Đào tạo sẽ đảm bảo hai chữ “liên thông”?
Lần đầu tiên Bộ GD-ĐT áp dụng việc hệ liên thông chính quy thi chung, xét tuyển chung và đào tạo chung với ĐH, CĐ chính quy.
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Bùi Anh Tuấn – vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – thông tin thêm:
- Với thí sinh muốn học liên thông chính quy mà thời gian tốt nghiệp trình độ đào tạo trước đó chưa đủ 36 tháng phải tham gia kỳ thi ĐH, CĐ chính quy do Bộ GD-ĐT tổ chức hằng năm. Việc xét trúng tuyển của các thí sinh này được thực hiện như thí sinh thi ĐH, CĐ chính quy khác theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy hiện hành, không có sự phân biệt.
Như vậy có thể hiểu thí sinh thi liên thông chính quy sẽ không có gì khác biệt so với thí sinh vừa tốt nghiệp THPT dự thi ĐH, CĐ một cách bình thường, thưa ông?
- Thí sinh dự thi liên thông lên trình độ ĐH chính quy không được cộng điểm ưu tiên nếu không thuộc đối tượng như quy định tại quy chế tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy hoặc hệ vừa làm vừa học hiện hành. Nhưng thí sinh có nhiều quyền lợi trong tuyển sinh hơn trước đây khi không bị giới hạn chỉ liên thông trong cùng ngành mà liên thông vào bất cứ ngành học nào.
Ngoài ra, thí sinh thi liên thông chính quy có thể sử dụng kết quả thi tuyển để đăng ký vào các trường có số điểm tuyển phù hợp trên phạm vi toàn quốc nếu không trúng tuyển tại cơ sở đăng ký trước khi dự thi. Trong hồ sơ đăng ký dự thi năm nay đã có bổ sung ô thi liên thông để các em đánh dấu, nhưng nếu trúng tuyển, các em không muốn học liên thông thì có thể đăng ký học ĐH chính quy bình thường nhưng không được hưởng quyền lợi của SV liên thông.
Sinh viên lớp liên thông CĐ lên ĐH ngành công nghệ thông tin tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). Năm nay trường ngừng tuyển sinh liên thông đối với người tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng – Ảnh: Như Hùng
Không được ưu tiên trong thi tuyển, nhưng quá trình đào tạo chắc chắn người học phải được miễn trừ để bảo đảm giá trị của hai chữ “liên thông”?
- Đúng là trong quá trình đào tạo, các em sẽ được hưởng những quyền lợi cần thiết. Các em được miễn trừ và bảo lưu kết quả học tập đã tích lũy ở giai đoạn trước, rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí đào tạo. Số học phần, số lượng tín chỉ được miễn trừ, bảo lưu do thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định trên cơ sở xem xét đề nghị của hội đồng tuyển sinh đào tạo liên thông. Bộ yêu cầu tất cả các trường có tổ chức đào tạo liên thông chính quy phải tổ chức hội đồng xét liên thông. Thay vì cách miễn trừ hàng loạt để xếp chung tất cả SV liên thông vào một lớp như trước đây, nhà trường sẽ phải xem xét từng trường hợp để có sự miễn trừ cụ thể.
Đặc biệt, nếu trước đây bảng điểm SV liên thông chỉ ghi phần kết quả học tập của liên thông thì từ khóa SV tuyển sinh năm 2013 sẽ được ghi cả kết quả học tập từ trình độ đào tạo trước đó và được tính vào khối lượng miễn trừ. Điều này rất quan trọng cho quá trình xin việc vì hiện nay nhiều trường hợp bảng điểm của SV liên thông chính quy rất đơn giản và thể hiện có ít khối lượng kiến thức được học, có thể gây những e ngại đối với nhà tuyển dụng.
Video đang HOT
Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định chính đối tượng phải thi chung với ĐH chính quy sẽ có nền tảng theo học ĐH chính quy vững vàng hơn những người tốt nghiệp sau 36 tháng dù không thi chung nhưng vẫn phải theo học chung lớp, chung chương trình đào tạo, chung cách thức đánh giá, xét tốt nghiệp… Bộ có những hướng dẫn cụ thể nào hơn đối với các trường trong việc áp dụng học chung hay không?
- Việc học chung, thi tốt nghiệp chung với SV chính quy nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo và giá trị văn bằng được cấp tất nhiên sẽ khiến thí sinh có lực học kém gặp khó khăn. Tuy nhiên, nếu thí sinh đã thi đỗ kỳ thi “ba chung” thì không có khó khăn gì. Người học liên thông chính quy học chung một chương trình với ĐH chính quy nên bộ không hướng dẫn gì thêm. Đối với các cơ sở giáo dục ĐH có thể có thêm các giải pháp để SV theo kịp chương trình như bổ túc hoặc hoàn thiện thêm mặt bằng kiến thức đã học ở trình độ trung cấp hoặc CĐ.
Với thí sinh đã tốt nghiệp sau 36 tháng trình độ trung cấp, CĐ đã đi làm khi dự thi liên thông sẽ có lợi thế về mặt kinh nghiệm tích lũy, về nhận thức. Tuy nhiên, nếu không cố gắng, các em sẽ không dễ dàng khi học chung với các bạn SV hệ chính quy thi đầu vào từ học sinh THPT. Do đó, các em phải cân nhắc kỹ khi lựa chọn việc thi tuyển liên thông chính quy hoặc liên thông vừa làm vừa học. Bộ vẫn có cơ chế mở để các em khi theo học đào tạo liên thông chính quy thấy nặng nề, quá sức có thể chuyển sang hình thức đào tạo vừa làm vừa học phù hợp hơn nếu cơ sở giáo dục ĐH đó chấp nhận.
Nhận định của ông về khả năng trúng tuyển của SV trung cấp nghề, CĐ nghề khi phải thi chung với chính quy để được học liên thông chính quy? Lời khuyên của ông với thí sinh sẽ thi liên thông chính quy năm 2013?
- Khả năng trúng tuyển của SV trung cấp nghề, CĐ nghề khi phải thi chung với chính quy để được học liên thông chính quy không cao. Song đó là con đường duy nhất, bình đẳng nhất trong giáo dục: đầu vào thế nào, đào tạo thế nào thì đầu ra thế đó. Quy định mới đã mở cánh cửa cho tất cả những thí sinh nào muốn học lên trình độ cao hơn, tùy kiến thức, năng lực và kinh tế của bản thân, gia đình.
Theo Ngọc Hà (Tuổi Trẻ)
Siết liên thông gây khó cho người học?
Từ ngày 7/2/2013, quy định mới về đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH vừa được Bộ GD-ĐT công bố sẽ có hiệu lực. Đồng ý với tinh thần siết chặt và nâng chất lượng đào tạo liên thông nhưng theo lãnh đạo một số ĐH, việc SV phải thi ĐH, CĐ như học sinh phổ thông là "vô vọng", khó thực hiện.
Quy định gây khó cho người học
Trong 3 điểm quan trọng của thông tư mới của Bộ GD-ĐT yêu cầu những người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, TCCN, CĐ nghề, CĐ chưa đủ 36 tháng khi thi lên trình độ CĐ hoặc ĐH hệ chính quy phải dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ cùng với học sinh phổ thông.
Nguyễn Hồng, SV vừa tốt nghiệp hệ CĐ Trường ĐH Nội vụ Hà Nội cho biết: "Năm 2009 mình thi vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thiếu 0,5 điểm nên nguyện vọng sang Trường CĐ Nội vụ.
Giờ tốt nghiệp, muốn thi liên thông sang Trường ĐH Lao động Xã hội nhưng nếu phải thi "3 chung" với học sinh phổ thông quả thực rất khó vì 3 năm học CĐ, kiến thức phổ thông rơi rụng gần hết".
Nhiều bạn của Hồng cùng chung tâm trạng lo lắng. Các em hoặc chưa có việc làm, làm trái nghề nên muốn tranh thủ thời gian thi lên liên thông song đành lắc đầu vì quy định phải thi kì thi ĐH,CĐ như học sinh vừa tốt nghiệp lớp 12.
Đồng ý phải chấn chỉnh chất lượng đào tạo liên thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mỏ Địa chất Lê Trọng Thắng bổ sung: "Quy định SV phải đủ thời gian 36 tháng tính từ khi tốt nghiệp đến nộp hồ sơ thi liên thông là quá dài, gây khó cho người muốn học".
Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Điện lực Bùi Đức Hiền thẳng thắn: "Sinh viên gần như vô vọng nếu muốn liên thông lên ĐH ngay sau tốt nghiệp. Hạn chế như vậy chỉ thiệt thòi cho người học".
Cũng theo quy định mới, chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy không vượt quá 20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy hằng năm của cơ sở giáo dục ĐH.
Bản thân ông Hiền, ông Thắng không lo ngại về số chỉ tiêu này bởi các trường khối kĩ thuật lượng SV liên thông lên không nhiều như khối ngành Tài chính-Ngân hàng hay Xã hội nhân văn. SV khối ngành kĩ thuật khi ra trường khả năng đáp ứng yêu cầu công việc cao hơn.
Muốn học liên thông, nhiều SV sẽ phải thi ĐH như học sinh phổ thông (Ảnh minh họa, Ảnh: Văn Chung)
Tuy nhiên thực tế vài năm nay, một số trường khi gặp khó khăn trong việc tuyển sinh, không ít trường ĐH đã phải đề nghị Bộ cho chuyển chỉ tiêu chính quy sang chỉ tiêu liên thông hoặc vừa làm vừa học, sao cho tổng chỉ tiêu điều chỉnh không thay đổi so với chỉ tiêu đã xác định.
Nên để các trường tự chủ
TS Nguyễn Toàn - hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, TP.HCM cho hay: "Bộ GD-ĐT đưa ra các quy định này nhằm kiểm soát chất lượng đào tạo liên thông. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo phụ thuộc cả quá trình đào tạo ở bậc thấp và cao hơn của các trường chứ không phụ thuộc việc thi môn nào, thi cái gì".
Còn phó Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM Phạm Thái Sơn tỏ ra lo ngại năm nay các trường sẽ không tuyển sinh liên thông được do những người đã tốt nghiệp đủ 36 tháng thì đã dự thi liên thông các năm trước, người chưa tốt nghiệp đủ thì khả năng cao không qua nổi kỳ thi ĐH.
Nhiều ý kiến cho rằng thông tư vừa qua của Bộ chỉ là giải pháp tình thế. "Không thể đóng cửa đào tạo liên thông. Bộ cần có quy định tạo điều kiện cho các trường cũng như có giải pháp căn cơ quản lí chất lượng đào tạo liên thông, tại chức hiện nay" - ông Thắng nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng: "Nên để các trường tự chủ trong tuyển sinh và đào tạo, các trường sẽ tự biết điều chỉnh mình để phát triển".
Ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Trung ương Hội khuyến học Việt Nam nêu ý kiến: "Bộ nên siết chặt quản lý đầu ra chứ không nên siết đầu vào như hiện nay".
Trả lại 'mác' cho đào tạo liên thông
Trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng: "Tất cả bất cập trước đây về đào tạo liên thông sẽ được xử lí trong Thông tư mới này như công tác tuyển sinh, đối tượng tuyển sinh, chương trình đào tạo, quản lí chất lượng, chuẩn đầu ra,...
Phải trả lại đúng mục đích của việc dạy và học liên thông, tạo điều kiện cho người có bằng cấp thấp muốn học lên cao, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người học.
Nếu học chính quy người học sẽ được cấp bằng chính quy, bảng điểm cũng đầy đủ các môn và học trình đã học. Làm như vậy người học và nhà tuyển dụng lao động sau này sẽ không có mặc cảm hay phân biệt giữa chính quy với liên thông. Khẩu kiểm soát, xử lí chặt chẽ hơn do đó uy tín của người học cũng được tăng cường".
Vụ trưởng Vụ GD ĐH, Bộ GD-ĐT Bùi Anh Tuấn cho hay: Khảo sát vừa qua của Bộ, chỉ có bảy trường ĐH đáp ứng các yêu cầu về bảo đảm được chất lượng đào tạo liên thông chính quy.
Trên thực tế, có trường muốn đổi chỉ tiêu đào tạo chính quy sang liên thông chính quy. Mặt khác, chỉ tiêu đào tạo liên thông từ trung cấp, CĐ lên ĐH có giới hạn, nhưng nhiều trường liên thông "chui" khiến số liên thông chính quy lên ĐH đang rất cao, gây mất cân đối lớn trong cơ cấu đào tạo.
Theo Văn Chung - Nguyễn Thảo (Vietnamnet)
Quy định mới của Bộ GDĐT khiến sinh viên toát mồ hôi Sinh viên liên thông muốn lên trình độ CĐ hoặc ĐH chính quy phải dự kỳ thi tuyển sinh cùng các em bậc phổ thông với 3 môn, điều này khiến không chỉ học trò mà nhà trường cũng "đau đầu". Từ ngày 7/2/2013, quy định mới về đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH vừa được Bộ GDĐT công bố sẽ...