Đấu khẩu về nCoV, Mỹ – Trung tung chiến thuật nghi binh
Ông Trump và ông Tập từng ca ngợi nhau vào đầu năm khi đạt được thỏa thuận thương mại, giờ đây hai nước đang tìm cách đổ lỗi cho nhau về Covid-19.
Trump mở đầu cuộc họp báo hôm 18/3 bằng cách mô tả nCoV là “ virus Trung Quốc”, giống như phát ngôn của Ngoại trưởng Mike Pompeo và các quan chức nội các hàng đầu khác. Covid-19 được cho là khởi phát từ một chợ thực phẩm ở Vũ Hán, Trung Quốc, và nước này đã ghi nhận gần 81.000 ca nhiễm, hơn 3.200 ca tử vong.
Nhận xét của Trump làm dấy lên chỉ trích rằng ông đang gắn “Trung Quốc” vào tên virus để bêu xấu nước này. Phóng viên chuyên đưa tin về Nhà Trắng của CBS Weijia Jiang kể rằng một quan chức Mỹ gọi nCoV là Kung Flu (chơi chữ từ Kung Fu), cho thấy các quan chức đang học theo Trump, đưa ra những bình luận mang tính phân biệt chủng tộc.
Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: CNN.
WHO từng cảnh báo cách đặt tên cho các dịch bệnh, phản đối những tên gọi gây ra sự kỳ thị hoặc phân biệt đối xử với các nhóm dân tộc nhất định. Nhưng Trump bảo vệ quan điểm, giải thích ông nói như vậy một phần vì các quan chức Trung Quốc tuyên truyền rằng Mỹ có thể đã đưa dịch đến nước họ.
Hôm 12/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên viết trên Twitter rằng “có thể quân đội Mỹ đã mang nCoV tới Vũ Hán”, dù không đưa ra bằng chứng nào.
Bình luận mới nhất của Trump có khả năng làm leo thang căng thẳng. “Chắc chắn nó sẽ chọc giận chính phủ Trung Quốc vào thời điểm họ đang nỗ lực tuyên truyền không ngừng nghỉ”. Mira Rapp-Hooper, từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Mỹ cho biết. “Trung Quốc có thể tiếp tục đổ lỗi cho Mỹ”.
Chiến lược “chĩa mũi dùi” vào nhau của Mỹ – Trung diễn ra khi cả hai nước đối mặt chỉ trích về cách họ đối phó dịch. “Đây là một cuộc chiến ‘nghi binh’ – kích động căng thẳng quốc tế để đánh lạc hướng chú ý của công chúng, khiến họ bớt chú ý đến những vấn đề trong nước“, Susan Shirk, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc thế kỷ 21 tại Đại học California San Diego, cho biết.
Trung Quốc hứng chịu cả phẫn nộ trong nước lẫn chỉ trích quốc tế vì đã che đậy và hạ thấp mức nghiêm trọng của dịch sau khi phát hiện các ca nhiễm đầu tiên vào đầu tháng 12/2019. Đến ngày 20/1, Trung Quốc mới thừa nhận nCoV lây từ người sang người và bắt đầu có biện pháp quyết liệt.
Một bài phát biểu nội bộ được công khai vào giữa tháng hai tiết lộ Chủ tịch Trung Quốc đã biết về dịch khoảng hai tuần trước khi ông đưa ra bình luận công khai đầu tiên hôm 20/1, đặt ra câu hỏi tại sao các lãnh đạo Trung Quốc không làm việc nhanh hơn để giải quyết vấn đề.
Video đang HOT
Các chuyên gia quốc tế cho rằng Trung Quốc có thể đã khống chế Covid-19 dễ dàng và nhanh chóng hơn, ngăn nó tràn ra bên ngoài nếu giới chức kịp thời phản ứng vào đầu tháng một, khi số ca nhiễm ở Vũ Hán bắt đầu tăng lên, thay vì trì hoãn vài tuần rồi cuống cuồng phong tỏa thành phố vào cuối tháng, khi dịch có dấu hiệu mất kiểm soát.
Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc đang kể một câu chuyện hoàn toàn khác sau khi nước này về cơ bản đã khống chế được dịch. Họ ca ngợi ông Tập là “lãnh đạo của nhân dân” đã dẫn dắt một “cuộc chiến toàn dân” đẩy lùi dịch bệnh, thể hiện Trung Quốc là hình mẫu để các nước khác noi theo. Trung Quốc hai ngày qua không phát hiện ca nhiễm nội địa nào, mặc dù ghi nhận hàng chục ca “ngoại nhập”.
Bộ máy tuyên truyền Trung Quốc trong những ngày qua hoạt động rầm rộ, nhấn mạnh vào con số ca nhiễm trong nước giảm dần, trái ngược với số ca nhiễm gia tăng nhanh chóng ở các nước khác. Tuy nhiên, các biện pháp kiềm tỏa để dập dịch đã khiến kinh tế Trung Quốc chịu thiệt hại nghiêm trọng. Các ngành sản xuất và dịch vụ giảm xuống mức thấp kỷ lục, doanh số bán xe giảm 80%, xuất khẩu giảm 17,2% trong tháng một và tháng hai. Tỷ lệ thất nghiệp lên mức kỷ lục 6,2%. Gần 5 triệu người Trung Quốc mất việc. Trung Quốc chuẩn bị tung ra các gói kích thích để vực dậy nền kinh tế được cho là có thể lần đầu tiên suy thoái sau gần 4 thập kỷ.
Goldman Sachs hôm 17/3 đưa ra ước tính GDP Trung Quốc có thể giảm tới 9% trong quý I so với cùng kỳ năm ngoái và GDP cả năm 2020 ước tính tăng 3%. Cả hai số liệu này đều giảm so với dự báo trước, là tăng trưởng 2,5% quý I và 5,5% cả năm. Năm 2019, tăng trưởng GDP của Trung Quốc ở mức 6,1%.
Trung Quốc hôm 17/3 trục xuất các phóng viên thường trú làm việc cho New York Times, Wall Street Journal và Washington Post, đồng thời yêu cầu các cơ quan này cùng VOA và tạp chí Time cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động, tài chính và bất động sản của họ ở Trung Quốc. Hành động này nhằm đáp trả việc chính quyền Trump yêu cầu 5 cơ quan truyền thông Trung Quốc tại Mỹ giảm số lượng phóng viên thường trú từ 160 người xuống còn 100 người từ ngày 13/3.
Tuy nhiên, mức độ phản ứng của Bắc Kinh là “chưa từng có tiền lệ và đáng kinh ngạc”, Jude Blanchett, từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington nói. “Thông điệp của Trung Quốc là: Chúng tôi sẽ không chơi theo luật cũ”.
“Chính quyền Trung Quốc tin rằng truyền thông phương Tây cố tình làm suy yếu câu chuyện về chiến thắng vĩ đại của Trung Quốc tại Vũ Hán”, Victor Shih, phó giáo sư tại Đại học California, nói.
“Trung Quốc muốn nhắm đến cả khán giả trong và ngoài nước”, Bill Bishop, người đứng đầu một blog về Trung Quốc nói. “Trên phương diện quốc tế, họ muốn tránh bị đổ lỗi về cuộc khủng hoảng đang bóp nghẹt nhiều quốc gia. Còn ở trong nước, họ đang thể hiện rằng ‘thế lực bên ngoài’ mới là bên cần chịu trách nhiệm”.
Trong khi đó, Mỹ cũng không xử lý khủng hoảng hiệu quả. Ban đầu, Trump so sánh nCoV với bệnh cúm, đồng thời chỉ trích giới truyền thông và đảng Dân chủ thổi phồng độ nguy hiểm của nCoV để làm ảnh hưởng đến chính quyền ông. Nhưng 9 ngày sau, ông thay đổi giọng điệu, tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 17/3 rằng ông đã cảm thấy nó là đại dịch từ lâu trước khi nó được coi là đại dịch.
Giới chuyên gia đánh giá Mỹ đã không đảm nhận vai trò là cường quốc lãnh đạo toàn cầu vào thời điểm mọi người cần sự giúp đỡ. Thay vào đó, họ đang chật vật vì thiếu kit xét nghiệm và các thiết bị khác, mặc dù đã có nhiều thời gian để chuẩn bị. Số ca nhiễm nCoV ở Mỹ đã tăng mạnh trong những ngày qua, lên hơn 14.000 ca nhiễm, trong đó hơn 200 người tử vong.
“Tình trạng này có tác động địa chính trị lớn do đội ngũ của Trump không kịp thời đưa ra những động thái cần thiết mà mọi quốc gia khác đã làm. Sức mạnh và danh tiếng của Mỹ bị suy yếu ở mức chưa từng có”, Peter Singer, chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu New America tại Mỹ, nói.
“Trong khi chúng ta không làm được những điều cơ bản nhất để cứu người dân của chính mình, Trung Quốc đang hỗ trợ vật tư y tế cho các quốc gia khác. Trung Quốc đang làm những gì Mỹ từng làm còn Mỹ thì không thể tự lo liệu cho mình. Tình cảnh tréo ngoe này sẽ không bị lãng quên trên trường quốc tế”, Singer nói thêm.
Vì vậy, việc Trump nhấn mạnh dịch khởi phát từ Trung Quốc có thể nhằm đánh lạc hướng, khiến công chúng bớt giận dữ về sự chủ quan ban đầu của chính quyền ông. “Cả hai chính quyền đều hưởng lợi về mặt chính trị khi tỏ ra cứng rắn”, Blanchette nói.
Các chuyên gia nhận xét với cách phản ứng như vậy, Mỹ – Trung đang bỏ lỡ cơ hội đoàn kết sức mạnh để chống lại kẻ thù chung. “Họ là nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ hai thế giới, cả hai đều đang đối phó với đại dịch toàn cầu”, Cheng Li, từ Trung tâm John L. Thornton Trung Quốc, nói. “Kẻ thù chung là nCoV”.
“Khủng hoảng lẽ ra phải kéo hai đối thủ xích lại gần nhau để dẫn dắt nỗ lực đối phó dịch, nhưng thực tế thì dường như nó đang đẩy họ ra xa hơn”, Rapp-Hooper nói.
Phương Vũ (Theo Hill, WP, Market Watch)
Mỹ tố Nga giết hàng chục lính Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, Nga đáp trả
Mỹ cáo buộc Nga giết chết hàng chục binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Nga đáp trả rằng Mỹ đang lan truyền những lời nói dối nhằm phá vỡ sự hợp tác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria.
Ngoại trưởng Mike Pompeo gần đây nói Mỹ tin rằng Nga đã giết chết hàng chục binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ trong quá trình thực hiện các chiến dịch quân sự ở Syria. Ngoài ra, ông Pompeo nói thêm Mỹ tiếp tục ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Theo hãng tin Reuters, phát biểu tại một buổi họp báo tại Bộ Ngoại giao hôm 17-3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói: "Chúng tôi tin rằng Nga đã giết chết hàng chục binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ trong quá trình thực hiện các chiến dịch quân sự của họ ở Syria. Và chúng tôi tiếp tục sát cánh cùng đồng minh NATO Thổ Nhĩ Kỳ và tiếp tục xem xét các biện pháp bổ sung để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ, chấm dứt bạo lực ở tỉnh Idlib (tây bắc Syria) và rộng hơn là tại Syria".
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: AFP
Ông Pompeo không nói rõ nơi vào hay trong hoàn cảnh nào mà binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bị giết chết. Đây là lần đầu tiên Washington trực tiếp đổ lỗi cho Moscow về những cái chết của binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ.
Tháng trước, một cuộc không kích do quân chính phủ Syria thực hiện ở tỉnh Idlib (Syria) đã giết chết ít nhất 34 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất nhằm vào quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong gần 30 năm qua.
Nga nói gì?
Đáp trả cáo buộc của Mỹ, một quan chức Bộ Ngoại giao Nga nói với hãng tin TASS rằng các quan chức Mỹ đang lan truyền những lời nói dối nhằm phá vỡ sự hợp tác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.
"Ngay cả trong đại dịch toàn cầu về một bệnh truyền nhiễm, các quan chức Mỹ vẫn tiếp tục chiến dịch tuyên truyền chống Nga to lớn của họ, lan truyền những thông tin rõ ràng là sai lệch. Một tuyên bố gây phẫn nộ khác đã được Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra trong cuộc họp báo ngày 17-3. Thật đáng tiếc, để chia rẽ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - những bên đang hợp tác tại Syria, các quan chức Mỹ thậm chí đã dùng tới những lời nói dối không biết ngượng miệng" - quan chức Nga nói.
Phe nổi dậy được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở Idlib, Syria. Ảnh: AFP
Theo nhà ngoại giao Nga giấu tên này, chính Mỹ đã khuấy động xung đột ở Syria, tích cực hỗ trợ bất kỳ nhóm nào gây chiến với chính phủ hợp pháp của Cộng hòa Ả Rập Syria, trong khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng lập lại hòa bình ở tỉnh Idlib của Syria.
"Những tuyên bố khiêu khích đến từ Mỹ lần nữa chứng minh rằng họ muốn chiến tranh ở Syria tiếp diễn" - người này nói thêm.
Nguồn tin còn nói các khu vực phía đông Syria đã bị lực lượng Mỹ kiểm soát - những người tiếp tục dung dưỡng tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và những kẻ khủng bố khác.
Quan chức Nga đồng thời cáo buộc Mỹ thúc đẩy tâm trạng ly khai giữa những người Kurd nhằm phá hoại chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Ả Rập Syria.
Idlib là khu vực cuối cùng ở Syria còn nằm trong tay các nhóm vũ trang trái phép kể từ năm 2012. Lực lượng chính phủ Syria được Nga hậu thuẫn đã đẩy mạnh chiến dịch tái chiếm Idlib vào cuối năm ngoái. Điều này khiến Thổ Nhĩ Kỳ - vốn tài trợ một số nhóm nổi dậy chống chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad phản công chặn đứng đà tiến quân của quân chính phủ Syria.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 5-3 thống nhất một lệnh ngừng bắn ở tỉnh Idlib và một số biện pháp khác nhằm xoa dịu tình hình trong khu vực. Theo thỏa thuận, tất cả hành động thù địch ở Idlib phải chấm dứt từ ngày 6-3.
Bắt đầu từ ngày 15-3, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành tuần tra chung đường cao tốc chiến lược M4 ở Syria. Hai bên khẳng định các cam kết duy trì chủ quyền Syria, nhất trí tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố.
TRI TÚC
WHO lên tiếng sau khi ông Trump gọi SARS-CoV-2 là "virus Trung Quốc" Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng sau khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang vì Tổng thống Trump gọi SARS-CoV-2 là "virus Trung Quốc". Ngày 18/3, người đứng đầu chương trình y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan đã lên tiếng phản đối việc sử dụng từ ngữ "đụng chạm" đến những nhóm sắc tộc nhất định...