Đào tạo từ xa: Khó vì không thạo internet
Mặc dù hệ thống Internet đã phủ rộng hầu khắp cả nước, điện thoại di động kết nối 3G đã trở nên quen thuộc, 100% các trường phổ thông được trang bị hệ thống máy tính và kết nối băng thông rộng ADSL nhưng việc học trực tuyến (e-learning) vẫn là một điều mới mẻ với người Việt.
Rào cản lớn nhất là thói quen học tập trung, có thầy trực tiếp hướng dẫn và kỹ năng sử dụng, khai thác thông tin qua mạng Internet còn hạn chế.
Đây là những vấn đề được các chuyên gia chỉ ra tại Hội thảo Giải pháp E-learning trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên diễn ra sáng nay, 18/12, tại Hà Nội. Hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Tập đoàn Intel tổ chức.
Lớp học cả vạn người
Chia sẻ về việc giảng dạy nói chung cũng như việc bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh qua mạng Internet, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và đào tạo), cho rằng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ở Việt Nam rất thuận lợi cho đào tạo trực tuyến.
Cụ thể, đến nay, 100% các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên đã được kết nối mạng Internet băng thông rộng ADSL. Đây là điều kiện tốt để triển khai việc dạy và học tập trực tuyến.
Bên cạnh đó, máy tính và Internet đã trở nên phổ biến. Số thuê bao Internet cả nước tính đến hết tháng 8/2012 đạt 4,4 triệu, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, thuê bao di động đạt trên 120 triệu thuê bao.
Video đang HOT
Học trực tuyến (e-learning) vẫn là một điều mới mẻ với người Việt (Ảnh minh họa: TTXVN)
Ở cấp vĩ mô, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin.
Cũng theo ông Sơn, hiệu quả về kinh tế của hình thức này có thể nhìn thấy rất rõ cho cả cơ sở đào tạo và người học. Những lớp học với các bức tường theo kiểu truyền thống chỉ có thể chứa lượng người giới hạn trong khi đó, lớp học trên Internet đáp ứng được nhu cầu của hàng nghìn, hàng vạn người. Người học cũng có thể chủ động thời gian, không bị gián đoạn về công việc…
Nhìn ở góc độ chuyên môn, Tiến sĩ Trương Tiến Tùng, Viện Đại học Mở Hà Nội phân tích: Việc học ngoại ngữ cần có sự liên tục trong thời gian dài, không được gián đoạn nên bất tiện đối với người đi làm khi khó bố trí thời gian đi học các lớp học truyền thống. Phương pháp học trực tuyến có thể khắc phục nhược điểm này vì người học có thể tự bố trí lịch học cho bản thân.
Phương thức đào tạo E-learning phù hợp với việc thực hành ngoại ngữ và có tính quốc tế hóa khi người học có thể giao tiếp với người bản xứ một cách dễ dàng, nhanh chóng…
Theo Tiến sĩ Nguyễn Cường, tính quốc tế hóa ở các lớp học trực tuyến rất rõ. Các lớp học này không chỉ dừng lại ở quy mô quốc gia mà ở quy mô quốc tế, làm hình thành nên những lớp học không ngủ vì ở Việt Nam là ban đêm thì bên kia bán cầu là ban ngày và các học viên vẫn đang học.
Vẫn nhiều rào cản
Dù có tiềm năng lớn nhưng theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, số người được đào tạo từ xa ở Việt Nam mới chỉ chiếm 12% so với hình thức giảng dạy truyền thống.
E-learning đang vấp phải không ít rào cản, lớn nhất là việc thay đổi thói quen. Nhiều người chưa quen với việc học trực tuyến mà chỉ muốn học tập trung, có thầy trực tiếp hướng dẫn. Thậm chí, không ít người chưa có kỹ năng sử dụng máy tính và khai thác thông tin qua mạng Internet.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng bộ phận thường trực Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2012 cho rằng, hiện người dân mới chủ yếu sử dụng để đọc báo, trao đổi thông tin. “Mảnh đất màu mỡ và tiềm năng ấy chưa được khai thác hiệu quả, người dùng chưa được định hướng đúng đắn,” ông Hùng nói.
Áp dụng cụ thể với việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh, ông Hùng cho biết, nhiều giáo viên chưa có máy tính nối mạng tại nhà, kỹ năng công nghệ thông tin của giáo viên còn chưa tốt, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa. Và bản thân chính các giáo viên cũng chỉ quen với lớp học truyền thống.
Để khắc phục những nhược điểm này, theo ông Ngô Văn Hợi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, cần tăng cường bồi dưỡng nâng cao về công nghệ thông tin cho giáo viên tiếng Anh ở các địa phương bằng các chương trình bồi dưỡng e-learning. Các trường đại học cũng cần chú trọng đào tạo sinh viên sư phạm có khả năng sử dụng thành thạo e-learning để ngay khi ra trường các em có thể sử dụng thành thạo và dạy học có hiệu quả.
Đề xuất cụ thể hơn, Tiến sĩ Trương Tiến Tùng cho rằng triển khai chương trình nâng cao trình độ tin học cho giáo viên chỉ cần một thời gian ngắn, không phải đào tạo liên tục trong thời gian dài như đào tạo ngoại ngữ nên có tính khả thi.
Việc đánh giá kết quả có thể thực hiện tập trung tại các địa điểm khảo thí được xác định trước, có thể là phòng, sở giáo dục địa phương hoặc trường phổ thông, yêu cầu có máy tính, có nối mạng internet. Thời gian đánh giá vào cuối tuần, như vậy không ảnh hưởng đến giờ đi làm của giáo viên. Nội dung đánh giá là cho học viên làm bài kiểm tra theo chương trình đào tạo e-learning mà học viên đang theo học trên máy tính.
Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Tùng, để thực hiện tốt việc đào tạo trực tuyến, ngành giáo dục cần kết hợp với các dự án phi quốc gia, phi lợi nhuận, các tập đoàn lớn… để được hỗ trợ về công nghệ thông tin.
Theo Phạm Mai (Vietnam )
Thí điểm phần mềm tương tác gia đình-nhà trường
Ngày 6-12, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, cùng với việc ký kết hợp tác với Intel Việt Nam, Bộ GD-ĐT sẽ điều tra và nghiên cứu thực trạng ứng dụng CNTT tại các trường học ở Việt Nam, từ đó xây dựng, triển khai, thí điểm ứng dụng các giải pháp CNTT và truyền thông trong trường học.
Ngay trong quý I năm 2013, Intel sẽ cung cấp 2 phòng học ngoại ngữ cho hai trường ĐH Sư phạm tại Hà Nội và TP.HCM. Đáng chú ý là việc thí điểm phần mềm "School Portal" do đơn vị này cung cấp miễn phí cho phép các nhà quản lý, phụ huynh quản lý và đánh giá kết quả dạy và học của giáo viên và học sinh. Cùng với đó, mô hình e-learning cũng được áp dụng, hỗ trợ tốt hơn việc dạy và học của giáo viên, học sinh ở trường và tại gia đình nhằm tạo môi trường học tập liên tục, thuận lợi, kết nối rộng khắp. Intel sẽ cung cấp máy chủ cho trường tham gia thí điểm và tặng máy tính cho gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong lớp thí điểm.
Theo ANTD
Toàn cầu hóa dạy và học thời internet Ngày 5/12, tọa đàm "Internet đã, đang và sẽ thay đổi cách dạy và học như thế nào?" được tổ chức để thảo luận giải pháp sử dụng tốt hơn nguồn tài nguyên từ Internet phục vụ việc dạy và học. Đây là chương trình do trường Đại học FPT phối hợp với Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) và Tạp chí Tia...