Dấu hiệu cảnh báo bạn bị ung thư tinh hoàn
Nếu sờ thấy khối u cứng ở bìu, đôi khi đau, khó chịu hoặc bìu lớn lên bất thường, có thể bạn đã bị ung thư tinh hoàn.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết ung thư tinh hoàn là một trong những ung thư phổ biến nhất ở nam giới từ 15 đến 35 tuổi. Các yếu tố nguy cơ bao gồm tinh hoàn lạc chỗ (tinh hoàn còn nằm trong ổ bụng không xuống đến bìu, người bệnh chỉ thấy có một còn bên kia không có), bất thường bẩm sinh về hệ tiết niệu sinh dục (như thận, dương vật), có tiền căn gia đình có người bị ung thư bộ phận này.
Biểu hiện thường gặp là sờ thấy cục u cứng ở bìu, đôi khi có cảm giác đau, khó chịu vùng bìu hay bìu lớn lên bất thường. Một số người có cảm giác đau vùng bụng dưới, lưng hay bẹn. Nếu phát hiện trễ khi ung thư đã di căn đến vùng khác thì sẽ gây ra các triệu chứng bệnh điển hình ở cơ quan đó. Chẳng hạn như ho, khó thở nếu di căn đến phổi; đau bụng, nôn ói khi di căn đến dạ dày; đau nhức xương trong trường hợp di căn đến xương; yếu liệt, nhức đầu hay hôn mê nếu di căn lên não….
Theo bác sĩ Đức, phát hiện sớm khi khối u khu trú tại chỗ mà chưa di căn đến nơi khác thì có thể chữa khỏi hoàn toàn. Nếu phát hiện trễ, tế bào ung thư đã di căn đến nhiều cơ quan khác, việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Dù vậy, ung thư tinh hoàn di căn xa thì khả năng chữa khỏi vẫn cao hơn nhiều so với các loại ung thư di căn khác.
Bác sĩ Đức lưu ý ung thư tinh hoàn giai đoạn sớm không có triệu chứng rõ ràng nên người bệnh thường không để ý. Một số nam giới lại có tâm lý chủ quan rằng khối cứng nhỏ không có gì nghiêm trọng nên không đi khám. Nhiều người bệnh và nhân viên y tế có quan niệm sai lầm rằng ung thư chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi (từ trung niên trở lên) nên ít nghi ngờ ở người trẻ tuổi dù đã thấy dấu hiệu bệnh.
Video đang HOT
Bệnh viện Đại học Y Dược tiếp nhận bệnh nhân mới 25 tuổi đã bị ung thư tinh hoàn di căn mà không có triệu chứng điển hình, ngoại trừ từng bị sưng một bên tinh hoàn rồi tự hết.
Bác sĩ Đức khuyến cáo nam giới trẻ nên chú ý khám sức khỏe định kỳ một đến hai lần mỗi năm. Nhờ đó dễ dàng phát hiện sớm các bất thường của cơ thể, kịp thời tìm nguyên nhân và phương pháp điều trị nếu nghi ngờ ung thư. Bất kỳ loại ung thư nào khi phát hiện sớm luôn có kết quả điều trị tốt hơn giai đoạn trễ. Do vậy đừng chờ đến khi khối u lớn xâm lấn sang các vùng khác gây triệu chứng rõ rệt mới đi khám.
Theo Trần Ngoan/Vnexpress.net
Sai lầm khiến bệnh ẩn tinh hoàn đơn giản trở nên phức tạp
Ẩn tinh hoàn là bệnh lý đơn giản nhưng càng để lâu, nguy cơ xảy ra biến chứng càng cao, có thể dẫn đến ung thư, vô sinh.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Liên (khoa ngoại - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho hay mỗi tuần tại khoa phải phẫu thuật ít nhất hai trường hợp bị ẩn tinh hoàn. Trong số đó, đa phần là trẻ nhỏ, một số trường hợp là người trưởng thành ngoài 30 tuổi.
Các bé trai có tinh hoàn ẩn có tỷ lệ ung thư tinh hoàn cao hơn so với các trẻ khác khi đến tuổi trưởng thành. Ảnh: TNS.
Gần đây nhất, bác sĩ Liên cùng các đồng nghiệp vừa điều trị cho một trường hợp 34 tuổi bị ẩn tinh hoàn bẩm sinh.
Nam bệnh nhân biết mình bị ẩn tinh hoàn từ khi lên 9-10 tuổi, nhưng vì xấu hổ nên không dám chia sẻ với ai. Gần đây, khi đi khám, các bác sĩ yêu cầu anh phải điều trị nếu không muốn bị ung thư tinh hoàn.
Nhiều năm trong nghề, bác sĩ Liên đã gặp không ít gia đình dù phát hiện sớm con bị ẩn tinh hoàn nhưng chủ quan không chữa bệnh hoặc sợ con nhỏ không dám đưa đi phẫu thuật.
'Điều này hết sức nguy hiểm, vì càng để lâu, nguy cơ xảy ra biến chứng càng cao. Bệnh có thể gây ung thư tinh hoàn, thậm chí vô sinh và nguy hiểm hơn nữa là gây nghẹt ruột, dẫn tới tử vong', bác sĩ Liên cảnh báo.
Chuyên gia cho biết phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả đối với các trường hợp ẩn tinh hoàn. Bệnh nhân cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên có thể tiến hành phẫu thuật.
Theo bác sĩ Liên, nguyên nhân dẫn đến việc tinh hoàn bị ẩn chưa được xác định rõ ràng. Những yếu tố nguy cơ được xác định là tình trạng viêm nhiễm, sinh non, có yếu tố gia đình...
Để sớm phát hiện con bị tinh hoàn ẩn, chuyên gia khuyến nghị các bà mẹ khi mang thai nên khám sàng lọc trước sinh để có thể phát hiện dị tật từ sớm.
Ngoài ra, khi đứa trẻ sinh ra, nhân viên y tế cần phải kiểm tra ngay cơ quan sinh sản, xem có đủ tinh hoàn, lỗ niệu đạo, hậu môn hay không, từ đó tư vấn kịp thời với gia đình.
Bên cạnh đó, vấn đề giáo dục sức khỏe sinh sản cần được thực hiện thường xuyên trong trường học. Điều đó giúp học sinh có thể biết được mình có bị khiếm khuyết hay không và sau này khi đến tuổi làm cha, làm mẹ, họ đủ kiến thức để sàng lọc cho chính con mình.
Theo Thanh Hà/News.zing.vn
Điều trị ung thư tinh hoàn sau bao lâu có thể sinh con? Sau khi kết thúc hóa trị và xạ trị thì bệnh nhân điều trị ung thư tinh hoàn cần thời gian bao lâu mới có thể có con được. Hỏi: Xin chào Bác sĩ. Tôi là bệnh nhân ung thư tinh hoàn cách đây hơn 1 năm đã đến để nhờ Bác sĩ tư vấn giúp trước khi phẫu thuật và hóa xạ...