Đầu năm học phụ huynh than trời vì đóng góp
Phụ huynh phản ánh tất cả khoản mục đều bắt buộc tham gia vì nhà trường giải thích “đây là theo mô hình” và buộc cha mẹ phải thể hiện bằng các đơn đăng ký tự nguyện.
Một phụ huynh học sinh (HS) khối 6 năm học 2016-2017 Trường THCS Ngô Gia Tự (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa gửi đơn kiến nghị lên Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Hai Bà Trưng, Sở GD&ĐT TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phản ánh một số hiện trạng bất hợp lý trong việc tổ chức dạy và học tại Trường THCS Ngô Gia Tự.
Tự học cũng bị thu tiền
Theo đơn phản ánh, HS khối 6 Trường THCS Ngô Gia Tự ngay vào đầu năm học phải đóng 3 triệu đồng, gồm: Quỹ phụ huynh lớp 1 triệu đồng; tiền mua điều hòa 1 triệu đồng; 860.000 đồng (số này sau được hội cha mẹ HS thu tròn thành 1 triệu đồng) bao gồm các khoản thu của trường cộng quỹ phụ huynh.
Ngoài khoản chi phí đầu năm 3 triệu đồng đó, tại buổi họp phụ huynh đầu năm vừa diễn ra, nhà trường thông báo đến phụ huynh các khoản đóng góp như sau: Chi phí học tiếng Anh theo chương trình Language Link kỳ 1 là 3 triệu đồng (tổng 2 kỳ/năm học 6 triệu đồng); mua tài liệu Language Link 460.000 đồng;
Chi phí học thêm chiều 3 môn Văn, Toán, Anh là 1.250.000 đồng/tháng; chi phí câu lạc bộ và tự học 360.000 đồng/tháng; chi phí ăn bán trú 30.000 đồng/bữa (trung bình 22 bữa x 30.000 đồng = 660.000 đồng/tháng); chi phí trông trưa 150.000 đồng/tháng.
Như vậy, trung bình hằng tháng, mỗi HS phải đóng: 1.250.000 đồng học thêm Văn – Toán – Anh; 600.000 đồng học Language Link (tạm chia trung bình 3 triệu đồng cho 5 tháng học kỳ 1); 360.000 đồng chi phí câu lạc bộ tự học; 700.000 đồng ăn bán trú; 150.000 đồng trông bán trú…
Tổng chi phí tối thiểu mỗi tháng là trên 3 triệu đồng.
Trường THCS Ngô Gia Tự, nơi có phụ huynh phản ánh về tình trạng thu những khoản thiếu hợp lý. Ảnh: Người Lao Động.
Đáng chú ý, đơn phản ánh của phụ huynh cho rằng tất cả khoản mục đều bắt buộc tham gia vì nhà trường giải thích “đây là theo mô hình” và buộc phụ huynh phải thể hiện bằng các đơn đăng ký tự nguyện.
Theo phụ huynh trên, học thêm là nhu cầu của HS nhưng chi phí học thêm 3 môn Văn – Toán – Anh mà Trường THCS Ngô Gia Tự thu là quá cao: 1,2 triệu đồng/tháng/3 môn/20 buổi, trung bình mỗi HS đóng 400.000 đồng/môn/8 buổi/lớp 50 HS.
“Thiết nghĩ chương trình dạy thêm của trường tổ chức với mục đích bổ trợ kiến thức cho HS thì nên dừng ở 1 buổi/môn/tuần là hợp lý với chi phí 500.000 đồng/3 môn/ tháng như một số trường THCS trên địa bàn Hà Nội hiện đang áp dụng”, phụ huynh này kiến nghị.
Video đang HOT
Ngoài ra, chi phí đóng tiền học thêm 2 tuần trước khi khai giảng (từ ngày 15 đến hết 31/8), nhà trường thu tiền học của HS là 1.250.000 đồng/11 buổi. Với chi phí này, tính trung bình hơn 100.000 đồng/buổi/lớp 50 HS. Chi phí này quá cao và không căn cứ trên bất cứ định mức nào.
Phải công khai các khoản thu để lấy ý kiến
Năm học 2016-2017 là năm học đầu tiên các trường học trên địa bàn Hà Nội áp dụng tăng mức học phí các cấp học theo tinh thần Nghị quyết số 03. So với năm học trước, học phí năm nay tăng khá đáng kể.
Tuy nhiên, ngoài học phí là khoản thu theo quy định, trong trường học hiện nay còn có 2 loại khoản thu khác là thu thỏa thuận (tiền ăn, bán trú, nước uống, đồng phục, dạy – học thêm…) và thu tự nguyện ( mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học, sửa chữa, trang trí trường, lớp…).
Tuy các khoản thu thỏa thuận đã được quy định rõ mức trần nhưng cũng là một khoản không nhỏ. Cụ thể, với bậc THCS, tiền chăm sóc bán trú không quá 150.000 đồng/HS/tháng; trang thiết bị phục vụ bán trú 100.000 đồng/HS/năm; học 2 buổi ngày 150.000 đồng/HS/tháng, tiền nước uống 12.000 đồng/HS/tháng…
Tính sơ bộ, cả tiền học phí, BHYT và các khoản thu thỏa thuận trên, một HS cấp THCS đóng khoảng 1,5-1,6 triệu đồng vào thời điểm đầu năm học.
Các khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của lớp, trường luôn luôn là vấn đề làm đau đầu các phụ huynh. Theo quy định, các trường được phép huy động sự đóng góp của phụ huynh nhưng phải tuân theo nguyên tắc không ép buộc hay bình quân hóa mức đóng góp. Tuy nhiên trên thực tế, việc kiểm soát tình hình thu góp các khoản tự nguyện tại cơ sở không đơn giản.
Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính (Sở GD&ĐT Hà Nội), cho biết năm học 2016-2017, đối với khoản khác ngoài học phí, trong đó bao gồm cả khoản thu tự nguyện, nhà trường phải tuân thủ theo đúng quy trình 4 bước với những phần việc bắt buộc, tuyệt đối không được “làm tắt” để đạt được sự tự nguyện. Đây là cơ sở giúp các trường triển khai thực hiện, cũng là căn cứ pháp lý để cơ quan quản lý giám sát, kiểm tra.
Theo quy định thì sau khi thống nhất kế hoạch, dự trù kinh phí mua sắm, nhà trường phải công khai thông tin trong ít nhất một tuần để tiếp thu góp ý và chỉ được triển khai sau khi có sự đồng ý của cơ quan quản lý trực tiếp. Dù vậy trên thực tế, rất nhiều nơi “làm tắt” quy trình khiến phụ huynh bức xúc vì cách làm thiếu công khai, minh bạch.
Theo Yến Anh / Người Lao Động
Phụ huynh bức xúc vì khoản thu cao gấp 3 lần năm trước
Những ngày qua, phụ huynh và học sinh trường THPT Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM) bức xúc vì các khoản thu đầu năm học 2016-2017 cao gấp khoảng 3 lần những năm trước.
Sau khi họp đầu năm học, nhiều phụ huynh của trường THPT Thủ Thiêm phản ánh học phí năm nay đội lên gấp khoảng 3 lần những năm trước.
Ngoài học phí và tiền học buổi 2 với tổng 320.000 đồng/tháng, trường có thêm khoản thu "chuyên đề tự chọn nâng cao" với mức 180.000 đồng/tháng một học sinh nhưng tới thời điểm hiện tại các em vẫn chưa được học.
Nhiều phụ huynh và học sinh không đồng tình với việc thu tiền của nhà trường nên đã đưa lên mạng xã hội.
Phụ huynh &'kêu trời' với tiền học đầu năm của con
Một phụ huynh (xin giấu tên) có con học lớp 10 tại trường cho biết học kì 1 phải đóng 5 đến 6 triệu đồng, trong khi học phí công lập chỉ 1, 2 triệu đồng. Tiền gọi là hiện đại hóa phòng học tới 300.000 đồng/tháng nhưng chưa thấy gắn máy lạnh, camera, màn hình LCD.
"Tôi thấy không cần thiết phải xa xỉ đến vậy. Tiền vệ sinh cũng phải đóng 140.000 đồng/học kỳ. Tiền giấy thi 60.000đ/học kỳ. Tin nhắn thông báo về việc nghỉ học, trễ học 50.000đ/học kỳ. Bao nhiêu là tiền sao chịu nổi?", phụ huynh này nói.
Một số phụ huynh còn cho biết thêm trường bắt buộc học sinh làm thẻ SSC để thu tiền qua tài khoản thẻ. Theo thông báo, trường sẽ nhắn các khoản thu, phụ huynh phải đến ngân hàng đóng tiền. Nếu quá 45 ngày không đóng, phụ huynh phải chịu lãi suất 15%.
Theo học sinh tên Thanh, em phải đóng tiền học bơi 140.000 đồng/học kỳ nhưng từ đầu năm học mới, cứ đến tiết thể dục, học sinh toàn ngồi... ngó vì hồ bơi đóng rêu, rác lềnh bềnh.
"Tụi em đóng tiền nhiều mà nhà vệ sinh không có cửa bên ngoài, đồ giật thì bị hư. Em không đăng ký học bán trú bởi trường thu tới 500.000 đồng/tháng, giờ trưa không được ở lại. Nhiều bạn nhà xa ở lại chiều học tiếp phải ra ngoài trường nắng chang chang", Thanh cho biết.
Một số khoản thu của trường THPT Thủ Thiêm. Ảnh: Bùi Thư.
Nữ sinh khác tên Ánh chỉ vào đồng phục mới bị lem màu nói: "Mọi năm đồng phục thể dục 140.000 đồng/bộ, đồng phục bình thường dưới 300.000 đồng. "Năm nay, đồ thể dục tới 220.000 đồng/bộ. Đồ em đang mặc giá trên 350.000 đồng mà lại ra màu, lem hết áo".
Nữ sinh cho hay trước trường có nhà tập đa năng, giờ thành nhà ăn. Phòng hội trường thành phòng ngủ bán trú. "Tụi em bị cấm mang đồ ăn bên ngoài vào nên buộc phải mua cơm ở nhà ăn với giá 28.000 đồng/phần mà rất dở", Ánh nói.
Hiệu trưởng nhận lỗi, hứa sửa sai
Trước phản ánh của phụ huynh và học sinh qua đường dây nóng và trên các trang mạng xã hội, chiều 14/9, ông Phạm Văn Nghĩa - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết ông "mất lửa" vì những ngày qua chịu sức ép từ nhiều phía. Việc cho học sinh học tăng cường và thu các khoản hiện đại hóa phòng học chỉ vì muốn tốt cho học sinh.
"Trước khi họp hội phụ huynh, tôi đã tiến hành họp ban chấp hành cũ để cân nhắc các khoản thu. Trên tinh thần đáp ứng chủ trương mới của thi quốc gia năm nay, trường dạy hai buổi sáng chiều. Bên cạnh đó, trường tăng cường cho các em học nâng cao môn tự nhiên hoặc xã hội vì đầu vào trường Thủ Thiêm rất kém", ông Nghĩa nói.
Theo hiệu trưởng này, trường được cho phép xây dựng thư viện tiên tiến, lợi thế hơn trường khác là không phải xây phòng nữa nên ông dự kiến dùng nguồn tiền vay kích cầu để trang bị vào các lớp học với màn hình 70 inch, hai máy điều hòa, hai camera phục vụ học sinh.
"Lỗi của tôi đã gây bão về vấn đề này. Sáng 14/9 họp ban giám hiệu, chiều họp chi bộ cũng như liên tịch, tôi cũng nhận lỗi và sẽ khắc phục. Tôi sẽ xin hoàn vốn vào năm sau nữa để giảm sốc cho năm nay", ông Nghĩa trần tình.
Hiệu trưởng trường THPT Thủ Thiêm nhận lỗi và hứa sẽ điều chỉnh những khoản thu. Ảnh: Bùi Thư.
Hiệu trưởng trường THPT Thủ Thiêm cũng cho biết sẽ cắt luôn chương trình học nâng cao: "Tôi làm phiếu để học sinh nào có nhu cầu mới học và giảm từ 10.000 đồng/tiết xuống 6.000 đồng/tiết. Tuy nhiên, việc này bị phản ứng nhiều và có chỉ đạo nên tôi cắt luôn chuyên đề tự chọn nâng cao, học sinh không phải đóng 180.000 đồng/tháng nữa".
Về các khoản giấy thi, hỗ trợ vệ sinh, ông Nghĩa giải thích: Giấy thi học sinh đóng 60.000 đồng/học kỳ là ghi nhầm, sẽ điều chỉnh còn 15.000 đồng/học kỳ. Phí vệ sinh giảm còn 20.000 đồng/tháng, bao gồm việc chi trả cho nhân viên, hệ thống tưới cỏ tự động.
Việc điều chỉnh các khoản thu trên sẽ được thông báo vào sáng 15/9 thay vì đầu tuần sau như dự kiến ban đầu để phụ huynh và học sinh yên tâm.
Cũng theo Hiệu trưởng trường THPT Thủ Thiêm, trường không cho học sinh mang thức ăn tránh tình trạng xả rác. Trước đó, trường ngập rác, giờ sạch hơn bệnh viện.
"Việc không cho học sinh ở lại trường giờ trưa vì có nhiều vụ trai gái, nhà trường không kiểm soát được. Tuần sau, khi căng-tin xây xong, trường sẽ bố trí cho các em không đăng ký bán trú ở lại với phòng máy lạnh, không để học sinh lê lết ngoài trường", ông Nghĩa nói.
Liên quan hồ bơi đang được sửa chữa, vị hiệu trưởng thông tin theo quy định, học sinh được học một học kỳ, nếu tháng 10 chưa sửa xong thì tháng 11, 12 sửa. Lớp nào học chưa đủ buổi sẽ học qua học kỳ tiếp theo. Tiền đóng 140.000 đồng/học sinh học 20 tiết bơi, còn tiền xử lý nước, tiền công người dạy, tiền cứu hộ.
* Tên học sinh đã thay đổi.
Theo Zing
Thêm 757 học sinh ở Kỳ Anh đã đến trường Chiều 9/9, ông Lê Văn Luyện, Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), cho biết sau nhiều ngày nỗ lực vận động, giải thích, hôm nay, thêm 757 học sinh ở xã Kỳ Hà đi học. Trong đó, bậc mầm non đã có 200/330 học sinh đi học; bậc tiểu học có 508/694 học sinh và bậc THCS 424/530...