Đau lòng khi học trò thiếu “tôn sư, trọng đạo”
Tâm lý học trò ngày càng phức tạp, các em cư xử thiếu tôn sư trọng đạo, thậm chí sau lưng thầy cô, có học sinh gọi thầy cô là ông này, bà nọ, thậm chí gọi là “nó” làm giáo viên căng thẳng, lúng túng.
Phát khóc vì thái độ của học trò
“Sau lưng, có học trò gọi thầy cô là ông nọ bà kia, tệ hơn có em gọi thầy cô là “nó” – chia sẻ của nhà giáo trẻ tiêu biểu TPHCM – cô Phan Thụy Mộng Thu ( giáo viên Trường THCS Lữ Gia, Q11) tại một buổi tọa đàm về văn hóa ứng xử đã phần nào tô thêm đường nét vào bức tranh mối quan hệ thầy trò ngày nay.
Là người trực tiếp đứng lớp, cô Mộng Thu bộc bạch, nhiều học sinh quan niệm giáo viên chỉ là người dạy chữ, các em đánh mất những nét đẹp, chuẩn mực trong ứng xử với thầy cô. Nhiều học sinh có nhiều biểu hiện thiếu tôn trọng người thầy như cãi lại khi bản thân có lỗi, bị phê bình; trả lời cộc lốc, gặp thầy cô không chào, ra vào lớp nhiều khi không xin phép…
Nhiều giáo viên hiện nay gặp áp lực khi tương tác với học trò (Ảnh minh họa)
Cô Thu cho biết thêm, khi bị cho điểm kém, có học trò còn xé bài kiểm tra trước mặt thầy cô để tỏ thái độ. Hay trên mạng xã hội, có em nói về thầy cô rất khiếm nhã, nếu không muốn nói là vô văn hóa.
Sự đau lòng và cả lúng túng của giáo viên trước “thái độ” của học sinh là điều đang diễn ra hiện nay. Trong một chuyên đề trao đổi về tâm lý vị thành niên, một cử nhân tốt nghiệp ĐH Sư phạm TPHCM mới ra trường cho hay, cô cảm thấy bất lực, chán nản trước thái độ của học trò. Khi vào lớp, các em ăn uống, nói chuyện riêng, chưa kể đến nhiều chiêu trò chọc phá, hỗn hào với giáo viên.
Cô giáo trẻ rơi vào tâm thế dở khóc dở cười, nếu dùng đến các hình phạt hà khắc thì cô hiểu không có tác dụng với học trò rồi còn vi phạm quy định của ngành. Nếu thờ ơ mặc kệ thì lớp học không ra lớp học, thầy không ra thầy, trò không ra trò…
“Nhiều khi, vừa bước chân ra khỏi lớp là tôi chực bật khóc, phải bước thật nhanh để không ai thấy mình đang nước mắt lưng tròng”, cô giáo nghẹn ngào và nói thêm, nhiều đồng nghiệp của cô sau khi đi thực tập, ra trường không vượt qua được áp lực khi đối diện với học trò nên chuyển sang công việc khác.
Theo nhiều giáo viên, chính thái độ, sự thách thức, ương bướng của học sinh là chất xúc tác đẩy sự căng thẳng trong quan hệ thầy trò dễ lên đỉnh điểm. Nhiều giáo viên không kiềm chế được dẫn đến những hành vi phản sư phạm, bạo hành với học trò.
Không chỉ ở bậc học thấp mà một điều không khó để nhìn thấy là càng lên bậc học cao thì ý thức văn hóa ứng xử của học sinh, sinh viên lại giảm đi. Theo khảo sát, chia sẻ từ nhiều trường ĐH ở TPHCM đều chỉ ra văn hóa giao tiếp, ứng xử nơi công cộng của sinh viên hiện nay rất đáng ngại. Ăn mặc thiếu văn hóa, chen lấn không xếp hàng, ăn uống trong lớp, ứng xử “thô bạo” với cảnh quan công cộng… là thực trạng tồn tại trong sinh viên.
Video đang HOT
Nhiều sinh viên ngộ nhận “bình đẳng” trong mối quan hệ với giảng viên là sự ngang hàng, từ đó họ thể hiện cái tôi không phù hợp, thiếu tôn trọng, lễ phép với người thầy.
Giáo viên phải không ngừng học
Chia sẻ với những khó khăn của giáo viên, TS Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM) cho hay, tiếp xúc với giáo viên, bà thấy rõ, nhiều người rất bức bối với công việc, nhất là giáo viên phổ thông trong hệ thống trường công. Quá nhiều thứ đổ lên đầu họ, từ quản lý, chương trình, thành tích, chỉ tiêu, kỷ luật…, họ không được tôn trọng.
Bên cạnh đó, không thể phủ nhận, tâm lý học trò ngày nay rất phức tạp, mối tương quan thầy trò thay đổi rất nhiều. “Nhất quỷ nhì ma” không phải tinh nghịch thông thường như trước đây mà nhiều học trò hiện nay thể hiện sự thiếu tôn trọng, xúc phạm thầy cô giáo… Tất cả các áp lực đẩy giáo viên vào trạng thái căng thẳng.
Sự việc cô giáo ở TPHCM lên lớp nhiều tháng không giảng bài là một ví dụ cho thấy mối quan hệ thầy trò hiện nay có nhiều bất ổn.
Quan niệm nghề giáo là một nghề an nhàn, học vài năm dùng cả đời đã không còn phù hợp. Theo bà Thúy, người thầy ngày nay phải không ngừng học, không chỉ về kiến thức, phương pháp sư phạm mà còn kỹ năng ứng xử, giao tiếp với học trò. Khi tiếp cận với các phương pháp sư phạm tích cực, người thầy sẽ thấy yêu quý, hạnh phúc với công việc hơn, tránh được những tình huống lúng túng trong giao tiếp với học trò.
TS Nguyễn Thị Thu Huyền (ĐH Sư phạm TPHCM) bày tỏ nghề nào cũng có áp lực, cũng có khó khăn, lựa chọn theo nghề nào đó hoàn toàn là quyết định cá nhân. Mỗi người thầy cần xem bản thân mình có yêu thích, có phù hợp, có năng lực với công việc nghề giáo hay không. Nếu thấy bản thân không đủ phẩm chất lẫn năng lực để làm tốt các yêu cầu của nghề thì hãy từ bỏ, chuyển sang nghề khác trước hết là tốt cho chính mình, sau đó tốt cho học sinh.
“Nếu thầy cô nào cảm thấy năng lực giáo dục học sinh của mình hạn chế mà vẫn mong muốn theo nghề vì yêu nghề, yêu trò thì hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ bất cứ nguồn nào. Hiện không có rất nhiều các lớp học miễn phí, sách, tài liệu về kỷ luật tích cực, quản lý hành vi trẻ, giao tiếp với trẻ…”, TS Thu Huyền chia sẻ.
Theo TS Đào Minh Hồng (ĐH KHXH&NV TPHCM), những bất ổn trong văn hóa ứng xử nói chung, trong đó có quan hệ thầy trò, trước hết là do chúng ta đang thiếu những quy tắc, nguyên tắc ứng xử trong giao tiếp, ứng xử văn hóa trong các đơn vị trường học, công sở và nơi công cộng. Theo bà, trách nhiệm của các nhà quản lý là phải tạo ra sự kết nối trong việc thực hiện các hành vi chuẩn mực có hệ thống từ bảo vệ, nhân viên, cán bộ, quản lý… cùng đảm bảo theo nguyên tắc như vậy. Qua đó, học trò sẽ học được và thực hiện theo những quy tắc ứng xử có văn hóa.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Quy tắc ứng xử học đường: Có làm thầy trò cư xử tốt hơn?
Cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng, im lặng suốt một học kỳ trong tất cả các giờ lên lớp; phụ huynh bắt giáo viên quỳ gối để xin lỗi... khiến ngành GD-ĐT đang phải 'vắt chân lên cổ' để soạn bộ quy tắc ứng xử trong trường học với mong muốn giảm thiểu các hiện tượng này.
Học sinh gặp thầy cô giáo phải dừng lại, khoanh tay chào; giáo viên gặp học sinh phải niềm nở, vui vẻ sẽ là một trong những quy định ứng xử học đường
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Bộ quy tắc này đang được lấy ý kiến với hy vọng sẽ bắt đầu triển khai từ đầu năm học tới.
Quy định sẽ dễ thực hiện, dễ nhớ
Phát biểu định hướng tại cuộc họp bàn về xây dựng bộ quy tắc văn hóa ứng xử trong học đường mới đây, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhắc lại một số sự việc xảy ra gần đây thể hiện văn hóa ứng xử trong nhà trường và cho rằng, dù đó chỉ là những trường hợp cá biệt nhưng với xu hướng tăng lên, rõ ràng cần những giải pháp chấn chỉnh mang tính lâu dài và bền vững.
Ông Nhạ cũng thẳng thắn chỉ ra, chương trình các môn học về đạo đức, giáo dục công dân trong nhà trường còn mỏng về thời lượng, nhẹ về chất lượng, đơn giản về phương pháp, vị thế của môn học chưa được coi trọng đúng mức; các địa phương hầu như chưa coi trọng đội ngũ giáo viên dạy những môn học này; ngay cả tại các trường sư phạm, khoa ngành học đạo đức, nhóm ngành giáo dục công dân cũng bị xem nhẹ hơn những khoa ngành khác.
Người đứng đầu ngành GD-ĐT yêu cầu, trước mắt ưu tiên và cần tập trung ngay vào việc xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học phổ thông, cần thay đổi tư duy khi đưa ra các quy định, đảm bảo các yêu cầu: khả thi, dễ thực hiện, dễ nhớ; quy định rõ những điều cần làm, không được làm; quy định chế tài cụ thể, trách nhiệm của mỗi cấp: trường, sở, địa phương; trách nhiệm của học sinh (HS), giáo viên, phụ huynh...
Cũng theo ông Nhạ, bộ quy tắc sẽ không quy định chung chung kiểu như HS phải ngoan ngoãn, lễ phép mà nên quy định cụ thể để hướng dẫn dễ thực hiện, ví dụ như HS gặp thầy cô giáo phải dừng lại, khoanh tay chào hay giáo viên gặp HS phải niềm nở, vui vẻ... có như vậy thì mọi người dễ hiểu, dễ thực hiện và giám sát, đánh giá được.
"Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học phổ thông phải được ban hành trước năm học mới 2018 - 2019 để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm học, kèm theo đó là các chế tài đủ mạnh. Đây sẽ là giải pháp quan trọng nhằm xây dựng văn hóa ứng xử trường học hiệu quả trong thời gian tới", Bộ trưởng Nhạ khẳng định.
Dân chủ là yếu tố tiên quyết
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP.Hà Nội, cho rằng việc đưa ra một bộ quy tắc ứng xử là cần thiết nhưng không nên hy vọng khi có rồi thì đồng loạt các trường sẽ thực hiện đúng các quy tắc đó.
Theo ông Lâm, cái gốc để có văn hóa ứng xử trong học đường thì mỗi nhà trường phải có dân chủ thực sự. Đặc biệt trong giáo dục, dân chủ là thể hiện cao nhất sự tôn trọng con người. Hiện nay các cơ sở giáo dục đào tạo, nhà nước và Bộ GD-ĐT đã có nhiều văn bản để phát huy dân chủ trong các nhà trường nhưng thực hiện không được là bao.
Ông Lâm cho rằng muốn xây dựng được văn hóa học đường thì trước hết phải có dân chủ trong mỗi nhà trường và trước hết là sự gương mẫu của hiệu trưởng, cán bộ giáo viên. Nhà quản lý, người dạy, người học đều được quyền tham gia xây dựng kế hoạch, tham gia đánh giá kết quả của quá trình đào tạo, tham gia để làm chủ mọi hoạt động giáo dục của nhà trường.
Cần có quy tắc về ứng xử trên mạng xã hội
Xu hướng HS, sinh viên sử dụng mạng xã hội ngày càng phổ biến và thực tế đã có không ít những hệ lụy xảy ra chỉ vì mâu thuẫn trên mạng xã hội. Nhiều vụ bạo lực học đường, đánh hội đồng HS chỉ vì "nói xấu" nhau trên mạng xã hội đã diễn ra khá nhiều trong thời gian vừa qua.
Thực tế này khiến không ít các trường phải tự đưa ra những quy định về sử dụng mạng xã hội của HS, sinh viên trường mình.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng rất mong muốn quy tắc ứng xử mà Bộ chuẩn bị xây dựng sẽ có nội dung về việc sử dụng Facebook bởi đây là đòi hỏi bức thiết từ thực tế.
Theo ông Tiến, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đang có ý tưởng soạn thảo quy định về việc HS tham gia mạng xã hội như thế nào là phù hợp. Do vậy nếu Bộ GD-ĐT đưa nội dung này vào bộ quy tắc ứng xử thì các sở sẽ có căn cứ thực hiện chứ không phải tự ban hành nữa.
Cũng theo ông Tiến, những hành vi đưa hình ảnh phản cảm, nói xấu bạn bè, thầy cô hoặc đăng câu chuyện gây tác động tiêu cực đến tâm lý mọi người trong trường học... cần bị coi là vi phạm nội quy trường xử lý.
Đến năm 2020, 100% trường học thực hiện bộ quy tắc ứng xử
Theo dự thảo đề án xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học: Đến năm 2020: 100% trường học xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, đặc thù của lĩnh vực giáo dục, đào tạo; phù hợp với điều kiện và đặc trưng vùng miền của mỗi trường và hằng năm được điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện. 100% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, HS, sinh viên hằng năm được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng, liên tục duy trì, phát huy vào các năm sau. Có ít nhất 90% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, cán bộ công đoàn giáo dục, đoàn thanh niên, hội sinh viên, đội thiếu niên trong nhà trường được bồi dưỡng nâng cao và có năng lực tốt, mẫu mực trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học và đạt 95% vào năm 2025.
Theo thanhnien.vn
Làm sao để trẻ khuyết tật có khả năng tự vệ? Trẻ bình thường để yêu thương đúng cách đã không dễ, với trẻ bị khuyết tật còn khó hơn nhiều. Một tọa đàm với tên gọi "Yêu thương con đúng cách" vừa diễn ra tại Trường PTCS Xã Đàn, Hà Nội, nơi dạy dỗ những trẻ thiệt thòi. Một phụ huynh phát biểu tại tọa đàm "Yêu thương con đúng cách" - Ảnh:...