Đậu nành có làm tăng nguy cơ ung thư?
Nhiều ý kiến cho rằng, đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành có khả năng gây ung thư.
Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành (đậu phụ, nước tương, sữa đậu nành…) là thực phẩm phổ biến trong khẩu phần ăn của người Việt Nam. Đậu nành rất giàu dinh dưỡng, trong 100g thực phẩm này chứa 400 kcal năng lượng, 34g chất đạm, 18,4g chất béo và các vi chất khác như canxi, magie, phot pho, kẽm và một số vitamin nhóm B.
Tuy nhiên, đang có nhiều tranh cãi về tác dụng của đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành trong điều trị và dự phòng ung thư. Thậm chí nhiều người còn cho rằng, ăn nhiều đậu nành làm tăng khả năng bị ung thư.
(Ảnh minh hoạ: BVCC)
Theo Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K (Hà Nội), isoflavone (hợp chất thực vật tự nhiên trong đậu nành) có cấu trúc hóa học tương tự như estrogen trong cơ thể con người. Vì thế có giả thiết các hợp chất trên sẽ làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư như ung thư vú, ung thư buồng trứng.
Tuy nhiên, chuyên gia Bệnh viện K thông tin, isoflavones khi liên kết với các thụ thể estrogen của cơ thể theo cách khác và hoạt động khác nhau nên tác dụng trên cơ thể cũng khác nhau. Mặt khác, một số nghiên cứu còn cho thấy isoflavone có thể “kích hoạt” các gene làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư và kích thích quá trình tự hủy của chúng (quá trình tự chết).
Video đang HOT
Do đó, các hợp chất này không những không gây ung thư mà còn có thể hỗ trợ khả năng chống oxy hóa của cơ thể, sửa chữa DNA và đặc biệt còn giúp bảo vệ, chống lại bệnh ung thư.
Đậu nành được xem như một loại thực phẩm có lợi trong khẩu phần của chế độ ăn uống lành mạnh. Từ đậu nành có thể chế biến ra các món ăn ngon miệng, bổ dưỡng gần gũi với văn hóa và đời sống của người Việt Nam. Đến nay các nghiên cứu trên những người bệnh sau điều trị ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt cho thấy, không có tác dụng hại từ đậu nành đối với sự phát triển khối u hay nguy cơ tái phát ung thư.
“Đừng để những lầm tưởng ngăn bạn sử dụng đậu nành như một phần trong chế độ ăn uống lành mạnh. Hiện nay, chúng tôi đang khuyến nghị sử dụng đậu nành cho bệnh nhân ung thư là từ 1 đến 2 đơn vị/ngày, tương đương với 1 đến 2 bìa đậu phụ hoặc từ 1 đến 2 cốc sữa đậu nành mỗi ngay ứng với 30g đến 60g hạt đậu nành mỗi ngày”, chuyên gia Bệnh viện K khuyến cáo.
3 thói quen ăn uống giúp bạn giảm thiểu nguy cơ ung thư đáng kể
Chế độ ăn uống dưới đây giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư đấy nhé.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc thay đổi chế độ ăn uống cân bằng, giàu chất dinh dưỡng có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Thực hiện những thay đổi đối trong chế độ ăn uống như ba điều được liệt kê dưới đây có thể giúp bạn tránh được căn bệnh đáng sợ nhất thế giới - ung thư.
Thực hiện chế độ ăn ít chất béo
Một số tài liệu nghiên cứu đã xác định mối liên hệ giữa chế độ ăn nhiều chất béo và nguy cơ phát triển ung thư. Theo đó,bạn nên duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý đồng thời hạn chế lượng chất béo tiêu thụ không quá 20% tổng lượng calo mỗi ngày, không nên tiêu thụ quá 55 gam chất béo trong một ngày.
Tuy nhiên, việc phân tích tiêu thụ chất béo rất phức tạp, vì có chất béo tốt và chất béo xấu. Có bằng chứng cho thấy chất béo được tìm thấy trong một số loại thực phẩm có thể cung cấp đặc tính chống ung thư.
Các chất béo được cho là có lợi cho sức khỏe bao gồm các loại dầu thực vật như ô liu, hạt lanh và dầu hạt, và các axit béo có trong cá có dầu.
Tăng mức tiêu thụ chất xơ
Mối liên hệ giữa chế độ ăn nhiều chất xơ và khả năng giảm nguy cơ ung thư đã được chỉ ra để chống lại nhiều căn bệnh ung thư. Lượng lớn chất xơ trong hệ tiêu hóa sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ mà chất độc đi qua cơ thể trước khi được tiết ra ngoài. Nhiều chất độc trong số này là chất gây ung thư, chất xơ giúp hạn chế thời gian có mặt của chúng trong cơ thể, từ đó làm giảm nguy cơ ung thư đường tiêu hóa.
Cũng có bằng chứng cho thấy chất xơ giúp thúc đẩy sản xuất vi khuẩn tốt, đẩy lùi vi khuẩn xấu trong ruột. Lúa mì và ngũ cốc nguyên hạt là nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời, vì vậy việc chuyển tiêu thụ từ bánh mì trắng và gạo sang gạo nâu sẽ ngay lập tức giúp bạn tăng lượng chất xơ. Thêm vào đó, có một số loại trái cây và rau quả cũng rất giàu chất xơ như: các loại đậu, mận khô, đậu tây và táo.
Ăn nhiều thực phẩm có lợi ích phòng chống ung thư
Theo các cơ quan nghiên cứu ung thư hàng đầu và các chuyên gia ung thư, có một số loại thực phẩm có liên quan đến việc ngăn ngừa ung thư mặc dù chúng ta không có cách nào để loại bỏ hoàn toàn nguy cơ phát triển ung thư. Ví dụ, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ thường xuyên tiêu thụ đậu nành ít có nguy cơ mắc một loạt bệnh ung thư hơn những người không ăn - điều này có thể giải thích sự khác biệt giữa tỷ lệ ung thư ở Nhật Bản và Mỹ.
Một số dạng tổn thương gan có thể dẫn đến ung thư gan, nhưng có một số thực phẩm chứa chất dinh dưỡng và vitamin ngăn ngừa những tổn thương này xảy ra. Ví dụ, vitamin E phổ biến trong hạt hướng dương là một chất chống oxy hóa bảo vệ chống lại tổn thương gan.
Cà chua rất giàu lycopene, một chất chống oxy hóa được phát hiện có các đặc tính có lợi trong phòng ngừa ung thư vú, tuyến tiền liệt và ung thư gan.
Lựu có lợi ích đặc biệt liên quan đến sức khỏe tuyến tiền liệt nhờ chứa chất Axit Ellegic bên trong.
Curcumin là chất tạo ra màu vàng của nghệ và nó được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực Ấn Độ. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng curcumin làm giảm nguy cơ phát triển của nhiều dạng ung thư thông qua việc giảm viêm và tiêu diệt tế bào ung thư.
Sự thiếu hụt vitamin D có liên quan chặt chẽ đến các bệnh ung thư khác nhau, bao gồm cả ung thư đại trực tràng và ung thư vú. Mặc dù ánh nắng mặt trời giúp cung cấp một lượng vitamin D nhưng việc bô sung qua chế độ ăn uống vẫn rất quan trọng. Các nguồn vitamin D tốt bao gồm cá nhiều dầu, bơ thực vật, trứng và thực phẩm bổ sung.
Tiết lộ bí mật tại sao tuổi thọ người Nhật cao nhất thế giới Một so sánh quốc tế được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Châu Âu năm ngoái đã công bố người dân Nhật Bản trung bình sống lâu hơn người dân ở các nước G7 khác, như Pháp, Đức, Ý, Mỹ, Anh và Canada. Nghiên cứu cho thấy bí mật sống thọ có thể nằm ở chế độ ăn uống của...