Dấu hiệu trẻ muốn tự tử khi bế tắc và hành động của cha mẹ
Theo TS tâm lý Nguyễn Kim Quý, trước khi làm điều dại dột, trẻ thường có biểu hiện, hành động bất thường như kêu cứu, chào hỏi, tạm biệt mọi người để đi xa hay nói lời vĩnh biệt.
Gần đây, vụ việc nam sinh lớp 8 ở Yên Bái treo cổ tự tử sau khi bị đánh và làm nhục trước mặt bạn bè khiến nhiều người bất ngờ và đau xót.
Đây không phải trường hợp đầu tiên học sinh có hành động dại dột khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Trước đó, nhiều trẻ vị thành niên đã hành động tiêu cực để giải thoát bản thân khỏi bế tắc.
Những cái chết thương tâm
Năm 2013, N.T.C.L. (sinh năm 1995, vừa học xong lớp 12 trường THPT Hai Bà Trưng, Thạch Thất, Hà Nội) mua thuốc diệt cỏ về uống. Tuy được người thân nhanh chóng đưa đi cấp cứu, nữ sinh này không qua khỏi.
Nguyên nhân khiến nữ sinh tự tử được xác định là bạn học tung ảnh chân dung của cô ghép với ảnh cô gái xinh đẹp mặc áo cổ rộng rồi đưa lên mạng xã hội.
Tháng 8/2016, em Ksor Sôn (học lớp 6, Gia Lai) tự tử vào đầu năm học mới cũng làm gia đình, người thân đau lòng.
Video đang HOT
Nam sinh lớp 8 tự tử vì bị nhóm người chặn đánh, làm nhục trước mặt bạn bè. Ảnh: Cắt từ clip.
Trao đổi với Zing.vn, bà Hương Thu – Giám đốc Trung tâm cung cấp giải pháp hỗ trợ bà mẹ và trẻ em – cho biết bà đã gặp rất nhiều trường hợp những bạn ở tuổi vị thành niên tự tử. Đây là những cái chết đáng thương và đầy nuối tiếc.
Theo bà Thu, lứa tuổi của các em rất bốc đồng, lòng tự trọng cá nhân được đẩy lên cao. Trải qua cú sốc tâm lý, các em có thể bị trầm cảm, tự ti về bản thân, thậm chí suy nghĩ và hành động tiêu cực. Trường hợp nam sinh lớp 8 tại Yên Bái vừa qua là minh chứng đau lòng.
Việc nam sinh này bị đánh, làm nhục trước mặt bạn bè trở thành cú sốc lớn với em. Sau đó, khi nhìn thấy clip của mình bị làm nhục đăng tải tràn lan trên mạng, cậu phải nhận thêm cú sốc nữa.
Lúc này, bố mẹ không nhận ra tình trạng của nam sinh khiến sự tiêu cực trong tâm lý của cậu bé tăng lên. Đến khi không muốn đối mặt vấn đề của bản thân nữa, cậu bé đã chọn cách tiêu cực.
Theo Người Lao Động, báo cáo kết quả thực hiện y tế trường học giai đoạn 2011-2015 tại hội nghị đánh giá thực trạng y tế trường học do Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế phối hợp tổ chức, đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết số học sinh có ý định tự tử tăng cao (16,9%). Trong đó, 21,8% phải đến bác sĩ điều trị và ngày càng có nhiều học sinh hút thuốc, uống rượu, lười vận động.
Dấu hiệu nhận biết
Theo TS tâm lý Nguyễn Kim Quý – Trưởng văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý trẻ em – mỗi đứa trẻ khi bị chấn động về tinh thần đều có những dấu hiệu, biểu hiện khác lạ. Cha mẹ quan tâm và chú ý đến con sẽ dễ dàng phát hiện, từ đó có sự ngăn cản kịp thời.
Bà Quý cho rằng trước khi làm điều dại dột, trẻ thường có những biểu hiện, hành động bất thường như kêu cứu, chào hỏi, tạm biệt mọi người để đi xa hay nói lời vĩnh biệt. Ngoài ra, các em có xu hướng nói những lời như tôi chán rồi, không muốn sống nữa, không thiết gì cả.
Những dấu hiệu này thường lặp lại nhiều lần nên bạn bè thân thiết sẽ rất dễ phát hiện. Bố mẹ không quan tâm sẽ không nhận ra và có thể con trẻ sẽ làm điều đáng tiếc.
“Trẻ em có xu hướng tự tử thường có tính cách hướng nội, thần kinh yếu nên hay suy nghĩ nặng nề, bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng khi gặp bế tắc, khúc mắc trong cuộc sống”, nữ tiến sĩ thông tin.
Bà cũng cho biết người hướng nội rất lúng túng khi giải quyết những vấn đề phức tạp. Họ cũng không chia sẻ với người ngoài để giải tỏa tâm lý. Khi không thể giải quyết vấn đề, họ bế tắc và tìm đến cái chết.
Giải pháp cho phụ huynh
TS Quý bày tỏ để tránh những trường hợp đau lòng, các bậc phụ huynh cần quan tâm và để ý đến con nhiều hơn, qua đó nhận biết sớm những dấu hiệu lạ và ngăn chặn kịp thời.
Khi trẻ gặp phải những vướng mắc, gia đình cần giúp tháo gỡ ngay lập tức cho con. Bố mẹ không thể chỉ dùng lời khuyên để động viên mà phải gặp gỡ, trao đổi và cùng con tìm ra giải pháp.
TS Nguyễn Kim Quý chia sẻ những dấu hiệu khi trẻ em có ý định tự tử. Ảnh: Nghiêm Huê.
Nhiều trường hợp, phụ huynh khá chủ quan do không hiểu con. Bố mẹ phải hiểu con mình khác biệt so với những đứa trẻ khác, phải hiểu nhân cách, tâm lý của con ra sao.
Những đứa trẻ bình thường mang tính cách hướng ngoại sẽ dễ dàng bỏ qua những vướng mắc. Nhưng, trẻ hướng nội không thể chịu đựng được khi gặp phải những cú sốc tâm lý. Lúc này, bố mẹ không giải quyết ngay được vấn đề cho con sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.
TS Quý nhận định ở Việt Nam, những vấn đề này ít được quan tâm. Phụ huynh xem nhẹ việc nhận biết đặc điểm, diễn biến tâm lý của con. Họ chỉ nhận xét sự việc theo cảm tính mà đa phần là không đúng.
Ngoài ra, việc dạy kỹ năng sống cho trẻ em hiện nay còn hời hợt, khó vận dụng trong thực tế. Đây là lý do khiến các em không biết cách ứng phó, xử lý hay có kỹ năng giải quyết vấn đề.
TS Quý khuyên: “Bố mẹ nên dành thời gian để quan tâm và hiểu con hơn. Khi con có vấn đề vướng mắc, hãy làm người bạn lớn, nhanh chóng hỗ trợ con giải quyết, cùng vượt qua khó khăn”.
“Có như vậy, phụ huynh mới kịp thời cứu con trước những hành vi tự hủy hoại. Đây cũng chính là chìa khóa tạo nên hạnh phúc của các bậc làm cha mẹ”, bà Quý nói.
Đồng tình với những giải pháp của TS Quý, bà Hương Thu cho rằng bố mẹ nên nói cho con biết tầm quan trọng, khả năng nổi trội của đứa trẻ. Bố mẹ hãy cho con biết giá trị của bản thân và ý nghĩa của con đối với gia đình.
Ngoài ra, bà Hương Thu nhận định động viên con chỉ là biện pháp rất nhỏ khi nhận ra con có ý định tiêu cực. Việc giải quyết khúc mắc cho con một cách triệt để mới là biện pháp hữu hiệu.
Theo Zing