Đạp xe 12 km để dạy trẻ em mồ côi
Dạy học cho trẻ em mồ côi, mở thư viện Đặt cọc niềm tin, tổ chức các hoạt sống xanh… là những mô hình cộng đồng mà chàng trai 9X ở Hải Dương đã thực hiện khi vào TP.HCM.
Bình chạy xe đạp đi dạy – ẢNH: TẤN ĐẠT
“Đi xe đạp ok mà”
Hơn 2 tháng nay, Hoàng Quý Bình, quê Hải Dương, đạp xe từ nơi mình trọ (hẻm 419 đường Cách mạng Tháng 8, Q.10) đến Làng trẻ em SOS Q.Gò Vấp, TP.HCM (gần 12 km) để dạy học cho các em mồ côi. Với mong muốn mang những kiến thức đến với các em nhỏ.
Nép xe vào bên lề đường để trò chuyện cùng chúng tôi, Quý Bình cho hay bản thân thích đi xe đạp vì vừa khỏe, vừa giảm tác động lên môi trường. Quý Bình bộc bạch: “Mọi người có cho em mượn xe máy nhưng em không lấy đấy chứ. Em thấy đi xe đạp ok mà”.
Bình dạy học miễn phí ở Làng trẻ SOS TP.HCM – ẢNH: NVCC
Quý Bình kể: “Năm lớp 6, em tình cờ đọc được bài ‘Tết ở Làng trẻ SOS’ trong sách giáo dục công dân và mong muốn sau này trở thành sinh viên sẽ đến giúp đỡ các em học bài”.
Cô Đào Hoàng Thanh Thủy, nhân viên giáo dục Làng trẻ SOS, Q.Gò Vấp, TP.HCM, cho hay ngay từ khi nghe Quý Bình đến để dạy cho mấy con thì cô Thủy rất bất ngờ và cảm kích.
“Điều làm cho mình ngạc nhiên hơn là Bình còn huy động được rất nhiều bạn sinh viên khác đến hỗ trợ. Rồi lên lịch dạy chi tiết và cụ thể cho các nhà, lấy giấy ghi lại những yêu cầu mong muốn của các mẹ và các con rất nhiệt tình. Mình thấy hoạt động của Bình rất ý nghĩa. Thật sự lực lượng nhân viên giáo dục ở đây khá mỏng và lớn tuổi rồi nên rất muốn có các hoạt động của Bình giúp sức nhưng chưa ai làm được. Từ khi có nhóm Bình, các mẹ đỡ gánh phần nào, còn các con thì đến chiều lại háo hức, trông chờ mong các anh chị đến dạy học, vui chơi”.
Các tình nguyện viên trong nhóm dạy trẻ mồ côi của Quý Bình – ẢNH: QUÝ BÌNH CUNG CẤP
Hai bộ quần áo và một niềm tin
Hoàng Quý Bình tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – chuyên ngành cơ điện tử – vào tháng 10 năm 2020. Trước đó, ngay từ khi bước vào giảng đường ĐH năm 2013, Quý Bình cũng đã tổ chức nhiều mô hình cộng đồng như dạy học miễn phí ở Làng trẻ SOS, mở thư viện sách Đặt cọc niềm tin… ở Hà Nội. Đến đầu tháng 11 năm 2020, Quý Bình quyết định đem mô hình cộng đồng ấy vào TP.HCM, với cái tên Nhà nhiều lá.
Bình tiết lộ lý do vào Sài Gòn: “Đó cũng là một cái duyên, trước khi đi cũng không chuẩn bị cái gì cả, chỉ có hai bộ quần áo cùng với niềm tin rằng mình sẽ làm được”.
Quý Bình nói: “Ngày vào TP.HCM, khi xuống máy bay em đi thẳng vào Làng SOS luôn, gặp trực tiếp chú giám đốc và nói rằng ‘con muốn xây dựng nhóm dạy học ở đây’, chú ấy bảo ‘khó lắm con, vì xung quanh Q.Gò Vấp ít trường đại học, mà sinh viên bây giờ lo đi làm thêm kiếm tiền nữa… Lúc đó em cũng có chút lo lắng, nhưng rồi vẫn quyết định làm”.
Vào TP.HCM, Bình tiếp tục làm các dự án về sống xanh – ẢNH: TẤN ĐẠT
Sen đá… cũng là nguồn thu nhập để Bình duy trì các hoạt động xã hội ở TP.HCM – ẢNH: TẤN ĐẠT
Dùng giấy để làm túi đựng – ẢNH: TẤN ĐẠT
Quý Bình đã tận dụng các trang mạng xã hội để kêu gọi các bạn tham gia cùng với mình. Cho đến hiện tại có gần 1.000 bạn đăng ký nhóm, 200 tình nguyện viên thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện của Nhà nhiều lá ở TP.HCM.
Không gian Nhà nhiều lá cũng chính là căn trọ của Bình – ẢNH: TẤN ĐẠT
Các bạn trẻ đến đọc và mượn sách với giá 0 đồng – ẢNH: TẤN ĐẠT
Nói về thư viện sách, Hoàng Quý Bình cho hay: “Khi mượn sách bạn chỉ cần gia hạn thôi, còn việc trả thì tùy tâm. Điều quan trọng nhất là qua những mô hình này em mong muốn tạo ra một xã hội tử tế và chia sẻ với nhau nhiều hơn”.
Video hoạt động Nhà nhiều lá
Nhà nhiều lá
Bằng việc thu gom rác và xây dựng một cộng đồng cùng chia sẻ từ việc đọc sách đến dạy học cho các em nhỏ ở Làng trẻ em SOS (quận Gò Vấp, TPHCM), nhóm bạn trẻ không chỉ lan tỏa một lối sống xanh mà còn viết nên những câu chuyện đẹp trong cuộc sống.
Bán cây xanh để gây quỹ là một trong những hoạt động của Nhà nhiều lá
Truyền thông điệp bảo vệ môi trường
Green Life - một dự án phi lợi nhuận do nhóm sinh viên yêu môi trường thành lập vào tháng 12-2018, tại Hà Nội. Dự án hướng đến việc xây dựng và duy trì thói quen phân loại rác tại nguồn cho mọi người và truyền tải các thông điệp bảo vệ môi trường thông qua việc đưa tin về các vấn đề môi trường hiện nay, xây dựng một cộng đồng sống xanh.
Là người thực hiện dự án Green Life tại Hà Nội, với mong muốn phát triển dự án xanh xa hơn nữa, tháng 11-2020, Hoàng Quý Bình (25 tuổi) thực hiện mô hình sống xanh và các hoạt động vì cộng đồng tại TPHCM. Từ một phòng trọ nhỏ ở tầng 3 một căn nhà trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10), trong 20 ngày, một nhóm bạn trẻ cùng Bình trang trí và sắp xếp thành một không gian xanh với tên gọi Nhà nhiều lá. Tường nhà được vẽ trang trí hình ảnh lá xanh, lộc non và nội thất nổi bật với kệ sản phẩm hữu cơ, kệ sách và phía ngoài ban công là những chậu cây nhỏ với sen đá, phát tài cùng đủ loại xương rồng đang nở hoa. Một không gian nhỏ, nhưng đủ yên tĩnh và xanh mướt để chào đón những vị khách trẻ ghé lại.
Khác với Green Life ở Hà Nội, Nhà nhiều lá là tổ hợp chuỗi hoạt động xã hội về văn hóa, giáo dục và môi trường như: nhóm dạy học tại Làng trẻ em SOS (quận Gò Vấp) với mô hình "Gia sư không đồng"; thu gom rác và đổi quà; thư viện đọc và cho mượn sách miễn phí; mua bán cây xanh trang trí, sản phẩm hữu cơ để gây quỹ; các lớp dạy năng khiếu miễn phí như ngoại ngữ, kỹ năng sống, nghệ thuật...
Biết đến Nhà nhiều lá qua mạng xã hội, Phạm Nguyễn Minh Thư (20 tuổi, sinh viên Trường Đại học Sài Gòn, ngụ quận 5, TPHCM) chia sẻ: "Hơn một năm nay, em gom pin cũ ở nhà và từ một số bạn bè lại, để riêng, nay đã có điểm thu gom, em dễ dàng vận động mọi người không vứt pin lung tung và có địa chỉ thu gom để mang tới đây, chuyển đến nơi xử lý đúng kỹ thuật, không gây hại môi trường".
Trách nhiệm và chia sẻ
Đến với những dự án cộng đồng từ khi còn là sinh viên năm nhất, Hoàng Quý Bình mong muốn phát triển Green Life để lan tỏa lối "sống xanh" tích cực. Hiện tại, fanpage Green Life đã thu hút hơn 104.500 lượt theo dõi.
Bình chia sẻ: "Tôi nghĩ thời gian để phát triển dự án này ở TPHCM là khoảng 7 tháng. Vậy là vào ngày 1-11-2020, tôi đến thành phố, đây là lần đầu tiên tôi dự tính đi xa nhà lâu nhất. Vào TPHCM, việc tôi làm đầu tiên là qua Làng trẻ em SOS, đề nghị với ban giám đốc về việc mở một nhóm dạy học. Sau 1 tháng xây dựng, nhóm đã có gần 800 thành viên và 145 bạn đăng ký dạy chính thức các bé. Tiếp sau đó, tôi tìm địa điểm và cũng may được các bạn ủng hộ nhiệt tình, nên trong 20 ngày đã hoàn thành 90% các công việc chuẩn bị cho Nhà nhiều lá và chào đón mọi người đến đọc sách, mua cây, xà phòng hữu cơ hay chỉ đơn giản là một không gian mà bất cứ bạn trẻ nào cũng có thể ghé lại tìm chút yên tĩnh, xanh mát giữa lòng thành phố".
Từng chồng sách cần chọn lọc và sắp xếp lại; những chậu cây cần chăm sóc để phát triển và trang trí bắt mắt để khách hàng dễ lựa chọn, chia sẻ bài viết trên Fanpage, để mọi người biết đến dự án nhiều hơn...
Những công việc tưởng chừng rất nhỏ nhưng cũng đủ chiếm hết thời gian một ngày, nhưng Bình vẫn thoải mái: "Buổi tối, tôi có làm thêm công việc online trên máy tính, thực ra nhu cầu cá nhân của tôi không quá cao, nên mọi chi tiêu vừa đủ là được. Tôi muốn dành thời gian để phát triển Nhà nhiều lá thật hoàn thiện, có nhiều hoạt động vì môi trường hơn để nâng cao ý thức của mọi người".
Có rất nhiều ước mơ, hoài bão ở độ tuổi đẹp của cuộc đời, nhưng với Bình, những chia sẻ mang lại năng lượng tích cực cho giới trẻ và cộng đồng mới là điều đáng trân trọng. "Khi thực hiện Green Life và bây giờ là Nhà nhiều lá, tôi mong tạo ra được một không gian để kết nối và là nơi để bạn trẻ chia sẻ cùng nhau những câu chuyện vui buồn, hỗ trợ nhau trong cuộc sống để từ đó tạo ra một nguồn năng lượng tích cực", Bình bày tỏ.
Nhà nhiều lá, Green Life, Hoàng Quý Bình hay những bạn trẻ đang nỗ lực lan tỏa sống xanh và hoạt động vì môi trường đều xứng đáng được ghi nhận. Những dự án dù lớn hay nhỏ, đóng góp nhiều hay ít... đều góp phần tích cực tới môi trường, giảm gánh nặng rác thải cho đất mẹ và là hoạt động xã hội ý nghĩa mà người trẻ nên hướng tới.
Môi trường đô thị với sức khỏe: Tìm lối sống "xanh" trong không gian nhiều biến đổi Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Hệ hô hấp của châu Âu cho thấy, tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm của môi trường đô thị dễ gây suy giảm chức năng phổi, khiến phổi sớm lão hóa; tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Đây là nguyên nhân gây tử vong đứng vào hàng thứ...