Đau đầu vì chuyện dùng mạng xã hội “kín” để gian lận thi cử
ICTnews – Chuyện những học sinh ghi chép tài liệu trên tay, hoặc nhìn bài bạn khác đã trở nên quá lỗi thời… bây giờ, họ có thể sử dụng Twitter, Instagram hoặc Facebook để gửi câu hỏi cho bạn bè, chuyện xảy ra ở thế giới và cả Việt Nam.
Học trò “nước lớn” ngày càng tinh vi
Một trong những diễn biến mới nhất về gian lận trong trường học, hai học sinh lớp 10 của tiểu bang Maryland (Hoa Kỳ) tham gia một kì thi đánh giá tiếng Anh trên toàn tiểu bang, đã gửi câu hỏi lên Twitter.
Tờ Baltimore Sun (Hoa Kỳ) viết, dường như, các phương pháp gian lận thi cử đã trở nên tiến hoá, do đó cũng đã có những nỗ lực để ngăn chặn chúng.
Các dòng Tweet đã bị “tóm”, bởi một công ty chuyên kiểm tra việc gian lận trên mạng xã hội, những từ khoá được quét bằng những phần mềm tiên tiến.
Mạng xã hội, đã trở thành một trong những công cụ để gian lận trong các bài kiểm tra về SAT và ACT (các bài kiểm tra đánh giá năng lực của Hoa Kỳ) trong nhiều năm qua.
Video đang HOT
Việc gian lận trong thi cử giờ đây đã tinh vi hơn nhờ công nghệ hiện đại – ảnh minh hoạ: Facebook
“Điều mới mẻ này đang xảy ra ở loại hình giáo dục K-12″, Bob Schaeffer – Giám đốc chương trình giáo dục công tại FairTest – một tổ chức phi chính phủ có các hoạt động chuyên biệt về công bằng thi cử, cho biết.
Phát ngôn viên của nhà xuất bản giáo dục danh tiếng Pearson chia sẻ, họ đã tìm ra 70 trường hợp trong 6 quốc gia, các sinh viên đăng tải tìm kiếm sự trợ giúp thi cử trên mạng xã hội, trong một cuộc thử nghiệm.
Pearson đã ký hợp đồng với một công ty bảo mật, sử dụng phần mềm, để tìm kiếm các hành vi gian lận trên Twitter, Instagram, Facebook và các trang web khác.
Phát ngôn viên của Bộ Giáo dục tiểu bang Maryland, Bill Reinhard nêu quan điểm, các Tweet gian lận đã được Tweet lại, làm tăng cơ hội cho những người khác xem các câu hỏi kiểm tra được đưa lên mạng xã hội.
Gian lận thi cử là chuyện không có gì mới mẻ ở bất cứ quốc gia nào – ảnh: Huffington Post
Mặc dù vậy, việc theo dõi các hành vi gian lận của Pearson vẫn gây tranh cãi, Adam Mendelson, phát ngôn viên của Hiệp hội Giáo dục Tiểu bang Maryland nói, các giáo viên lo lắng về việc, họ có thể là mục tiêu mà Person nhắm tới, và họ thắc mắc: “Làm như thế nào chúng tôi có thể biết các hoạt động giám sát của Person được thực hiện như thế nào, và họ làm gì với dữ liệu thu thập được? Chúng tôi lo ngại về việc họ sử dụng bất kỳ dữ liệu gì để khuyến khích các hành động kỷ luật đối với các nhà giáo dục”.
Ray Leone, chủ tịch Hội phụ huynh học sinh (PTA) Maryland có vẻ như khá sửng sốt với việc gian lận thi cử qua mạng xã hội, những giám thị không thể kiểm tra tất cả học sinh bằng một chiếc máy dò kim loại, để đảm bảo rằng học sinh không mang theo một điện thoại di động và “Tôi không thể tưởng tượng rằng, các bài kiểm tra bị giết chết chỉ vì đã bị Tweet”.
Mặc dù vậy, Schaeffer từ FairTest băn khoăn, có thể Pearson chỉ tìm được một số trường hợp gian lận, bởi các học sinh cũng có thể sử dụng các nhóm Facebook kín, hoặc email để trao đổi với bạn bè về các câu hỏi kiểm tra.
“Tôi nghĩ rằng, chúng tôi đã chỉ nhìn thấy phần đỉnh của tảng băng trôi”, Schaeffer trở nên lo lắng về sự công bằng trong thi cử.
Gian lận thi cử bằng mạng xã hội tại Việt Nam
Là một quốc gia được hưởng một nền Internet mở đầy đủ, Việt Nam đang đón nhận cả những điều tốt và xấu từ thế giới mạng, trong đó có chuyện lợi dụng Internet để gian lận thi cử.
Ngày 28/06, một thành viên của Otofun Group (nhóm) trên Facebook, đã đưa lên nhóm này một bài thi về tiếng Anh và tìm kiếm sự “giúp đỡ”.
Đề nghị này, sau đó đã bị những người quản trị gỡ khỏi Group, nhưng điều đáng nói là, rất nhiều thành viên trong diễn đàn đã không coi đây là một hành vi đáng lên án, sau khi ICTnews đăng tải bài viết phản ánh, một số thành viên của Otofun chỉ đưa ra quan điểm ngắn gọn: “nhà báo lắm chuyện”.
Sinh viên một trường đại học trên địa bàn Hà Nội chia sẻ, trong lớp em thì thỉnh thoảng khi có bài kiểm tra, giám thị dễ, việc sử dụng Viber, Facebook Messenger hay iMess để nhờ bạn bè giúp đỡ, là việc khá phổ biến.
Một số sinh viên còn “đa dạng hoá” trong việc gian lận thi cử, bằng cách lập ra những nhóm Facebook “kín”, giới hạn, chỉ cho phép các thành viên trong nhóm được nhìn và tương tác với nhóm để tiện nhận sự giúp đỡ, mỗi khi có các bài kiểm tra hay kì thi khó.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD& ĐT cho biết, đối với các kì thi quốc gia, hiện học sinh chỉ được mang vào phòng thi, những thiết bị, máy tính theo quy định, không thuộc quy định ko được mang vào, giám thị có kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sẽ xử lý nặng.
“Trong mấy năm gần đây công nghệ tinh vi, Bộ GD&ĐT phải để ý phát hiện, đối với việc dùng Facebook (để gian lận thi cử – pv) thì cần phải có công cụ thông minh, mà đây là công cụ không được phép mang vào”
Tuy nhiên, trong những bài thi nhỏ, trong những kì thi năng lực không chỉ dành cho học sinh, sinh viên mà dành cho người đi làm, việc gian lận bằng mạng xã hội như Facebook, đã và đang diễn ra, về vấn đề này, ông Trinh cho hay mình là người ít lên mạng xã hội và “Facebook có tính hai mặt” và chưa thể phát biểu gì nhiều về vấn đề này.
Tuy nhiên “an toàn thi cử và công bằng thi cử phải đặt lên hàng đầu”, ông Trinh nêu quan điểm.
Theo ICTnews