‘Đào tạo Toán học của Việt Nam rất yếu so với thế giới’
Đánh giá về chất lượng đào tạo Toán học hiện nay, GS Lê Tuấn Hoa cho rằng đối với khu vực ASEAN, chất lượng đào tạo của Việt Nam thua Singapore và so với thế giới thì rất yếu.
Một cuộc gặp gỡ của các nhà Toán học Việt Nam trong một không gian ấm cúng để chúc mừng 3 giáo sư Toán được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, nhưng quan trọng hơn cả là được nói chuyện về Toán học.
Báo động đào tạo Toán tại đại học
Nói về lịch sử Toán học Việt Nam, GS.TSKH Lê Tuấn Hoa cho biết đầu thế kỷ 20, Việt Nam bắt đầu biết đến Toán học. Trong số các nhà Toán học của Việt Nam giai đoạn đầu tiên, có 5 giáo sư (GS) được đào tạo tại Pháp là GS Lê Văn Thiêm, GS Nguyễn Xiển, GS Tạ Quang Bửu, GS Nguyễn Thúc Hào, GS Hoàng Xuân Hãn.
Việt Nam lần đầu tiên tổ chức thi đại học (ĐH) môn Toán vào năm 1970 và lần đầu tiên tham gia kỳ thi Olympic Toán học quốc tế năm 1974. Ngay năm đầu tiên, Việt Nam đã có tấm huy chương vàng quý giá của Hoàng Lê Minh.
Tuy nhiên, theo GS Lê Tuấn Hoa, dù có bề dày lịch sử, số GS được phong là nhà Toán học chưa đến 80 người. Trong số này, 10 người đã mất. PGS có khoảng 300 người, tiến sĩ khoảng 1.000 người, trong đó đang giảng dạy ở các trường ĐH khoảng 400 người.
Bình quân chưa đến một tiến sĩ/trường ĐH, CĐ. Hiện nay, 17 trường ĐH có khoa Toán, 30 trường ĐH đào tạo Toán.
Đánh giá về chất lượng đào tạo Toán học hiện nay, GS Lê Tuấn Hoa cho rằng đối với khu vực ASEAN, chất lượng đào tạo của Việt Nam thua Singapore, so với thế giới thì rất yếu.
“Việt Nam đào tạo đỉnh cao của phổ thông rất tốt, đào tạo tiến sĩ trong nước cũng tốt, thậm chí nhiều luận án không thua kém nước ngoài, nhưng đào tạo ĐH rất yếu. Hơn nữa, sau tiến sĩ, chúng ta không có mô hình đào tạo kế tiếp. Nếu ví tiến sĩ như cái mầm mới nhú khỏi mặt đất, sau tiến sĩ là để nuôi dưỡng cái mầm đó thành cây, ra hoa kết trái, thì chúng ta thiếu hẳn vế sau. Toán ứng dụng của chúng ta cũng kém”, GS Lê Tuấn Hoa nêu thực trạng.
Video đang HOT
GS.TSKH Ngô Việt Trung. Ảnh: Tiền Phong.
Nhiều cơ hội cho người học Toán
Chia sẻ về vấn đề dạy và học Toán hiện nay tại Việt Nam, GS.TSKH Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam cho rằng cần nhìn lại dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GD&ĐT đưa ra, thấy có nhiều vấn đề phải xem xét lại. Học sinh muốn thích ứng được với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay 5.0, 6.0 thì phải được học những cái cơ bản để giải quyết vấn đề.
“Hãy nhìn chương trình các nước xung quanh và trên thế giới họ học như thế nào để mình học tập. Chương trình phổ thông của chúng ta có nhiều điều bất cập nhưng nhiều người khẳng định Toán học phổ thông đào tạo tương đối tốt. Tôi nghĩ là đúng.
Cái quan trọng của Toán là dạy tư duy. Còn nói quá tải, tôi nghĩ đó là chương trình toán được dạy ở các trường chuyên. Với chương trình phổ thông bình thường, toán của chúng ta mới chỉ ở mức trung bình của thế giới. Muốn hơn họ, ta phải học hơn thế”, GS Ngô Việt Trung khẳng định.
Tại buổi giao lưu ngành Toán toàn miền Bắc vừa được tổ chức với sự tham gia của hơn 100 học sinh, giáo viên đến từ nhiều trường THPT, xoay quanh chủ đề “Vẻ đẹp Toán học – Nghệ thuật và ứng dụng”, TS Trần Nam Dũng, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM phân tích những cơ hội việc làm cho nhân lực ngành này trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Ông cũng khuyến khích các bạn trẻ theo đuổi bộ môn khoa học này. Nhiều thông tin thú vị và thực tế được TS Trần Nam Dũng đưa ra khiến chính các học sinh chuyên Toán cùng nhiều thầy cô bất ngờ.
Như vào quý I năm 2017, Amazon đang cần gần 600 nhân sự ngành Toán, Intel cần hơn 700 người, cá biệt có IBM đăng hơn 900 vị trí săn tìm dân ngành Toán. Những tập đoàn khổng lồ như Facebook, Google, Microsoft đều thường trực có hàng chục đến hàng trăm vị trí săn tìm dân học Toán. Với những tập đoàn này, cuộc cạnh tranh săn tìm dân Toán chưa bao giờ ngơi nghỉ. Nói cách khác, học Toán đang rất có giá với các “ông lớn”.
TS Nam Dũng cũng chia sẻ thêm trong khi ở nước ngoài, Toán học vẫn là một trong những ngành đào tạo danh tiếng với số lượng sinh viên ổn định qua các năm, thì tại Việt Nam hiện tại chỉ có 4 trường đào tạo ngành Toán lý thuyết trên tổng số hơn 600 trường đại học – cao đẳng toàn quốc.
Như vậy, có thể dự đoán, với xu hướng tuyển dụng săn tìm nhân sự ngành Toán được đào tạo bài bản và ngoại ngữ tốt, dân Toán hoàn toàn có thể sống tốt bằng nghề của mình.
Ba nhà khoa học của Viện Toán học là GS.TSKH Ngô Việt Trung, GS.TSKH Nguyễn Tự Cường, GS.TSKH Lê Tuấn Hoa đã nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về cụm công trình “Các bất biến và cấu trúc của vành địa phương và vành phân bậc”.
Như vậy, sau hai giáo sư Toán học nổi tiếng là Lê Văn Thiêm (đã mất) và Hoàng Tụy nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt một (năm 1996), đầu năm 2017, với cụm công trình “Các bất biến và cấu trúc của vành địa phương và vành phân bậc”, 3 giáo sư trên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, vinh dự được trao giải thưởng cao quý này.
Theo Nghiêm Huê / Tiền Phong
Nỗi lo mất việc vì... cách mạng 4.0
Cả nước có tới 54 triệu lao động, nhưng có tới gần 70% làm việc phi chính thức, lao động chân tay. Nếu không có sự chuẩn bị nhằm nâng cao chất lượng, kỹ năng nghề, nhiều khả năng sẽ bị robot thay thế trong cách mạng về công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0) tới đây.
Công nhân dễ mất việc
Trong số 2,8 triệu công nhân lao động trong khu công nghiệp, có đến 80% lao động chưa qua đào tạo, làm công việc giản đơn, có nguy cơ bị máy móc thay thế.
Anh Nguyễn Văn Sơn (37 tuổi, ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa) cho biết, trước đây anh làm công nhân trong Khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương. Làm được 3 năm anh lấy vợ, rồi vợ chồng về quê làm ăn. Mặc dù ở quê giờ đã mọc lên nhiều khu công nghiệp nhưng anh vẫn không thể tìm kiếm được việc làm. Trước đó, vì nghĩ đã nhiều tuổi nên anh Sơn không muốn đi học nghề, chỉ mong tháng ngày làm đầy công, cuối tháng lĩnh lương, về già nhận sổ bảo hiểm, thế là xong.
Ngoài ra, nhiều lao động ở các khu công nghiệp cho rằng, bản thân doanh nghiệp cũng không muốn lao động đi học nghề hay nâng cao kỹ năng nghề, bởi việc này mất khá nhiều thời gian, ảnh hưởng tới sản xuất. Đặc biệt, với số tiền lương ít ỏi, phải tính từng ngày nên phần đa lao động không dám bỏ tiền đầu tư.
Nhiều chuyên gia lo ngại tới đây doanh nghiệp sẽ đầu tư máy móc để thay thế lao động. Anh: Minh Nguyệt
Chị Nguyễn Thị Hòa (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), công nhân Công ty giày Hongfu Thanh Hóa cho biết: Đi học tốn thời gian lại mất tiền, còn đi làm có tiền nên chẳng ai muốn nghỉ việc đi học cả. Dù không qua đào tạo nhưng lâu nay chị vẫn được nhận vào làm công nhân. Công ty này đuổi lại xin qua công ty khác, đến nay chị đã từng làm ở 3 công ty. "Hợp đồng công ty ký với tôi là 3 năm, chỉ còn không đầy 6 tháng nữa là hết hợp đồng. Tôi đang lo sắp tới công ty mà không ký hợp đồng nữa thì không biết phải làm gì để sống. Trước đó, công ty cũng đã cho hàng trăm công nhân nghỉ việc khi hết hợp đồng mặc dù họ cũng mới chỉ hơn 40 tuổi" - chị Hòa lo sợ.
Thách thức "một mất một còn"
Những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là: Công nhân nhà máy (44%); nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%); nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%). 5 nghề không bị robot thay thế là: Luật sư, nhà báo, nông dân, bác sĩ, nhà nghiên cứu.
Nguồn từ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn cho biết, đa phần công nhân của Việt Nam chưa qua đào tạo. Ông này cũng cho rằng công nhân không được dạy nghề là thiệt thòi lớn. Theo ông Thọ, đa phần lao động trong các khu công nghiệp là lao động nông nghiệp, nhiều người trong số đó chưa từng học nghề. Trong khi đó, các doanh nghiệp thích tuyển dụng công nhân không có kỹ năng, sau đó vào tập huấn ngắn hạn.
Theo ông Thọ, tới đây, cách mạng 4.0 đặt ra thách thức kiểu "một mất một còn" với công nhân, lao động. Nếu kỹ năng lao động của công nhân không thay đổi, khả năng mất việc sẽ rất cao. "Đa phần công nhân của chúng ta không hiểu về cách mạng 4.0. Họ không nhận biết thời cuộc đang thay đổi nếu không tự mình vận động, nâng cao kỹ năng nghề thì họ đang bước dần tới thất nghiệp" - ông Thọ nói.
Khảo sát mới đây của Viện Khoa học lao động cho thấy, một số công ty như Canon, Công ty may 10... cũng đã nhập một số dây chuyền máy móc hiện đại thay thế cho công nhân. Một máy cắt ở xí nghiệp may có thể thay thế cho 15 lao động trong dây chuyền. Trong khi thời gian hoàn vốn chỉ là 18 tháng, khả năng lao động bị thay thế bởi máy móc là rất hiện hữu.
Ông Phạm Minh Huân - nguyên thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, cần phải nâng cao vị thế của lao động Việt Nam. Lâu nay Việt Nam được biết đến như là quốc gia có lao động giá rẻ, làm dây chuyền. Thế nên, nếu tới đây bước vào cuộc cách mạng 4.0 thì lợi thế này sẽ bị mất đi.
Theo ông Huân, trước hết phải coi trọng việc đào tạo lao động trẻ theo công nghệ mới, thứ hai là đào tạo lại cho lao động có tuổi đang lao động mà bị mất việc. Ngoài ra cũng cần hỗ trợ lao động bằng việc tăng cường hỗ trợ từ Quỹ lao động việc làm để đào tạo lao động gặp rủi ro, giúp họ tiếp tục tham gia vào thị trường lao động.
Theo danviet
Nhân ngày Quốc tế Lao động 1.5: Nông dân không lo bị robot thay thế Cụ thể, nghề luật sư, nhà báo, nông dân, bác sĩ, nhà nghiên cứu sẽ không thể thay thế bằng robot trong cách mạng 4.0 thời gian tới. Ngược lại, sẽ có 5 nghề khác thì sẽ chịu tác động lớn và có nguy cơ bị robot thay thế là: Công nhân nhà máy; nhân viên thu ngân, lái xe taxi; nhân viên...