Đau lòng, “tôn sư trọng đạo”…
Trong môi trường giáo dục, thỉnh thoảng lại rộ lên hiện tượng “ăn miếng, trả miếng” giữa phụ huynh và giáo viên. Dù đúng, dù sai thì những sự việc ấy luôn quá đỗi đau lòng, khi mà rất nhiều giá trị, đạo đức dường như đã đổi thay chóng mặt…
Cảnh đau lòng phụ huynh thẳng tay tát vào mặt nữ Hiệu trưởng Trung tâm dạy môn năng khiếu Mun Art (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng)
Không còn là hy hữu
Dư luận hẳn chưa quên việc một phụ huynh là luật sư ở Trường tiểu học Bình Chánh – Long An bắt cô giáo quỳ gối chỉ vì trước đó cô giáo bắt con mình quỳ gối. Gần đây nhất là cô ở Cơ sở Mầm non Sen Hồng, Điện Thắng Trung, Quảng Nam bị phụ huynh đánh ngất xỉu, thủng màng nhĩ. Hay sự việc xảy ra ở Trường Mầm non Việt Lào, Nghệ An. Chỉ vì nghi ngờ con bị bạo hành, một phụ huynh đã thẳng tay đánh cô giáo tới mức động thai.
Đơn cử, trước đó, tại Đắk Nông, một phụ huynh đến trường đón con trước giờ quy định, cô giáo ngăn cản và xin ý kiến ban giám hiệu. Sau đó, phụ huynh này đến trường đánh cô giáo cùng một số người khác. Theo báo cáo, khoảng 14h ngày 7/3, bà Vũ Thị Ánh Tuyết (37 tuổi, ngụ thị trấn Đắk Mil) đến Trường Mầm non Hoa Hồng xin cho con về sớm vì nhà có người thân mới mất ở huyện Cư Jút (Đắk Nông). Cô Nhẫm không đồng ý mà yêu cầu phải có ý kiến của ban giám hiệu.
Cô Nhẫm nêu lý do việc đón trẻ trước thời gian quy định (16h15) và sáng cùng ngày ông Vũ Văn Lực (chồng bà Tuyết) đã dặn bất kỳ ai đón cháu cũng phải hỏi ý kiến của mình. Tuy cô Nhẫm đã giải thích, bà Tuyết vẫn dắt tay con đi. Giáo viên tiếp tục yêu cầu phụ huynh cùng lên gặp hiệu trưởng để giải quyết.
Cùng lúc này, cô Nhẫm gọi điện thoại cho ông Lực xin ý kiến và nhận được sự đồng ý. Sau đó, nhà trường cho bà Tuyết đón con về sớm. Sáng 12/3, bà Tuyết đưa con đến lớp học thì gặp cô Nhẫm tại sân trường. Bà nói với cô Nhẫm là “lát tao xử mày”, rồi tát vào mặt cô giáo.
Nhiều giáo viên trong trường chạy đến can ngăn cũng bị bà Tuyết đánh, chửi, trong đó có cô Trần Thị Phương Anh cũng là giáo viên của trường. Chiều cùng ngày, Công an thị trấn Đắk Mil mời bà Tuyết đến làm rõ vụ việc. Bà Tuyết thừa nhận đã đánh vào mặt cô Nhẫm với lý do không cho đón con và có thái độ không tôn trọng mình.
Ban giám hiệu nhà trường và cô Nguyễn Thị Nhẫm đã làm đơn yêu cầu cơ quan chức năng xác minh, xử lý hành vi của bà Tuyết, yêu cầu nữ phụ huynh công khai xin lỗi cô Nhẫm và cô Phương Anh.
Và mới đây, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hạ Long vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đỗ Thanh Toàn (sinh năm 1992, trú tại tổ 12, khu 1, phường Cao Xanh) về hành vi làm nhục người khác.
Cho rằng con gái mình bị các cô giáo bạo hành, vào khoảng 7h30 ngày 5/10, tại vỉa hè trước cửa lớp mầm non tư thục Tuổi Thơ Xanh (thuộc tổ 2, khu 2, phường Yết Kiêu, thành phố Hạ Long), Đỗ Thanh Toàn đã có lời lẽ chửi bới, xúc phạm, tát vào mặt và bắt 3 cô giáo Hà Thị H., Ngô Vân K., Đặng Thị L. quỳ gối.
Sự việc nhanh chóng được báo cáo lên lãnh đạo ngành Giáo dục thành phố Hạ Long và các cơ quan chức năng. Ngày 17/10, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hạ Long đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đỗ Thanh Toàn (sinh năm 1992, trú tại tổ 12, khu 1, phường Cao Xanh) về hành vi làm nhục người khác.
Sau sự việc, đại diện Phòng GD&ĐT TP Hạ Long xuống thăm hỏi, động viên các cô giáo bị hành hung. Hiện, các cô giáo ổn định tinh thần và dạy học bình thường.
Mới đây nhất, huynh có hành vi tát thẳng tay vào mặt nữ Hiệu trưởng Trung tâm Mun Art chỉ bởi những mâu thuẫn không thấu đáo, khi họ có thể hoàn toàn có thể giải quyết sự việc theo hướng cầu thị.
Khi cha mẹ hành xử bằng “cái tát”
Video đang HOT
Vụ việc phụ huynh thẳng tay tát vào mặt nữ Hiệu trưởng Trung tâm dạy môn năng khiếu Mun Art (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) khi cho rằng “bỏ quên” con mình suốt 2 tiếng đồng hồ ở tiền sảnh đang khiến dư luận bức xúc. Nó gây “ấn tượng” mạnh khi đoạn clip ghi lại cảnh tượng trên được đưa lên mạng xã hội.
Sự việc trên xảy ra tại cuộc họp do Trung tâm Mun Art tổ chức để giải quyết bức xúc và giải thích vụ việc liên quan đến phản ánh của phụ huynh Nguyễn Thị Trường Thy (SN 1982, ngụ quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Tuy nhiên, trong cuộc họp, bà Thy không hợp tác, không chấp nhận lời giải thích, đồng thời cuối buổi họp, phụ huynh này dùng tay tát vào mặt nữ Hiệu trưởng.
Trước đó, ngày 18/11, Trung tâm Mun Art tổ chức buổi diễn cuối khóa học nhạc kịch (từ 17h30 đến 19h30) cho học sinh và phụ huynh cùng tham gia. Bà Thy đã đưa con S.T (SN 2013) đến Trung tâm nhưng hôm sau xem lại video không thấy con trên sân khấu nên bà Thy đã đến trường yêu cầu giải thích việc con ở đâu trong suốt 2 giờ trên.
Tuy nhiên, theo bà Thy, khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng nói rằng khi nói chuyện phụ huynh cần phải “có trình độ, có hiểu biết và ăn nói có giáo dục” khiến phụ huynh bức xúc, cho rằng mình bị xúc phạm, cộng với bực tức vì sự tắc trách, không quan tâm đến học viên của Trung tâm nên đã to tiếng và thẳng tay tát vào mặt nữ Hiệu trưởng này.
Liên quan sự việc trên, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng đã có đơn tố cáo gửi Cơ quan Công an quận Hải Châu về hành vi “Vu khống, đe dọa, xúc phạm nhân phẩm người khác” của bà Thy. Dù bà Thy giải thích như trên, tuy nhiên dư luận có nhiều ý kiến cho rằng, hành vi của phụ huynh này là hành vi côn đồ và yêu cầu xử lý nghiêm nữ phụ huynh.
Phần đa ý kiến cho rằng: “Hành động của phụ huynh rất đáng báo động. Nó vượt qua giới hạn truyền thống tôn sư trọng đạo và giới hạn về đạo đức, văn hóa ứng xử khi giải quyết những bất đồng. Phụ huynh có thể thản nhiên chửi bới, hành hung giáo viên ngay tại trường như thế này, hỏi sao bạo lực học đường ngày càng phức tạp.
Dù Trung tâm có sai sót nhưng cũng không đến mức phụ huynh có thể thản nhiên thẳng tay tát vào mặt giáo viên rồi thách thức. Với hành vi này, cơ quan thực thi pháp luật cần vào cuộc xử lý nghiêm để trả lại danh dự, niềm tin với cô giáo, đồng thời các cơ quan chức năng cũng cần chấn chỉnh lại hoạt động của Trung tâm này”.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, việc phụ huynh lo lắng cho con là đúng. Trong suốt 2h học mà con không trên lớp, không biết con đang làm gì và đang ở đâu. Phụ huynh tát cô giáo là sai đáng bị lên án nhưng vào hoàn cảnh như vậy khó kiềm chế được khi nỗi lo lắng cho con cái lấn át hết ý chí, nhất là khi nhiều vụ việc đau lòng xảy ra khi giáo viên nhà trường thiếu trách nhiệm với các cháu.
“Làm giáo dục phải có tâm. Tôi là một giáo viên và tôi ghét cay ghét đắng những giáo viên vô tâm, coi thường sinh mạng con trẻ như vậy. Khi không thấy cháu, giáo viên phải liên hệ ngay với phụ huynh không được để cháu ở đâu mà mình không biết. Tôi là giáo viên nhưng tôi đồng cảm với phản ứng của phụ huynh”, bà Nguyễn Thị Thu Thủy nêu ý kiến.
Có thể nói, ngày nay, phụ huynh với tâm lý “con mình là vàng”, bao bọc con thái quá, cùng với đó là sự thiếu tôn trọng người khác, chưa kể đó là bậc thầy cô. Cái tát hay bất cứ sự hành hung nào trong môi trường sư phạm cũng là điều đau lòng. Chúng ta khó có thể trách những đứa trẻ đang lớn hung dữ khi cha mẹ chúng luôn là những tấm gương phản chiếu “khó tin” như vậy.
Giáo viên là một công dân được pháp luật bảo vệ, dù bất cứ lý do gì, không ai có quyền gây áp lực bắt cô phải quỳ gối, không ai có quyền chà đạp thân thể các cô như vậy. Sự chà đạp đó còn khiến hình ảnh nhà giáo, một nghề vốn được mệnh danh là cao quý nhất trong các nghề cao quý không còn được vẹn nguyên. Như một cái tát đau đớn vào truyền thống tôn sư trọng đạo, đó là đạo đức xã hội.
Và ở góc độ ngược lại, người thầy cũng không thể đi chệch đường ray “làm thầy”, bởi hơn bất cứ nghề nghiệp nào, thầy cô phải luôn là những kỹ sư tâm hồn, họ không chỉ dạy kiến thức mà dạy trò bằng chính nhân cách của mình… Khi mà một lời khích lệ của thầy luôn có thể thay đổi cuộc đời một con người.
Tại Điều 67 của Luật Giáo dục 2019 đã quy định về tiêu chuẩn nhà giáo: Có phẩm chất, tư tưởng, đạo đức tốt; Đáp ứng chuẩn nghề nghiệp theo vị trí việc làm… Và tại Điều 69 có quy định về nhiệm vụ của nhà giáo: Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, điều lệ nhà trường, quy tắc ứng xử của nhà giáo; giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng, đối xử công bằng với người học; bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học; học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho người học…
Uyên Na
Theo baophapluat
Thầy cô xưng hô với học trò phổ thông như thế nào cho phù hợp?
Một khi thầy cô dùng từ ngữ xưng hô phù hợp sẽ tạo cho học trò bắt chước, học hỏi và tạo nên văn hóa ứng xử học đường được tốt đẹp hơn.
Từ ngữ xưng hô trong tiếng Việt của chúng ta rất đa dạng và phong phú. Chính vì thế mà cách xưng hô cũng rất đa dạng, nhiều khi là theo thói quen, theo cảm xúc của những người giao tiếp.
Tuy nhiên, trong môi trường giáo dục thì mối quan hệ thầy- trò có những nét rất riêng mà mỗi thầy, cô giáo cũng cần chú ý để xưng hô với học trò một cách phù hợp nhất trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Cách xưng hô phù hợp sẽ tạo cho tình thầy trò đẹp hơn (Ảnh minh họa: baogialai.com.vn)
Những giáo viên luôn xưng là "thầy", "cô" trước học trò
Theo đặc trưng về cách xưng hô của văn hóa vùng miền nên những thầy, cô giáo ở các tỉnh phía Bắc thường xưng là thầy (cô) và gọi học trò là "em". Chỉ có một số ít giáo viên dạy ở cấp Mầm non, Tiểu học hoặc một số thầy cô ở khu vực thành phố gọi học trò là "con".
Các giáo viên ở các tỉnh phía Nam thường xưng là thầy (cô) và gọi học trò là "con" đối với tất cả các cấp học phổ thông và học trò dù lớn cũng hay xưng là "con" khi nói chuyện, giao tiếp với thầy, cô giáo của mình.
Đối với việc thầy, cô giáo gọi học trò là "em" hay "con" đều phù hợp và tất nhiên không thể nói gọi "con" là tình cảm hơn mà gọi là "em" thì ít tình cảm hơn mà đó cách xưng hô thông thường giữa thầy, cô giáo với học trò của mình theo từng khu vực nhất định.
Học trò ở các tỉnh phía Nam dù đang học ở cấp Trung học phổ thông vẫn xưng là "con" với thầy cô giáo của mình, kể cả thầy cô giáo chưa có gia đình và điều này cũng là một thói quen.
Nhưng, học trò các tỉnh phía Bắc thường chỉ có một bộ phận xưng "con" với thầy cô giáo khi còn học Mầm non và Tiểu học. Khi lên đến cấp Trung học cơ sở thì rất hiếm học trò xưng là "con" nữa.
Nhưng cũng có thầy cô xưng hô là "mày- tao" với học trò
Việc thầy (cô) giáo xưng "tôi" trước học trò thì khá phổ biến nhất là từ cấp Trung học cơ sở trở lên. Có thầy (cô) xưng tôi nhưng vẫn gọi học trò là "em", là "con" hoặc gọi học trò bằng "bạn A, bạn B", có thầy (cô) gọi học trò bằng "anh, chị"...
Cách xưng hô này xét về tính biểu cảm ta thấy có phần "nhạt" hơn với cách xưng hô là "thầy" với "em" hoặc "con".
Bởi, nhiều học sinh lớp 6, lớp 7 mà được thầy cô gọi mình là "anh", "chị" lúc đầu thường rất bỡ ngỡ. Vì các em vừa qua Tiểu học đang được gọi bằng những từ ngữ rất trìu mến.
Điều băn khoăn nhất trong các trường phổ thông hiện nay là có một bộ phận thầy cô gọi học trò bằng "mày", "thằng kia, con kia", "ông tướng", "bà nội kia"...và xưng bằng "tao" trong cả lúc nóng giận và cả khi xưng hô trong hoàn cảnh giao tiếp thông thường.
Có người cho rằng xưng hô "mày- tao" là suồng sã với học trò, thể hiện sự thân thiện, không làm màu với học trò, xưng hô như vậy nhưng yêu học trò, thương học trò lắm.
Tuy nhiên, rõ ràng dù tấm lòng thầy cô có yêu thương học trò như thế nào đi chăng nữa thì cách xưng hô "mày- tao" cũng không phù hợp trong môi trường giáo dục bởi nó thể hiện sự bằng vai với nhau mà không đẹp trong văn hóa học đường.
Ai cũng muốn người khác xưng hô ngọt ngào với mình.
Khi tìm hiểu về chủ đề giao tiếp trong học đường, chúng tôi đã trò chuyện với học trò của một số nhà trường và các em đều không thích cách xưng hô "suồng sã" của thầy cô đối với mình.
Các em vẫn thích thầy, cô xưng là "thầy" là "cô" hoặc ít nhất là "tôi" chứ không bao giờ muốn thầy cô xưng là "tao" khi nói chuyện, trao đổi với học trò.
Các em cũng không muốn thầy cô gọi mình là "anh", "chị", "thằng, con kia", "mày"... bởi gọi như vậy dù tâm thầy, cô tốt đến đâu đi chăng nữa thì học trò vẫn cảm thấy một khoảng cách giữa thầy, cô giáo với mình là quá xa.
Tuy nhiên, có một số thầy cô giáo chưa chú trọng cách xưng hô trong hội thoại nên nhiều khi tạo ra một khoảng cách trong mối quan hệ thầy trò.
Khi trao đổi với một số giáo viên thì có thầy cô cho rằng quan trọng gì cách xưng hô miễn là tâm mình sáng. Có thầy cô lại cho rằng học trò bây giờ nó là "ông nội" của mình, vào đó mà gọi "em" với gọi "con".
Tất nhiên, cách xưng hô không chỉ là tình cảm giữa các đối tượng giao tiếp với nhau mà còn căn cứ vào từng trường hợp, hoàn cảnh cụ thể để những người giao tiếp xưng hô với nhau phù hợp trong từng thời điểm nhất định.
Song, có một thực tế rằng khi giao tiếp thì ai cũng muốn mình được tôn trọng, mình được người đối thoại gọi bằng những từ ngữ phù hợp, trìu mến nhất.
Thầy cô không muốn trò gọi mình là "ông", là "bà", là "mụ", là "sát thủ"...thì đương nhiên học trò cũng không muốn thầy, cô của mình gọi mình là "mày" là "con, thằng kia"...
Ngôn ngữ tiếng Việt đa dạng, xưng như thế nào, hô như thế nào cũng có thể đạt được mục đích giao tiếp. Nhưng, có lẽ môi trường học đường thì ngôn phong của thầy cô giáo, học trò cần nhẹ nhàng, tình cảm, tôn trọng nhau và ứng xử phù hợp.
Ông bà ta xưa đã dạy: "Lời nói chẳng mất tiền mua" nên dù trong hoàn cảnh nào thì trước tiên ngôn phong của người thầy cũng phải luôn chỉn chu trước học trò của mình.
Một khi thầy cô dùng từ ngữ xưng hô phù hợp sẽ tạo cho học trò bắt chước, học hỏi và tạo nên văn hóa ứng xử học đường được tốt đẹp hơn. Điều này, cũng góp phần làm cho môi trường giáo dục thêm hạnh phúc và nhân ái với nhau hơn.
THANH AN
Theo giaoduc.net
Khen thưởng, kỷ luật học sinh cũng cần có nghệ thuật Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM vừa tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề Nghệ thuật khen thưởng-kỷ luật học sinh. Khen thưởng với nhiều hình thức, từ lời nói đến những món quà nhỏ, nhưng đúng người, đúng việc, đúng thời điểm sẽ khích lệ rất lớn đối với học trò Hình thức khen thưởng đa dạng Mở đầu buổi tọa đàm,...