Dấu ấn Lê Công Tuấn Anh qua các bộ phim không thể quên
Tính đến ngày 17/10/2020, Lê Công Tuấn Anh mất tròn 23 năm, nhưng các bộ phim anh đóng vẫn là điểm sáng đáng nhớ của nền điện ảnh Việt Nam một thuở.
Điện ảnh Việt Nam giai đoạn cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990 được gọi là thời kỳ “phim mì ăn liền” vì dòng phim thương mại lên ngôi. Nhiều ê-kíp làm phim buông tuồng, chóng vánh để thu hồi vốn. Các phim giai đoạn này hầu hết phát hành rồi trôi chìm vào lãng quên vì chất lượng kém.
Dù vậy, một số phim của Lê Công Tuấn Anh đóng vẫn được đánh giá là điểm sáng, với sức sống đến tận hôm nay. Những câu chuyện tình đẫm lệ của anh trên màn ảnh được khán giả các thế hệ khắc ghi trong trí nhớ.
Bộ phim luôn được kể đến đầu tiên khi nhắc tới Lê Công Tuấn Anh là Vị đắng tình yêu (1990) với hiện tượng Quang “Đông ki sốt”. Phim kể về Quang, một sinh viên y khoa nghèo, đem lòng yêu cô nữ sinh nhạc viên tên Phương (Thủy Tiên) nhưng chuyện tình của hai người không được gia đình Phương chấp nhận.
Trích phim “Vị đắng tình yêu”
Khi biết Phương có một mảnh đạn nhỏ bị găm trong đầu đã 20 năm, nếu Bình (người yêu Phương – Lê Tuấn Anh đóng) rời xa cô thì Quang lại luôn ở cạnh người thương, nhờ thầy mình “phẫu thuật” tâm lý cho cô. Phương khỏe lại, Quang bị tình địch dùng thủ đoạn đẩy ra chiến trường. 10 năm sau, Phương và Bình thành vợ chồng, có 1 con gái. Quang vẫn còn yêu Phương và giữ thói quen đứng nơi cửa sổ nhà cô. Khi mảnh đạn trong đầu Phương tái phát, Quang là bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật thật giúp cô lấy mảnh đạn ra khỏi đầu.
Đúng như tên phim Vị đắng tình yêu, Quang của Lê Công Tuấn Anh chỉ toàn nếm vị đắng nhưng tình yêu chân tình, trong sáng và cao thượng của anh đã đánh động trái tim của thiếu nữ thời đó. Phim lập kỷ lục với doanh thu hơn 500 triệu đồng, Lê Công Tuấn Anh cũng trở thành hiện tượng. Cho đến nay, Vị đắng tình yêu vẫn được xem là một trong những phim đề tài sinh viên dễ thương và chân thật nhất.
Trích phim “Anh chỉ có mình em”
Phim Anh chỉ có mình em (1992) có Lê Công Tuấn Anh đóng chính được đánh giá cao ở tính nghệ thuật và thông điệp hậu chiến. Anh vào vai Hoan, trở về từ chiến trường, mong chờ được làm đám cưới với Vân (Thu Hà). Vì trước lúc ra đi, Hoan và Vân đã trao nhau tình yêu đầu và nguyện thề sẽ đợi nhau. Không ngờ khi Hoan đi lính, gia đình anh nhận được giấy báo tử.
Vân tưởng người yêu đã tử trận sa trường nên tâm thần bất ổn. Cô trở nên ngây dại, nhìn vịt trời mà tưởng đó là con mình. Mặc người làng đàm tiếu, Hoan vẫn tin và yêu Vân tha thiết. Hai con người luôn hướng về nhau nhưng lại bị những lề thói của làng quê bóp nghẹt.
Nếu Vị đắng tình yêu là bài tình ca lãng mạn, thi vị của tuổi đầu đời thì Anh chỉ có mình em là khúc trầm buồn giữa Hoan và Vân. Qua mối tình chung thủy bị chia cắt bởi chiến tranh, đạo diễn Đới Xuân Việt phác họa nên nỗi đau thời chiến, thân phận của những người phụ nữ hậu chiến.
Lê Công Tuấn Anh nhận giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam 1993.
Thời phim “mì ăn liền” đang phát triển rầm rộ, phim Anh chỉ có mình em vẫn trung thành thể thức phim nhựa. Trong phim có cảnh “tình cảm” giữa Hoan và Vân trên chiếc bè ở ngã ba sông. Diễn xuất của Lê Công Tuấn Anh và Thu Hà vừa phải, đủ tình, có chất thơ mà không quá bạo liệt hay sa đà vào dung tục.
Một trong những vai để đời của Lê Công Tuấn Anh là vai nhạc sĩ Quang Sơn trong phim Em còn nhớ hay em đã quên? (1993). Phim ra đời từ các ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trong phim, chàng nhạc sĩ lãng du mắc kẹt trong mối tình dang dở với 2 cô gái.
Trích phim “Em còn nhớ hay em đã quên?”
Diễm (Trương Ngọc Ánh) bỏ đi mất, Quang Sơn cũng đóng chặt trái tim mình. Anh gặp cô gái hát rong tên Huyền My (Hoàng Hồng Nhị), vun vén cho giọng hát và sự nghiệp của cô. Với anh, Huyền My là học trò, nàng thơ, lại vừa phảng phất bóng dáng của Diễm; trong khi với cô, Quang Sơn là cả cuộc đời. Huyền My nổi tiếng cũng là ngày Quang Sơn bị bắt vì trốn lệnh tòng quân. Trong trại giam, Quang Sơn thấy Huyền My thét gọi tên mình, nhận ra anh yêu cô nhưng đã muộn.
Trong phim, chiến tranh không hiện hữu trực tiếp nhưng tạo ra những vết thương cho các nhân vật. Bộ phim đã giành được rất nhiều giải thưởng về đạo diễn, biên kịch, nam diễn viên xuất sắc (cho Lê Công Tuấn Anh) tại kỳ LHP quốc gia lần thứ nhất.
Trích phim “Ngọt ngào và man trá”
Phim Ngọt ngào và man trá (1996) đánh dấu bước đột phá diễn xuất cho Lê Công Tuấn Anh khi vào vai đúp Cường Tuấn và Hùng Tuấn. Nếu Cường Tuấn là chàng trai khôi ngô tuấn tú thì người em song sinh Hùng Tuấn bị bệnh tâm thần. Gia đình anh lừa dối Xoan – người yêu cũ của Cường Tuấn (Khánh Huyền), để cô cứu Hùng Tuấn. “Giấy không gói được lửa”, ngày Hùng Tuấn hồi phục cũng là lúc Xoan nhận ra người mình yêu hiện tại không phải Cường Tuấn.
Trong quá trình đóng phim, Lê Công Tuấn Anh đã sống cùng những bệnh nhân ở Bệnh viện tâm thần Hà Nội (Sài Đồng, Long Biên). Vì thế, anh diễn vai người điên vô cùng chân thực. Chẳng ai ngờ, đây cũng là vai diễn cuối cùng trong đời anh. Ngày 17/10/1996, Lê Công Tuấn Anh tự tử trước ngày phim lên sóng. Phần 2 phim Ngọt ngào và man trá cũng như kết cục mối tình giữa Hùng Tuấn và Xoan vĩnh viễn bỏ lửng.
Lê Công Tuấn Anh đóng kịch “ Vực thẳm chiều cao”
Ngoài 4 phim này, Lê Công Tuấn Anh cũng ghi dấu ấn rất nhiều phim như Mặt trời đêm, Hoa quỳnh nở muộn, Vĩnh biệt Cali, Vĩnh biệt mùa hè, Áo trắng sân trường… Bên cạnh phim điện ảnh và truyền hình, anh cũng là diễn viên kịch tài năng của đoàn kịch nói Kim Cương, từng đoạt Huy chương vàng tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc đợt 2 năm 1995 cho vai Sỏi trong vở Bước qua lời nguyền.
'Em còn nhớ hay em đã quên?' - bộ phim sinh ra từ nhạc Trịnh
Bộ phim năm 1992 xâu chuỗi lời hát trong các ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thành một tác phẩm vừa hư vừa thực, tràn ngập tiếng ca, và lơ lửng nỗi buồn.
Tựa đề Em còn nhớ hay em đã quên được đặt cho bộ phim theo tên một ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cuộc đời thực, và các sáng tác âm nhạc của ông, cũng chính là chất liệu để đạo diễn Nguyễn Hữu Phần viết nên kịch bản tác phẩm.
Nhân vật chính trong phim là Quang Sơn (Lê Công Tuấn Anh) - một nghệ sĩ lang thang. Rời khỏi Huế để tránh lệnh tòng quân, và cả quên đi mối tình đầu sớm bị chiến tranh chia cắt, anh trốn lên Đà Lạt.
Bộ phim Em còn nhớ hay em đã quên ra đời vào năm 1992 với cố diễn viên Lê Công Tuấn Anh sắm vai chính.
Tại Đà Lạt, Quang Sơn gặp Huyền My (Hoàng Hồng Nhị). Cô gái hát rong với chất giọng trời phú lập tức lọt vào mắt xanh của chàng nghệ sĩ. Anh quyết tâm dạy cô hát, để tiếng hát của cô có thể đến với đông đảo công chúng.
Huyền My trong mắt Quang Sơn vừa là cô học trò, vừa là nàng thơ, lại vừa phảng phất bóng dáng của Diễm (Trương Ngọc Ánh) - người con gái đã bỏ anh ra đi. Nhưng chàng nhạc sĩ cô độc không hề nhận ra rằng, từ thẳm sâu trái tim tưởng chừng đã nguội lạnh của mình, hạt giống tình yêu đã khe khẽ nảy mầm.
Người nghệ sĩ sống cùng những mối tình dang dở
Mở đầu Em còn nhớ hay em đã quên, Quang Sơn đến tìm Diễm. Nhưng tiếp đón anh là người vú nuôi và căn nhà vắng lặng. Diễm ra đi, để lại cho Quang Sơn một album ảnh cô, như mong muốn chàng trai mãi mãi giữ bóng hình mình.
Diễm đâu biết rằng cô để lại cho Quang Sơn cuốn album, nhưng đã lấy đi khỏi anh một nửa tâm hồn. Vì Diễm, chàng nghệ sĩ đóng chặt cánh cửa trái tim, sống đời cô độc. Anh không cho phép mình mở lòng với Huyền My - cô gái trẻ sớm đã coi anh là cả cuộc đời.
Diễm là mối tình đầu của Quang Sơn, cũng là hình bóng theo anh cả cuộc đời.
Quang Sơn đền đáp mối chân tình, hay cũng chính là bộc lộ tình cảm mình dành cho cô, bằng cách vun vén cho sự nghiệp của Huyền My. Anh đưa cô gái, từ chỗ là ca sĩ của gánh hát rong lang thang khắp Đà Lạt, trở thành một danh ca có chỗ đứng trên sân khấu riêng.
Mỗi buổi biểu diễn của Huyền My đều có Quang Sơn theo sát. Anh đứng sau cánh gà, nhìn cô bằng ánh mắt đầy tự hào và trìu mến của một người thầy, và có lẽ, của cả một người thương. Nhưng định mệnh quả trớ trêu. Khi sân khấu chưa kịp hạ màn, khi Huyền My vẫn đang say sưa hát, Quang Sơn bị bắt vì trốn lính.
Trong trại giam, nhìn thấy Huyền My thét gọi tên mình, Quang Sơn nhận ra anh yêu cô. Tình yêu ấy đồng nghĩa với việc anh phải đẩy cô ra xa khỏi cuộc đời mình mãi mãi. Bởi anh đâu thể bắt cô gái với tương lai vừa mở ra trước mắt ấy chờ đợi một kẻ chẳng còn tương lai?
Những thân phận bị giằng xé bởi chiến tranh
Dù Em còn nhớ hay em đã quên không phải một bộ phim trực tiếp tố cáo tội ác chiến tranh, phản chiến vẫn là một mạch ngầm xuyên suốt tác phẩm. Khán giả không thấy chiến tranh hiện diện trực tiếp qua những cuộc đàn áp hay máu đổ, mà qua vết thương do nó gây ra cho cuộc đời và ảnh hưởng lên suy tư của từng nhân vật.
Huyền My là cô gái được Quang Sơn dìu dắt đến thành công. Nhưng anh không thể mở lòng với cô vì mãi nhớ nhung Diễm.
Trong lá thư tạ từ, Diễm buộc tội cuộc chiến tranh là nguyên nhân chia lìa hai người, rằng rồi đây họ sẽ chẳng còn lại gì ngoài cuộc chiến tranh mỏi mệt. Quang Sơn vì không muốn đi lính mà phải sống đời tha phương, chịu cảnh tù đày. Huyền My vì chiến tranh mà mất đi gia đình, rồi lại vì chiến tranh mà phải chấp nhận lấy một người đàn ông cô không yêu mến...
Tinh thần phản chiến của Quang Sơn cũng được thể hiện trong cảnh phim anh vừa đánh đàn vừa hát trong một phong trào sinh viên kêu gọi hòa bình. Sự kiện đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời Quang Sơn, khi anh không còn trốn chạy nữa, mà sử dụng lời ca tiếng hát để đấu tranh cho nền hòa bình mơ ước.
Cõi thực song hành cùng cõi mơ trong tâm hồn người nghệ sĩ
Em còn nhớ hay em đã quên đơn giản, không có những cao trào rắc rối. Đôi lúc, thoát ly khỏi chính câu chuyện, tác phẩm đưa khán giả vào không gian kỳ ảo đối lập với hiện tại khắc nghiệt. Đó là không gian sáng tạo âm nhạc của Quang Sơn.
Trong không gian ấy, hình ảnh của Diễm và Huyền My lúc tách biệt, lúc hòa nhập. Diễm gắn liền với không gian xứ Huế u tịch, là tà áo dài trắng giữa đầm sen xanh trong ngày nắng gắt. Còn Huyền My, cô là Đà Lạt mộng mơ, ghi dấu những ngày Quang Sơn sống đời phiêu bạt.
Bên ngoài không gian ấy, cuộc đời mỗi nhân vật cũng giống như con thuyền giấy gấp từ tờ nhạc - một hình ảnh ẩn dụ được nhắc đi nhắc lại trong phim. Ăm ắp những lời ca, nhưng tròng trành không phương hướng, nó cuối cùng sẽ bị sóng cuốn về phía biển vô cùng.
Bộ phim có những khung cảnh được dàn dựng tượng trưng cho cõi mơ của người nghệ sĩ.
Em còn nhớ hay em đã quên mở ra bằng giai điệu của Bài ca dành cho những xác người - một nhạc phẩm tiêu biểu trong chuỗi Ca khúc da vàng mang nội dung phản chiến của Trịnh Công Sơn. Xuyên suốt bộ phim, câu chuyện được kết nối bằng những sáng tác như Diễm xưa, Nắng thủy tinh, Lại gần với nhau, Biết đâu nguồn cội...
Phải tới tận cuối phim, giai điệu của Em còn nhớ hay em đã quên mới cất lên, vừa như tóm tắt lại cả tác phẩm, vừa như nỗi lòng đau đáu của chàng nhạc sĩ cô độc. Liệu những người con gái ấy còn nhớ tới những nơi chốn cũ, nhớ tới những kỷ niệm xưa, và nhớ tới anh?
Giờ đây Diễm đã yên bề, tóc búi cao và tảo tần bên con nhỏ. Cô không còn là Diễm trong ảo ảnh thời thơ trẻ của Quang Sơn. Chỉ còn Huyền My, cô gái sẽ còn ở lại mãi mãi trong trái tim anh. Nhưng Huyền My đã đi về đâu? Và chính Quang Sơn, anh sẽ đi về đâu?
Hình ảnh Quang Sơn quay người, nhìn thẳng vào khán giả ở cuối bộ phim tựa như đang chờ đợi một câu trả lời. Sau bao nhiêu năm, người nghệ sĩ ấy như vẫn chờ đợi từ hậu thế câu trả lời cho câu hỏi "Em còn nhớ hay em đã quên?".
Anh Pham
Đạo diễn Trần Thanh Huy: Ròm ra rạp giữa dịch để nhà đầu tư còn đường sống, bạn không thích thì không xem, đừng kêu gọi tẩy chay! Trong lúc người ta còn mải miết tranh cãi Ròm chiến thắng vì điều gì, rốt cuộc bộ phim đã bị cắt ghép bao nhiêu phần trăm so với phiên bản ở LHP Busan thì Trần Thanh Huy lại mải miết "chạy" trên một cuộc hành trình rất mới và rất khác. Trailer ròm Cách đây 4 tháng, tôi gặp đạo diễn Trần...