Dấu hiệu sớm nhận biết có thai
Bà bầu thường buồn nôn, căng tức ngực, tăng tiết nước bọt, mệt mỏi… trong tháng đầu thụ thai.
Ảnh minh họa
Bác sĩ Trịnh Thị Thúy, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội gợi ý một số dấu hiệu có thai tháng đầu tiên, để thai phụ có cách chăm sóc sức khỏe tốt nhất.
Buồn nôn
Một buổi sáng thức giấc, chị em cảm thấy buồn nôn và muốn nôn khan, có thể đã mang thai. Ốm nghén là một trong những dấu hiệu sớm nhất của thai kỳ, có thể xuất hiện bất cứ thời điểm nào trong ngày. Nguyên nhân là do sự gia tăng nhanh lượng kích thích tố estrogen và progesterone.
Mất kinh
Mất kinh là dấu hiệu xuất hiện sớm nhất và tương đối tin cậy để chẩn đoán có thai ở những phụ nữ khỏe mạnh. Dấu hiệu này chỉ đúng với người có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn, không cho con bú hoặc không sử dụng một biện pháp tránh thai hormone.
Một số phụ nữ cũng có thể bị mất kinh khi có thay đổi về cân nặng, sang chấn tâm lý, stress, hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh lý tuyến giáp…
Mệt mỏi
Đây là dấu hiệu có thai sau một tuần quan hệ nhưng ít người lưu ý. Nhiều chị em cho rằng mệt mỏi do thời tiết thay đổi, áp lực công việc… mà không biết cơ thể đang đau lưng, mệt mỏi vì phải cung cấp dưỡng chất cho bào thai đang hình thành và phát triển.
Đi tiểu nhiều lần, tiểu rắt
Dấu hiệu dễ nhận biết khi có thai là đi tiểu nhiều hơn bình thường, số lượng nước tiểu mỗi lần có thể ít hơn. Đây là hiện tượng thường xảy ra trong những tháng đầu do tăng sinh các mạch máu và tử cung trong hố chậu to dần lên, đè vào bàng quang. Cần phân biệt với nhiễm trùng đường tiết niệu.
Núm vú thay đổi
Video đang HOT
Những thay đổi ở vú thể hiện rõ với thai phụ con so hơn là con rạ. Vú lớn ra, cảm giác hơi căng và đau, các tĩnh mạch nhỏ nổi lên và nhìn ngay dưới da gọi là hệ thống Haller. Núm vú to ra, nhô cao, tăng sắc tố và nhạy cảm, quầng vú sậm màu.
Thay đổi trong thói quen ăn uống
Có thể cảm nhận sự thay đổi trong sở thích ăn uống để đánh giá khả năng mang thai, chẳng hạn tự nhiên thích ăn một số loại thức ăn trước đây không thích hoặc không thể ăn những loại trước đây rất thích, thèm ăn chua, ăn ngọt hoặc ăn rất nhiều thức ăn, bữa ăn…
Táo bón, đầy hơi
Táo bón và đầy hơi là hai dấu hiệu dễ gặp khi mang thai, xuất hiện thường xuyên cùng sự phát triển của thai kỳ. Nguyên nhân do hormone progesterone tăng cao, tạo ảnh hưởng lên hệ tiêu hóa thai phụ. Tăng cường thức ăn nhiều chất xơ, uống đủ từ 2-2,5 lít nước mỗi ngày để hạn chế táo bón, đầy hơi.
Nhạy cảm với mùi
Một số mùi có thể khiến thai phụ cảm thấy khó chịu và buồn nôn như mùi thuốc lá, mùi nước hoa, mùi thức ăn… Sự nhạy cảm này có thể giảm dần sau khi hết 3 tháng đầu thai kỳ.
Chóng mặt
Chóng mặt là dấu hiệu thường gặp khi mang thai. Một số phụ nữ có thể chóng mặt, váng đầu do thiếu máu. Dấu hiệu này xuất hiện ít nhiều, nặng nhẹ tùy vào thể trạng, mức độ thiếu máu của từng người.
Buồn ngủ
Dấu hiệu dễ bỏ qua là buồn ngủ, ngủ gà, ngủ nhiều. Có một số trường hợp lại mất ngủ.
Thân nhiệt thay đổi
Dấu hiệu mang thai tuần đầu thường thấy là nhiệt độ cơ thể người phụ nữ thường tăng nhẹ, lên khoảng 37,5 độ do hormone progesterone tiết ra nhiều. Hiện tượng này tương tự khi đến ngày rụng trứng. Tăng thân nhiệt có thể làm da ẩm ướt, gây rôm sảy ở những nơi có sự ma sát giữa các vùng da nếp gấp.
Theo bác sĩ Thúy, một số chị em khi mang thai có thể có hầu hết các dấu hiệu kể trên, song một số khác chỉ có một hay vài dấu hiệu. Những dấu hiệu trên là không điển hình và cũng có thể là dấu hiệu của một số tình trạng bệnh lý khác.
“Nếu nghi ngờ có thai nên đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và quản lý thai nghén cũng như để chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý có thể nguy hiểm đến sức khỏe”, bác sĩ Thúy khuyến cáo.
Lê Phương
Theo VNE
Mang thai tháng đầu tiên: Dấu hiệu có thai không phải mẹ nào cũng biết
Với những mẹ mang thai lần đầu sẽ có vô vàn thắc mắc về cơ thể và thai nhi cũng như những điều nên và không nên làm trong tháng đầu tiên của thai kỳ. Vậy những dấu hiệu mang thai nào cho biết bạn đã có tin vui?
Mang thai tuần thứ 1: Mẹ vẫn có kinh nguyệt
Trong tuần đầu tiên của thai kỳ, bạn có thể vẫn đang có kinh và em bé tất nhiên chưa hình thành. Có thể bạn hơi khó hiểu? Nhưng ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng là ngày mà các bác sỹ tính là ngày bắt đầu của thai kỳ. Sự rụng trứng sẽ không diễn ra trong vòng hai tuần lễ nữa. Vì vậy, nếu có dự định sinh con, bạn cần có sự chuẩn bị tư tưởng và sức khỏe trước khi mang thai. Tốt nhất, bạn nên có kế hoạch có con trước khi thụ thai khoảng 3 tháng. Nếu chưa biết mình sẽ phải chuẩn bị những gì, bạn có thể tham khảo lời khuyên của bác sĩ về những việc mẹ bầu cần làm để sinh ra những em bé thông minh, khỏe mạnh.
Trong tuần đầu tiên của thai kỳ, bạn có thể vẫn đang có kinh và em bé tất nhiên chưa hình thành (Ảnh minh họa).
Thay đổi của cơ thể: Nếu bạn hy vọng mang thai trong tháng này, bạn có thể bắt đầu phải tính toán chờ tới ngày rụng trứng. Tuy nhiên, ngày này chỉ gần đúng và ngay cả các bác sỹ cũng không thể khẳng định chính xác, cũng giống như thời điểm thụ thai rất khó xác định vì bạn không thể biết chính xác khi nào thì trứng và tinh trùng "gặp nhau".
Mang thai tuần thứ 2: Vẫn chưa thực sự thụ thai
Sang tuần thứ hai, mặc dù được tính là tuần thứ 2 của thai kỳ, nhưng thực ra lúc này bạn vẫn chưa thụ thai. Đến khoảng cuối tuần thứ 2 này, trứng của bạn sẽ rụng vào vòi Fallop. Trước khi em bé thực sự bắt đầu phát triển, nó sẽ trải qua các giai đoạn: Đầu tiên là sự gia tăng lượng estrogen và progesterone chảy qua máu đến tử cung để tạo thành một lớp màng tươi tốt, giàu mô máu để hỗ trợ một trứng được thụ tinh. Đồng thời, trong buồng trứng, trứng cũng đang chín trong các túi chứa dịch, gọi là nang. Vào đầu tuần này (thường là ngày 14 của chu kỳ 28 ngày) trứng rụng: Một quả trứng sẽ chui ra khỏi nang và cuốn trôi từ buồng trứng của bạn vào một ống dẫn trứng.
Dù được tính là tuần thứ 2 của thai kỳ, nhưng thực ra lúc này bạn vẫn chưa thụ thai. Đến khoảng cuối tuần thứ 2 này, trứng của bạn sẽ rụng vào vòi Fallop (Ảnh minh họa).
Thay đổi của cơ thể: Tuần thứ hai, thai kỳ của bạn đã bắt đầu, nên bạn hãy nghĩ về việc mang thai. Thời điểm rụng trứng là điều quan trọng nhất bạn cần phải biết nếu mong muốn có thai. Sự rụng trứng xảy ra khi một trứng trưởng thành được phóng ra khỏi buồng trứng, rơi vào trong vòi trứng và chuẩn bị thụ tinh. Lớp niêm mạc của tử cung dày lên để chuẩn bị đón trứng đã được thụ tinh. Nếu sự thụ tinh không xảy ra, lớp niêm mạc tử cung này sẽ rụng đi. Trứng chưa thụ tinh rụng và niêm mạc tử cung bong ra hình thành hiện tượng kinh nguyệt.
Mang thai tuần thứ 3: Nếu có thai bạn sẽ không thấy kinh nguyệt trong tháng tới
Sau khi xuất tinh, hàng triệu tinh trùng sẽ di chuyển từ âm đạo vào vòi trứng, nơi trứng của bạn đang chờ. Bắt đầu tuần thứ 3 này, trứng được thụ tinh đã phân chia thành hàng trăm tế bào, gọi là túi phôi, là một chỗ hõm có chứa dịch lỏng. Lúc này, phôi bám vào thành tử cung, còn gọi là niêm mạc tử cung. Nếu phôi dâu bám thành công thì thai nhi sẽ bắt đầu phát triển và tiếp nhận chất dinh dưỡng từ chỗ bám này. Tại vị trí mà phôi dâu bám vào niêm mạc tử cung sẽ phát triển thành nhau thai (còn gọi là rau hoặc nhau thai).
Hành trình của tinh trùng đến trứng để thực hiện quá trình thụ thai là cả một chặng đường đầy thử thách
Thay đổi của cơ thể: Sang tuần thứ 3, phôi dâu sẽ bắt đầu tiết ra hoóc môn để cơ thể bạn không giải phóng tế bào niêm mạc và các mô trong tử cung của bạn, khiến cho bạn không thấy kinh nguyệt nữa. Trong tuần thứ 3 của thai kỳ, bạn sẽ không thấy cơ thể mình có sự thay đổi nhiều, thậm chí nhiều phụ nữ còn chưa biết mình đã mang thai.
Mang thai tuần thứ 4: cơ thể mẹ có những thay đổi đáng kể
Ở tuần thứ tư, tế bào hợp tử hình thành ba lớp: mô ngoài cùng (ngoại bì), mô giữa (trung bì), mô trong cùng (nội bì). Ba lớp này sẽ hình thành các cơ quan và mô cho bào thai. Ngoại bì sẽ trở thành hệ thần kinh (bao gồm não), da, tóc, móng, tuyến vú, chân lông và chân răng. Trung bì sẽ phát triển thành tim, hệ tuần toàn, khung xương, mô liên kết, mạch máu và các cơ. Nội bì sẽ hình thành phổi, đường ruột, gan, tụy và tuyến giáp. Tứ chi bắt đầu nhú ra nhưng không rõ rệt. Nhau thai cũng bắt đầu hình thành và sản xuất ra một số hormone quan trọng bao gồm HCG. Có sự chuyển động của máu thông qua mạch chính.
Ở tuần thứ 4 của tháng đầu tiên mang thai, tứ chi bắt đầu nhú ra nhưng không rõ rệt.
Thay đổi cơ thể: Ở tuần thứ 4 của thai kỳ, bạn có thể có những triệu chứng đầu thai kỳ như căng ở hai bầu vú, nhức đầu, đau lưng hoặc một vài biểu hiện khác. Bạn nên biết rằng những triệu chứng này tương tự như những triệu chứng mà bạn có thể có trước kì kinh. Những người phụ nữ khác thì chẳng có triệu chứng nào cả ngoại trừ trễ kinh hoặc kinh nguyệt bất thường. Nếu bạn mất kinh, hãy dùng que thử thai. Đây là cách phát hiện thai sớm nhất tại nhà.
Mang thai tháng đầu tiên nên và không nên ăn gì?
Axit folic là dưỡng chất cần được bổ sung ngay từ khi mẹ mang thai tháng thứ 1 và trong suốt 3 tháng đầu để ngăn ngừa dị tật thai nhi.
Mẹ bầu nên cẩn trọng với những thực phẩm gây co thắt tử cung, hải sản chứa hàm lượng thủy ngân cao, thực phẩm đóng gói sẵn và các chất kích thích.
Theo Helino
Rau ngót vẫn ăn hàng ngày nhưng có những tác hại thót tim không ai ngờ tới Rau ngót phổ biến trong bữa cơm của nhiều gia đình Việt Nam vì là món canh ngon ngọt, bổ dưỡng. Nhưng thực tế, rau ngót "không lành" với tất cả mọi người. Rau ngót là một món ăn quen thuộc của hầu hết các gia đình Việt Nam. Đây chẳng những là loại rau chế biến thành món canh ngon ngọt mà...