Đào tạo tại chức vẫn bát nháo: ‘Nồi cơm’ của các trường
Dù đã qua thời hoàng kim, nhưng hệ tại chức vẫn được các trường cố gắng duy trì bởi nhiều lý do, trong đó chủ yếu vì đây chính là nguồn thu không nhỏ.
Một lớp học tại chức
Tuyển tại chức nhiều hơn chính quy!
Thời hoàng kim của đại học (ĐH) tại chức (vừa làm vừa học – VLVH) là giai đoạn 2003 – 2007. Khi đó, có năm quy mô của hệ VLVH chiếm 49,49% tổng quy mô đào tạo ĐH, CĐ của cả nước.
Theo nhiều chuyên gia, đó là hệ quả của chính sách mở cửa, xóa bỏ bao cấp, các trường phải bung ra làm “kế hoạch ba”, nên đào tạo tại chức được xem là nguồn thu rất lớn của các trường. Trước đó, nếu đào tạo tại chức chỉ dành cho người đang đi làm, người học phải qua bình xét nghiêm ngặt tại cơ sở mới được gửi đi học, thì giai đoạn này, tại chức mở rộng đối tượng tuyển sinh. Đầu vào tại chức giờ đây bao gồm cả học sinh mới tốt nghiệp THPT nhưng không đỗ ĐH chính quy và chưa có công ăn việc làm.
Tháng 11.2006, trước những ý kiến đòi hỏi phải siết lại chất lượng của ĐH tại chức, ông Nguyễn Thiện Nhân (khi đó là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) nói thẳng trong một hội thảo về giáo dục ĐH: “Tại chức là “nồi cơm” của các trường, họ đã có từ 40 – 50% khoản thu từ đó, nếu siết lại ngay thì khổ cho các trường nên chỉ cần gióng chuông cảnh báo”.
Nhưng thực tế là sau năm 2006, hệ tại chức không những không bị siết lại mà còn tăng dần đều (cùng với quy mô ĐH chính quy). Đỉnh điểm là năm học 2009 – 2010, hệ ĐH tại chức suýt cán mốc 490.000 sinh viên (SV), bằng 57% quy mô ĐH chính quy, và chiếm 36% so với tổng quy mô. Năm học 2007 – 2008, ĐH Quốc gia Hà Nội có quy mô SV không chính quy là 24.249, trong khi tổng số SV của ĐH lúc đó là 43.062. Tỷ lệ SV không chính quy của ĐH này chiếm 56,3% so với tổng quy mô SV của ĐH.
Bộ GD-ĐT chỉ thực sự giật mình để có thái độ rõ ràng với ĐH tại chức sau khi một loạt địa phương “nói không với tại chức” trong việc tuyển mới nhân sự cho khu vực nhà nước, mà nơi phát tín hiệu đầu tiên là Đà Nẵng, sau đó là Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam, Quảng Bình, Quảng Nam, Nam Định… Từ mùa tuyển sinh 2011, bộ này bắt đầu tuyên bố sẽ siết chặt quản lý đào tạo tại chức.
Video đang HOT
Nhưng đến tận tháng 12.2015, Bộ GD-ĐT mới ban hành được Thông tư 32, trong đó quy định chỉ tiêu tuyển mới hệ VLVH không được vượt quá 30% chỉ tiêu chính quy. Vì thế, năm học 2014 – 2015, nhiều trường vốn có thế mạnh trong thị trường tại chức đã kịp “vét” nốt những lứa cuối cùng người học chưa kịp có bằng ĐH. Chẳng hạn như: Sư phạm Hà Nội tuyển gần 13.400 chỉ tiêu ĐH không chính quy, trong khi chỉ tiêu ĐH chính quy chỉ là 2.120; Viện ĐH Mở Hà Nội tuyển 5.786 chỉ tiêu không chính quy (bao gồm VLVH và đào tạo từ xa), 2.314 chính quy; Kinh tế quốc dân tuyển mới 10.100 chỉ tiêu ĐH không chính quy, trong khi chỉ tiêu ĐH chính quy của trường là 5.795; Sư phạm Hà Nội 2 tuyển 2.881 VLVH, 2.457 chính quy. Trường ĐH Trà Vinh (4.004 VLVH, 3.508 chính quy), Đồng Tháp (2.541 VLVH, 2.147 chính quy), Sư phạm TP.HCM (3.457 VLVH, 3.825 chính quy).
Duy trì để nuôi bộ máy?
Từ năm 2016 trở đi, nhiều trường không thể dùng hết con số 30% mà Thông tư 32 cho phép, đồng thời hàng loạt trường bỏ cuộc không tuyển sinh VLVH nữa.
Trường ĐH Kinh tế quốc dân từng đạt quy mô ĐH VLVH “khủng” nhất nước thời hoàng kim. Năm học 2007 – 2008, trường này có 24.903 SV hệ không chính quy, trong khi đó, tổng số SV của trường là 39.861. Nhưng năm 2017, chỉ tuyển được 1.390 chỉ tiêu sau 7 đợt.
Trao đổi với PV, nhiều cán bộ quản lý đào tạo các trường ĐH có tên tuổi đều cho rằng, đã qua rồi thời kỳ tại chức là “nồi cơm” của các trường ĐH. Thứ nhất là vì phần lớn các trường cũng muốn hướng tới chủ trương phát triển chất lượng, thứ hai vì có muốn tăng chỉ tiêu tuyển sinh cũng không có nguồn mà tuyển.
GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, phân tích: “Hệ VLVH chủ yếu phục vụ 2 đối tượng: người có tuổi cần nâng cao trình độ và các bạn trẻ không có cơ hội học ĐH chính quy. Đối tượng thứ nhất giờ còn lại khá ít, vì trong mười mấy năm tại chức bung ra trước đây, về cơ bản đã giải quyết xong nhu cầu của phần lớn trong số họ. Còn với các bạn trẻ thì mấy năm gần đây, cơ hội học hành rộng mở khi mà ĐH chính quy tuyển năm nào cũng còn đầy chỗ, nên không việc gì họ phải đi học tại chức”.
Một số cán bộ quản lý thì cho biết, sở dĩ phải duy trì đào tạo hình thức VLVH dù chất lượng của nó rất đáng ngại cho tên tuổi của trường, là bởi cần phải “nuôi” bộ máy hành chính cũ. Được biết, phần lớn các trường công lập ở Hà Nội đều có một đơn vị hành chính riêng phục vụ cho đào tạo tại chức, nơi ít thì 15 – 16 người, nơi nhiều 25 – 30 người.
Nhưng nhiều trường, đặc biệt là trường sư phạm, và trường ngoài công lập thì cho rằng, chưa thể xem nhẹ “nồi cơm” tại chức, nhất là khi thị trường vẫn có nhu cầu.
GS Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh công nghệ Hà Nội, cho hay vài năm gần đây, trường mở ngành quản lý nhà nước đào tạo theo hình thức VLVH liên kết với các trung tâm GDTX các tỉnh phía bắc tuyển sinh rất thuận lợi, được khoảng vài ngàn học viên, trong khi tuyển sinh chính quy học ở Hà Nội hiện đang gặp nhiều khó khăn. Vì thế, trường không có lý do gì để không tận dụng cơ hội này.
Theo TNO
Đâu phải lỗi của bằng tại chức!
Dù đầu vào có thể khác nhau nhưng chuẩn đầu ra là duy nhất. Đó là giải pháp đúng đắn để nâng cao chất lượng đào tạo. Do vậy, khi dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến, dư luận phần lớn tán thành.
ảnh minh họa
Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi để lấy ý kiến xã hội. Một trong những điểm mới đáng chú ý là quy định về hình thức đào tạo đại học sẽ đổi thành đào tạo tập trung và không tập trung, chứ không còn là đào tạo chính quy và tại chức như hiện nay.
Cả hai hình thức đào tạo này đều có chung một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên và chuẩn đầu ra. Đồng thời hình thức đào tạo cũng sẽ không được ghi lên văn bằng như quy định hiện tại. Theo Bộ GD&ĐT, quy định này nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nói chung, trong đó có hệ tại chức.
Đào tạo tại chức có thể hiểu là hệ đào tạo dành cho những người đi làm, không có điều kiện học tập trung. Đó là một chủ trương nhân văn, đúng đắn. Nhưng đã từ lâu trong xã hội mặc nhiên thừa nhận bằng tại chức không giá trị như bằng chính quy.
Ví dụ như Đà Nẵng thẳng thừng tuyên bố không tuyển dụng người có bằng đại học tại chức. Đến nay đã có ít nhất bảy địa phương nói không với bằng đại học tại chức. Và mới đây nhất, tỉnh Quảng Ngãi chính thức ra thông báo loại khỏi quy hoạch những cán bộ không có bằng đại học chính quy, kể cả người có bằng thạc sĩ nhưng hệ tại chức.
Nhưng lỗi này không phải do tấm bằng tại chức. Luật Giáo dục và nhiều văn bản dưới luật khác có liên quan đều không phân biệt bằng tại chức với chính quy. Luật Công chức cũng không cấm việc tuyển dụng những người có bằng tại chức.
Vậy nguyên nhân do đâu mà bằng tại chức bị hắt hủi? Nhiều học viên đã từng học qua các lớp tại chức thẳng thắn bày tỏ sự không đồng tình về cách học, cách kiểm tra của lớp tại chức mà họ đang theo học.
Các học viên kể, suốt khóa học khi có thầy từ Hà Nội hoặc TPHCM đến thì tập trung học vội vài tuần, bao nhiêu kiến thức đổ dồn cùng lúc, người học chỉ ngồi nghe đã mệt chứ lấy đâu ra thời gian suy nghĩ, đào sâu. Học thì vậy, thi thì giáo viên tinh gọn lại còn chừng năm, bảy câu - thật không thể gọn hơn. Ấy vậy mà vào phòng thi hầu như ai cũng phải thủ phao, chờ giám thị ngó lơ là chép... Dạy và học như vậy thì làm sao có chất lượng!
Tình hình dạy và thi ở các lớp tại chức lỏng lẻo không còn là hiện tượng cá biệt. Thời gian qua, đã có nhiều cuộc thanh tra, xử lý các hiện tượng tiêu cực ở các lớp tại chức. Nhưng dư luận cho rằng việc xử lý này chỉ giải quyết phần ngọn, còn muốn chấm dứt nó thì phải thay đổi một phương thức đào tạo mới, phù hợp hơn.
Nâng cao chất lượng đào tạo nói chung không chỉ là nhiệm vụ mà còn là mục tiêu của mọi nền giáo dục. Bởi mọi công dân khi được hấp thụ một nền giáo dục đàng hoàng về tri thức và đạo đức thì đất nước mới nhanh chóng phát triển.
Từ khá lâu, ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, dù có các hệ đào tạo khác nhau nhưng tất cả người học đều phải học chung một chuẩn chương trình và phải qua các kỳ thi tương đương nhau.
Ngày trước ở miền Nam trước 1975, tại các trường đại học ghi danh (sinh viên không phải thi đầu vào) như các đại học Khoa học, Văn khoa, Luật khoa..., người có bằng tú tài là có thể ghi danh (như từ "đăng ký" bây giờ), không phân biệt đó là học sinh vừa học xong bậc trung học, anh thư ký của một cơ quan, chị tiểu thương hay quân nhân tại ngũ...
Về phương thức học, sinh viên có thể đến giảng đường hay học hàm thụ (như "từ xa" bây giờ) nhưng việc kiểm tra, thi cử đều hoàn toàn giống nhau, đều một chuẩn đầu ra. Ở bậc trung học cũng vậy, dù học hệ phổ thông hay bổ túc văn hóa thì học xong lớp 12 tất cả đều phải qua kỳ thi chung tú tài.
Tóm lại, dù đầu vào có thể khác nhau nhưng chuẩn đầu ra là duy nhất. Đó là giải pháp đúng đắn để nâng cao chất lượng đào tạo. Do vậy, khi dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến, dư luận phần lớn tán thành. Có nghĩa là từ nay việc thực học, thực dạy phải thực hiện một cách nghiêm túc, công bằng ở mọi nơi, mọi lúc. Xã hội đang trông chờ và kỳ vọng vào sự thay đổi này!
Theo Tinmoi24.vn
Không phân biệt bằng tại chức - bằng chính quy: Kiểm soát thế nào? Theo dự thảo Luật giáo dục ĐH sửa đổi, Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết, tới đây, các trường ĐH sẽ chỉ cấp một loại văn bằng cho tất cả các hình thức đào tạo và không phân biệt hệ tại chức hay chính quy. Đề xuất này khiến nhiều người lo ngại về việc kiểm soát chất lượng đào tạo...