Đào tạo tín chỉ tại các trường CĐ Y tế: Nhiều lúng túng
Chuyển từ đào tạo niên chế sang học chế tín chỉ tại các trường CĐ y tế hiện nay là những bước dò dẫm mở đầu, còn lúng túng, gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Đó là nội dung được đại biểu 13 trường CĐ Y tế trên cả nước đưa ra tại hội thảo kinh nghiệm tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ trong các trường CĐ Y dược do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam phối hợp với CĐ Y, Dược Thái Nguyên tổ chức ngày 15/4 tại Thái Nguyên.
Ảnh minh họa.
Video đang HOT
Theo bà Hoàng Thị Ngọc Bích, Phó hiệu trưởng CĐ Y Dược Thái Nguyên, trường chính thức áp dụng đào tạo học chế tín chỉ cho sinh viên từ năm học 2014-2015.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, chương trình khung cứng chiếm 80% kiến thức, 20% còn lại để các trường tự “đắp”. Nhưng chương trình khung của Bộ áp dụng theo hình thức đào tạo niên chế, tính theo đơn vị học trình.
Chuyển sang tín chỉ, 1 tín chỉ bằng 1.5 đơn vị học trình. Chính vì vậy, nhiều môn “lắt nhắt” chỉ 2 đơn vị học trình, các trường phải tích hợp môn.
“Xuất phát từ chương trình niên chế, các trường kết cấu lại môn học, số lượng các học phần tự chọn chưa nhiều. Chúng tôi vẫn gọi đó là buffet ít món. Lý do, thời hạn đào tạo trình độ CĐ chỉ gói trong 3 năm, trong khi Bộ GD&ĐT quy định khung cứng chiếm khối lượng lớn kiến thức, môn học” – bà Bích cho biết.
Sau khi đưa học chế tín chỉ vào “vận hành”, theo bà Bích, bản thân nhà trường, giảng viên, sinh viên bắt đầu bộc lộ nhiều hạn chế.
Kết quả khảo sát sinh viên của trường cho thấy, ý thức tự học của sinh viên đã có nhưng thực tế chỉ 11,5% số sinh viên chủ động lập kế hoạch học tập, có tới 70,5% sinh viên trước khi thi mới học. Giảng dạy thuyết trình vẫn chiếm 59% thời gian giảng dạy.
“Trong khi đó, cái cần của tín chỉ là giao bài tập, hướng dẫn cho sinh viên lại rất khiêm tốn, chỉ 6% trong tổng số tiết giảng” – bà Bích nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, hiệu trưởng CĐ Y tế Phú Thọ cho biết trường đã triển khai mô hình này được 4 năm. Kết quả học tập các học kỳ và các năm học của sinh viên cho thấy sinh viên thuộc diện cảnh báo kết quả học tập chiếm tỷ lệ từ 1-1,5%, sinh viên bị buộc thôi học do kết quả học tập kém chiếm 0,5%.
Còn theo nhận định của TS. Lê Viết Khuyến, nguyên vụ Trưởng vụ giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, qua tình hình đào tạo ở các trường có thể thấy một số điểm yếu. Phổ biến tình trạng sinh viên bị rớt sau 2 kỳ đầu, có trường rớt đến 50%.
Phân tích của một giáo viên tại CĐ Y Dược Thái Nguyên cho thấy, khi chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ, những sinh viên khóa đầu sẽ có thiệt thòi. Đó là về mặt điểm số.
Theo niên chế, sinh viên được đánh giá bằng 50% điểm thi hết môn 50% điểm trong quá trình học. Nhưng khi học tín chỉ, tỷ lệ này là 70% và 30%. Do đó, điểm của sinh viên thường thấp hơn so với đào tạo niên chế.
Đào tạo theo tín chỉ, việc đầu tiên các trường cần giải quyết là nhận thức. Ông Nguyễn Xuân Thủy, hiệu trưởng CĐ Y tế Phú Thọ cho rằng lãnh đạo phải quyết tâm, nếu không thì không làm được.
Thực tế, khi đào tạo theo tín chỉ, giờ lên lớp của giảng viên giảm đi nhưng lại vất vả hơn. Trong khi đó, học phí không được thu cao hơn so với niên chế. Chính vì vậy các trường đều phải tìm giải pháp để khắc phục vấn đề này.
Theo Hoa Ban/Tuổi Trẻ