Đào tạo ngành Logistics tại TP Hồ Chí Minh: Mô hình giáo dục nghề nghiệp có sự dẫn dắt của doanh nghiệp làm trung tâm
Chương trình Úc cùng Việt Nam Phát triển Nguồn nhân lực ( Chương trình Aus4skills) thuộc chuỗi Chương trình Hợp tác Phát triển Australia – Việt Nam, với mục tiêu hỗ trợ và nâng cao năng lực, kiến thức lẫn kĩ năng của nguồn nhân lực Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở LĐ – TB&XH TP HCM
Tháng 12/2017, chính phủ Australia hợp tác cùng chính phủ Việt Nam thành lập Ban tư vấn đào tạo ngành Logistics nhằm thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục.
Liên quan đến mục tiêu, lộ trình thực hiện mô hình giáo dục nghề nghiệp có sự dẫn dắt của doanh nghiệp làm trung tâm trong ngành Logistics, ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ thông tin với báo GD&TĐ.
* Xin ông cho biết thông qua các con số cụ thể và tại các hội chợ việc làm do Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh tổ chức, ông có đánh giá như thế nào về nhu cầu lao động Logistics tại TP Hồ Chí Minh hiện nay?
- Hiện nay ở TP HCM có khoảng 40 bến cảng, 88 cầu cảng, tổng nguồn nhân lực của TP Hồ Chí Minh về nhu cầu nguồn nhân lực để phục vụ cho ngành Logistics là gần 350.000 người. Trong khi đó, với 2 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp đào tạo ngành Logistics, số lượng sinh viên ra trường khoảng 2.600 sinh viên/năm. Ngoài ra còn có 2 doanh nghiệp cũng có đào tạo về Logistics.
Theo dự báo, nếu hàng năm tăng từ 7,5 – 10%, tính đến năm 2020, nhu cầu nhân lực ngành Logistics ở TP HCM cần khoảng 170.000 – 180.000 lao động. Cho thấy nguồn cung từ các trường trường còn rất ít so với nhu cầu ngành Logistics.
Với góc độ là người quản lý giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP HCM, qua Chương trình Aus4skills, chúng tôi đang triển khai ở các hệ thống trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn nếu có khả năng thì họ sẽ mở ngành cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực Logistics trong giai đoạn 2018 – 2020. Hiện có 2 trường đang làm thủ tục xin phép ở Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) để mở ngành Logistics.
Sinh viên Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi trong giờ học
Video đang HOT
* Được biết, nếu nói về thiếu nguồn nhân lực thì có rất nhiều ngành thiếu. Vậy đâu là lý do khiến Sở LĐ-TB&XH TP HCM lựa chọn ngành Logistics để thực hiện mô hình giáo dục nghề nghiệp có sự dẫn dắt của doanh nghiệp làm trung tâm? Và TP HCM đặt mục tiêu cụ thể như thế nào khi mình triển khai mô hình này?
- Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp nghe báo cáo về lĩnh vực Logistics cho Việt Nam. Trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, ngành Logistics được đặc biệt quan tâm phát triển.
Hiện tổng số doanh nghiệp làm về ngành Logistics ở Việt Nam là hơn 3.000, trong đó TP HCM chiếm khoảng 10 – 15% con số này, cho thấy tốc độ phát triển vận tải Logistics ở TP HCM rất cao, theo đó, nhu cầu đòi hỏi nguồn nhân lực đáp ứng cho ngành này theo hướng phục vụ cho cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cần phải được quan tâm đặc biệt.
TP HCM chú trọng công tác chuẩn bị chương trình, giáo trình, giáo án, tuyển sinh quảng bá và đặc biệt quan tâm phối hợp với các doanh nghiệp trong ngành Logistics để dự báo nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ những năm kế tiếp làm cơ sở để đào tạo theo nhu cầu đặt hàng của các doanh nghiệp Logistics trên địa bàn thành phố cùng các tỉnh thành lân cận.
* Được biết mỗi doanh nghiệp đều có yêu cầu khi tham gia vào mô hình này, hướng tới đào tạo theo nhu cầu của từng doanh nghiệp chứ không chỉ riêng về mặt số lượng. TP HCM triển khai như thế nào để đáp ứng được nhu cầu này của doanh nghiệp?
- Hiện nay chủ trương của công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP HCM nói chung là liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp, không riêng ngành Logistics. Rất nhiều ngành nghề chúng tôi chủ trương học lý thuyết chiếm khoảng 30 – 40%, 60 – 70% gắn kết với doanh nghiệp để sinh viên khi ra trường tiếp cận được với công việc, làm việc được ngay. Đó là chủ trương chung trong giáo dục nghề nghiệp trong năm nay và những năm tiếp theo.
Đối với ngành Logistics chúng tôi đặt nặng việc này bởi đây là ngành đặc thù. Việc học của các sinh viên và tiếp cận công việc thực tế ở các bến cảng, công ty vận tải… đòi hỏi phải có kiến thức thực tế mới đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Ngoài trang bị lý thuyết cơ bản hiểu biết về ngành Logistics, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới kỹ năng làm việc trong ngành Logistics. Bên cạnh đó, chúng tôi đào tạo thêm các kỹ năng mềm như an toàn lao động, ngoại ngữ, các hệ thống thiết bị về CNTT để phục vụ cho việc đáp ứng hiện đại hóa các doanh nghiệp để đầu tư cho ngành Logistics trong thời gian tới đây.
Chúng tôi sẽ đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phục vụ hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế xã hội của TP HCM nói chung, trong đó có ngành Logistics. Việc đầu tư tập trung phát triển các chương trình theo hướng ưu tiên đào tạo cho ngành Logistics là hướng trọng tâm mà chúng tôi tập trung làm từ nay đến năm 2020 và những năm về sau – Ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Hồ Chí Minh
PV
Theo giaoducthoidai.vn
Tham vấn, tư vấn học đường - khoảng trống nhân lực
Một hạn chế lớn trong thực tiễn triển khai công tác tham vấn - tư vấn học đường thời gian qua chính là nguồn nhân lực có đủ trình độ và kỹ năng.
Ảnh minh họa/internet
Vấn đề này được đưa ra tại hội thảo "Đào tạo chuyên gia tham vấn học đường trong bối cảnh 4.0" do Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) tổ chức hôm nay (23/4).
GS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) dẫn số liệu khảo sát của Bộ GD&ĐT tại Hà Nội và Hải Dương cho thấy: khoảng 80% học sinh có những vướng mắc cần chia sẻ và mong muốn có một không gian riêng tư ở trong Trường để nói ra và tìm giải pháp cho những vấn đề của bản thân.
Nghiên cứu dịch tễ trên 7 tính phía Bắc của cán bộ Trường ĐH Giáo dục cũng cho thấy khoảng 20% các em học sinh có tổn thương sức khỏe tâm thần tới mức phải can thiệp trị liệu.
Thực trạng xã hội cho thấy để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, chúng ta phải tập trung chăm sóc đời sống và sức khỏe tinh thần cho HSSV để giảm thiểu những khó khăn tâm lý, phát huy tối đa tiềm năng cá nhân người học.
Bộ GD&ĐT đã có nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến nội dung này; gần đây nhất là Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT "Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông" có hiệu lực từ ngày 2/2/2018.
Tuy nhiên, một hạn chế lớn trong thực tiễn triển khai công tác tham vấn - tư vấn học đường thời gian qua chính là nguồn nhân lực có đủ trình độ và kỹ năng.
Ông Bùi Văn Linh phát biểu tại hội thảo
Theo GS Nguyễn Quý Thanh, cho tới hiện tại, hầu hết các nhà trường chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác tham vấn tâm lý.
Đội ngũ làm công tác tham vấn tâm lý trong nhà trường chủ yếu là giảng viên một số chuyên ngành như Luật, Tâm lý, Ngữ văn, Giáo dục công dân; một số khác là giáo viên dạy Lịch sử và Địa lí hay cán bộ chuyên trách tại các phòng ban như phòng Công tác HSSV, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên tham gia.
Mặc dầu hàng năm đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm công tác tham vấn tâm lý đều được tập huấn nâng cao trình độ nhưng nội dung tài liệu tập huấn còn chưa chuẩn hóa, cán bộ tập huấn không phải là chuyên gia tham vấn học đường có nhiều kinh nghiệm thực tế làm hạn chế năng lực tham vấn tư vấn trên thực tế của đội ngũ này.
"Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội thời gian qua, bên cạnh tham gia xây dựng và góp ý phản biện các văn bản chính sách có liên quan, đã hoàn thành việc xây dựng chương trình thạc sĩ Tham vấn học đường theo định hướng nghiên cứu (được ĐHQGHN phê duyệt và triển khai đào tạo thử nghiệm) và chương trình Thạc sĩ Tham vấn học đường theo định hướng ứng dụng (đang chờ phê duyệt).
Nhà trường cũng đang triển khai xây dựng Bộ tài liệu tập huấn theo Khung chương trình Bồi dưỡng năng lực Tư vấn học đường cho giáo viên phổ thông do Bộ GD&ĐT sẵn sàng tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên" - GS Nguyễn Quý Thanh cho hay.
Nhấn mạnh yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu các nhà trường, trung tâm tư vấn tâm lý tại cộng đồng, ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên - cho biết: Trong thời gian tới, yêu cầu 100% các giáo viên tham gia tư vấn tâm lý được bồi dưỡng chương trình chuẩn do Bộ GD&ĐT qui định.
Các trường đào tạo tâm lý giáo dục có trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp chuyên gia, nghiên cứu tham mưu các chính sách khác; nghiên cứu thành lập các trung tâm tư vấn tâm lý tại cộng đồng để xử lý các ca nặng.
"Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng Thông tư qui định bộ quy tắc ứng xử; chỉ đạo tập huấn cốt cán phụ trách công tác tư vấn tâm lý tại các địa phương; các Sở GD&ĐT sẽ tổ chức các lớp tập huấn để cấp chứng chỉ cho giáo viên trực tiếp làm công tác tư vấn tâm lý" - ông Bùi Văn Linh chia sẻ.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu giáo dục, những nhà thực hành tham vấn học đường chia sẻ những cơ hội và thách thức đối với công tác đào tạo và phát triển nghề từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam; tham khảo các mô hình tham vấn học đường chuyên nghiệp từ các trường quốc tế và trong nước.
Điều kiện thực tiễn để triển khai đào tạo chuyên gia tham vấn học đường trong bối cảnh CMCN 4.0, các chiến lược phát triển ngành tham vấn học đường ở Việt nam học tập từ kinh nghiệm thế giới, điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo tham vấn học đường ở Việt Nam cũng như đảm bảo chất lượng hành nghề của các chuyên gia tham vấn học đường trong bối cảnh hiện nay cũng được các đại biểu tập trung thảo luận.
Hải Bình
Theo giaoducthoidai.vn
Sinh viên thực tập ngành Logistics được hưởng lương từ 25 - 30 triệu/tháng Một đoàn sinh viên ngành Logistics của trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải vừa sang Nhật Bản thực tập tại doanh nghiệp và được hưởng lương 25 - 30 triệu đồng/tháng. Trường Đại học Công nghệ GTVT đã tổ chức Lễ tiễn đoàn sinh viên ngành Logistics sang Nhật Bản thực tập hưởng lương. Trường Đại học Công nghệ GTVT là...