Đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho ngành văn hóa
Ngày 19/5, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức lễ trao bằng cho 3 tiến sĩ và 134 thạc sĩ, lãnh đạo trường đã khẳng định nơi đây là địa chỉ đào tạo hàng đầu đất nước về nguồn nhân lực trình độ cao của ngành Văn hóa.
Các giảng viên, tân thạc sĩ, tiến sĩ trong lễ nhận bằng dâng hương và hoa báo công tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở khuôn viên Trường ĐH Văn hóa Hà Nội.
Với truyền thống 56 năm (1959 – 2015) xây dựng và phát triển, đến nay Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã trở thành cơ sở đào tạo lớn nhất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) ở cả bậc đại học và sau đại học. Chỉ tính riêng bậc đào tạo sau đại học, hiện Trường đã đào tạo được 1.353 thạc sĩ và 8 tiến sĩ, có 251 thạc sĩ và 73 nghiên cứu sinh đang học. Năm 2014, Trường đã được Bộ Giáo dục và đào tạo chính thức giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ ngành quản lý văn hóa, như vậy Trường ĐH Văn hóa Hà Nội là đơn vị đầu tiên và duy nhất trên cả nước được phép đào tạo cả trình độ thạc sĩ và tiễn sĩ 3 ngành quan trọng trong hoạt động chuyên môn của ngành Văn hóa, đó là: Văn hóa học, Quản lý văn hóa, Thông tin – thư viện. Trường ĐH Văn hóa Hà Nội đã trình Bộ VH, TT và DL Đề án xây dựng Trường trọng điểm quốc gia về Văn hóa nghệ thuật. Thời gian tới, Đề án được phê duyệt sẽ tạo ra một bước tiến mới cho nhà trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho đất nước.
Video đang HOT
Đại diện các tân tiến sĩ khóa 2 và 3, tân thạc sĩ khóa 19 tặng hoa lãnh đạo trường và các giảng viên bày tỏ lòng tri ân.
Phát biểu tại buổi lễ, hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, PGS. TS. Nguyễn Văn Cương cho rằng lễ trao bằng hôm nay là sự kiện ghi dấu mốc quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đáp ứng nhu cầu nâng cao trình độ, làm chủ tri thức, hội nhập để phát triển. Những kiến thức đã học được trang bị một cách hệ thống ở trình độ cao, hy vọng 134 tân thạc sĩ và 3 tiến sĩ sẽ là lực lượng nòng cốt, đầy tiềm năng để giải quyết vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong việc phát triển nền văn hóa Việt Nam.
PGS. TS. Nguyễn Văn Cương, Bí thư Đảng ủy, hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Hà Nội trao bằng tiến sĩ cho các học viên.
Theo lời bà Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng đào tạo sau đại học Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy tại trường là những nhà khoa học có học vị tiến sĩ, đa số có học hàm phó giáo sư, có uy tín chuyên môn và kinh nghiệm công tác thực tiễn ở trong và ngoài cơ sở đào tạo. Học viên cao học, nghiên cứu sinh luôn được cung cấp thông tin mới về lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu cũng như trong hoạt động nghiệp vụ văn hóa. Các môn học trong chương trình đào tạo đều kèm theo đề cương bài giảng do giảng viên phụ trách môn học biên soạn và cung cấp. Giảng viên đã đi sâu nghiên cứu tìm hiểu, cập nhật kiến thức, nhằm giúp học viên và nghiên cứu sinh nắm bắt được những kiến thức mới của từng chuyên ngành, có khả năng giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong chuyên môn.
Các học viên cao học khóa 19 nhận bằng thạc sĩ.
Niềm vui của cả cô lẫn trò nhân ngày nhận bằng.
PGS. TS. Nguyễn Văn Cương khẳng định: Các tân tiến sĩ khóa 2 và 3, thạc sĩ khóa 19 nhận bằng hôm nay đã, đang và sẽ trở thành những cán bộ chuyên môn, những nhà quản lý giỏi. Tấm bằng thạc sĩ và tiến sĩ các học viên nhận được không phải may mắn mà có, đó là thành quả nỗ lực, vượt khó mới có được. Bên cạnh sự nỗ lực phấn đấu của học viên và nghiên cứu sinh, còn phải kể đến những công lao đóng góp của các thế hệ giảng viên, những nhà khoa học của Trường, được coi là then chốt, góp phần quyết định chất lượng đào tạo. Sự nỗ lực cố gắng của cả thầy cô, học trò đã xây dựng lên thương hiệu nhà trường, trở thành điểm đào tạo hàng đầu về lĩnh vực văn hóa cho đất nước.
Theo tin tức