Đáp ứng yêu cầu đổi mới và phù hợp với Luật Giáo dục năm 2019
Tiểu ban Giáo dục phổ thông của Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực đã tổ chức phiên họp với chủ đề “Định hướng mục tiêu và giải pháp cho giáo dục phổ thông trong chiến lược giáo dục giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045″.
Theo đó, giáo dục phổ thông những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn cần nhiều giải pháp để đột phá trong thời gian tới.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết, sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020, giáo dục Việt Nam đã đạt những thành tựu quan trọng, chất lượng giáo dục được cải thiện, một số mục tiêu trong chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn này đã đạt và vượt chỉ tiêu.
Về bảo đảm tiếp cận giáo dục cho các đối tượng học sinh phổ thông, mục tiêu chiến lược đặt ra là đến năm 2020 tỷ lệ đi học đúng tuổi ở tiểu học là 99%; THCS là 95%; 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn THPT và tương đương; 70% trẻ khuyết tật được đi học.
Thực tế triển khai đến năm học 2019-2020, tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi cấp tiểu học là 99,35%; cấp THCS là 96%; vượt chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ trẻ em khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận với giáo dục và tham gia học tập chủ yếu học hòa nhập tại các trường tiểu học và THCS tăng lên.
Video đang HOT
Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đối với mầm non 97,6%, tiểu học 99,8%, THCS 99,1%, THPT 99,7%. Hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên có lòng yêu nghề, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Năng lực sư phạm của phần lớn nhà giáo được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Cơ sở vật chất của giáo dục các cấp cũng được đầu tư, tăng số lượng phòng học, tăng lượng phòng kiên cố hóa.
Các mục tiêu và giải pháp cho giáo dục phổ thông thời gian tới phải đáp ứng yêu cầu đổi mới và phù hợp với Luật Giáo dục năm 2019. Ảnh: PT
Đánh giá việc thực hiện các mục tiêu đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011-2020, PGS.TS Lê Anh Vinh – Viện Phó Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết, nhiều mục tiêu đã đạt kết quả vượt chỉ tiêu đề ra.
Điển hình là tỷ lệ trẻ trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại cơ sở giáo dục mầm non vượt 12% so với chỉ tiêu; tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 trở lên đạt 98,92% năm 2020 (vượt 0,92% so với chỉ tiêu); tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 36 đạt 99,2% năm 2020 (vượt 0,2% so với chỉ tiêu).
Cơ hội tiếp cận giáo dục đã được cải thiện nhưng theo PGS.TS Lê Anh Vinh, vấn đề này vẫn còn hạn chế về quy mô và mạng lưới giáo dục chưa phát triển đồng đều.
Chất lượng giáo dục phổ thông giữa các vùng miền, các đối tượng còn chênh lệch. Năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên, năng lực quản lý và quản trị nhà trường của một bộ phận cán bộ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới.
Vì thế, về định hướng mục tiêu và giải pháp cho giáo dục phổ thông trong chiến lược giáo dục giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045, GS.TS Phạm Hồng Quang, GĐ ĐH Thái Nguyên cho rằng, mục tiêu của Chiến lược phải tương đồng với Luật Giáo dục 2019.
Theo đó, mục tiêu của giáo dục được chuyển từ “đào tạo con người toàn diện” (theo Luật Giáo dục 2005) sang “phát triển toàn diện con người Việt Nam”. Để hoàn thành mục tiêu này, ngoài ngành GD&ĐT, còn có trách nhiệm lớn của các địa phương trong đầu tư, quan tâm đến giáo dục đào tạo, trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội.
GS.TS Phạm Hồng Quang và nhiều hiệu trưởng trường phổ thông tham dự phiên họp đề xuất việc đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục, coi đây là giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu của chiến lược phát triển giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, định hướng mục tiêu, giải pháp cho giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 là “mảnh ghép” quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam, nhằm thực hiện các nhiệm vụ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đáp ứng Luật Giáo dục 2019 và các yêu cầu mới.
Song song với việc đưa ra bộ chỉ số phát triển giáo dục phổ thông trong giai đoạn mới đảm bảo đúng hướng, đúng mục tiêu, đúng chỉ đạo, phù hợp với hội nhập quốc tế, Thứ trưởng yêu cầu phải đưa ra chỉ số đột phá để thấy sự khác biệt của giáo dục Việt Nam so với thế giới.
[Infographic] Những vấn đề tuyển sinh lớp Một
Dưới đây là những vấn đề về tuyển sinh vào lớp 1 năm học 2020-2021 vào các trường tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội mà cha mẹ học sinh có con sinh năm 2014 cần đặc biệt lưu ý.
Nhiều học sinh Trung tâm Võ Hồng Sơn hòa nhập cộng đồng Sáng ngày 26-6, tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn (thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) đã diễn ra lễ tổng kết năm học 2019-2020, nhiều học sinh đã được ra hòa nhập cộng đồng. Tham dự buổi lễ có ông Đặng Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đại diện các sở,...