Đào tạo tín chỉ cần lộ trình phù hợp
ĐHQGHN tổ chức hội nghị sơ kết công tác đào tạo theo tín chỉ giai đoạn 2006-2010
Hội nghị sơ kết công tác đào tạo theo tín chỉ giai đoạn 2006 – 2010 của ĐHQGHN cho thấy, đào tạo theo tín chỉ cần phải có lộ trình phù hợp và không được nóng vội.
Bất cập
Tại Hội nghị sơ kết, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, trưởng ban đào tạo ĐHQGHN chỉ ra nhiều bất cập như: Chương trình đào tạo vẫn đang chịu ảnh hưởng của việc được thiết kế cố định theo kiểu niên chế, chưa thể áp dụng để tổ chức đào tạo một cách toàn diện theo tín chỉ. Tính mềm dẻo và linh hoạt của chương trình đào tạo chưa được thể hiện rõ nét, khả năng lựa chọn môn học, lựa chọn lớp môn học chưa nhiều.
Lãnh đạo trường ĐH Kinh tế (ĐHQGHN) cũng cho rằng hiện nay xã hội và nhà tuyển dụng chưa quen vì vậy đã gây nhiều bất lợi cho sinh viên trong quá trình tuyển dụng. Bên cạnh đó việc chuyển đổi từ thang điểm 10 sang hệ chữ và thang điểm 4 cũng có nhiều bất cập.
Theo lãnh đạo trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN) hiện tại các giảng viên chưa chủ động và sáng tạo trong việc vận dụng đầy đủ thế mạnh của phương thức đào tạo tín chỉ. Sinh viên chưa có thói quen tự học, chưa chủ động xây dựng kế hoạch học tập phù hợp mà vẫn thụ động ghi chép.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất và quá trình tin học hóa vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo tín chỉ.
Ông Đào Kiến Quốc, phó giám đốc trung tâm ứng dụng CNTT (ĐHQGHN) khẳng định việc tích hợp dữ liệu vốn đang có sự khác nhau đang là một thách thức lớn. Hiện nay ĐHQGHN đang triển khai dự án xây dựng phần mềm quản lý đào tạo cho phiên bản 2 tuy nhiên tiến độ triển khai dự án khá chậm so với dự kiến.
Cơ sở vật chất, hệ thống giáo trình, thư viện hiện chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình đào tạo tín chỉ
Video đang HOT
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, phó hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV cho biết khi rà soát và hợp nhất nội dung khối kiến thức cơ bản của mỗi chương trình đào tạo để tăng sự liên thông giữa các chương trình đào tạo thì sẽ có khác biệt với chương trình khung do Bộ GD&ĐT ban hành.
Lãnh đạo trường ĐH Công nghệ (ĐHQGHN) cho rằng khó khăn trong đào tạo tín chỉ là việc bố trí thời khóa biểu các lớp môn học. Đây được xem là khó khăn rất lớn trong hoàn cảnh hiện nay của trường ĐHCN, với số lượng giảng đường, mặt bằng dành cho các phòng thực hành thí nghiệm ít. Số lượng các môn học có từ 2 hình thức học tập và giảng dạy nhiều, sinh viên học lý thuyết xong phải chia thành những nhóm nhỏ đi vào học phần thực hành…
Tất yếu và lâu dài
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã cũng chỉ ra một số thành công bước đầu của công tác đào tạo theo tin chỉ như các môn học thuộc khối kiến thức chung đã được thống nhất thành các mô đun chung, đảm bảo liên thông, liên kết trong đào tạo. Các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Tin học cơ sở được thống nhất chung toàn ĐHQGHN với mô đun chuẩn đầu ra khác nhau.
Chất lượng đào tạo theo tín chỉ ngày càng được nâng cao, trên 70% sinh viên đạt khá giỏi. Hơn 85% sinh viên sau khi tốt nghiệp trong vòng một năm đã có việc làm.
ĐHQGHN đã chuyển đổi 99 chương trình đào tạo ở bậc cử nhân (bao gồm 74 chương trình đào tạo đại trà, 20 chương trình đào tạo chất lượng cao và 5 chương trình đào tạo tài năng) và 115 chương trình đào tạo ở bậc thạc sỹ và đã đưa vào sử dụng ngay từ năm 2007 – 2008.
ĐHQGHN đã ban hành được gần 6.000 đề cương môn học ở bậc cử nhân và khoảng 3.000 đề cương môn học ở bậc cao học với nhiều nội dung được cập nhật, tạo tính liên thông cao.
Lãnh đạo các đơn vị trong ĐHQGHN đều cho rằng việc chuyển đổi đào tạo sang tín chỉ trên quy mô toàn ĐHQGHN là tất yếu, là một quá trình lâu dài, liên tục và cần có lộ trình thích hợp nhưng phải được chỉ đạo quyết liệt không thể nóng vội, áp dụng mô hình nước ngoài một cách máy móc, cứng nhắc.
Công tác tổ chức đánh giá, thi cử sẽ được hoàn thiện hơn trong thời gian tới
PGS.TS Phạm Trọng Quát, Phó giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh, trong giai đoạn tới cần tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ giảng viên về đào tạo tín chỉ.
Bên cạnh đó các trường cần xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra ở ĐHQGHN, tăng tính liên thông, tính quốc tế và khả năng chuyển đổi thuận lợi với hệ thống đào tạo đại học trong nước và quốc tế. Đại học QGHN cũng đang chuẩn bị tham gia vào hệ thống chuyển đổi tín chỉ ACTS trong mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á .
Về vấn đề tuyển dụng sinh viên học theo hình thức tín chỉ, lãnh đạo ĐHQGHN cũng đã đề nghị đến Bộ GD&ĐT gửi công văn đến các bộ, ngành để tạo thuận lợi cho sinh viên tham gia tuyển dụng. Trong bảng điểm hiện nay của sinh viên được bổ sung hệ chữ A, A , …D, D để sinh viên không bị thiệt trong quá trình chuyển đổi điểm.
Lãnh đạo trường ĐH Kinh tế (ĐHQGHN) cũng kiến nghị trong giai đoạn tới cần hoàn thiện phần mềm quản lý đào tạo version 2.0 đáp ứng nhu cầu tổ chức và quản lý đào tạo theo tín chỉ.
Các đơn vị cần đẩy mạnh nghiên cứu đổi mới mô hình hoạt động của Đoàn thanh niên và Hội sinh viên cho phù hợp với đào tạo tín chỉ. Bên cạnh đó, một yếu tố hết sức quan trọng là việc tuyên truyền đến xã hội, các nhà sử dụng lao động về sản phẩm và kết quả của đào tạo tín chỉ.
Theo VTC News
Hà Nội: 4 huyện, thị chưa có trường mầm non đạt chuẩn quốc gia
Hà Nội hiện nay có 580 trường đạt chuẩn quốc gia chiếm tỷ lệ 25,7%. Tuy nhiên, hiện nay Hà Nội vẫn còn 4 huyện, thị xã chưa có trường mầm non đạt chuẩn quốc gia gồm Sơn Tây, Quốc Oai, Thanh Oai và Mỹ Đức.
Nhiều trường nội thành Hà Nội khó xây dựng được trường chuẩn quốc gia vì thiếu diện tích.
Nhiều trường chuẩn quốc gia bị "tụt" chuẩn
Trong số 580 trường đạt chuẩn quốc gia, mầm non 98 trường (11,8%), tiểu học có 297 trường (43,6%), THCS có 165 trường (27,8%), THPT có 20 trường (10,33%). Trong năm 2010, TP Hà Nội đã kiểm tra và đề nghị được 70 trường đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn 4 huyện, thị xã chưa có trường mầm non đạt chuẩn quốc gia gồm Sơn Tây, Quốc Oai, Thanh Oai và Mỹ Đức.
Tại hội nghị giao ban giáo dục của TP Hà Nội, lãnh đạo nhiều quận, huyện đã bày tỏ lo lắng khó đạt chuẩn như tiêu chí đề ra.
Ông Bùi Văn Thông, Phó Chủ tịch quận Ba Đình, cho biết: "Xem xét theo 5 tiêu chí của quy định trường chuẩn quốc gia thì các quận nội thành xem ra chỉ thực hiện được 4 vì tiêu chí cơ sở vật chất rất khó khăn, thậm chí nhiều trường không thực hiện nổi.
Ông Thông cho hay, ở quận Ba Đình chỉ có 2/20 trường đạt chuẩn quốc gia, quá ít vì nhiều trường khác không có nổi diện tích để xây dựng thư viện, phòng y tế. Bên cạnh đó, để thực hiện tiêu chí 7m2/học sinh thực sự càng khó hơn. Mặc dù quận đã cố gắng hết sức để giải phóng mặt bằng nhưng không còn đất, do vậy, đề nghị thành phố xem xét vấn đề này - ông Thông đề nghị.
Khác với trường nội thành, nhiều trường ở ngoại thành Hà Nội có dư diện tích để mở trường đạt chuẩn quốc gia nhưng lại gặp khó khăn về thiết bị, dụng cụ học tập.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch huyện Mỹ Đức, than rằng: "Ngày trước theo Sở GD-ĐT Hà Tây cũ, nhiều trường xây dựng chuẩn quốc gia còn được nợ một số chỉ tiêu nay hợp nhất với Hà Nội thực hiện khó khăn quá. Theo chỉ đạo của cấp trên rà soát lại trường chuẩn quốc gia, chúng tôi đã đi kiểm tra một số trường đã đạt chuẩn quốc gia thấy rất kém, trường thì không có nhà vệ sinh, trường có phòng thư viện nhưng không có sách, phòng đa năng thì không có dụng cụ... do vậy nhiều trường chuẩn quốc gia hiện nay bị "tụt" chuẩn".
Không chấp nhận cho "nợ" chuẩn
Trước nhiều ý kiến phản ánh về thực trạng xây dựng trường chuẩn quốc gia hiện nay của Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Độ, giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: "Trường chuẩn quốc gia chỉ bổ nhiệm 5 năm/lần. Quan điểm của Sở, đã là trường chuẩn quốc gia thì không thể nợ chuẩn được. Đủ chuẩn thì mới được công nhận vì đây không phải là chỉ tiêu thi đua. Trường muốn học sinh đạt chuẩn thì trước tiên cơ sở phải đạt chuẩn".
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, bà Ngô Thị Thanh Hằng, khẳng định: "Đã là trường chuẩn quốc gia là phải đạt chuẩn. Thành phố đã phân cấp quản lý, nên việc nhiều trường chuẩn quốc gia hiện nay không đạt chuẩn, tụt chuẩn là do cơ sở quản lý. Đối với 4 huyện, thị chưa có trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, thành phố sẽ làm việc với các quận, huyện để cùng tháo gỡ".
Được biết, năm 2010, tổng kinh phí TP Hà Nội ưu tiên đầu tư cho giáo dục là 2.900 tỷ đồng và huy động hơn 300 tỷ đồng đầu tư xây dựng, nâng cấp trường học. Riêng kinh phí đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để xây mới 27 trường học các cấp học.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, năm 2011, Hà Nội đẩy mạnh thực hiện kiên cố hóa, hiện đại hóa trường lớp, hoàn thành xóa 5.523 phòng học tạm, phòng học bán kiên cố xuống cấp trong năm 2010. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia, tạo điều kiện để các đơn vị ngoài công lập xây dựng trường lớp.
Hồng Hạnh
Theo Dân Trí
Chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 tăng 6,5% Thông tin mới nhất từ Bộ GD-ĐT cho biết, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2011 tăng 6,5% so với năm 2010; tuyển mới TCCN năm 2011 tăng 10% so với năm 2010. Ưu tiên dành chỉ tiêu tăng thêm cho các trường có bổ sung đội ngũ giảng viên. Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, nguyên tắc xác định chỉ...