Dẫu khó, không bỏ giảng đường
Căn nhà cấp đầu voi đuôi chuột chưa tới 30 m2 tại đường 102, Tăng Nhơn Phú, quận 9, TPHCM là nơi sinh sống của đại gia đình Nguyễn Anh Dũng (gồm mẹ, vợ chồng anh chị và cháu nhỏ).
Nhà nghèo nhưng Dũng cố gắng vươn lên thi đậu đại học (ĐH). Nhưng nỗi lo tiền bạc vẫn làm khó cậu sinh viên nghèo…
Dũng tên đầy đủ là Nguyễn Anh Dũng (ảnh), tân sinh viên Trường ĐH Giao thông Vận tải cơ sở 2. Kỳ thi ĐH, CĐ năm nay, ngoài đậu vào ĐH Giao thông Vận tải cơ sở 2 với số điểm 20,5, Dũng còn thi đậu vào Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức với số điểm 22,5.
Dũng sinh ra trong gia đình nghèo, bố làm thợ hồ nhưng đã mất từ năm cậu mới lên 6 tuổi. Từ ngày bố mất, gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng trên vai bà Huỳnh Thị Thu Vân – mẹ Dũng.
Dẫu có khó khăn nhưng Dũng không có học
Để lo cho 2 đứa con ăn học, bà làm đủ mọi thứ: đi làm thuê, nhận trông trẻ… Thế nhưng khó khăn chồng chất, người chị đầu của Dũng học hết lớp 9 đành ngậm ngùi nghỉ học đi làm công nhân vì không có tiền.
Riêng Dũng là con út được mẹ và chị lo cho học đến hết lớp 12 và thi vào ĐH. Không phụ lòng mẹ và chị, 12 năm học phổ thông, Dũng đều đạt học lực khá giỏi và nhận nhiều học bổng.
Bà Vân tâm sự: “Từ ngày bố nó mất, nhà đã khó lại càng khó hơn. Chị nó đi làm công nhân lương tháng 3 triệu đồng chỉ đủ để trang trải ăn uống hằng ngày. Anh rể của nó thì công việc không ổn định, làm thuê làm mướn ngày có ngày không. Ngày nó báo đậu 2 trường tui mừng lắm! Nhưng lại lo vì không có tiền nhập học. Bao nhiêu năm rồi nhà tui vẫn ở trong diện xóa đói giảm nghèo. Cuối cùng tui phải mượn tiền của hàng xóm được ba triệu rưỡi để nó đóng tiền nhập học”, bà Vân nói.
Tiếp chúng tôi tại căn nhà của mình, Dũng thành thật nói: “Từ nhỏ tới giờ em chỉ biết đi học rồi về phụ gia đình chuyện cơm nước, chứ ít đi ra tiệm internet nên không rành về email. Nhiều lần muốn nói mẹ mua máy tính nhưng suy đi nghĩ lại em lại thôi vì không biết mẹ lấy đâu ra tiền để mua”.
Video đang HOT
Ngồi kế bên con, bà Vân nói phụ vào thêm: “Có lúc nó bảo mượn tiền mua cho nó bộ máy tính nhưng mượn thì lấy đâu ra trả nợ, nên đành thôi. Ngay cả khi chọn trường thi ĐH, nó cũng chọn trường nào gần nhà để thi chứ không dám chọn trường xa vì sợ phải đi học xa tốn kém”.
Dũng tâm sự: “Khó khăn thật nhưng em sẽ cố gắng theo học hết ĐH để sau này ra trường kiếm việc làm ổn định lo cho mẹ, và chị”.
Theo tiền phong
Câu chuyện cảm động của nữ sinh mồ côi đậu ĐH
Bố mẹ mất sớm, em Đỗ Thị Hiền (SN 1994, thôn Phúc Lý, xã Thanh Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đã cố gắng, nỗ lực vươn lên và vừa thi đậu vào trường ĐH Hồng Đức. Nhưng phía trước cô học trò mồ côi còn biết bao khó khăn, thử thách đang đón đợi...
Sớm chịu cảnh mồ côi
Câu chuyện về cô nữ sinh nơi làng quê nghèo khiến nhiều người không cầm được nước mắt khi tiếp xúc với em. Trong câu chuyện em kể mà dòng nước mắt cứ lăn dài trên đôi gò má. Hiền nhớ lại ký ức, năm 1987 bố mẹ em cưới nhau, vài năm sau, mẹ em bị căn bệnh hạch hành hạ, sức khỏe ngày càng yếu, tóc rụng gần hết. Bố em đã cố gắng đi làm thuê ở nhiều nơi để lấy tiền mua thuốc men chữa trị cho mẹ.
Năm 1994, Hiền chào đời trong niềm vui, niềm hạnh phúc của bố mẹ. Rồi 3 năm sau, em trai Đỗ Trọng Hậu ra đời. Đó cũng chính là niềm an ủi, hạnh phúc lớn của gia đình anh Đỗ Trọng Thả. Anh chị càng cố gắng làm ăn hơn để lấy tiền cho con ăn học. Chị Luyến hàng ngày ở nhà lặn lội cùng mấy sào ruộng, chăn nuôi lợn, gà. Còn anh Thả phải chạy đi làm thuê nhiều nơi để kiếm từng đồng về cho vợ con.
Trong khi anh Thả đang đi làm ăn bỗng nhiên bị đổ bệnh, anh phải rời bỏ công về chữa bệnh. Năm 2006, do căn bệnh ung thư gan quá nặng nên anh đã rời bỏ 3 mẹ con chị Luyến ra đi mãi mãi.
Nuốt nỗi đau mất chồng, mất bố, mẹ con chị Luyến chỉ biết gắng gượng vượt qua. Trong nước mắt, Hiền tâm sự: "Bố em mất đi, mẹ con em nhiều ngày chỉ biết ôm nhau mà khóc, thương bố lắm, khi đó mẹ cũng mang trong mình một căn bệnh, em lo sợ và ôm chặt mẹ không muốn mình lại mất đi một người mẹ nữa".
Thương mẹ ốm đau, vất vả nuôi các em ăn học, hàng ngày Hiền và em đi học còn một buổi ở nhà giúp mẹ công việc nhà. Năm 2009, mẹ con Hiền đã vay ngân hàng số tiền 15 triệu để lo thuốc men và xây tạm ngôi nhà bếp. Hạn phải trả cho ngân hàng là năm 2014.
Rồi điều không may xảy đến khi căn bệnh cũ tái phát khiến mẹ Hiền không thể nào chống cự nổi. Biết bao nhiêu tiền của anh em và các nhà hảo tâm ủng hộ đều dồn hết để chữa trị cho chị Luyến nhưng vào giữa tháng 11/2011, chị Luyến ra đi để lại hai con bơ vơ. Khi ấy Hiền đang học lớp 11.
Hiền thắp nhang thành kính báo niềm vui đỗ Đại học cho bố mẹ nơi chín suối.
Cuộc sống càng thêm khó khăn, đầy thử thách mà hai chị em phải đối mặt. Những ngày không còn cha mẹ bên cạnh, Hiền chỉ biết ôm đứa em nhỏ vào lòng than khóc. Rồi Hậu cũng được đưa vào trại trẻ mồ côi SOS. Còn mình Hiền với căn nhà trống vắng, em đã cố gắng học tập và đi cấy thuê và làm nhiều việc để chắt bóp lấy tiền ăn học.
Khi bố mẹ mất cũng là lúc Hiền phải tự mình lo cho cuộc sống, hàng ngày sau buổi đi học về Hiền lại tất bật với công việc đi cấy, gặt thuê mỗi buổi em kiếm được 60 nghìn đồng. Với số tiền ít ỏi dành dụm được, Hiền dùng để sống qua ngày và mua đồ dùng học tập.
Canh cánh nỗi lo vào giảng đường ĐH
Hiền nhập học đã được hơn một tuần tại Trường ĐH Hồng Đức, khoa Sư phạm Địa Lý. Tôi đến thăm nhà trong một ngày em được nghỉ học. Vẫn căn nhà đơn sơ, trống vắng có phần lạnh lẽo. Hiền đang lau bàn thờ cha mẹ.
Nhìn lên di ảnh của bố mẹ, Hiền tâm sự: "Trước lúc bố, mẹ mất có dặn em phải cố gắng học tập thật tốt, bố mẹ không thể ở bên con, chăm sóc con được nữa. Hai chị em cố gắng bảo ban nhau mà học hành cho tốt".
Ngày nhận giấy báo nhập học, Hiền vừa mừng, vừa lo. Hiền bồn chồn chạy sang bên nhà mấy bác hàng xóm thăm hỏi và báo tin em đã đỗ ĐH. Mọi người hàng xóm trong làng đều động viên, khuyến khích, ủng hộ Hiền đi học.
Ông Nguyễn Văn Thêu, người cùng xóm chia sẻ: "Hiền là một cô gái giàu nghị lực, gia cảnh khó khăn bố mẹ mất sớm. Cháu cũng là một tấm gương vượt khó nhất trong xóm, giờ cháu nó thi đỗ, bà con chúng tôi rất vui mừng. Mong sao cháu nó cố gắng vượt qua con đường đại học còn nhiều chông gai phía trước".
Với mong muốn được đi học, thực hiện bằng được lời hứa mà Hiền hứa với bố mẹ, cùng những lời động viên, an ủi của bà con lối xóm, Hiền đã cố gắng để tiếp tục đi học bằng mọi cách.
Nỗi lo xen lẫn sự vui buồn khi nhận được giấy nhập học.
Khi được hỏi khi vào đại học phải đóng rất nhiều thứ tiền, và chỗ ăn, ở em phải làm thế nào, Hiền không ngại ngần chia sẻ: "Em sẽ cố gắng đi tìm việc làm thêm mong sao có tiền trang trải nghiệp học, số phận đã vậy thì phải cố gắng. Cô, chú cũng khó khăn nên chỉ giúp được phần nào đó thôi, một phần em cũng phải bươn chải để tự nuôi thân anh ạ!",
Lau giọt nước mắt lăn trên má, Hiền tâm sự: "Bố mẹ em không biết ở dưới suối vàng có biết em đậu đại học không, em đã thực hiện lời hứa trước lúc bố mẹ mất. Mong nơi chín suối bố, mẹ cũng an lòng".
Ông Nguyễn Văn Trì - trưởng thôn Phúc Lý cho biết: "Hoàn cảnh của Hiền đặc biệt khó khăn nhất trong xóm, dân làng ở đây ai cũng đùm bọc yêu thương cháu. Bố mẹ mất sớm nhưng Hiền là người biết vượt qua khó khăn. Điều đó khiến chúng tôi rất khâm phục nghị lực của Hiền. Mong rằng các cơ quan ban ngành quan tâm, giúp đỡ cháu vượt qua khó khăn này".
Chúng tôi rời căn nhà Hiền cũng là lúc trời về chiều tối, hình ảnh cô gái mồ côi cứ hiện lên trong tâm trí. Không biết rồi đây, Hiền có thực hiện được ước mơ của mình trong khi cuộc sống khó khăn đang đón đợi em phía trước...
Hữu Chí - Duy Tuyên
Theo dân trí
Chàng trai mù với khát vọng dạy chữ Chàng trai ấy tên là Nguyễn Văn Tý (SN 1980), con một gia đình nông dân nghèo ở Quế Long, Quế Sơn, Quảng Nam. Sinh ra cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng rồi đến năm 4 tuổi, căn bệnh thương hàn đã cướp đi của anh đôi mắt. Năm 1990, Hội Người mù Quảng Nam có dự án dạy chữ...