‘Đấu trường’ mới của các gã khổng lồ công nghệ
Nhiều hãng công nghệ lớn đang khởi động dự án tự phát triển vi xử lý riêng để tránh phụ thuộc vào các nhà sản xuất chip truyền thống.
Danh sách này có thể kể đến như Apple, Amazon, Facebook, Google, Tesla và Baidu. “Các công ty ngày càng muốn sở hữu những dòng chip được phát triển riêng nhằm đáp ứng yêu cầu cụ thể cho sản phẩm của mình, thay vì sử dụng các mẫu chip chung trên thị trường. Điều này giúp họ dễ kiểm soát quá trình tích hợp phần cứng và phần mềm, cũng như tạo sự khác biệt với đối thủ cạnh tranh”, Syed Alam, chuyên gia về ngành bán dẫn tại công ty tư vấn Accenture, cho hay.
Chip M1 trên dòng Macbook Air của Apple.
Russ Shaw, cựu Giám đốc công ty Dialog Semiconductor ở Anh, đánh giá chip thiết kế riêng thường có hiệu năng cao hơn và chi phí rẻ hơn những sản phẩm được sản xuất đại trà. “Chúng có thể giảm tiêu thụ năng lượng cho thiết bị của một hãng nhất định, dù đó là smartphone hay dịch vụ đám mây”, ông nói.
Tình trạng khan hiếm chip toàn cầu là một trong những nguyên nhân khiến các tập đoàn công nghệ suy nghĩ về nguồn cung bán dẫn. “Covid-19 đang gây gián đoạn nghiêm trọng với chuỗi cung ứng, thúc đẩy những nỗ lực tự phát triển chip bán dẫn”, Glenn ODonnell, Giám đốc nghiên cứu thuộc công ty Forrester, nhận xét.
Nhóm Big Tech gần đây liên tục công bố những dự án chip mới. Đáng chú ý nhất là khi Apple tuyên bố “chia tay” kiến trúc x86 của Intel để phát triển dòng chip M1 hồi tháng 11/2020. Chip này hiện được triển khai trên các mẫu Mac và iPad mới nhất.
Tesla cũng công bố dự án chế tạo chip Dojo để huấn luyện mạng lưới AI trong các trung tâm dữ liệu. Từ năm 2019, hãng đã sản xuất ôtô điện với bộ vi xử lý AI riêng, nhằm hỗ trợ phần mềm tích hợp đưa ra những quyết định phù hợp với tình huống trên đường.
Baidu hồi tháng 8 cũng giới thiệu chip AI được thiết kế để hỗ trợ thiết bị xử lý lượng lớn dữ liệu và tăng cường năng lực xử lý. Hãng cho biết chip Kunlun 2 có thể sử dụng cho những lĩnh vực như xe tự lái và đang được sản xuất hàng loạt.
Video đang HOT
Bên trong nhà máy sản xuất chip bán dẫn của TSMC.
Trong khi đó, một số công ty công nghệ lớn khác đang giữ bí mật về các dự án chip bán dẫn của họ. Theo Nikkei , Google được cho là chuẩn bị cho ra mắt CPU riêng cho laptop Chromebook và tablet dùng hệ điều hành Chrome từ năm 2023.
Amazon cũng đang ấp ủ thiết kế chip để trang bị cho switch mạng, giúp họ giảm sự phụ thuộc vào Broadcom. Trong khi đó, trưởng nhóm nghiên cứu AI của Facebook hồi 2019 tiết lộ công ty đang nghiên cứu dòng chip bán dẫn mới có khả năng vận hành “rất khác biệt” so với những thiết kế hiện có trên thị trường.
Cả Google, Amazon và Facebook đều không xác nhận hay bình luận về những dự án này.
Thiết kế nhưng không sản xuất
Hiện chưa có hãng Big Tech nào thể hiện cụ thể tham vọng tự phát triển và chế tạo chip. “Tất cả đều xoay quanh thiết kế và cải thiện hiệu năng chip, chứ không phải xây dựng nhà máy và năng lực chế tạo, vốn rất tốn kém”, Shaw nói.
Thiết lập một nhà máy sản xuất chip bán dẫn tiên tiến như của TSMC có thể mất khoảng 10 tỷ USD và nhiều năm chuẩn bị. “Cả Google và Apple cũng sẽ không sẵn lòng xây dựng các cơ sở hạ tầng như vậy. Họ sẽ tìm đến TSMC hoặc Intel để chế tạo chip cho mình”, ODonnell cho hay.
ODonnell cũng nhận định, Thung lũng Silicon đang thiếu nhân lực có khả năng thiết kế chip hiện đại. “Họ tập trung quá nhiều vào phần mềm trong hàng chục năm qua, khiến kỹ thuật phần cứng được coi là ngành lỗi thời và không ai muốn phát triển phần cứng. Bất chấp tên gọi, Thung lũng Silicon giờ không còn nhiều kỹ sư bán dẫn”, ông nói.
Ngành công nghệ Trung Quốc gặp khó vì luật Bảo vệ thông tin cá nhân
Luật Bảo vệ thông tin cá nhân (PIPL) sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cách hoạt động của các "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc trong tương lai.
Luật mới sẽ gây khó cho các hãng công nghệ
Ngày 20.8, Trung Quốc thông qua luật Bảo vệ thông tin cá nhân (PIPL), đặt ra quy định cứng rắn hơn cho các công ty thu thập và xử lý thông tin khách hàng.
Theo Tân Hoa xã, luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1.11 năm nay. Tuy nhiên, toàn văn phiên bản cuối cùng của luật vẫn chưa được phát hành.
Theo The Indian Express, luật bảo vệ dữ liệu của Trung Quốc bao gồm các điều khoản yêu cầu tổ chức nhà nước và tư nhân phải hỏi ý người dân trước khi lấy dữ liệu, hạn chế việc thu thập đến mức tối thiểu. Luật cũng sẽ ngăn các công ty đặt mức giá khác nhau cho cùng một dịch vụ, dựa trên lịch sử mua sắm của khách hàng.
Dữ liệu cá nhân của công dân Trung Quốc sẽ không được chuyển đến các quốc gia có tiêu chuẩn bảo mật thấp hơn Trung Quốc - quy định này có thể làm khó các doanh nghiệp nước ngoài. Công ty nào không tuân thủ sẽ đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 50 triệu nhân dân tệ, hoặc 5% doanh thu hằng năm.
Luật định nghĩa "dữ liệu cá nhân nhạy cảm" là những thông tin nếu bị rò rỉ sẽ dẫn đến "phân biệt đối xử, đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của người đó", những thông tin liên quan đến chủng tộc, dân tộc, tôn giáo, địa chỉ nhà, dữ liệu sinh trắc học.
Sự ra đời của luật bảo vệ dữ liệu
Tháng 1 năm nay, Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc cáo buộc các công ty internet đang vi phạm quyền riêng tư của khách hàng. Họ dùng hệ thống quét lịch sử mua hàng của người tiêu dùng, đưa ra các mức giá khác nhau cho cùng một món đồ. Hiệp hội cho rằng khách hàng đang bị các thuật toán dữ liệu "chèn ép".
Sau sự kiện này, cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc tiếp tục phạt Tencent, yêu cầu Tencent và các công ty liên quan ngừng độc quyền với các hãng âm nhạc. Cuối cùng, các công ty đó phải thay đổi cách tính phí bản quyền âm nhạc.
Mọi thứ lên đến đỉnh điểm khi cơ quan an ninh mạng Bắc Kinh điều tra tập đoàn gọi xe Didi Chuxing vài ngày sau khi huy động được hơn 4 tỉ USD trong đợt IPO ở New York (Mỹ) vào tháng 6.
Dịch vụ gọi xe Didi Chuxing phân biệt đối xử với khách hàng dựa trên điện thoại họ xài
Hàng chục nghìn người dùng Trung Quốc cho rằng họ phải trả nhiều tiền hơn khi gọi xe taxi trên iPhone và mua vé với giá cao hơn nếu bị xem là khách đi công tác. Vì những lời phàn nàn trên mà cơ quan quản lý yêu cầu Didi phải ngừng chấp nhận đăng ký người dùng mới, cáo buộc công ty đang vi phạm nghiêm trọng luật thu thập thông tin cá nhân.
Thị trường chứng khoán phản ứng ra sao?
Sau khi Trung Quốc thông báo luật mới, cổ phiếu của các hãng công nghệ lớn sụt giảm nghiêm trọng, khiến các nhà đầu tư lo ngại.
Ngay hôm công bố luật, cổ phiếu của Tencent và Alibaba giảm tới 4,5%. Chỉ số Nasdaq Golden Dragon của các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ giảm hơn 5% trong phiên đóng cửa, kéo theo đó là mức giảm gần 7% với nhóm công ty thương mại điện tử do Jack Ma thành lập.
Các nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo cổ phiếu công nghệ Trung Quốc khiến chỉ số này tiếp tục giảm gần 53% so với mức đỉnh vào tháng hai năm nay. Hàng chục tỉ USD "bốc hơi" khỏi tài sản của hai "ông trùm" Jack Ma và Pony Ma. Giữa bối cảnh hiện tại, Tencent lo sợ rằng sắp tới sẽ có nhiều quy định hơn nữa được áp dụng cho ngành công nghệ Trung Quốc.
Có luật nào tương tự trên thế giới không?
Năm 2018, Liên minh châu Âu (EU) ban hành Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR), giúp công dân nắm quyền kiểm soát dữ liệu của họ nhiều hơn. Quy định không chỉ ảnh hưởng đến các tổ chức nằm trong EU mà còn áp dụng cho các công ty nước ngoài đến đây.
Theo quy định, người dân có thể biết các công ty đang dùng dữ liệu nào của mình, ở đâu và với mục đích gì. Người dân cũng có quyền yêu cầu công ty xóa dữ liệu, ngăn bên thứ ba truy cập vào dữ liệu đó.
Luật Lei Geral de Proteão de Dados của Brazil có hiệu lực vào tháng 9.2020. Đây là luật bảo vệ dữ liệu đầu tiên của Mỹ Latin. Cơ quan Dữ liệu Brazil (ANPD) sẽ nhận trách nhiệm thực thi luật mới.
Cuối năm 2020, chính quyền Singapore cũng sửa đổi đạo luật bảo vệ cá nhân, yêu cầu các tổ chức phải thông báo khi thu thập dữ liệu, mở rộng khuôn khổ về sự chấp thuận của người dùng, thêm vào các trường hợp ngoại lệ và tăng hình phạt nếu các tổ chức không tuân thủ.
Tại sao Didi và các hãng công nghệ Trung Quốc lại chọn Mỹ để IPO? Trong những năm qua, Mỹ đã chứng minh một con đường dễ dàng hơn để đi đến thị trường đại chúng cho các công ty công nghệ Trung Quốc. Các nhà giao dịch làm việc trong đợt IPO cho Didi trên Sàn giao dịch chứng khoán New York Lối đi quen thuộc Khi Didi Chuxing chọn Sở Giao dịch chứng khoán New York...