Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí khi bị ngộ độc rượu
Uống quá nhiều rượu có thể gây ngộ độc rượu, nhẹ thì cơ quan tiêu hóa bị tổn thương, nặng có thể dẫn tới hôn mê và tử vong. Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết và cách xử trí khi bị ngộ độc rượu.
Mới đây, theo nguồn tin trên báo GĐ&XH, Trung tâm Chống độc – BV Bạch Mai đã tiếp nhận điều trị cùng lúc cùng lúc 3 bệnh nhân bị ngộ độc methanol.
Cụ thể, 3 bệnh nhân gồm Ngô Duy H. (31 tuổi, ở Tiên Du, Bắc Ninh); Trần Văn S. (34 tuổi, ở Bắc Giang) và một bệnh nhân khác. Những người này đều nhập viện trong tình trạng mắt mờ, toàn thân mệt mỏi, buồn nôn, nôn nhiều… sau khi uống rượu trong cùng một đám giỗ.
TS.BS Nguyễn Tiến Dũng – Trung tâm Chống độc cho biết, biểu hiện chung của 3 bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc methanol là hôn mê sâu, có dấu hiệu phù não, huyết áp tụt, đồng tử giãn, tím tái…
Mẫu rượu các bệnh nhân đã uống đã được mang tới Trung tâm chống độc là loại rượu chứa tới 26,16 độ là cồn công nghiệp methanol và chỉ có 5,6 độ là thành phần rượu thông thường ethanol.
Dấu hiệu nhận biết ngộ độc rượu
Chậm nhất sau 24 giờ sau khi uống rượu pha cồn Methanol, nạn nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng của ngộ độc rượu như sau:
- Bất tỉnh, co giật.
- Tê, yếu chân tay hoặc một bên mặt.
- Nói ngọng dù đã tỉnh táo.
- Thở khò khè, yếu, nhịp thở không đều, thở chậm, có thể hít sâu và nhịp thở nhanh.
- Ho yếu, ứ đọng đờm rãi ở miệng, họng.
- Da, môi, móng tay tím tái, lạnh.
- Đại tiện, tiểu tiện ra quần.
Video đang HOT
- Rối loạn cảm nhận về màu sắc.
- Nhìn mờ, không rõ ràng.
- Chướng bụng, đau bụng.
- Mệt, nôn nhiều.
Hậu quả của việc ngộ độc rượu
Uống quá nhiều rượu có thể gây ngộ độc rượu, nhẹ thì cơ quan tiêu hóa bị tổn thương, nặng có thể dẫn tới hôn mê và tử vong. Vì vậy, khi có dấu hiệu bị ngộ độc rượu, nạn nhân cần được xử lý ngay tại chỗ rồi đưa tới bệnh viện cấp cứu để tránh những biến chứng về sau và nguy hiểm tới tính mạng.
Cách xử trí khi bị ngộ độc rượu
Khi thấy có người uống rượu có biểu hiện ngộ độc rượu, chúng ta nhanh chóng tiến hành các bước sơ cấp cứu tại chỗ cho nạn nhân để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
- Kê gối cho nạn nhân nằm, đầu và vai cao hơn.
- Nếu nạn nhân bất tỉnh kèm theo hiện tượng ứ đọng đờm rãi, thở khò khè cần cho nằm nghiêng một bên và tìm cách gây nôn, xát mạnh hai bên má.
- Nếu thời tiết lạnh cần ủ ấm cho bệnh nhân.
- Không để bệnh nhân ngủ li bì suốt ngày hoặc đêm. Cách vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy. Cho ăn cháo loãng để tránh hạ đường huyết nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống.
- Uống nhiều nước ấm để không bị mất nước. Có thể cho bệnh nhân uống các loại nước có tác dụng giải rượu nhẹ như nước gừng tươi, nước cà chua…
- Nếu lay gọi người bệnh không tỉnh, ứ đọng đờm rãi nhiều, thở sâu, thở nhanh thậm chí co giật… hoặc có tỉnh dậy nhưng đau đầu, chóng mặt, sợ ánh sáng, vã mồ hôi, chân tay lạnh, da xanh tái, mờ hoặc mất hẳn thị lực… cần giữ bệnh nhân ở tư thế cao đầu, nằm nghiêng an toàn và nhanh chóng gọi xe cấp cứu chuyển bệnh nhân tới các cơ sở y tế hoặc bệnh viện.
- Không cho nạn nhân uống thuốc giải độc rượu, các loại thuốc chống nôn, thuốc giảm đau, hạ sốt…
Cách phòng tránh ngộ độc rượu
- Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày. Nên kết hợp vừa ăn vừa uống.
- Không ngâm rượu với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay kinh nghiệm cá nhân để uống.
- Không uống rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, đang uống thuốc điều trị, khi đang đói hoặc mệt.
- Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.
- Mỗi người nên chủ động không tiếp nhận rượu, bia vào cơ thể, tránh rơi vào tình trạng say rượu, ngộ độc rượu để đảm bảo an toàn sức khỏe của chính mình.
3 người ngộ độc methanol ở cùng một đám giỗ do uống rượu mua trên mạng
Bệnh nhân H. nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, có dấu hiệu phù não, huyết áp tụt, đồng tử giãn, tím tái, tình trạng nhiễm toan chuyển hóa nặng.
Bác sỹ thăm khám cho một bệnh nhân ngộ độc methanol. (Ảnh: PV/Vietnamplus)
Theo thông tin từ Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), đơn vị này đang điều trị cho ba bệnh nhân bị ngộ độc methanol sau khi uống rượu trong cùng một đám giỗ người thân ở Bắc Ninh.
Bệnh nhân khi nhập viện vì ngộ độc rượu với những biểu hiện như hôn mê sâu đồng tử giãn, tím tái...
Hôn mê sâu sau khi uống rượu
Bệnh nhân thứ nhất là Ngô Duy H. (31 tuổi, ở Tiên Du, Bắc Ninh). Theo lời kể của người nhà, trưa 11/10 bệnh nhân tham dự một đám giỗ người thân ở Bắc Ninh và có uống khoảng 10 chén rượu. Sau uống một ngày, bệnh nhân xuất hiện tình trạng mệt mỏi, buồn nôn, nôn nhiều.
Đến chiều 12/10, bệnh nhân được người nhà đưa đến Trung tâm y tế huyện và đã được chuyển tới Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) ngay trong đêm.
Bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng - Trung tâm Chống độc cho hay bệnh nhân H. nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, có dấu hiệu phù não, huyết áp tụt, đồng tử giãn, tím tái. Kết quả xét nghiệm cho thấy tình trạng nhiễm toan chuyển hóa nặng, nồng độ methanol trong máu là 79 mg/dL.
Bệnh nhân sau đó được lọc máu, dùng thuốc giải độc, hồi sức cấp cứu... Sau 2 ngày điều trị điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, tỉnh trở lại, tự thở tốt và đang dần hồi phục.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân Trần Văn S. (34 tuổi, ở Bắc Giang). Bệnh nhân vào viện ngày 13/10 vì nhìn mờ, kèm đau mỏi toàn thân, buồn nôn. Cách vào viện 2 ngày bệnh nhân đã tham dự một đám giỗ người thân ở Bắc Ninh và có uống khoảng 300 ml (cùng với bệnh nhân Ngô Duy H.).
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân cũng bị ngộ độc cồn công nghiệp methanol và bệnh nhân đã được điều trị cấp cứu theo phác đồ ngộ độc methanol.
Trong ngày 14/10, Trung tâm chống độc cũng đã tiếp nhận thêm bệnh nhân thứ ba được chẩn đoán ngộ độc cồn công nghiệp methanol sau uống rượu cùng ở đám giỗ trên.
Mẫu rượu các bệnh nhân đã uống được mang tới Trung tâm chống độc. Kết quả xét nghiệm cho thấy loại rượu này chứa tới 26,16 độ là cồn công nghiệp methanol, trong khi đó thành phần rượu thông thường ethanol chỉ có 5,6 độ. Các bệnh nhân cho biết, loại rượu này được gia đình mua trên mạng internet và trong đám giỗ có khoảng trên 20 người đã cùng uống loại rượu này.
Tiến sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc phân tích đây là một vụ ngộ độc cồn công nghiệp methanol với nguyên nhân là uống phải loại rượu giả, rượu được pha chế hoặc đóng chai từ cồn công nghiệp methanol. Rượu uống nếu đúng là được nấu truyền thống từ ngũ cốc thì không bao giờ chứa lượng methanol gây ngộ độc.
Cần quản lý chặt hóa chất cồn công nghiệp methanol
Theo bác sỹ Nguyên, methanol là một hóa chất độc, người dân không có năng lực sản xuất ra methanol để bán ra thị trường. Tất cả lượng methanol lưu hành trên thị trường hiện nay là từ sản xuất công nghiệp (cổ điển từ lên men gỗ) hoặc nhập khẩu cồn công nghiệp methanol cho các mục đích khác nhau không phải để uống, phần lớn trong công nghiệp và pha với xăng tạo ra xăng E5.
Đây vẫn là vấn đề quản lý hóa chất độc hại, lượng cồn công nghiệp methanol đã được "tuồn" ra ngoài vào tay kẻ xấu để pha đóng chia thành rượu giả gây ngộ độc.
Những năm gần đây, các trường hợp ngộ độc rượu vẫn xuất hiện thường xuyên. Chẳng hạn như vụ ngộ độc methanol ở Lai Châu gây tử vong hàng chục người và nhiều người bị ngộ độc, ở Hà Nội cũng đã có vụ ngộ độc do loại rượu giả gây ngộ độc cho rất nhiều người và tử vong, di chứng mù mắt...
Bác sỹ Nguyên chỉ rõ, Methanol vào trong cơ thể lúc đầu ngay sau uống cũng gây say giống rượu uống, rượu cũng có vị không khó chịu, tuy nhiên lúc người uống tỉnh tại thì nghĩ là hết say. Sau uống 1-2 ngày, methanol trong cơ thể âm thầm được chuyển thành axit formic rất độc, máu bị nhiễm axit gây thở nhanh và sâu giống như khó thở, tổn thương với mắt gây nhìn mờ, mù, với não gây hoại tử não, phù não, hôn mê và dễ tử vong.
Ở Việt Nam, ngộ độc cồn công nghiệp methanol do uống rượu giả nên người uống không biết là uống phải rượu độc, lại biểu hiện chậm và âm thầm, nên phần lớn bệnh nhân đến viện muộn, khi đã bị tổn thương não, mắt tử vong từ 30-50% mặc dù được cứu chữa. Nếu bệnh nhân không tử vong cũng dễ bị di chứng mù mắt. Rất đáng tiếc.
Để phòng tránh ngộ độc cồn công nghiệp methanol bác sỹ Nguyên cho rằng cần quản lý chặt chẽ hóa chất cồn công nghiệp methanol, quản lý các sản phẩm rượu lưu hành trên thị trường.
Các chuyên gia cũng kiến nghị đưa ra các giải pháp, trong đó có việc đưa chất màu, ví dụ xanh methylen vào cồn công nghiệp methanol, để kẻ xấu không thể pha chế thành rượu rởm và người dân có thể nhận dạng cồn công nghiệp. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa được thực hiện.
Với người dân, bác sỹ Nguyên khuyến cáo nên hạn chế uống rượu, khi mua rượu thì cần mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kể cả nơi bán cũng phải chính thức (có đăng ký kinh doanh, việc mua bán có hóa đơn kèm mã hàng hóa nhận dạng). Nếu người dân cứ mua bán rượu trôi nổi, không kiểm soát sẽ càng tạo điều kiện cho những người sản xuất và kinh doanh hàng giả và gây ngộ độc cho người mua./.
[ẢNH] Những mẹo xử lý đúng và hiệu quả ngộ độc rượu tại nhà Ngộ độc rượu là tình trạng nghiêm trọng xuất hiện khi đưa lượng lớn rượu vào cơ thể trong một thời gian ngắn. Và nếu như có cách xử trí không đúng thì sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, có thể là tử vong. Tùy vào từng mức độ khác nhau mà người ngộ độc rượu có thể xuất...