Đào tạo nghề ở Nghệ An: Khó cả ‘lượng’ và ‘chất’
Trong những năm qua Nghệ An đã và đang đồng thời có nhiều giải pháp để khuyến khích việc học nghề cho học sinh phổ thông và học sinh thuộc diện phân luồng.
Mặc dù vậy, việc thu hút học sinh đến các trường nghề vẫn rất khó khăn, đặc biệt số lượng học sinh đăng ký học nghề và chất lượng đào tạo nghề đang là hạn chế của Nghệ An.
Chỉ học nghề “miễn phí”
Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Nghi Lộc năm nay có 200 chỉ tiêu tuyển sinh hệ trung cấp. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này trường chỉ tuyển sinh được 140 chỉ tiêu. Số lượng chỉ tiêu năm 2020 cũng thấp hơn năm trước 50 em. Việc không tuyển đủ chỉ tiêu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, giáo viên nhà trường bởi việc cấp ngân sách hoạt động phụ thuộc vào số lượng tuyển sinh hàng năm.
Học sinh phân luồng tham gia học nghề tại Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Bắc Nghệ An. Ảnh: MH
Ông Lương Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Dù Nghi Lộc là địa bàn khá rộng nhưng việc tuyển sinh không thuận lợi bởi nằm cạnh nhiều trường dạy nghề có quy mô của tỉnh. Trong đó, nếu học sinh ở những xã ven thành phố, thường sẽ có xu hướng học nghề ở Vinh.
Ngược lại, học sinh ở vùng Nghi Xuân, Nghi Thái thường sẽ chọn học trường nghề ở thị xã Cửa Lò. Nguồn tuyển sinh hiện nay của trường thường tập trung ở vùng Nghi Văn, Nghi Yên, Nghi Kiều và một số xã giáp huyện Diễn Châu. Tuy nhiên, những xã này lại nằm khá xa nhà trường, chưa có tuyến xe buýt nên học sinh thường e ngại khi phải đi học xa…”.
Đại diện nhà trường cũng thừa nhận việc tiếp cận giữa trường nghề và các trường học trên địa bàn chưa được thường xuyên nên hàng năm chưa rà soát và nắm bắt đầy đủ số học sinh phân luồng, số học sinh có nhu cầu học nghề. Ngay như số học sinh đang học tại Trung tâm GDTX của huyện cũng không mặn mà với việc học nghề tại trường, dù rằng khoảng cách giữa 2 đơn vị là khá gần.
Tại Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Bắc Nghệ An đến thời điểm này việc tuyển sinh vào các lớp trung cấp đã cơ bản hoàn thành. Để đạt được chỉ tiêu đã khó nhưng để giữ chân được học trò đã khó hơn. Hiện, theo tổng hợp của nhà trường, mỗi năm có gần 20 học viên học nghề đã bỏ học với các lý do như chán học, bị rủ rê đi làm hoặc không định hướng được công việc rõ ràng dù đã học nghề.
Ngoài ra việc tuyển sinh cũng chỉ thực hiện được với những học sinh được miễn phí học nghề; còn lại dù mỗi năm nhà trường chỉ có khoảng 40 chỉ tiêu “kinh phí tự túc” nhưng gần như chưa năm nào tuyển sinh được học sinh. Ông Nguyễn Nhật Quang – Trưởng phòng đào tạo của nhà trường cũng cho rằng: “Thường để tuyển một học sinh học nghề chúng tôi phải mở rộng địa bàn lên đến huyện Đô Lương.
Trong quá trình tuyển sinh, giáo viên phải đến nhà học sinh từ 4 – 5 lần mới có thể tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Tuy nhiên, khi các em đã chán học thì việc vận động quay trở lại rất khó khăn. Bất cập hiện nay là nhiều phụ huynh chưa có nhận thức được việc học nghề nên không định hướng được cho con về nghề nghiệp. Do đó, có rất nhiều trường hợp, các em nhập học xong chúng tôi phải tiếp tục tư vấn, giới thiệu các ngành nghề để các em lựa chọn”.
Video đang HOT
Lớp học may của Trường Trung cấp DTNT Nghệ An. Ảnh: MH
Ở các huyện miền núi, việc tuyển sinh học nghề hiện cũng rất khó khăn, dù rằng các giáo viên đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động học sinh tới trường. Ông Bùi Hoàng Báu – Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX huyện Quỳ Châu cho biết: “Từ hơn hai năm nay chúng tôi phối hợp với Trường Trung cấp Kinh tế – Công nghiệp – Thủ công nghiệp tuyển sinh hệ trung cấp đối với học sinh thuộc diện phân luồng và học sinh đang học THPT trên địa bàn.
Thế nhưng, phương án này chỉ nhận được sự hưởng ứng của học sinh đang học tại Trường THPT Quỳ Châu với hình thức vừa học nghề, vừa học văn hóa. Còn lại, dù mỗi năm qua, khảo sát của chúng tôi năm nào Quỳ Châu cũng có hàng trăm học sinh học hết lớp 9 là nghỉ nhưng vẫn không tuyển sinh được. Hiện toàn trung tâm chỉ có 33 học sinh của ba khối 10, 11, 12. Như năm nay, huyện Quỳ Châu có khoảng 850 học sinh tốt nghiệp THCS. Trong số này chỉ có khoảng 600 học sinh học lên lớp 10, 250 học sinh còn lại chúng tôi đến nhà tất cả các em nhưng cuối cùng năm vừa rồi chỉ tuyển được 5 em lên học hệ GDTX và vận động đi học nghề trung cấp”.
Trên địa bàn tỉnh hiện 65 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với 9 trường cao đẳng, 14 trường trung cấp, 20 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 22 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong số này có 3 trường được Chính phủ lựa chọn đầu tư xây dựng trường chất lượng cao, 16 trường được Bộ Lao động – TB và XH lựa chọn đầu tư ngành nghề trọng điểm theo các cấp độ, với 13 nghề cấp độ Quốc tế, 9 nghề cấp độ Khu vực Asean, 36 nghề cấp độ Quốc gia.
Để khuyến khích đào tạo nghề, mỗi năm Nghệ An trích hàng chục tỷ đồng để cấp kinh phí cho các chỉ tiêu đào tạo. Riêng năm 2020, đã cấp kinh phí để đào tạo nghề cho hơn 11.000 chỉ tiêu với hơn 1.700 chỉ tiêu trình độ cao đẳng, gần 5000 chỉ tiêu trình độ trung cấp và hơn 4.600 chỉ tiêu trình độ sơ cấp. Ngoài ra, tỉnh cũng đặt hơn 3.100 chỉ tiêu cho các nhà trường đào tạo tự túc kinh phí.
“Lượng” nhiều nhưng “chất” chưa đảm bảo
Mỗi năm nguồn tuyển sinh đào tạo nghề của Nghệ An khá lớn khi có gần 20% học sinh THCS được phân luồng đi học nghề (với khoảng 8000 học sinh lớp 9). Cùng với đó, Nghệ An có gần 40% học sinh THPT không đăng ký tuyển sinh vào đại học (gần 10.000 học sinh lớp 12).
Tuy vậy, những năm qua, chỉ một số trường nghề làm khá tốt công tác tuyển sinh. Một phần nguyên nhân là các trường hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của người học, đặc biệt là về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và nhất là đội ngũ giáo viên.
Những học sinh vừa học hệ GDTX vừa tham gia học nghề tại Trung tâm GDNN – GDTX huyện Quỳ Châu. Ảnh: Đức Anh
Tại Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An, dù hiện nay trường có gần 500 học sinh đang học 4 ngành nghề là Điện dân dụng, Hàn, Thú y và May thời trang nhưng số giáo viên chỉ đáp ứng được khoảng 70%, nhiều ngành nghề trường phải thuê giáo viên thính giảng từ các trường khác về để đào tạo.
Ở Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Nghi Lộc, vài năm trở lại đây số lượng tuyển sinh đang ngày một giảm có một phần nguyên nhân lớn từ giáo viên. Cụ thể, dù hiện tại trường có 12 lớp học nghề ở 7 ngành, nghề với khoảng 400 học sinh nhưng đội ngũ giáo viên của trường chỉ có 7 người, trong đó nghề động lực sửa chữa ô tô có 3 giáo viên, nghề hàn có 1 giáo viên và nghề điện có 3 giáo viên.
Do thiếu giáo viên nên hiện nay, trường đang phải thuê giáo viên thỉnh giảng từ các trường khác. Vì không đủ giáo viên nên hiện nay toàn bộ nhân viên nhà trường đều phải “đôn” lên để làm chủ nhiệm lớp, thậm chí có người cùng lúc chủ nhiệm đến 2 lớp.
Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề của doanh nghiệp khá lớn. Tuy nhiên, nhiều học sinh vẫn thích đi làm thay vì đi học nghề. Ảnh: MH
Cá biệt hơn, Trung tâm GDNN – GDTX huyện Quế Phong dù đã sáp nhập được gần 3 năm và cùng thực hiện chức năng dạy văn hóa và dạy nghề nhưng hiện nay không có bất cứ một giáo viên dạy nghề nào. Vài năm trở lại đây, dù trung tâm có kế hoạch phối hợp tuyển sinh hệ trung cấp nghề nhưng việc triển khai gặp nhiều khó khăn và không khả thi.
Ông Hoàng Sỹ Tuyến – Trưởng phòng Đào tạo nghề – Sở Lao động Thương binh và xã hội cũng cho biết: Hiện chất lượng lao động sau đào tạo của một số ngành nghề chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh, dịch vụ của doanh nghiệp và thị trường sử dụng lao động. Bên cạnh đó, năng lực đào tạo của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, nhất là cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo còn thiếu, không đồng bộ, lạc hậu….
Ngoài ra, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp còn thiếu, cơ cấu chưa phù hợp đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo ở các trường nghề. Mặt khác, cơ cấu ngành nghề giữa các trường còn chồng chéo, bố trí chưa hợp lý, chỉ tập trung vào một số nghề trọng điểm. Do đó, dẫn đến tình trạng mất cân đối trong quá trình tuyển sinh “cạnh tranh không lành mạnh” giữa các trường nghề.
Hiện tỷ lệ lao động có tay nghề ở Nghệ An chỉ mới đạt 65%. Ảnh: MH
Đồng thời, sự phối hợp, gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp chưa chặt chẽ, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức rõ quyền và trách nhiệm trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt, quyền lợi giữa lao động có tay nghề và chưa có tay nghề đang được “đánh đồng” trong việc chi trả lương ở nhiều đơn vị khiến nhiều lao động không mặn mà với việc học nghề.
Hơn 450 học sinh dân tộc thiểu số Nghệ An nô nức dự lễ khai giảng năm học mới
Ngày 17/11, Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An tổ chức Lễ khai giảng năm học 2020 - 2021 và Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Tham dự lễ khai giảng có các đồng chí: Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Hồ Thị Châu Loan - Phó Giám đốc Sở LĐ,TB Nguyễn Đình Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Con Cuông cùng các học sinh và giáo viên nhà trường.
Tại buổi lễ, học sinh nhà trường đã trình diễn nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc vùng miền Tây xứ Nghệ. Ảnh: Thanh Nga
Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An là 1 trong 18 trường chuyên biệt của cả nước về đào tạo nghề cho đối tượng người dân tộc thiểu số; trường được lựa chọn là Trường nghề trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025 theo Quyết định số 1769/QĐ-LĐTB & XH ngày 25/11/2019 của Bộ LĐ,TB&XH.
Trường có 193 em dân tộc Thái, 132 em dân tộc Khơ mú, 96 em dân tộc Mông, 02 em Ơ đu, 11 em người Đan Lai, 04 em dân tộc Poọng. Ảnh: Thanh Nga
Năm 2019 - 2020 là năm học có nhiều biến động khó khăn, khi dịch Covid-19 xảy ra, khuôn viên nhà trường được trưng dụng làm địa điểm cách ly tập trung cho 250 lao động trở về từ Lào, việc đào tạo bị gián đoạn, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp giảm... Tuy vậy, năm học vừa qua, toàn trường đã đào tạo 25 lớp trung cấp với 867 học sinh.
Trong đó, học sinh được xếp loại giỏi và xuất sắc chiếm 5,6%. Đặc biệt, trong năm học vừa qua Trường tổ chức thi tốt nghiệp và cấp bằng cho 305 học sinh, đồng thời giới thiệu việc làm ngay cho tất cả 305 học sinh vừa tốt nghiệp. Trong đó, nghề may có 146 học sinh, nghề Hàn 55 học sinh, Điện có 104 học sinh, được đi làm ngay tại các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn tỉnh.
Trong năm học 2020 - 2021, nhà trường tuyển sinh được 406 học sinh đạt 100% kế hoạch, trong đó học sinh dân tộc thiểu số 438 em, chiếm 95,2%, với các ngành nghề như may, điện, hàn...
Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Đào Trọng Độ phát biểu tại lễ khai giảng. Ảnh: Thanh Nga
Phát biểu tại Lễ khai giảng, ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp biểu dương thành tích trong giáo dục, đào tạo nghề của Trường, Vụ trưởng mong muốn trong năm học tới thầy và trò nhà trường tiếp tục phát huy những thành tích đạt được để tiến tới xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho tỉnh.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Vụ trưởng Đào Trọng Độ và Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Hồ Thị Châu Loan trao Bằng khen cho Hiệu trưởng Lê Văn Tuấn. Ảnh: Thanh Nga
Qua đó, xây dựng mối quan hệ liên doanh, liên kết chặt chẽ, có tính chiến lược lâu dài với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh để đào tạo theo đơn đặt hàng và tạo điều kiện cho người học được thực tập nghề và bố trí việc làm ngay sau đào tạo; đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, của doanh nghiệp và xã hội.
Lãnh đạo huyện Con Cuông chúc mừng nhà trường. Ảnh: Thanh Nga
Nhà trường cũng cần tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; chuẩn hóa chương trình giáo trình; đổi mới phương pháp dạy học; tăng cường mở rộng nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế... Xây dựng trường xứng đáng là trường trọng điểm quốc gia, 1 trong 18 trường chuyên biệt của cả nước về đào tạo nghề cho đối tượng người dân tộc thiểu số.
Cũng tại Lễ khai giảng, Hiệu trưởng nhà trường được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Thầy giáo Nguyễn Văn Vỹ được Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH tặng Bằng khen; Tập thể nhà trường được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích trong công tác giáo dục và đào tạo nghề; 10 học sinh được Hiệu trưởng nhà trường trao phần thưởng vì có thành tích trong học tập và rèn luyện trong năm học 2019 - 2020.
Hải Phòng: Khởi động Cuộc thi Vô địch Tiếng Anh lần thứ 7 Sáng 21.10, Sở Ngoại vụ Hải Phòng tổ chức phát động Cuộc thi Vô địch Tiếng Anh lần thứ 7 - Hải Phòng 2020 với chủ đề "Chung tay xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch quốc tế". Sở Ngoại vụ Hải Phòng - Tập đoàn Havina ký hợp tác, phối hợp tổ chức cuộc thi Vô địch tiếng Anh...