Đào tạo sư phạm: Dành ngân sách tập trung đào tạo giáo viên theo “đặt hàng”
Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiệu trưởng nhiều trường khối ngành sư phạm đề nghị nên dành ngân sách nhà nước để tập trung đào tạo theo “đặt hàng” đúng nhu cầu của các địa phương tại các trường sư phạm có điều kiện tốt nhất.
Hiệu trưởng các trường sư phạm làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
H ệ thống trường sư phạm kỹ thuật có được đặt trong mạng lưới các trường sư phạm ?
Tại buổi làm việc, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật cho biết hiện kinh phí đào tạo sinh viên sư phạm kỹ thuật do ngân sách nhà nước cấp chỉ bằng 1/3 so với thực tế. Giáo viên kỹ thuật không có mã chuyên ngành riêng như ô tô, dệt may, máy công nghiệp… mà chỉ có duy nhất mã ngành sư phạm kỹ thuật công nghiệp, rất chung chung.
Vì vậy, trường đang chuyển hướng đào tạo các sinh viên sau khi có bằng kỹ sư có thể học thêm 1 năm về nghiệp vụ sư phạm, hoặc những sinh viên học ngành sư phạm nhưng tự đóng học phí (khoảng 300 em). Những sinh viên này sau khi tốt nghiệp, ngoài giảng dạy trong trường nghề, nhiều em đang làm việc tại bộ phận đào tạo của các DN lớn.
“Vậy hệ thống sư phạm kỹ thuật có được đặt trong mạng lưới các trường sư phạm hay không? Nên chăng hướng đào tạo giáo viên không chỉ từ các trường sư phạm mà sinh viên tốt nghiệp những ngành khác cũng có thể học thêm về nghiệp vụ sư phạm. Đây là những vấn đề Bộ GD&ĐT cần tiếp thu, xem xét, bổ sung vào Đề án”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt vấn đề.
Dành ngân sách để tập trung đào tạo giáo viên theo “đặt hàng”
Nhiều hiệu trưởng nêu thực trạng nhu cầu giáo viên hàng năm đang thấp hơn 2-3 lần tổng số sinh viên sư phạm được đào tạo vừa gây lãng phí, vừa không bảo đảm chất lượng do kinh phí nhà nước cấp cho 1 sinh viên sư phạm quá thấp. Sinh viên ra trường không xin được việc làm.
PGS.TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng ĐH Sài Gòn nêu quan điểm không thể bao cấp toàn bộ kinh phí đào tạo sư phạm vì làm như vậy mất hẳn tính cạnh tranh, động lực học tập của sinh viên.
Nguyễn Minh Hồng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng, nên dành ngân sách nhà nước để tập trung đào tạo theo “đặt hàng” đúng nhu cầu của các địa phương tại các trường sư phạm có điều kiện tốt nhất.
Số lượng sinh viên ít hơn, học bổng cao, bảo đảm điều kiện việc làm khi tốt nghiệp thì chất lượng đầu vào cũng như chuẩn đầu ra của ngành sư phạm sẽ được nâng lên. Từ đó có thể thu hút cả những sinh viên học sư phạm theo diện tự túc, hoặc những em tốt nghiệp ngành khác bồi dưỡng thêm nghiệp vụ sư phạm để làm việc trong môi trường giáo dục.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, phải căn cứ nhu cầu sử dụng để “đặt hàng” đào tạo sư phạm. Vừa qua, ngành giáo dục TPHCM có nhu cầu 8.000 giáo viên nhưng chỉ tuyển dụng được 2.000 giáo viên, trong đó thiếu rất nhiều về bậc mầm non, tiểu học.
Những môn toán, lý, văn, ngoại ngữ… thì thừa còn những môn về mỹ thuật, kỹ thuật lại thiếu nhiều. “Nếu có cơ chế để địa phương “đặt hàng”, cấp học bổng cho sinh viên sư phạm thì sẽ làm được, và bảo đảm đủ giáo viên cho địa phương”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Các trường sư phạm không được đứng riêng
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định trách nhiệm bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành giáo dục là của Nhà nước. Nguồn ngân sách dành cho đào tạo sư phạm, cả Trung ương và địa phương, cần sử dụng hiệu quả hơn theo cơ chế “đặt hàng”; kết hợp với các chính sách học bổng đa dạng để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu giáo viên của mỗi địa phương.
Ngân sách địa phương bảo đảm bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên cho giáo viên trên địa bàn.
Video đang HOT
Theo Phó Thủ tướng, để nâng cao chất lượng đào tạo, các trường sư phạm lớn phải mở ra, hợp tác, liên kết đào tạo không chỉ sinh viên sư phạm mà đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên các ngành khác, ở trường khác và gắn với đẩy mạnh tự chủ.
“Chúng ta cần hình thành nhóm trường sư phạm lớn, làm hạt nhân, cộng đồng trách nhiệm xây dựng chương trình, hỗ trợ, hướng dẫn các trường sư phạm địa phương trong bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên cho giáo viên trên địa bàn. Cùng với đó, phát triển mạng lưới trường phổ thông thực hành rộng khắp, trước hết ở các trường sư phạm địa phương” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Từ phản ánh khó khăn của các trường sư phạm thể dục- thể thao, mỹ thuật, nghệ thuật…, Phó Thủ tướng đề nghị trong Đề án quy hoạch hệ thống các trường sư phạm Bộ GD&ĐT cần quy định “một nhánh riêng”.
Nhật Hồng
Theo Dân trí
Điểm sàn khối ngành sức khỏe, sư phạm: Yếu tố quyết định là chất lượng chứ không phải nguồn tuyển
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, các ngành được bộ này quy định điểm sàn đều dư nguồn tuyển, dù hệ số dư khác nhau giữa các ngành. Tuy nhiên, yếu tố quyết định điểm sàn là chất lượng chứ không phải là số dư nguồn tuyển.
Bà Phụng cho biết: "Căn cứ chủ yếu để các hội đồng tư vấn của Bộ GD-ĐT giúp Bộ trưởng xác định điểm sàn là yêu cầu về chất lượng đối với nguồn tuyển của các ngành cần quy định điểm sàn và phổ điểm thi của thí sinh (TS). Bên cạnh đó còn tham khảo các yếu tố về chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng TS lựa chọn, điểm ưu tiên... Sau khi có quyết định điểm sàn, chúng tôi cũng được nghe một số ý kiến tỏ ra lo lắng về nguồn tuyển của các trường liên quan khi mà điểm sàn có vẻ cao... Như tôi vừa nói, căn cứ chủ yếu để xác định điểm sàn là yêu cầu về chất lượng đối với nguồn tuyển của ngành sư phạm và sức khỏe, để đảm bảo và nâng cao chất lượng đội ngũ thầy cô giáo, thầy thuốc và cán bộ y tế".
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Ảnh: Quý Hiên
Ngăn chặn một số trường lấy điểm quá thấp
Ngưỡng đảm bảo này sẽ tác động như thế nào tới việc nâng cao chất lượng đào tạo y dược, sư phạm cũng như nguồn tuyển của hai khối ngành này?
Điểm sàn sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng nguồn tuyển, chất lượng đầu vào của các ngành quan trọng là đào tạo thầy cô giáo và đào tạo đội ngũ thầy thuốc, cán bộ y tế - những người có vai trò quyết định tới trí tuệ, thể chất và sức khỏe của các thế hệ trẻ nói riêng và toàn dân tộc nói chung. Đặc biệt là chính sách điểm sàn sẽ ngăn chặn một số trường do thiếu nguồn tuyển nên có thể lấy điểm quá thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực nói chung. Từ việc nâng cao chất lượng đầu vào sẽ tác động đến chất lượng dạy và học, chất lượng đầu ra, đến việc làm của sinh viên tốt nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung, có sức cạnh tranh trong thị trường lao động ngày càng không biên giới.
Thưa bà, số dư nguồn tuyển của các ngành trên là bao nhiêu?
Ở trình độ ĐH, số dư nguồn tuyển của các ngành đào tạo giáo viên khoảng 1,51/1 chỉ tiêu tuyển sinh. Số dư của các ngành khác như sau: y khoa khoảng 1,77; răng hàm mặt 5,08; y học cổ truyền 1,25; dược học 1,29; các ngành điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, dinh dưỡng, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng có số dư là 1,18. Số dư nguồn tuyển chênh lệch giữa các ngành phản ánh tính hấp dẫn và nhu cầu của người học đối với ngành đó. Điều đó cũng chứng tỏ điểm sàn chủ yếu để đáp ứng mục đích đảm bảo yêu cầu chất lượng của các ngành, có tham khảo nhưng không phụ thuộc vào số dư nguồn tuyển.
Sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Không nên đánh đổi chất lượng để lấy số lượng nguồn tuyển
Năm 2019 là năm thứ hai điểm sàn tuyển sinh do trường quyết định, trừ ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe. Bộ có kiểm soát được chất lượng đầu vào của các trường hay không?
Theo quy định của pháp luật, điểm sàn của các trường do các trường tự chủ quyết định nhưng phải đưa vào đề án tuyển sinh và công khai trên cổng thông tin quốc gia của Bộ GD-ĐT để thanh, kiểm tra và xã hội giám sát. Các thông tin này cũng phải khai báo trên trang nghiệp vụ tuyển sinh để phần mềm theo dõi, lọc các TS không đủ điểm sàn ra khỏi nguồn xét tuyển của các trường. Sau khi TS trúng tuyển, các trường phải cập nhật danh sách nhập học lên cơ sở dữ liệu tuyển sinh để thống kê và kiểm tra việc thực hiện các điều kiện xét tuyển. Quy trình trên hoàn toàn có thể kiểm soát được tình hình xác định và thực hiện điểm sàn của các trường.
Thực tế, trong quá trình thực hiện quyền tự chủ, một số ít trường có thể xác địnhđiểm sàn thấp để đảm bảo tuyển đủ chỉ tiêu. Đối với những trường hợp này, chúng tôi đã có trao đổi với lãnh đạo nhà trường những thông tin chung về nguồn tuyển, phổ điểm, đánh giá chất lượng của từng ngưỡng xét tuyển... để khuyến cáo các trường cân nhắc trong việc quyết định chính sách chất lượng của trường mình. Nếu xác định điểm sàn quá thấp cũng đồng nghĩa với việc các trường tự xác định vị thế chất lượng thấp của mình trong hệ thống.
Năm 2018, khoảng hơn 30 trường có ngành lấy điểm sàn đến 13, chủ yếu là các trường tư thục, trường thuộc một số tỉnh ở địa bàn khó khăn và trường đào tạo khối ngành nông lâm, thủy lợi... Điểm sàn thấp đồng nghĩa với chất lượng đầu vào thấp, nhưng không phải tất cả trường lấy điểm sàn thấp đều là những trường kém chất lượng. Nhưng mặt khác, cũng phải xác định giáo dục ĐH là giáo dục bậc cao, dù trong hoàn cảnh nào thì các trường cũng không nên đánh đổi chất lượng để lấy số lượng nguồn tuyển.
Vậy theo bà năm nay điểm sàn ở mức nào sẽ được coi là thấp?
Năm nay, đề thi đáp ứng tiêu chí 60% là kiến thức cơ bản để xét tốt nghiệp phổ thông. Phân tích phổ điểm cho thấy đề có độ phân hóa tốt. Kết quả phân tích dữ liệu điểm thi 2019 cho thấy số thí sinh đạt ngưỡng 13 điểm năm nay là 96%, tương đương với ngưỡng 12 điểm của năm 2018 (cũng đạt 96%). Do vậy, nếu căn cứ vào tỷ lệ TS đạt từng ngưỡng điểm thì trường nào xác định điểm sàn 13 chỉ tương đương với mức 12 điểm của năm 2018.
Ý kiến
Ủng hộ điểm sàn khối ngành sức khỏe
"Trường ủng hộ Bộ GD-ĐT khi Bộ đặt ngưỡng sàn là 21 điểm với ngành y khoa, 20 điểm với dược khoa. Đây là các ngành đào tạo quan trọng, nên đòi hỏi cao về chất lượng tuyển sinh là hợp lý".
GS Vũ Văn Hóa
(Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội)
Có thể yên tâm về chất lượng
"Việc Bộ GD-ĐT đưa ra được ngưỡng đảm bảo chất lượng như năm nay là rất tốt. Nếu so với chỉ tiêu, điểm sàn mà Bộ đặt ra là không cao, nhưng so với "sàn" các ngành khác (chỉ 14 điểm) thì sàn của ngành y dược đã có thể khiến những người quan tâm tới đào tạo y dược yên tâm về chất lượng đầu vào khối ngành này".
GS Nguyễn Hữu Tú
(Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội)
Không ảnh hưởng trường công lập
Điểm sàn các ngành sức khỏe là một cách sàng lọc TS đầu vào và mức điểm này tương đối phù hợp. Mức điểm sàn này với các trường công lập sẽ không ảnh hưởng gì.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi
(Trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Y Dược TP.HCM)
Mức sàn sư phạm là phù hợp
Điểm sàn các ngành của trường đều tăng so với năm ngoái một phần do phổ điểm thi năm nay cao hơn và quan trọng là trường xác định điểm sàn khá sát với điểm chuẩn. Do vậy, ngưỡng điểm tối thiểu Bộ đưa ra ở mức phù hợp với các trường.
Thạc sĩ Lê Phan Quốc
(Phó trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Phương án hợp lý
"Các mức sàn ngành sức khỏe năm nay mà Bộ GD-ĐT đặt ra là phương án hợp lý nhất, vừa đạt yêu cầu ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành y dược, vừa đảm bảo nguồn tuyển so với tổng chỉ tiêu của khối ngành này và chỉ tiêu của trường".
PGS Nguyễn Văn Khải
(Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Hải Phòng)
Mức sàn chung chưa thuyết phục
Một mức sàn chung 18 điểm cho các ngành sư phạm bậc ĐH là chưa thực sự thuyết phục. Bởi lẽ, phổ điểm thi THPT quốc gia năm nay khá chênh lệch ở các tổ hợp môn, đặc biệt là giữa tổ hợp có điểm trung bình cao nhất với tổ hợp có điểm trung bình thấp nhất. Vì vậy, đưa ra một mức chung cho tất cả tổ hợp là chưa phản ánh được sự tương đồng.
Trưởng phòng Đào tạo một trường ĐH có đào tạo ngành giáo viên
Quý Hiên - Hà Ánh (ghi)
Nhiều trường đã công bố điểm sàn
Hôm qua 21.7, một số trường ĐH có đào tạo khối ngành sức khỏe, sư phạm đã công bố mức điểm sàn xét tuyển theo kỳ thi THPT quốc gia.
Trường ĐH Y Dược TP.HCM có 3 mức sàn: cao nhất là 21 điểm, áp dụng cho 3 ngành: y khoa, dược học và răng hàm mặt. Ngành y học cổ truyền xét từ 20 điểm. Các ngành còn lại cùng mức 18 điểm.
Trường ĐH Lạc Hồng công bố điểm sàn ngành dược là 20 điểm.
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng thông qua điểm sàn hôm qua với 3 ngành điểm cao nhất 21 (cao hơn sàn của Bộ GD-ĐT 3 điểm), gồm sư phạm toán, sư phạm hóa và sư phạm tiếng Anh.
Trường ĐH Sài Gòn điểm sàn cao nhất ở các ngành: sư phạm toán học, sư phạm hóa học, sư phạm vật lý và giáo dục mầm non, cùng 20 điểm.
Hà Ánh - Đăng Nguyên
Theo Thanh niên
Để phòng chống bạo lực học đường đạt hiệu quả cao Tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ) ở nước ta đang có nhiều cảnh báo đáng lo ngại. Trách nhiệm của các trường Sư phạm như thế nào trong việc góp phần ngăn ngừa nỗi đau BLHĐ? Làm sao để phòng chống BLHĐ đạt hiệu quả như mong muốn? Báo GD&TĐ đã trao đổi với PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Hiệu trưởng...