Đầu tư 400 triệu đồng vào điện mặt trời để đào tiền số
Duy Quân, 33 tuổi, đầu tư 400 triệu đồng vào hệ thống năng lượng mặt trời và gió để đào tiền số mà không cần dùng điện lưới.
Anh Nguyễn Duy Quân vào TP HCM học tập và lập nghiệp từ năm 2006 trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Anh từng có ý định định cư lâu dài ở TP HCM, nhưng dịch bệnh bùng phát, công việc tại thành phố khó khăn. Năm ngoái, anh quyết định chuyển gia đình về Dak Lak.
Duy Quân tìm hiểu và yêu thích tiền điện tử từ năm 2013, anh nhận thấy rằng với mỗi hệ thống khai thác tiền số, hàng tháng người “đào” phải bỏ ra một khoản phí để duy trì và vận hành. Quan trọng nhất là tiền điện tiêu thụ. “Phương án sử dụng điện lưới sẽ rất khó thu hồi vốn khi giá các đồng coin xuống thấp”, anh Quân tính toán.
Nhận thấy Tây Nguyên là nơi “có cái nắng, có cái gió”, anh cho rằng mảnh đất này rất tiềm năng để đầu tư khai thác tiền điện tử bằng hệ thống năng lượng tái tạo. “Ngày nắng nhiều thì ít gió, chiều tối không có nắng thì gió lại nổi lên. Từ đây, mình nghĩ đến việc tận dụng chúng để sản xuất điện”, anh Quân nói.
Đầu năm 2021, anh Quân bắt tay thực hiện hệ thống điện mặt trời và gió. Toàn bộ công đoạn lên ý tưởng, tìm kiếm giải pháp và chọn đơn vị thi công lắp đặt được thực hiện trong một tháng. Anh tận dụng nhà kho cũ làm nơi lắp đặt “trâu cày” và hệ thống Inverter, dùng máy lạnh cũ của gia đình để làm mát hệ thống.
Bên ngoài, anh xây dàn trụ cho tua-bin gió cao 9 mét. Tuy nhiên, hệ thống điện gió hiện chưa hoạt động do thiếu một số chi tiết nhập khẩu tại nước ngoài chưa về kịp. Mái nhà được dùng để đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời.
Video đang HOT
Hệ thống điện mặt trời áp mái và “trâu cày” của anh Quân.
Hệ thống điện của anh Quân có tổng công suất là 11,7 KW. Hệ thống gồm hai Inverter Hybrid giá 175 triệu đồng, một hệ thống lưu trữ gồm 24 bình ắc quy 500 AH giá 55 triệu đồng. Sắp tới, anh sẽ lắp thêm bốn tua-bin gió, mỗi cái giá 45 triệu đồng, công suất 1 KW. Cộng thêm chi phí về UPS, ổn áp, dây dẫn, dàn khung thép…, hệ thống điện năng lượng của anh có tổng chi phí gần 400 triệu đồng.
Anh Nguyễn Duy Quân bên hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời.
Hiện tại, hệ thống này đã hoạt động. Trung bình sản sinh 20 – 30 kWh, đủ vận hành “trâu cày” trong 10 – 12 tiếng. Phần còn lại, anh phải sử dụng điện lưới.
Theo tính toán của anh Quân, sau khi hoàn tất hệ thống điện gió, mỗi ngày hệ thống sản sinh trung bình 60 đến 70 kWh. Vào các ngày nắng hoặc nhiều gió, lượng điện có thể đạt hơn 80 kWh. Vào ngày mưa, công suất chỉ đạt một nửa. Anh kỳ vọng hệ thống điện năng lượng này sẽ đảm bảo có điện 24/24 giờ, phục vụ “trâu cày”.
Tuy nhiên, tính toán trên là trong điều kiện lý tưởng. Anh Quân vẫn kết hợp điện lưới bằng Inverter Hybrid. Ban ngày, số điện dư sẽ sạc vào ắc-quy để lưu trữ. Ban đêm, điện này sử dụng để “cày”, kết hợp đồng thời với điện lưới nhờ vào Inverter Hybrid để không làm gián đoạn hoạt động 24/7 của “trâu cày”.
Về dàn “trâu cày”, anh Quân mua hai loại card đồ họa Nvidia Geforce GTX 1660 Super và RTX 2060 với tổng trị giá hơn 530 triệu đồng. Ban đầu, anh chủ yếu “đào” Ethereum (ETH) với doanh thu 80 – 90 USD mỗi ngày. Do hiệu quả kém, anh đã chuyển sang khai thác trên Nicehash, vừa tiết kiệm điện, vừa có thể đào coin dài hạn. Hiện doanh thu mỗi ngày của anh đạt 120 tới 200 USD.
“Tính toán của mình, dự án sẽ thu hồi vốn trong vòng 18 tháng, hoặc có thể sớm hơn tùy vào thị trường tiền số”, anh Quân chia sẻ. Hệ thống của anh không ép xung, luôn giữ nhiệt độ và độ ẩm thấp vừa phải để tăng tuổi thọ “trâu cày”.
Hệ thống cột được anh Quân lắp đặt sẵn, chuẩn bị ráp tuabin gió.
Anh Lê Thành, một người có nhiều năm kinh nghiệm về điện năng lượng mặt trời tại TP HCM, cho rằng việc kết hợp giữa điện mặt trời và điện gió của anh Quân để khai thác tiền số là hợp lý tại nơi có nhiều nắng và gió như khu vực Tây Nguyên. Nó giải quyết được vấn đề duy trì nguồn điện liên tục và không phụ thuộc quá nhiều vào điện lưới. Bên cạnh đó, đây cũng là hình thức đón đầu xu hướng khai thác tiền số theo hình thức “xanh”, giảm phụ thuộc vào các hình thức sản xuất điện hiện tại, vốn chưa thân thiện với môi trường.
Vũ Thông, một người chơi tiền điện tử lâu năm, cho rằng việc chuyển đổi các nguồn điện cần hệ thống chuyên dụng, vì nếu tắt, mở liên tục, tuổi thọ của máy đào sẽ giảm nhanh, hiệu quả không cao. Trước đây, các hệ thống đào coin bằng năng lượng mặt trời chủ yếu hoạt động vào ban ngày, nếu kết hợp với điện gió, nó sẽ hoạt động xuyên suốt ngày lẫn đêm.
Anh Quân cho biết, sau khi thu hồi vốn, anh sẽ trích ra một ít để tái đầu tư, sửa chữa, nâng cấp thêm để đảm bảo nguồn thu nhập thụ động và dành thời gian làm việc khác. Ngoài ra, anh cũng nghiên cứu hệ thống điện với công suất lớn hơn để phục vụ cho việc sử dụng của gia đình, giảm hóa đơn tiền điện hàng tháng.
'Bitcoin xanh' là 'sát thủ' của ổ cứng
Ổ SSD dùng để khai thác tiền số Chia chỉ còn tuổi thọ 40 ngày thay vì 5 đến 10 năm, do hậu quả của việc ghi/xóa liên tục 256 GB dữ liệu.
Khi khai thác Chia, những ổ cứng dung lượng lớn hơn sẽ có thời gian sử dụng lâu hơn, nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với tuổi thọ trung bình của nó nếu dùng cho các mục đích thông thường. Cụ thể, ổ cứng SSD 1 TB sẽ "sống sót" sau khoảng 80 ngày, 2 TB là 160 ngày - thấp hơn rất nhiều so với thời gian 10 năm nếu sử dụng để lưu trữ dữ liệu.
Việc khai thác Chia khiến tuổi thọ ổ cứng SSD sụt giảm.
Ổ cứng thường được hãng bảo hành từ ba đến năm năm. Tuy nhiên, việc khai thác Chia có thể làm thời gian này mất hiệu lực vì ghi/xóa dữ liệu vượt khối lượng. Theo Fast Technology , một số nhà sản xuất và phân phối ổ cứng bắt đầu viết lại điều khoản thỏa thuận bảo hành. Sản phẩm nếu dùng để khai thác tiền kỹ thuật số, sẽ không có thời gian bảo hành dài như thông thường.
Ổ SSD được "thợ đào" Chia yêu thích vì tốc độ đọc/ghi cao hơn so với HDD. Hiện tại, giá ổ cứng khá rẻ và người đào có thể nhanh chóng vứt chúng đi khi hỏng. Dù vậy, hành động này sẽ làm tăng lượng rác thải điện tử và gây ô nhiễm môi trường. Điều này trái với mục đích ban đầu khi ra mắt đồng Chia - hạn chế khai thác tiền điện tử bằng GPU để bảo vệ môi trường - lý do khiến tiền số này được gọi là "Bitcoin xanh".
Chia là tiền điện tử đang "sốt" tại Trung Quốc. Với đặc trưng tận dụng không gian trống trên ổ cứng để chạy lệnh đọc/ghi các khối mới trong chuỗi blockchain, "thợ đào" khai thác Chia sử dụng ổ cứng thay vì GPU như Bitcoin hay Ethereum. Ổ cứng có dung lượng càng lớn, mức độ khai thác càng hiệu quả.
Đồng Chia đã bắt đầu quá trình xác thực và cho phép đào từ 19/3. Theo thống kê, mạng lưới khai thác Chia đã huy động được lượng ổ cứng 2.700 PiB (1 PiB = 1.125,9 TB). Hôm 4/5, Chia cũng đã lên sàn giao dịch với mã XCH, bắt đầu với giá 1.700 USD. Tuy nhiên, chỉ sau vài giây, tiền ảo này chứng kiến đà bán tháo, khiến giá trị của nó còn 700 USD, sau đó hồi phục quanh mốc 900 - 1.100 USD mỗi đồng.
Đào Bitcoin bằng điện mặt trời Dịch vụ "gửi trâu" vào các "trang trại" điện mặt trời đang nở rộ ở Việt Nam. Theo anh Nguyễn Quang Tuấn, chủ một công ty lắp đặt điện mặt trời tại TP HCM, trào lưu đào tiền điện tử bằng điện mặt trời đã manh nha từ cuối năm 2020. Tuy nhiên, không nhiều người sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền...