Đâu là đặc điểm quan trọng nhất của lao động sư phạm?
Đặc điểm quan trọng nhất của lao động sư phạm là trong suốt quá trình lao động luôn luôn có sự tương tác giữa: thầy – trò; trò – trò; thầy – thầy; nhà trường – cộng đồng xã hội.
Đối tượng lao động sư phạm là học sinh
Sức lao động của GV biểu hiện nhiều ở mặt hoạt động trí óc cho nên sự tái sản xuất sức lao động không chỉ biểu thị bằng sự hồi phục sức khỏe cơ bắp mà quan trọng là sự hồi phục năng lực hoạt động trí tuệ. Chống sự lão hóa trí tuệ là một mặt quan trọng mà những người sử dụng lao động GV cần đặc biệt quan tâm.
GS Đinh Quang Báo
GS.TS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh điều này trong tham luận của mình tại Hội thảo khoa học Quốc tế “Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong bối cảnh hiện nay: Xu hướng Việt Nam và thế giới”.
GS Đinh Quang Báo phân tích, mục đích của lao động sư phạm là đào tạo thế hệ trẻ thành lực lượng lao động tiếp nối sự phát triển xã hội theo mô hình nhân cách mà xã hội yêu cầu ở từng thời kỳ phát triển.
Đối tượng lao động sư phạm là học sinh. Công cụ chủ yếu của lao động sư phạm là nhân cách của người giáo viên; bằng chính nhân cách của mình, giáo viên tác động tích cực đến sự hình thành nhân cách của học sinh. Sản phẩm của lao động sư phạm là những nhân cách theo mô hình mà xã hội đòi hỏi ở giáo dục nhà trường.
Như vậy, trong lao động sư phạm, đối tượng lao động là con người, công cụ chủ yếu là con người, sản phẩm cũng là con người.
Cũng theo GS Đinh Quang Báo, lao động của nhà giáo biến con người sinh học thành con người xã hội, tức là thành những nhân cách, như là động lực có tính quyết định sự phát triển kinh tế xã hội. Nhân cách là hệ thống năng lực tinh thần và thể chất của con người. Hệ thống năng lực này là nguồn gốc tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội.
Yếu tố quan trọng bậc nhất trong cấu trúc nhân cách là trí tuệ, thể hiện ở trình độ tư duy, trình độ học vấn, năng lực giải quyết những vấn đề lý thuyết hay thực tiễn một cách sáng tạo.
Về phương diện kinh tế, trí tuệ được xem là tài nguyên quý giá nhất trong các nguồn tài nguyên của quốc gia. Một trong những người làm phong phú tăng thêm trữ lượng tài nguyên trí tuệ của quốc gia là các nhà giáo.
Có thể nói sản phẩm lao động của nhà giáo là loại sản phẩm cao câp bậc nhất, gắn với tương lai xã hội. Trong một xã hội đang phát triển nhanh thì sản phẩm của giáo dục phải thường xuyên được nâng cấp chất lượng mới đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Và tất nhiên, những người làm ra các sản phẩm đó là giáo viên, phải không ngừng được bồi dưỡng, đào tạo lại.
Video đang HOT
GS Đinh Quang Báo
Giáo viên không còn đóng vai trò truyền đạt kiến thức
Trong xã hội đang biến đổi nhanh, người giáo viên phải có ý thức, có nhu cầu và có tiềm năng không ngừng tự hoàn thiện về đạo đức, nhân cách, về chuyên môn nghiệp vụ, phát huy tính chủ động, độc lập, sáng tạo trong hoạt động sư phạm, biết phối hợp nhịp nhàng với tập thể nhà trường trong việc thực hiện các mục tiêu giáo dục.
GS Đinh Quang Báo
GS Đinh Quang Báo nhấn mạnh, đáng chú ý là ngày nay, trong lao động của người giáo viên đang diễn ra những thay đổi rất cơ bản, đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực vươn lên để thích ứng. Trong quỹ thời gian của giáo viên phải có một tỷ lệ thích đáng dành cho việc học tập tự bồi dưỡng mới đáp ứng được những thay đổi về chức năng, nội dung, hình thức lao động.
Tương ứng với sự chuyển biến nhận thức về mục tiêu giáo dục (theo UNESCO) là: Học để biết -> học để làm -> học để tồn tại, cùng chung sống. Ngày nay, phương pháp dạy học đang chuyển từ kiểu dạy tập trung vào vai trò của giáo viên, hoạt động dạy sang kiểu dạy tập trung vào vai trò của học sinh và hoạt động học từ kiểu dạy thông báo – đồng loạt sang kiểu dạy hoạt động phân hóa.
Lao động sư phạm là một loại lao động đặc biệt. Ảnh minh họa/Minh Phong
Tức là giáo viên không còn đóng vai trò chỉ là người truyền đạt kiến thức mà là người gợi mở, hướng dẫn, tổ chức, cố vấn, trọng tài cho các hoạt động tìm tòi tranh luận của học sinh. Giáo viên giỏi là người biết giúp đỡ học sinh tiến bộ nhanh trên con đường học tập tự lực, kết hợp thành công việc giảng dạy tri thức với giáo dục giá trị và phát triển tư duy.
Công nghệ thông tin được áp dụng ngày càng rộng rãi trong quá trình dạy học, đem lại những khả năng mới, giúp giáo viên dễ dàng đưa những phần việc vốn chỉ thực hiện được ở ngoài lớp vào trong tiết học, biểu diễn trực quan cơ chế các hiện tượng, quá trình trong thế giới vi mô và vĩ mô, cung cấp một khối lượng lớn thông tin trong thời gian ngắn, xử lý nhanh những chuỗi số liệu phức tạp, làm giảm nhẹ lao động chấm bài kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh.
Giáo viên phải làm chủ được các phương tiện công nghệ thông tin mới vận dụng được vào quá trình dạy học. Nếu không muốn bị tụt hậu, giáo viên phải sớm tìm hiểu tin học cơ sở, học hỏi việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.
“Lao động sư phạm là một loại lao động đặc biệt, để thích ứng với lao động này, sinh viên sư phạm khi còn ngồi trên ghế nhà trường phải chuẩn bị cho mình có được những phẩm chất và năng lực, thói quen phù hợp với lao động sau khi tốt nghiệp. Do đó, chuẩn đầu ra ngành Sư phạm đào tạo giáo viên phải hướng theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên” – GS Đinh Quang Báo.
Theo giáo dục và thời đại
Khủng hoảng ngành sư phạm
Vài năm gần đây, bên cạnh tuyển sinh khó khăn, ngành sư phạm cũng gặp nhiều vấn đề 'ảm đạm' như điểm đầu vào thấp, giáo viên bị sa thải ở nhiều địa phương, sinh viên không có việc làm...
Trước thực trạng này, 2 năm qua, Bộ GD-ĐT đã đưa ra giải pháp (chỉ ở phần ngọn) kiểm soát điểm sàn để đảm bảo chất lượng, nhưng xem ra không hiệu quả.
Nhiều vấn đề bất cập
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện cả nước có 113 cơ sở đào tạo giáo viên. Ngoài ra, còn có 40 trường trung cấp đa ngành có đào tạo giáo viên mầm non. Nếu tính trung bình, mỗi tỉnh thành hiện có từ 2 - 4 cơ sở đào tạo giáo viên, dẫn đến tình trạng trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, bùng nổ số lượng giáo viên không đảm bảo chất lượng, đào tạo vượt xa nhu cầu sử dụng...
Thực tế các trường cao đẳng sư phạm (CĐSP) rất thiếu giảng viên có trình độ cao. Tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ chỉ chiếm trung bình 4,82%. Trong đó, những trường không có tiến sĩ như CĐSP Vĩnh Long, hoặc tỷ lệ rất thấp như CĐSP Lạng Sơn (1,3%). Riêng các trường đại học sư phạm (ĐHSP), tỷ lệ giảng viên là tiến sĩ (tính cả ngành ngoài sư phạm) cũng không cao như ĐH Vinh chỉ trên 29%, ĐH Sư phạm TPHCM và ĐH Cần Thơ mới hơn 32%.
Chính vì vậy, nhiều trường CĐSP chưa thu hút thí sinh, như Trường CĐSP Nam Định, tại Khoa Tự nhiên, năm học 2018-2019 có 16 giáo viên, nhưng chỉ đào tạo... 30 sinh viên; hay ở Khoa Xã hội, lớp Văn - Giáo dục công dân K39, chỉ có 5 sinh viên theo học; lớp Văn - Giáo dục công dân K40 có 2 sinh viên; lớp Âm nhạc chỉ 1 sinh viên.
Thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển vào Trường ĐHSP TPHCM
Kết quả tuyển sinh mới đây của Trường CĐSP Nam Định cũng rất đáng buồn, khi hàng loạt ngành có số thí sinh trúng tuyển chỉ bằng không hoặc nhiều lắm cũng chỉ 1-5 sinh viên. Hay như Trường CĐSP Gia Lai trong xét tuyển đợt 1, phải "đóng cửa" 3 ngành SP Toán học, SP Ngữ văn và SP Tiếng Anh do số lượng thí sinh đăng ký quá ít.
Trường CĐSP Đắk Lắk có 200/315 chỉ tiêu ở 9 ngành SP phải tuyển đợt 2 với điểm xét tuyển bằng điểm chuẩn đợt 1 (bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT). Dù điểm chuẩn chỉ 16 điểm ở tất cả ngành nhưng xét tuyển đợt 1, nhiều ngành SP chỉ có 1 - 3 thí sinh đăng ký như: SP Toán, SP Vật lý, SP Ngữ văn, SP Địa lý, SP Tiếng Anh. Tuyển sinh năm 2019, Trường CĐ Đà Lạt (Lâm Đồng) có đến 5 ngành "trắng" thí sinh, gồm: SP Toán học, SP Tin học, SP Vật lý, SP Hóa học, Giáo dục thể chất.
Tương tự, các ngành sư phạm ở nhiều trường ĐH địa phương cũng... đìu hiu. Trường ĐH Đồng Tháp năm học rồi rất nhiều ngành không có thí sinh trúng tuyển gồm SP Vật lý, SP Tin học, SP Sinh học, SP Mỹ thuật. Những ngành khác như SP Địa lý, SP Hóa học, SP Âm nhạc, SP Lịch sử, dù chỉ tiêu mỗi ngành là 20, nhưng chỉ có 5 - 7 thí sinh trúng tuyển.
Trong năm 2019, nhiều ngành SP vẫn tiếp tục đăng ký tuyển sinh và kết quả cũng không khá hơn. Năm 2018, dù nhiều ngành có số thí sinh trúng tuyển là 0, nhưng năm 2019, Trường ĐH Đồng Nai vẫn tuyển sinh và tiếp tục nhận... trái đắng. Cụ thể, các ngành SP: Sinh học, Lịch sử, Tin học, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật không có thí sinh trúng tuyển.
Cần chính sách giải cứu
Trong dự thảo đề án "Sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm", Bộ GD-ĐT đặt ra mục tiêu giai đoạn 2020-2025 hình thành được 2 trường sư phạm trọng điểm quốc gia ở Hà Nội và TPHCM trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Trường ĐHSP Hà Nội, Trường ĐHSP TPHCM và một số trường ĐHSP khác.
Đồng thời, xây dựng mạng lưới "vệ tinh" là các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ở các địa phương. Giai đoạn 2026-2030, hình thành thêm 1 trường sư phạm trọng điểm quốc gia tại khu vực miền Trung trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại các trường ĐHSP trên địa bàn và một số tỉnh thành lân cận.
Theo PGS-TS Mỵ Giang Sơn, nguyên Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, trong 3 năm gần đây, Bộ GD-ĐT giữ quyền công bố điểm sàn nên các trường phải cắt giảm chỉ tiêu rất mạnh. Tuy nhiên, vấn đề căn cơ nhất lại nằm ở việc làm và thu nhập của sinh viên sư phạm sau khi ra trường. Do đó, cần thiết phải có giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, trong đó vấn đề việc làm và tiền lương cho ngành sư phạm phải được cải thiện đáng kể, để không thiếu người giỏi theo học.
Ông Lê Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường CĐSP Trung ương TPHCM, chia sẻ cần bỏ chính sách miễn học phí nhưng phải có lộ trình và đi kèm là có chính sách tăng lương giáo viên. "Tôi cam đoan, trong số 100 giáo viên chỉ có vài ba người tâm huyết, sẵn sàng hy sinh vì nghề. Bản thân tôi từng là người có một thời say mê với nghề dạy, nhưng tôi không thể sống với đồng lương tiến sĩ chỉ 4 - 5 triệu đồng mỗi tháng", ông Lê Văn Tiến trăn trở.
PGS-TS Nguyễn Thám, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), cho rằng việc cấp bù kinh phí đang có nhiều vấn đề... khiến các trường phải bù lỗ. Nếu việc cấp bù đủ cho chi phí đào tạo, các trường sư phạm sẽ không phải bù lỗ, đủ điều kiện để nâng cao chất lượng thì chắc chắn không ai muốn bỏ chính sách này.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, phân tích không thể giữ mức học phí như hiện nay. Việc bỏ chính sách miễn, giảm học phí phải kèm theo giải pháp và chính sách phù hợp, vì thực tế khảo sát hiện nay, tỷ lệ sinh viên khu vực nông thôn vào trường sư phạm đang cao hơn rất nhiều so với sinh viên nông thôn vào trường khác.
Do đó, muốn đánh giá việc miễn, giảm học phí có thật sự thu hút được sinh viên giỏi vào học sư phạm hay không, cần phải chứng minh một cách khoa học, rồi xóa bỏ cũng chưa muộn. Nếu các trường sư phạm tăng học phí lên gấp 3 lần như hiện nay thì giải pháp kèm theo là Nhà nước chấp nhận rủi ro cho sinh viên sư phạm vay tiền để học, sau khi ra trường, nếu làm trong lĩnh vực giáo dục thì được xóa nợ.
Mặt khác, nếu sau khi ra trường sinh viên có thu nhập khoảng 7 - 10 triệu đồng/tháng và sau 35 năm làm việc có thu nhập từ 30 - 35 triệu đồng/tháng thì chắc chắn ngành sư phạm có sức hút lớn.
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Nhà trường phải tạo hạnh phúc cho học sinh Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, chủ trương của ngành giáo dục là xây dựng mô hình: 'Trường học hạnh phúc - Thầy cô hạnh phúc - Học sinh hạnh phúc', với hai chỉ số quan trọng nhất trong mục tiêu giáo dục là hạnh phúc và tiến bộ. Cần tạo một môi trường thân thiện, yêu thương để học...