp chung.
Cũng phải thừa nhận, những điều trường Phan Châu Trinh muốn làm không mới, các nước tiên tiến đã làm rồi, nên nếu mình có quyết tâm, tâm huyết, thì dù trước mắt có khó khăn nhưng hẳn sẽ thành công, đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước.
Chúng tôi tự tin, vì trường được sự ủng hộ rất lớn của nhiều trí thức, dù họ không trực tiếp tham gia HĐQT. Chúng tôi cũng có sự ủng hộ hết mình của chính quyền địa phương, và nhân dân Quảng Nam – Đà Nẵng rất trông đợi, kỳ vọng trường sẽ thể hiện đúng tinh thần cụ Phan, là niềm tự hào của quê hương.
Phải chịu lỗ một thời gian
Video đang HOT
Liệu điểm khác biệt của trường có phải là tập trung vào các ngành khoa học xã hội nhân văn, vốn là điểm yếu của giáo dục Việt Nam hiện nay?
Mục tiêu của trường là tập trung vào các ngành xã hội nhân văn, cũng bởi những trí thức sát cánh với trường có thế mạnh về những ngành này.
Nhưng bước đi cụ thể thì phải tính toán, vì cũng phải phù hợp với nhu cầu xã hội. Như chúng tôi sẽ dạy du lịch, dạy truyền thông, nhưng phải trên nền tảng tri thức văn hóa.
Nguồn tài chính của trường thì sao? lúc trước đã có những người đầu tư cho trường để mong có lợi nhuận, và giờ họ sẽ rút ra…
Người nào không đồng chí hướng sẽ rút ra, vì mục tiêu của trường không vì lợi nhuận. Về lâu dài thì trường phải đứng vững trên các mặt, kể cả mặt tài chính, nhưng trước mắt thì có thể phải chịu lỗ một thời gian. Tất nhiên nguồn tài chính phải đảm bảo để trường thực hiện nhiệm vụ trước mắt là hoạt động một cách bình thường, xây dựng được nền nếp của một trường theo tinh thần dân chủ, tiến bộ, khai sáng.
Về nhân sự, phải lựa chọn những người có tâm huyết, có trình độ thật sự.
Còn tất cả các mặt từ tài chính, cơ sở vật chất đến tăng cường đội ngũ đều phải làm lâu dài, từng bước, phải kiên trì thực hiện. Quan trọng là thấy vấn đề và quyết tâm theo đúng tinh thần cụ Phan.
Với những bạn sinh viên hiểu được phương hướng hoạt động của trường, đến tham gia học tập, chúng tôi cũng xem đó là sự ủng hộ, đóng góp để trường mau lớn mạnh, cũng là đóng góp cho một thử nghiệm giáo dục kiểu mới.
Theo VNN
Miên man Hội An ngày cuối tuần
Sau 1h15 phút bay từ TP HCM, ta bỗng lạc vào một thế giới xinh xắn và bình yên, như một khoảng lặng dịu êm, khác xa đời sống phố xá náo nhiệt thường ngày.
Phố cổ Hội An một ngày cuối tuần.
Hội An đẹp bốn mùa, nhưng đến với đô thị nhỏ bé này vào những ngày trăng tròn thì thật đáng nhớ. Từ năm 1998, Hội An không còn sáng điện mỗi đêm trăng tròn, thay vào đó là ánh sáng lung linh từ những chiếc đèn lồng đủ màu sắc dọc hai bên phố, từ dòng sông Hoài rực rỡ hoa đăng. Sẩm tối, có người đi nhắc từng nhà hàng tắt điện, thắp nến. Quán xá dọc bờ sông chật kín du khách đặt bàn thưởng ngoạn đêm rằm phố cổ.
Thả đèn hoa đăng xuống dòng sông Hoài và nguyện cầu bình an.
Khách sạn ở Hội An khá rẻ và thuận tiện. Chỉ với trên dưới 300.000 đồng/ đêm, bạn có thể chọn cho mình một chỗ nghỉ chân dễ chịu ngay nơi phố cổ, như Khách sạn Thanh Bình 1 nằm ở số 1 đường Lê Lợi, hoặc khách sạn An Hội, số 69 Nguyễn Phúc Chu.
Một trong những điểm thú vị nhất ở Hội An là sắc màu. Là màu thời gian trên những mái nhà rêu phong, những ngôi nhà cổ với hai "con mắt nhà" treo trước cánh cửa gỗ cùng những dải lụa đỏ rủ mềm. Là màu nắng rực rỡ tràn ngập những con phố, con hẻm dọc ngang. Rực rỡ nhất là màu sắc từ những cửa hiệu bán lụa với những súc vải cao ngất như đưa ta về một phố hội của thế kỷ 17...
Hội An nổi tiếng với những cửa hiệu treo biển "Made to measurement". Khách hàng có thể đặt may, thoải mái chọn lựa màu sắc, chất liệu, kiểu dáng ưa thích và lấy hàng sau vài tiếng đồng hồ với mức giá khá mềm. Đồ may mặc ở đây rất phong phú, từ những bộ quần áo ở nhà đơn giản đến những chiếc váy lụa dạo phố nhẹ nhàng, hay những bộ đầm dạ hội lộng lẫy kiêu sa, chưa kể các loại áo dạ mùa đông lúc nào cũng được bày sẵn. Giày dép, túi xách bán ở Hội An cũng đủ loại màu sắc, khiến những người dù không có nhu cầu cũng phải sà vào ngắm nghía.
Mua sắm ở Hội An có thể làm thỏa mãn những "cơn nghiền" shopping với chủng loại hàng hóa và thái độ nhẹ nhàng, cởi mở của những người bán hàng. Cô bé có nụ cười tươi rói ở cửa hiệu Hồng Đào số 70 Lê Lợi khiến chúng tôi phải quay lại vài lần để mua những chiếc vòng tay chạm trổ tinh xảo, hay những chuỗi hạt gỗ dừa, vòng kết cườm, hạt trai có giá "dễ thở" nhất khu phố cổ. Cao cấp hơn có thể kể đến tiệm Papillon Noir ở 30 Trần Hưng Đạo với mặt hàng lụa vẽ tay độc đáo.
Vòng tay tinh xảo và nụ cười của người bán hàng sẽ làm bạn nhớ mãi Hội An.
Đi hết phố Lê Lợi, rẽ vào Nguyễn Thái Học hay Phan Châu Trinh, ngụp lặn trong những cửa hiệu quyến rũ, những con đường phố cổ lại đưa bạn đến bờ sông Hoài, nơi chiều chiều những quán cao lầu mở ra dọc bờ sông, với giá đồng loạt 15.000 đồng/ bát. Cao lầu là món ăn nổi tiếng số một của phố cổ. Người dân nơi đây truyền tai nhau rằng cái đặc biệt là ở cách làm sợi mì cao lầu, rằng gạo phải được ngâm bằng nước tro đốt bằng củi lấy từ Cù Lao Chàm, nước phải lấy từ giếng Bá Lễ duy nhất ở Hội An, rằng sợi mì phải được hấp nhiều lần mới có được màu vàng nhẹ cùng vị dai dai đậm đà như vậy. Mì cao lầu trộn cùng những cọng giá trắng ngần, những lát thịt xá xíu và thịt heo luộc mềm mại, rắc lên lớp đậu phộng rang cùng các loại rau bạc hà, húng quế thơm nồng.
Bánh vạc có tạo hình bông hồng trắng, nên có tên tiếng Anh là White Rose.
Ẩm thực Hội An còn phải kể đến món bánh bao, bánh vạc nổi danh ở số 533 Hai Bà Trưng, món bánh bèo Huế ở Cẩm Châu, hay món bánh tráng đập, hến xào dọc bờ sông Hoài. Hàng cơm gà nổi tiếng nhất ở Hội An là cơm gà bà Buội ở số 26 Phan Châu Trinh. Cơm gà tơi và thơm, thịt gà dai, vàng suộm, đi kèm một bát canh nhỏ, giá 25.000 đồng/ suất, đủ làm hài lòng những thực khách khó tính nhất.
Món cơm gà đặc sản.
Ở Hội An cảm giác ngày dài hơn và thời gian trôi chậm chạp hơn. Khi đã mỏi chân dạo phố cổ, du khách có thể dừng chân thưởng lãm những ngôi nhà cổ như nhà cổ Phùng Hưng số 4 Nguyễn Thị Minh Khai, nhà cổ Tấn Ký ở 101 Nguyễn Thái Học, hay ghé lại những quán café xinh xắn bên đường. Café Hải ở 98 Nguyễn Thái Học có không gian đầy chất điện ảnh, với những gam màu dịu dàng, những bát sứ vuông trồng mạ non xanh mướt, cùng giàn hoa cát đằng duyên dáng rủ trước hiên nhà. Ồn ào hơn là những quán bar mới mở phục vụ chủ yếu khách Tây, nhưng vẫn giữ được kiến trúc cổ xưa lẫn cách bài trí phương Tây hài hòa.
Chanh lassi - món giải khát độc đáo ở cafe Hải.
Phương tiện đi lại chủ yếu ở Hội An là xe đạp. Không gian vì thế cũng yên tĩnh và nhẹ nhàng. Nhiều người thuê xe đạp ra bãi biển Cửa Đại cách phố cổ 5km. Bãi ở đây cát phẳng và mịn, nước biển trong xanh. Tuy nhiên giá nhà hàng dọc bờ biển cũng không dễ chịu lắm. Có lẽ bởi thế mà khách nước ngoài đến đây nhiều hơn người Việt. Anh tài xế taxi cho biết có một bãi mới mở tên là An Bàng vừa gần phố cổ hơn, vừa rẻ hơn, là nơi anh thường ghé lại.
Đến Hội An, dường như ai cũng muốn sống chậm lại, thả lỏng mình để cảm nhận những vẻ đẹp của cuộc sống thường ngày nơi phố cổ, để xếp lại một bên những lo lắng, gấp gáp của phố thị ồn ào.
Hội An đẹp như một phim trường dựng sẵn.
Phố Hội lúc chạng vạng.
Mỗi lần trở lại Hội An lại thấy đèn lồng có mẫu mã và chất liệu mới.
Hiếm khi nào thấy Hội An đông đúc.
Đèn hắt ra từ ngõ nhỏ.
Những gallery gia đình bán tranh làm quà lưu niệm.
Những con mắt nhà được ví như thần hộ mệnh cho gia chủ.
Biển Cửa Đại sạch, xanh và vắng vẻ.
Theo Bưu Điện Việt Nam