Đào tạo tiến sĩ ở các nước khó hơn Việt Nam thế nào?
Đào tạo tiến sĩ ở các nước tiên tiến khắt khe hơn tại Việt Nam rất nhiều. Trong đó, một số khác biệt là đề cao lý thuyết, học tập trung và yêu cầu nghiên cứu sinh công bố quốc tế.
Tiến sĩ – Doctor of Philosophy hay PhD [1] là bậc học cao nhất tại hầu hết các nước trên thế giới. Người có bằng tiến sĩ, dù ở bất kỳ nước nào, xã hội nào cũng được tôn trọng và đánh giá cao.
Việc tổ chức và đào tạo ở bậc học này trên thế giới được thực hiện như thế nào để đảm bảo chất lượng?
Mô hình Mỹ và Tây Âu
Có nhiều cách phân loại mô hình đào tạo tiến sĩ, nhưng có thể tạm chia thành 2 mô hình chủ yếu, với đại diện một bên là Mỹ và một bên là các nước Tây Âu, điển hình là Anh.
Trong mô hình Mỹ, nghiên cứu sinh tiến sĩ thường học trong 4-8 năm. Mô hình Tây Âu, nghiên cứu sinh học 3-6 năm.
Nghiên cứu sinh ở Mỹ dài hơn bởi trong 1,5-2 năm đầu của chương trình, họ phải theo học một số tín chỉ bắt buộc trên lớp (gọi là học coursework).
Các lớp học này có thể được tổ chức riêng chỉ dành cho nghiên cứu sinh hoặc tích hợp chung với sinh viên ở bậc thạc sĩ, tuỳ điều kiện từng trường.
Trong giai đoạn này, nghiên cứu sinh phải học tất cả các môn tương tự sinh viên ở bậc thạc sĩ nhưng ở mức độ chuyên sâu và khó hơn nhiều. Kết thúc giai đoạn, nghiên cứu sinh phải thi chất lượng (qualification examination).
Đây là bài thi rất khó, kiểm tra toàn bộ kiến thức chuyên ngành của nghiên cứu sinh. Chỉ khi vượt qua bài thi này, họ mới được chuyển qua giai đoạn nghiên cứu và làm luận án.
Thực tế, khá nhiều nghiên cứu sinh trượt ở kỳ thi này và phải thi lại lần hai, thậm chí lần ba mới đỗ. Trong trường hợp thi trượt, việc học của nghiên cứu sinh kéo dài hơn một vài năm là bình thường.
Ngoài Mỹ, các nước áp dụng mô hình này có thể kể đến Canada và các nước Châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Nhật…
Mô hình Tây Âu, nghiên cứu sinh có thể bắt đầu làm nghiên cứu và luận văn ngay sau khi nhập học. Nếu thấy bị hổng hoặc cần bổ sung kiến thức, giáo sư hướng dẫn có thể yêu cầu người nghiên cứu học thêm bằng cách gửi đi học cùng các lớp thạc sĩ, hoặc tham dự các seminar của các giáo sư, nhà nghiên cứu khác.
Tuy vậy, điều này không bắt buộc và nhiều trường hợp, giáo sư sẽ đưa sách hoặc giới thiệu bài báo để nghiên cứu sinh tự học thêm. Vì không phải học thêm coursework nên chương trình tiến sĩ theo mô hình Tây Âu thường ngắn hơn.
Các nước áp dụng mô hình Tây Âu có thể kể đến Anh, Australia, New Zealand và một phần nào đó là Pháp, Tây Ban Nha….
Nghiên cứu sinh tại lễ nhận bằng tiến sĩ ở Mỹ. Ảnh: Fem.
Những nguyên tắc chung
Các trường đại học tiên tiến trên thế giới, dù theo mô hình Mỹ hay Tây Âu, cũng đều có những nguyên tắc trong quá trình vận hành để đảm bảo chất lượng đầu ra của nghiên cứu sinh sau khi tốt nghiệp. Xin liệt kê ở đây một số nguyên tắc quan trọng:
Hội đồng chấm luận án: Thường từ 5-7 người, trong đó bắt buộc phải có một vài giáo sư đến từ trường khác (thậm chí nước khác). Việc này tăng tính khách quan trong đánh giá luận văn, đồng thời tăng cường giao lưu với các đồng nghiệp từ trường khác.
Học bổng/lương dành cho nghiên cứu sinh: Để đảm bảo cho nghiên cứu sinh yên tâm tập trung làm việc, phần lớn các trường đều có chính sách học bổng hoặc lương dành cho nghiên cứu sinh.
Video đang HOT
Thậm chí, nhiều trường hợp, nếu không có đảm bảo về học bổng/lương, nghiên cứu sinh sẽ không được chấp nhận vào học. Nguồn học bổng/lương có thể đến từ các quỹ học bổng, ngân sách của trường/khoa hoặc từ chính nguồn đề tài, dự án của giáo sư.
Học toàn thời gian: Xu hướng chung của các trường đại học tiên tiến ngày nay là ưa thích nghiên cứu sinh toàn thời gian. Họ vừa học vừa làm (một công việc khác) nếu có cũng chỉ ở một số ngành nhất định và thường là tỷ lệ rất thấp.
Việc này nhằm đảm bảo nghiên cứu sinh có thể toàn tâm toàn ý cho luận văn và không bị xao nhãng.
Tiêu đề và nội dung luận án: Tiêu đề và nội dung luận án do giáo sư hướng dẫn và nghiên cứu sinh xác định, sau đó sẽ được một hội đồng xét duyệt đề cương thông qua. Thời điểm tổ chức hội đồng này tuỳ từng trường quy định.
Các trường áp dụng mô hình Mỹ thường tổ chức hội đồng này sau khi nghiên cứu sinh đã vượt qua kỳ thi chất lượng (tức là khoảng năm 2 hoặc năm 3 của thời gian làm nghiên cứu sinh). Các trường áp dụng mô hình Tây Âu thường tổ chức hội đồng này sớm hơn.
Dù khác nhau về thời điểm, tiêu đề và nội dung của luận án tại các nước theo mô hình Mỹ hay Tây Âu đều cần dựa trên các nền tảng lý thuyết cập nhật và do vậy thường sẽ phải trích dẫn từ các nghiên cứu mới nhất (trong vòng 5 năm trở lại).
Đây có lẽ là điểm khác biệt trong nhận thức chung của Việt Nam so với thế giới. Chúng ta vẫn thường thấy yêu cầu luận án tiến sĩ phải có tính thực tiễn và khả năng áp dụng nhiều hơn là yêu cầu phải dựa trên các nền tảng lý thuyết cập nhật.
‘Lò sản xuất tiến sĩ’ gây xôn xao mạng xã hội Mấy ngày qua, dân mạng chia sẻ thông tin về “lò sản xuất tiến sĩ” với những đề tài nghiên cứu như “Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã”.
Yêu cầu đầu ra: Công bố quốc tế
Một vấn đề thường thấy khi nói về đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài là việc có hay không yêu cầu nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế như là một điều kiện để tốt nghiệp. Nói cách khác, công bố quốc tế có phải là chỉ dấu đảm bảo chất lượng của một luận án tiến sĩ hay không?
Về mặt truyền thống (tại các nước có nền học thuật phát triển cả ở Mỹ và ở các nước Tây Âu), câu trả lời cho câu hỏi này là: Không. Việc tốt nghiệp hay không có thể hoàn toàn do giáo sư hướng dẫn và hội đồng thẩm định quyết định.
Bản thân các giáo sư từ các trường đại học hàng đầu, để giữ uy tín cá nhân và vì đạo đức nghề nghiệp, chắc chắn cũng không có chuyện “xuề xoà” bỏ qua vấn đề chất lượng mà để lọt tiến sĩ “dỏm”.
Tuy vậy, xu hướng gần đây cho thấy, việc yêu cầu có công bố quốc tế ngày càng trở nên chiếm ưu thế. Việc này bắt nguồn từ một số nguyên nhân sau:
Có thể quy định không bắt buộc nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế nhưng giáo sư hướng dẫn lại có sức ép phải công bố. Vì vậy, các giáo sư ngày nay thường có xu hướng đặt ra quy định riêng với nghiên cứu sinh của mình về số lượng công bố tối thiểu để được tốt nghiệp.
Trong nhiều trường hợp, đề tài tài trợ cho nghiên cứu của nghiên cứu sinh và giáo sư hướng dẫn yêu cầu công bố quốc tế nên nghiên cứu sinh cũng lại có sức ép phải công bố trong quá trình làm luận văn.
Việc làm trong môi trường học thuật ngày càng khó khăn và cạnh tranh cao vì vậy, nhiều nghiên cứu sinh tự muốn có công bố quốc tế nhằm làm đẹp hồ sơ xin việc của mình sau này.
Riêng tại một số trường đại học tại Châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), việc công bố quốc tế ngày nay đã trở thành điều kiện bắt buộc [2].
Điều này lại xuất phát từ một số nguyên nhân:
Với tư cách là “những kẻ đi sau” trong sân chơi giáo dục đại học quốc tế, các nước này có lẽ không tự tin trong việc đưa ra hệ thống đánh giá khoa học theo chuẩn của riêng mình. Vì vậy, để không mất thời gian xây dựng lại, họ áp dụng luôn những tiêu chuẩn đánh giá (dựa vào công bố quốc tế) đang được các nước phương Tây áp dụng như ISI, SCOPUS.
Với đặc thù văn hoá cộng đồng (collectivism) mà trong đó nhiều khi các quan hệ cá nhân lại có sức mạnh chi phối, thậm chí phá vỡ các tiêu chuẩn, quy định chung, việc áp dụng chuẩn của phương Tây sẽ giúp các nước Châu Á mới nổi kể trên tránh được những tiêu cực tiềm ẩn.
Nhà khoa học nói chung và nghiên cứu sinh nói riêng muốn được công nhận thì buộc phải có bài báo khoa học đăng trên những tạp chí quốc tế, theo các chuẩn mực do người phương Tây đã xác định.
Với việc chính phủ từ các nước châu Á kể trên đầu tư mạnh mẽ trong thời gian gần đây nhằm xây dựng thành công các đại học nghiên cứu lọt vào các top 100, 200 tại các bảng xếp hạng đại học trên thế giới (mà một trong các tiêu chí là số lượng bài báo quốc tế), các nhà khoa học nói chung và nghiên cứu sinh nói riêng tại các nước này đang phải chịu sức ép ngày càng tăng trong việc công bố quốc tế càng nhiều càng tốt.
[1] Một số chương trình tiến sĩ nhưng có thiên hướng nghề nghiệp như Doctor of Education hay Doctor of Business Administration (không có từ Philosophy – hàm ý thiên hướng hàn lâm, lý thuyết) nằm ngoài phạm vi bài viết này.
[2] Các nguyên nhân này cũng đã được tác giả nêu trong bài: “Có cần “sống chết” chạy theo bài báo khoa học?” đăng trên Vietnamnet ngày 16/12/2013.
Theo Zing
'Học viện Khoa học Xã hội đào tạo 350 tiến sĩ một năm là ít'
GS.TS Võ Khánh Vinh, Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội khẳng định như vậy liên quan thông tin "lò sản xuất tiến sĩ" đang xôn xao mạng xã hội.
Sáng 22/4, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thông tin với các cơ quan báo chí về "lò sản xuất tiến sĩ".
Mở đầu, GS.TS Võ Khánh Vinh chia sẻ những nội dung về đào tạo cán bộ chất lượng cao của Học viện Khoa học Xã hội (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).
Theo ông Vinh, Học viện Khoa học Xã hội có 20 khoa, đào tạo 36 ngành tiến sĩ. Chỉ tiêu hàng năm của học viện là 350, chia đều cho 36 ngành (mỗi ngành chưa đầy 10 chỉ tiêu). Một số ngành rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước nhưng chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ còn ít.
GS.TS Võ Khánh Vinh - Giám đốc Học viện Khoa học xã hội . Ảnh: Quyên Quyên.
Bên cạnh đó, hàng năm, số ứng tuyển so với số chỉ tiêu thường nhiều gấp đôi, vì vậy học viện có cơ sở tuyển chọn những người tốt nhất.
Cũng theo ông Vinh, quy trình đào tạo tiến sĩ của Học viện Khoa học Xã hội rất chặt chẽ. Ngoài Thông tư 15 theo quy định của Bộ GD&ĐT, Học viện còn trực tiếp cụ thể hóa các quy định tại đơn vị. Việc bảo vệ phải đúng niên hạn, nghiên cứu sinh không làm đúng sẽ gửi trả về, học lại phải đủ 3 năm.
"Đề tài nghiên cứu tốt"
GS.TS Vũ Dũng - Viện trưởng Viện tâm lý học - chủ nhiệm đề tài "Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch UBND xã", khẳng định, đây là đề tài tốt và mang ý nghĩa thực tiễn.
Ông Dũng chia sẻ, không có giao tiếp thì không có con người và xã hội. Trong đó, vấn đề giao tiếp UBND xã có ý nghĩa thực tiễn, khi ở Việt Nam 11.164 đơn vị hành chính cấp xã (11.164 chủ tịch UBND xã). Các tỉnh, thành có nhiều xã nhất là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội...
Theo GS Dũng, lý do nghiên cứu đề tài này bởi xã là cấp chính quyền gần dân nhất. Tên đề tài cũng được sàng lọc rất khắt khe, không thể "vớ vẩn" được.
GS.TS Vũ Dũng nêu quan điểm: Luận án "Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch UBND xã" rất thiết thực khi thời gian gần đây có một số hạn chế của cán bộ cơ sở như quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu... Những hành vi này không thể nói cảm tính mà phải có nghiên cứu thực chứng.
Trước nhận xét của nhiều người cho rằng luận án phải to tát, hoành tráng, ông Dũng nói: "Hai mươi năm trước đã có hàng chục trường ở các nước phát triển nghiên cứu nhiều vấn đề cụ thể như hành vi viết chữ trong nhà vệ sinh, nhổ nước bọt ngoài đường... Đó là những đề tài có tính thực tiễn để nói lên văn hóa".
Tiếp đó, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp - Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ học, người trực tiếp hướng dẫn đề tài "Hành vi nịnh trong tiếng Việt" báo cáo con số cụ thể trong việc đào tạo tiến sĩ của khoa: Năm 2009 có 2 đợt tuyển sinh, với 17 hồ sơ; 12 người đủ điều kiện bảo vệ; trả về vĩnh viễn 4 trường hợp. Năm 2010 tuyển sinh 20, bảo vệ đúng hạn 11, trả về vĩnh viễn 2 người.
GS.TS Nguyễn Văn Hiệp cho rằng, để hiểu hành vi nịnh trong tiếng Việt, cần hiểu lý thuyết hành động ngôn từ (speech act) do J.L. Austin (một nhà triết học ngôn ngữ) khởi xướng vào những năm 50.
Trong đó, có 5 hành vi chính là: Xác tín, cầu khiến, cam kết, tuyên bố, biểu cảm. Hành vi nịnh thuộc biểu cảm. Nịnh của người Việt vừa có cái chung vừa có cái riêng, đồng thời áp dụng thực tiễn trong giao tiếp.
Ông Hiệp khẳng định, luận án "Hành vi nịnh trong tiếng Việt" được thực hiện tốt, ông đang đề nghị người làm đề án này in sách. Đề tài có tác động thực tiễn lớn đối với xã hội, để ngăn trừ nịnh phải biết và hiểu.
"Nếu nghi ngờ chất lượng về đề án này có thể xin nhờ Bộ GĐ&ĐT hậu kiểm, tôi tin kết luận tốt", GS.TS Nguyễn Văn Hiệp nói.
GS.TS Vũ Dũng khẳng định: Đề tài "Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch UBND xã" rất tốt và người thực hiện cũng thành công. Ảnh: Quyên Quyên.
GS.TS Võ Khánh Vinh: Việt Nam quá ít tiến sĩ
Trả lời câu hỏi "có phổ cập tiến sĩ không?", GS.TS Võ Khánh Vinh cho rằng: Hiện nay đang thiếu hụt nhiều tiến sĩ; không thể nhìn vào 350 tiến sĩ một năm để nói nhiều hay ít, mà phải căn cứ tỷ lệ dân số hơn 90 triệu dân. Số tiến sĩ còn quá ít so với khu vực.
Cũng theo ông Vinh, một số lĩnh vực rất mới ở Việt Nam không có nơi nào đào tạo, ngoài Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội. Nếu chỉ nhìn vào một con số để phân tích sẽ có cái nhìn phiến diện. Đến năm 2020, số đào tạo tiến sĩ của học viện có thể lên đến 450 - 500 người, bởi muốn có chất lượng cần đảm bảo yếu tố số lượng.
Trước đó, trả lời báo chí chiều 21/4, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Việc xác định chỉ tiêu, quy trình tổ chức đào tạo, bảo vệ luận án tiến sĩ phải tuân thủ đúng các qui định hiện hành.
Theo bà Phụng, Học viện Khoa học Xã hội là sự hợp thành của 17 viện nghiên cứu, đội ngũ tiến sĩ gồm 380 người, trên 170 giáo sư và phó giáo sư.
Chỉ tiêu đào tạo xác định theo quy định hiện hành là 1 tiến sĩ có thể hướng dẫn cùng lúc 3 nghiên cứu sinh, 1 phó giáo sư hướng dẫn cùng lúc 5 nghiên cứu sinh và 1 giáo sư hướng dẫn cùng lúc 7 nghiên cứu sinh, thì năng lực đào tạo của học viện hoàn toàn đáp ứng được.
Còn về các đề tài nghiên cứu, bà Phụng cho hay, không phải nhà chuyên môn nên không thể nói được có cần thiết hay không.
"Lò sản xuất tiến sĩ" gây xôn xao mạng xã hội
Mấy ngày qua, nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội về thông tin công bố trên website chính thức của Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Theo đó, từ ngày 1/1 đến 11/4, cơ sở này tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cho hơn 50 học viên các ngành Nhân học, Khảo cổ học, Tâm lý học, Ngôn ngữ học...
Có người làm phép tính cơ học và đưa ra kết quả: Trung bình một tháng được gần 20 tiến sĩ, chính xác hơn là 1,76 ngày một tiến sĩ. Nếu tính ngày làm việc, chỉ 1 ngày một tiếng, 15 phút, cơ sở này cho "ra lò" một tiến sĩ.
Không chỉ bất ngờ với tốc độ "sản xuất" của "lò tiến sĩ" này, người dùng Facebook còn bàn tán về những đề tài được cho rằng chưa xứng tầm với luận án tiến sĩ, như: Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch UBND xã, Câu bị động trong Tiếng Anh và các phương thức dịch sang Tiếng Việt, Hành vi nịnh trong tiếng Việt, Địa vị pháp lý của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Hứng thú rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của sinh viên cao đẳng sư phạm, Sự thích ứng với hoạt động dạy học của giáo viên tiểu học mới vào nghề...
Học viện Khoa học xã hội được thành lập theo Quyết định số 35/QĐ-TTg ngày 10/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ, là cơ sở giáo dục, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Học viện có chức năng và nhiệm vụ chính: Đào tạo và cấp văn bằng thạc sĩ và tiến sĩ về khoa học xã hội theo quy định của pháp luật; quản lý thống nhất các hoạt động đào tạo sau đại học của các cơ sở đào tạo thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; Nghiên cứu khoa học; bồi dưỡng chuyên môn về khoa học xã hội, nhân văn cho cán bộ, công chức, viên chức; Tư vấn về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Theo Zing
'Lò sản xuất tiến sĩ' gây xôn xao mạng xã hội Mấy ngày qua, dân mạng chia sẻ thông tin về "lò sản xuất tiến sĩ" với những đề tài nghiên cứu như "Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã". Cụ thể, nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội về thông tin công bố trên website chính thức của Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm...